Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Những tiến bộ sản xuất lúa lai trên thế giới

CÂY LƯƠNG THỰC. Nguyễn Phước Tuyên 2011. Những tiến bộ sản xuất lúa lai trên thế giới (Bài tổng hợp). Lúa lai là kỹ thuật chìa khóa để gia tăng năng suất, sản lượng lúa Trung Quốc là nước phát triển lúa lai nhất thế giới. Đến năm 2010, diện tích lúa lai Trung Quốc lên 20 triệu ha, chiếm 70% diện tích canh tác lúa của Trung Quốc, đã góp phần đưa năng suất lúa từ 4,24 tấn/ha của năm 1979 lên 6,58 tấn/ha năm 2009, trong khi năng suất lúa trung bình của thế giới chỉ có 4,32 tấn/ha (FAOSTAT, 2011), Diện tích lúa lai của các nước ngoài Trung Quốc trên 3 triệu ha, trong đó Việt Nam khoảng 600.000 ha, chủ yếu trồng ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Các dòng lai giữa Indica và Japonia đều cho năng suất trên 9 tấn/ha. Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã lai tạo ra Việt Lai 20 vào năm 2004 đã được công nhận là giống quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay, có nhiều giống lúa lai khác được ra đời như TH3-3, TH5-1, TH 3-4 và Việt Lai 24, những giống này cũng đã được công nhận là giống quốc gia và đang được sản xuất trên diện tích hàng chục nghìn héc-ta là những thành công ban đầu của canh tác tự lai tạo và sản xuất hạt giống lúa lai tại Việt Nam.


NHỮNG TIẾN BỘ SẢN XUẤT LÚA LAI TÊN THẾ GIỚI


ThS. Nguyễn Phước Tuyên
Sở Nông nghiệp - PTNT Đồng Tháp

Hội nghị lúa lai tổ chức tại Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI với 38 tổ chức tư nhân và chính phủ năm 2008, đến năm 2010, con số này phát triển lên 47 tổ chức với mục tiêu tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu tư nhân và nhà nước trong phát triển kỹ thuật lúa lai. Kỹ thuật này là chìa khóa để gia tăng năng suất sản lượng lúa từ thập niên 1970, đến năm 2008 diện tích trồng lúa lai trên thế giới lên đến 20 triệu ha, trong đó có 3 triệu ha ở những nước ngoài Trung Quốc.

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI đã hợp tác với các cơ quan nghiên cứu trong việc tìm nguồn hỗ trợ tài chính, vật liệu lai tạo, phổ biến các giống mới. Nghiên cứu lúa lai bắt đầu ở các cơ quan nghiên cứu để tìm các nguyên lý cơ bản khoa học, giải quyết các trở ngại trong kỹ thuật, kinh tế và chính sách hỗ trợ. Với sự tiến bộ kỹ thuật, các công ty tư nhân ngày càng tham gia tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển lúa lai, đầu tư ngày càng nhiều trong việc kinh doanh hạt giống lúa lai. Việc chuyển dịch từ nghiên cứu kinh điển sang thương mại cần thiết có sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ phận nhà nước và tư nhân để không ngừng cải tiến và thương mại hóa lúa lai cho nông dân. Các công ty giống của bộ phận tư nhân đã có tiến bộ đáng kể trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiếp thị hạt giống trên diện rộng, là những lĩnh vực là IRRI và các cơ quan nghiên cứu không thể vươn tới. Những cơ quan này tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tổ chức đánh giá các cặp lai, phát triển quỹ gien, phát triển kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất. Kết hợp 2 thế mạnh của bộ phận nhà nước và tư nhân sẽ giúp cho lúa lai phát triển ngày càng bền vững

Hiện nay Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI tập trung vào lĩnh vực
- Đẩy mạnh nghiên cứu các dòng lai chuyên biệt như tăng năng suất và tính ổn định năng suất của ruộng giống. Tăng tính chống chịu điều kiện khắc nghiệt và chất lượng hạt gạo.
- Tăng cường nguồn vật liệu lai, gửi đánh giá cũng như nhận thông tin phản hối từ nguồn đa dạng di truyền của các nước trong mạng lưới đánh giá quốc tế
- Xây dựng hệ thống thông tin tốt hơn, bao gồm các kỹ thuật canh tác để phát huy hết tiềm năng năng suất, đánh giá các cặp/giống lai, áp dụng công nghệ sinh học và các rb- kỹ thuật di truyền về lúa

Trong các năm qua, những thành viên của Hiệp hội phát triển lúa lai quốc tế họp lệ thường niên tại IRRI. Họ thảo luận và thống nhất giải quyết những trở ngại trong phát triển lúa lai, những trở ngại trong bộ phận nhà nước và tư nhân để tạo cơ chế hợp tác bền vững

Trung Quốc là nước phát triển lúa lai nhất thế giới. Đến năm 2010, diện tích lúa lai Trung Quốc lên 20 triệu ha, chiếm 70% diện tích canh tác lúa, đến năm 2005 đã đưa ra 210 giống lúa lai, đã góp phần đưa năng suất lúa của Trung Quốc từ 4,32 tấn/ha của năm 1979 lên 6,58 tấn/ha năm 2009, trong khi năng suất lúa trung bình của thế giới chỉ có 3,74 tấn/ha (FAOSTAT 2011).

Để đạt thành tựu trên, họ xây dựng lúa lai dựa trên 3 giai đoạn
- Giai đoạn 1970-1995: giai đoạn phát triển lúa lai 3, sử dụng giống bất dục đực từ dòng lúa hoang Oryzae rufipogon. Giống này phát triển trên diện tích 12,4 triệu ha và đạt năng suất 6,9 tấn/ha
- Giai đoạn 1996-2000: Phát triển giống giống lúa lai kép bằng cách phun hóa chất gây bất dục đực lên cây mẹ (chemical hybridizing agents CHAs). Giống lai kép phát triển diện tích 2,8 triệu ha, năng suất đạt 10,25 tấn/ha. cao hơn giống lai ba 20%. Trong cùng thời gian khởi động chương trình siêu lúa lai
- Giai đoạn 2001-2006 Phát triển chương trình siêu lúa lai bộ kỹ thuật lai đơn. Những giống lúa lai này cho năng suất 12,5 tấn/ha trên diện rộng. Trên diện hẹp có cặp lai P64S/E32 cho năng suất kỷ lục 17,1 tấn/ha.



Hình 1 Giống siêu lúa lai ở Trung Quốc cho năng suất trên 12 tấn/ha

- Giai đoạn 2007-2015: Tiếp tục chương trình siêu lúa lai với mục tiêu đạt năng suất 13,5 tấn/ha trên diện rộng, trên diện hẹp tạo ra giống lai có năng suất 24 tấn/ha
Để đạt mục tiêu trên các nhà di truyền lúa Trung Quốc tập trung
- Cải thiện kiểu hình lúa bằng cách tạo giống lúa có phiến là dày, thăng để tăng hiệu suất quang hợp. Thân cứng, chống đổ ngã.Bông dài, to, mang nhiều hạt để mỗi bông nặng ít nhất 6g, với mật độ 250 bông/m2 sẽ có tiềm năng 18 tấn/ha
- Tăng mức độ ưu thế lai bằng cách lai chéo giữa các dòng lúa khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ưu thế lai theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là: indica/japonica > indica/javanica >japonica/javanica> indica/indica > japonica/japonica. Như vậy lấy giống lúa Oryzae indica làm mẹ tiếp nhận phấn lúa của giống Oryzae japonica sẽ phát huy ưu thế lai tối đa, nâng hiệu sớm tích lũy chất khô trên 90g/ngày, số hạt/cây trên 3.200 hạt, tăng tỷ lệ hạt chắt.
- Áp dụng các thành tựu của công nghệ sinh học như kỹ thuật nuôi cấy túi phấn, marker phân tữ để tăng chất lượng hạt gạo và tính kháng sâu bệnh


Hình 2: Cải thiện dạng hình siêu lúa lai để cho năng suất trên 17 tấn/ha (hình đầu trang)

Với sự trợ giúp của quốc tế, diện tích lúa lai Việt Nam 600.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, năng suất 6,0-6,3 tấn/ha, cao hơn giống lúa thuần. Các dòng lai giữa Indica và Japonia đều cho năng suất trên 9 tấn/ha (bảng 1)

Bảng 1: Năng suất của một số dòng siêu lúa lai có triển vọng tại tỉnh Hà Tây, vụ xuân năm 2008 (Nguyễn Trí Hoan 2009)



Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã lai tạo ra Việt Lai 20 vào năm 2004 đã được công nhận là giống quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay, có nhiều giống lúa lai khác được ra đời như TH3-3, TH5-1, TH 3-4 và Việt Lai 24, những giống này cũng đã được công nhận là giống quốc gia và đang được sản xuất trên diện tích hàng chục nghìn héc-ta là những thành công ban đầu của canh tác tự lai tạo và sản xuất hạt giống lúa lai tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
- L. P. Yuan 2009. Progress in Breeding of Super Hybrid Rice. IRRI
- Nguyễn Trí Hoan 2009. Progress in research and development of hybrid rice in Vietnam. IRRI
- Nguyễn Văn Ngưu 2009. Ensuring food security in the 21st century with hybrid rice: issues and challenges. IRRI
- Cheng S-H, Cao L-Y, Zhuang J-Y, Wu W-M, Yang S-H, Zhan X-D 2009 Breeding strategy of hybrid rice in China. IRRI

Nguồn: Nguyễn Phước Tuyên 2011. Những tiến bộ sản xuất lúa lai trên thế giới. Trong sách: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia 2011. Sản xuất và cung ứng lúa giống các tỉnh phía Nam. Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp lần thứ 5. PGS.TS. Mai Thành Phụng (chủ biên), Ths. Phạm Văn Tình, KS. Vũ Tiết Sơn. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, trang 53-56. Hoàng Long biên tập mạng và post tại các trang NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC, CÂY LƯƠNG THỰC, FOOD CROPS theo bản email trực tiếp từ PGS.TS. Mai Thành Phụng

CÂY LÚA VIỆT NAM LỜI GIỚI THIỆU

PGS.TS. Bùi Bá Bổng
Thứ trường Bộ Nông nghiệp và PTNT


Lúa là cây trồng cổ truyền của Việt Nam và là cây trồng quan trọng nhất hiện nay vì diện tích gieo trồng lúa chiếm đến 61% diện tích trồng trọt cả nước và 80% nông dân Viêt Nam là nông dân trồng lúa. Gạo là lương thực thiết yếu hàng đầu của người Việt Nam vì 100% của dân số 87 triệu người không ai không ăn gạo hàng ngày từ người thu nhập thấp đến người thu nhập cao, từ nông thôn đến thành thị.

Chính vì tầm quan trọng của lúa gạo, thời gian qua Chính phủ Việt Nam luôn luôn đặt phát triển lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp và đã có những đầu tư thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, nhờ vậy chỉ trong vòng 30 năm đã biến nhiều vùng đất khó khăn trở thành những vùng đất trồng lúa trù phú cho đất nước, mà điển hình nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ và khuyến nông đối với cây lúa và các chính sách hỗ trợ nông dân. Nhìn lại 20 năm qua, sản xuất lúa ở Việt Nam đã có những tựu đặc biệt ấn tượng, mà dấu mốc lịch sử là năm 1989, khi Việt Nam, một nước thiếu lương thực lần đầu xuất hiện là nước xuất khẩu gạo với số lượng lến đến 1 triệu tấn và sau đó, từ 1990 đến 2010 sản lượng lúa từ 19 triệu tấn tăng lên 40 triệu tấn, xuất khẩu gạo từ 1,6 triệu tấn tăng lên 6,7 triệu tấn, trong bối cảnh diện tích đất lúa năm 2010 đã giảm 380.000 ha nếu so với năm 2000. Năng suất lúa bình quân toàn quốc đã tăng từ 3,18 tấn/ha năm 1990 lên 5,3 tấn/ha năm 2010. Từ năm 2002 đến nay, năng suất lúa bình quân của Việt Nam luôn dẫn đầu các nước ASEAN và ít nhất trên nửa triệu ha năng suất lúa Việt Nam đạt trên 7 tấn/ha trong vụ Đông Xuân là mức năng suất lúa tiên tiến của thế giới hiện nay.

Những thành tích nêu trên là có thật, nhưng chúng ta không thể không day dứt vì những lẽ nông dân trồng lúa chưa có thu nhập tương xứng do những hạn chế trong phát triển sự liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu của ngành lúa gạo nước ta và trong chuỗi giá trị lúa gạo người nông dân ở thế thiệt thòi nhất, do cơ sở hạ tầng phục vụ sau thu hoạch, tồn trữ, chế biến lúa gạo còn nhiều yếu kém dẫn đến chất lượng gạo thấp, giá gạo xuất khẩu thấp.

Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo nước ta đang bước vào thời kỳ có nhiều thử thách mới, trong đó có các thử thách nội sinh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các thử thách mang tính thời đại như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Những năm gần đây, diện tích đất lúa nước ta giảm rất nhanh do nhu cầu sử dụng làm khu công nghiệp, giao thông, nhà ở, v.v. hoặc chuyển sang làm vuờn cây, nuôi trồng thủy sản. Trong vòng 10 năm từ 2000 đến 2009 diện tích đất lúa đã giảm 380 nghìn ha. Diện tích lúa còn tiếp tục giảm theo tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp, an ninh lương thực lâu dài của đất nước sẽ bị đe dọa khi dân số nước ta mỗi năm tăng trên 1 triệu người. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu các vùng sinh thái vùng trồng lúa sẽ mất cân bằng nghiêm trọng khi nguồn nước cho canh tác trở nên ít hơn, hạn hán, lũ lụt nhiều hơn, xâm nhập mặn sâu hơn, mật độ bộc phát dịch sâu bệnh hại lúa cao hơn, v.v.

Trước các thử thách nêu trên, ngành lúa gạo Việt Nam phải có những đổi thay lớn để tạo ra bước phát triển mới cho giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Trong bối cảnh này, cuốn sách Cây Lúa Việt Nam - tập III do GS. TS. AHLĐ Nguyễn Văn Luật chủ biên được phát hành tiếp theo tập I và tập II; đây là một bộ sách cung cấp các tư liệu và thông tin rất bổ ích về lúa gạo Việt Nam được biên tập rất công phu và nghiêm túc. Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến quý độc giả.

Hà Nội, tháng 8 năm 2011
PGS.TS. Bùi Bá Bổng

Cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu 2011 ở Nam Bộ

CÂY LƯƠNG THỰC. Theo Nguyễn Quốc Lý, Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm Cây trồng Nam Bộ, Cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu ở Nam Bộ đã được đề xuất tại Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp lần thứ 5 – 2011 chuyên đề Sản xuất và cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam. Trên cơ sở những đề xuất này , kết hợp với thực tiễn sản xuất của mỗi địa phương để xác định cơ cấu giống gồm 4-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 4-5 giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không vượt quá 20% diện tích trên địa bàn. Để từng bước xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, các tỉnh cần rà soát quy hoạch những vùng sản xuất lúa đặc sản hoặc cao sản chất lượng cao với quy mô rộng (hàng ngàn ha) theo quy trình VietGap trên cơ sở có sự tham gia hoặc đặt hàng của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Một yếu tố quan trọng để cơ cấu giống được thực hiện và phát huy hiệu quả là tiếp tục tăng cường củng cố và đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp của cả hệ thống chính quy và nông hộ.

CƠ CẤU GIỐNG LÚA VỤ HÈ THU 2011 Ở NAM BỘ

Nguyễn Quốc Lý
Trung tâm KKN Giống, Sản phẩm Cây trồng Nam Bộ

1. Đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2010/ 2011
Trong vụ Đông Xuân 2010/ 2011 dịch rầy nâu, vàng lùn, LXL – tác nhân gây hại lớn nhất tới sản xuất lúa trong gần 5 năm qua, đã cơ bản được quản lý trên phạm vi toàn Nam Bộ; đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: sự chỉ đạo bằng các giải pháp đồng bộ và liên tục của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương, sự chuyển đổi tích cực về cơ cấu giống theo hướng tăng cường tỷ lệ giống kháng sâu bệnh hại, việc nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa nguyên chủng và xác nhận, và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp quản lý dịch hại ... Trong vụ Đông Xuân 2010/ 2011 cơ cấu giống lúa ở Nam Bộ về cơ bản đã được áp dụng theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cơ sở đảm bảo thực hiện cơ cấu giống theo khuyến cáo là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống sản xuất giống lúa các cấp trong toàn vùng; tỷ lệ giống xác nhận (của hệ thống chính quy và hệ thống nông hộ) đạt 30-60% tùy theo địa phương. Các giống lúa chủ lực được áp dụng trong vụ ĐX 2010/ 2011 bao gồm: IR50404, OM2517, VNĐ95-20, Jasmine 85, OM576, OM2514, OM2717, OM4218, OMCS2000, ML48, VD20... Ngoài ra trong vụ ĐX2010/ 2011 một số giống lúa mới được Bộ NN&PTNT công nhận cũng có sự phát triển nhanh chóng trong sản xuất như: OM4218, OM6162, OM6161, OM4900, OM6561...

Công tác chọn tạo phát triển giống lúa mới cũng đạt kết quả đáng ghi nhận từ các đơn vị chọn tạo giống, đặc biệt từ Viện Lúa ĐBSCL. Qua khảo nghiệm và sản xuất thử đã xác định được nhiều giống lúa triển vọng trong vùng. Ở thời điểm hiện tại các giống lúa OM6377, OM5981, OMCS2009, OM6071, OM5629, OM6600, OM6877, OM5954, OM4101, OM6072, OM5451, OM5464, OM8923, OM6976 đang được Cục Trồng trọt thẩm định để công nhận chính thức; các giống OM3995, OM4488, OM5166, OM5953, OM6677, OM6877, OM7347, OM7348, OM7364, OM7398, OM7926, OM8223, OM8928 được xem xét công nhận cho sản xuất thử. Bộ giống lúa triển vọng mới cũng rất phong phú và đa dạng; đây là cơ sở quan trọng để xây dựng cơ cấu giống lúa cân bằng và chủ động trong vùng.

Ngoài những kết quả trên, trong vụ ĐX2010/ 2011 đã ghi nhận dịch bệnh đạo ôn xảy ra trên diện rộng, đây là hệ quả tất yếu do phần lớn các giống lúa chủ lực ở Nam Bộ có phản ứng hơi nhiễm – nhiễm bệnh đạo ôn; sự xâm nhập mặn cuối vụ gây hại đáng kể cho sản xuất lúa ở vùng ven biển; nhóm giống lúa chống chịu tốt với phèn mặn và hạn hán còn hạn chế; sự ”sốt giống” vẫn còn xẩy ra trong vùng.

2. Đề xuất cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu 2011
Để sử dụng tốt nhất nguồn giống lúa hiện có, cần xây dựng cơ cấu giống lúa cân bằng cả về khía cạnh chất lượng và chống chịu điều kiện khó khăn và sâu bệnh hại. Trong điều kiện thu hoạch vụ ĐX2010/ 2011 được mùa, được giá và thuận lợi về thị trường, khả năng phát triển đột biến trở lại giống IR50404 trong vụ Hè Thu 2011 là thực tế. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất và thị trường, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ cơ cấu giống lúa IR50404 trong vụ Hè Thu theo các khuyến cáo trước đây. Diện tích giống IR50404 không vượt quá 20-25% cơ cấu giống từng vùng. Cần mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày chất lượng tốt đã được công nhận chính thức hoặc cho sản xuất thử như OM4900, OM6162, OM6677, OM6561, OM4218, OM6976... kết hợp với duy trì tỷ lệ hợp lý giống lúa OM 2514 và OM1490. Trong điều kiện vụ Hè Thu, không mở rộng qúa cao diện tích giống Jasmine 85 và VD20; ngòai ra cũng cần chú ý đến mức độ chống chịu bệnh khô vằn và điều kiện khó khăn như đổ ngã, hạn và xâm nhập mặn đầu vụ …

Căn cứ vào thực tiễn sản xuất từ các địa phương và kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử trong năm 2009-2010, các nhóm giống cho sản xuất vụ Hè Thu 2011 được tổng hợp như sau:

Nhóm giống lúa chủ lực (diện tích trên 30.000 ha/ vụ): IR50404, OM2517, OM4218, OM4900, VNĐ95-20, Jasmine 85, OM576, OM2514, OM2717, OMCS2000, OM6162, ML48.

Nhóm giống bổ sung (diện tich từ 10.000-30.000 ha/ vụ): OM3536, AS996, OM4498, OM2718, OM6561, VĐ20, ST5, OM1490, OM5199, OM5472, OM4088, OM8923, TNĐB100, OM5451, OM4488, OM7347, , MTL653, OM5976, OM6706, OM4101, B-TE1 (lúa lai), nếp OM85, Nàng Hoa 9 (lúa thơm), OM6976...

Nhóm giống lúa triển vọng (dưới 10.000 ha/ vụ): OM6677, OM9922, OM6916, MNR2, OM8108, OM8928, OM8104, OM5756, OM7262, MTL547, OM7364, OM8232, OM10041, OM6904, PHB71, OM7230, OM5886...

Các giống lúa chống chịu phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM2517, ST5, OM6976, OM2488, OM2818, OM6379, OM6677, OM5199ĐB, OM576, OM5472, OM6561, OM1490, B-TE1, OM5464, OM5166, OM5629...

Nhóm giống lúa thơm-đặc sản: Jasmine 85, VĐ20, ST5, OM3536, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9, nếp OM85...

Nhóm giống cao sản chất lượng cao cho xuất khẩu: OM3536, OM2517, VND95-20, OM2717, OMCS2000, OM6162, OM4900, OM4218...

Cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ cho vụ Hè Thu 2011 được đề xuất như sau:

1. Vùng bán đảo Cà Mau: ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn.
 Giống chủ lực: OM2517, OM576, OMCS2000, OM6162, OM4900, OM2717, OM6161, IR50404...
 Giống bổ sung: OM5472, Jasmine 85, VND95-20, ST5, OM6561, OM7347, OM4488, lúa lai B-TE1...
 Giống triển vọng: OM6976, OM4688, OM5451, OM6377, OM8923, lúa lai PHB71...

2. Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao
 Giống chủ lực: IR50404, OM2517, OM4498, OM4218, OM4900, OM6162, OM5472...
 Giống bổ sung: OM2717, OM1490, OM576, AS996, OM3536, Jasmine 85, OM5451, OM6976...
 Giống triển vọng: OM8923, OM10041, MNR2, OM6677, OM8108, OM6916, MTL547, OM7364...

3. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao:
 Giống chủ lực: OM4900, OM6162, Jasmine 85, OM4218, OM5472, OM2517, OM2514, VNĐ95-20, IR50404...
 Giống bổ sung: OM6976, OM2717, AS996, Nàng Hoa 9, TNĐB100, OM6561, OM6162, VD20, OM576, nếp OM85...
 Giống triển vọng: OM8923, OM7347, OM6677, OM5451, OM10041, OM6916, OM6932, OM6904, PHB71...

4. Vùng Đồng Tháp Mười: ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá
 Giống chủ lực: IR50404, OM2517, VNĐ95-20, OM4218, OMCS2000, OM3536, OM6561, OM4900, OM6162...
 Giống bổ sung: OM6976, OM576, MTL499, OM2514, OM4498, OM5472, VD20, OM7347, Jasmine 85...
 Giống triển vọng: OM8928, OM5756, OM9922, OM6916, OM8923, MTL547, OM7262...

5. Vùng ven biển Nam Bộ: ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn
 Giống chủ lực: IR50404, OM2517, OM576, AS996, OM6162, OM6561, OM5472, OMCS2000...
 Giống bổ sung: OM3536, OM4498, ST5, OM4900, Jasmine 85, OM7347, OM1325 (Nhóm B), B-TE1, Một bụi đỏ...
 Giống triển vọng: OM8923, OM6976, OM6677, OM8928, OM8108, OM8104...

6. Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ:
 Giống chủ lực: VNĐ95-20, OM4900, OMCS2000, OM6162, IR59606 (OMCS94), ML48...
 Giống bổ sung: OM4218, OM6976, OM3536, OM4498, OM4900, OM5451, OM6162, TH6, TH4, IR64 ...
 Giống triển vọng: OM6916, OM8923, OM7262, OM8018, OM10041, MTL547, MNR2...

7. Các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa):
 Giống chủ lực: ML48, TH6, TH41, ML202...
 Giống bổ sung: ML214, OM4900, OM6162, OM59606...
 Giống triển vọng: OM6976, OM 7262, MTL 547, MNR 2, OM 6677, OM 8232...




Trên cơ sở đề xuất trên, kết hợp với thực tiễn sản xuất mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 4-5 giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không vượt quá 20% diện tích trên địa bàn. Để từng bước xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, các tỉnh cần rà soát quy hoạch những vùng sản xuất lúa đặc sản hoặc cao sản chất lượng cao với quy mô rộng (hàng ngàn ha) theo quy trình VietGap trên cơ sở có sự tham gia hoặc đặt hàng của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Một yếu tố quan trọng để cơ cấu giống được thực hiện và phát huy hiệu quả là tiếp tục tăng cường củng cố và đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp của cả hệ thống chính quy và nông hộ.

Nguyễn Quốc Lý

Cỏ dại và biện pháp phòng trừ

Cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trồng trọt đặc biệt là trồng lúa. Bởi cỏ dại gây những tác động không tốt cho cây trồng. Hiểu biết rõ về cỏ dại, nhà nông sẽ quản lý tốt cây trồng bằng những biện pháp phòng trừ cỏ dại thích hợp, có hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí trong sản xuất.Cỏ dại có rất nhiều loài với nhiều đặc tính rất khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn có những đặc điểm giống nhau. Dựa vào những đặc tính này, chúng ta có thể phân loại cỏ dại theo nhiều cách ( phân theo chu kỳ sinh trưởng, theo địa hình, theo hình thái và theo các khoá phân loại thực vật,v.v…)
1. Phân loại theo chu kỳ sinh trưởng: Theo cách phân loại này ta thấy có hai nhóm cỏ: cỏ hằng niên và cỏ đa niên.
- Cỏ hằng niên: là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.

- Cỏ đa niên: là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.

2. Phân loại theo hình thái: Theo kiểu phân loại hình thái, ta có cỏ lá hẹp (còn gọi là cỏ một lá mầm) và cỏ lá rộng (còn gọi là cỏ hai lá mầm)

- Cỏ một lá mầm có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.

- Cỏ hai lá mầm thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.

3. Phân loại theo đặc điểm hệ thực vật (cỏ được phân chia thành ba nhóm):

- Nhóm cỏ hoà bản: cỏ có bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân: Thường tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.
Nhóm cỏ chác lác: lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn óc.

- Nhóm cỏ lá rộng: lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau.
TÁC HẠI CỦA CỎ DẠI:
1. Làm giảm năng suất và phẩm chất của cây trồng: do có bộ rễ phát triển rất mạnh, phần lớn được phân bố ở lớp đất mặt nên dễ dàng cạnh tranh với cây trồng về dinh dưỡng, ánh sáng và nước làm cho cây trồng không đủ điều kiện sinh sống nên sinh trưởng và phát triển kém, cho năng suất thấp, phẩm chất nông sản giảm. 2. Là ký chủ của sâu bệnh: Các cây cỏ dại cùng họ có những đặc điểm giống cây trồng là những ký chủ phụ rất tốt cho sâu bệnh. 3. Làm tăng chi phí sản xuất: như tốn công làm cỏ, diệt cỏ bằng hoá chất …
PHÒNG TRỪ CỎ DẠI:
a. Biện pháp phòng: - Không để cỏ tạo hạt trên ruộng - Sử dụng giống không lẩn hạt cỏ- Vệ sinh nông cụ sạch cỏ trước khi sử dụng- Dùng phân hửu cơ đã oai ủ.- Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng.b. Biện pháp trừ:- Có thể nhổ cỏ bằng tay, làm đất, sử dụng nước thích hợp vaø dùng thuốc hoá học. Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác.
PHÂN LOẠI THUỐC TRỪ CỎ
- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: tức phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được một lá, loại thuốc này phải phun sớm sau khi sạ lúa khoảng 1-3 ngày, cần trang bằng mặt ruộng và đất đủ ẩm. Sau phun vài ngày cho nước vào ruộng (1-3 ngày), không để ruộng khô sau khi phun thuốc. Một số loại trên thị trường như: Venus 300EC, Bebu 30WP…
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá (cỏ có từ 2-7 lá tương ứng với lúa sạ được 7-20 ngày ). Loại thuốc này được lá cỏ hấp thu vào bên trong, do đó khi sử dụng, ruộng phải tháo cạn nước để lá cỏ tiếp xúc được với thuốc. Phun thuốc xong 1-3 ngày cho nước vào ruộng (không để nước ngập ngọn lúa) và giử mực nước trong ruộng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của lúa ( Pyanchor 3EC sử dụng khi lúa được 7-20 ngày sau sạ , Pyanplus 6EC từ 10-14 ngày sau sạ…)
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm : tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá nhưng còn nhỏ (cỏ có từ 1- 3lá ) tương ứng lúa 3-7 ngày sau sạ. Sử dụng thuốc loại này rất có hiệu quả vì được cỏ hấp thu vừa qua lá vừa qua rễ. Loại sản phẩm này, có thể phun hoặc trộn với đất, phân bón để rải vào ruộng có nước xăm xấp (Star 10WP…) Trên đây là một số thông tin về cỏ dại và cách phòng trừ , hy vọng bà con nông dân có thể nắm bắt và ứng dụng trên ruộng nhà đạt kết quả.
Chúc quý bà con đạt mùa lúa bội thu, được giá.
Ths. Ký Văn Ngọt (SPC)

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Một xã thu gần 10 tỷ đồng từ nhãn chín muộn

Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay chúng tôi về xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khi bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ nhãn muộn thắng lợi.

Nhãn chín khắp các vườn nhà trong thôn, nhãn khoe sắc vàng trên những tán cây xanh dọc theo con đê quanh làng, nhãn được đóng thùng xốp để xếp lên các xe tải cỡ lớn chờ vận chuyển đi vào các tỉnh phía trong...

Hỏi về giống nhãn quí của quê hương, anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhân của cây nhãn tổ gần 100 năm tuổi hiện vẫn còn xanh tốt, hàng năm cho thu hoạch hàng tạ quả tự hào cho biết: Đại Thành là một xã vùng quê thuần nông nằm ven bờ con sông Đáy có giống nhãn chín muộn ngon nổi tiếng. Đây là giống bản địa được phát hiện từ lâu đời ở xã, được gìn giữ qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Giống cho quả to, cùi dày, ăn ngọt và thơm.

Quả bắt đầu chín và cho thu hoạch từ cuối tháng 8 cho tới giữa tháng 9, được đưa ra thị trường vào lúc các giống nhãn khác đã hết nên được nhiều người ưa chuộng tìm mua với giá cao gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ (từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg tùy theo thời điểm) nên đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Mới đây Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và chính quyền xã Đại Thành tổ chức hội thi để chọn ra giống nhãn quí làm thương hiệu cho vùng quê này. Kết quả, 10 hộ gia đình có giống nhãn chín muộn lọt vào vòng chung kết được chọn làm những cây đầu dòng để cung cấp nguồn giống cho nhân dân trong xã và nhiều địa phương khác mở rộng diện tích trong thời gian tới. Riêng cây nhãn tổ của gia đình anh giành giải nhất.

Đến nay anh Thành đã có 2ha trồng giống nhãn chín muộn được nhân giống từ cây nhãn tổ này, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán mắt ghép, bán cây giống và bán quả.

“Từ hiệu quả kinh tế của giống cây đặc sản này mục tiêu trong 2 năm 2010-2011 của Đại Thành là sẽ phủ xanh toàn bộ diện tích đất vườn bằng cây nhãn muộn để tạo ra vùng sinh thái trong lòng Thủ đô phục vụ khách du lịch và xây dựng thương hiệu để tiến tới tham gia xuất khẩu”, ông Trần Hữu Hinh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Hinh cho biết: Nhờ giống nhãn chín muộn này mà trong những năm gần đây nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát được cảnh đói nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có. Giống quả đặc sản này cũng đã được nhân rộng ở nhiều địa phương các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Chủ trương của huyện Quốc Oai (Hà Nội) cũng dành 2.000ha đất vùng bãi để phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, trong đó ưu tiên nhân rộng diện tích các giống nhãn chín muộn. Hiện cả xã có hơn 70ha trồng giống nhãn chín muộn chủ yếu nằm trong các hộ gia đình cho hiệu quả kinh tế cao từ 130 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã hiện có gần 70ha nhãn chín muộn, dự kiến cho thu hoạch khoảng 700 tấn quả. Với giá bán bình quân từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg thì người dân Đại Thành sẽ có nguồn thu trên 10 tỷ đồng từ cây nhãn muộn.

Năm 2010 toàn xã trồng mới thêm được gần 23ha, kế hoạch từ nay đến cuối năm xã sẽ chuyển đổi tiếp 26ha đất xấu vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống chín muộn góp phần bổ sung vào cơ cấu giống rải vụ thu hoạch nhằm giảm áp lực nhân công, tránh được hiện tượng được mùa rớt giá và tăng thêm thu nhập cho nông dân một cách thiết thực.

Trồng lúa "1 phải 5 giảm", lợi nhuận cao

“1 phải 5 giảm” Tức là phải sử dụng giống xác nhận để SX lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận.

[http://agriviet.com]

Nông dân tham quan mô hình 1 phải 5 giảm do Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư Trà Vinh thực hiện trong vụ lúa hè thu 2011

Đã đến lúc người trồng lúa cần xác định phương châm “1 phải 5 giảm”. Tức là phải sử dụng giống xác nhận để SX lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thanh Long, Tổ trưởng tổ SX lúa ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cù (Trà Vinh) cùng với 19 nông dân trong ấp đang ứng dụng phương pháp trồng lúa “1 phải 5 giảm”, cho biết: Từ phương pháp “3 giảm, 3 tăng” nâng lên “1 phải 5 giảm” rất thuận lợi cho nông dân. Theo đó, khâu giảm nước, giảm công thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch đã góp phần cho nhà nông thu lợi rất lớn mà từ lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước kia, cứ thấy mặt ruộng vừa khô là bơm nước vào, còn bây giờ áp dụng phương pháp đặt ống nước để theo dõi, khi nào thấy nước xuống thấp hơn mặt ruộng 20 cm thì mới bơm nước. Nhờ kỹ thuật mới này giúp nhà nông giảm khoảng 300.000 đồng/ha chi phí bơm nước. Đối với công lao động, khi áp dụng biện pháp giảm nước thì mặt ruộng đảm bảo khô ráo cho máy gặt đập liên hợp hoạt động trong vụ hè thu. Thu hoạch 1.000 m2 bằng máy gặt đập chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, còn thu hoạch thủ công thì tăng rất cao. Công đoạn nào giảm được chi phí thì đó là lợi nhuận tăng thêm.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà Vinh cho biết: Với mục tiêu nâng cao tiến bộ KHKT từ 3 giảm 3 tăng lên 1 phải 5 giảm. Tức là phải sử dụng giống xác nhận hoặc nguyên chủng; còn giảm giống, phân đạm, thuốc BVTV, giảm nước hợp lý, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sấy để giảm thất thoát. Trong vụ hè thu năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng mô hình ứng dụng 1 phải 5 giảm trong SX lúa tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú. Tổng kinh phí thực hiện 295.400.000 đồng, trong đó dân đóng góp 225.400.000 đồng. Khuyến nông, khuyến ngư hỗ trợ 70.000.000 đồng kinh phí giống, phân bón, thuốc BVTV, tập huấn, hội thảo...

Sau 100 ngày ứng dụng 1 phải 5 giảm vào SX 20 ha lúa tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn đã cho kết quả làm hài lòng nông dân: chi phí phân bón giảm 294.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 1.000.000 đồng/ha, bơm tát giảm 300.000 đồng/ha, chi phí thu hoạch giảm 1.700.000 đồng/ha thất thoát trong thu hoạch giảm 7% (từ 10% xuống còn 3%). Năng suất ước đạt từ 6,8 đến 7,3 tấn/ha cao hơn năng suất trong vùng là 5,3 tấn/ha.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện chương trình, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn các hộ ghi chép đầy đủ nhật ký SX lúa vào sổ tay giống theo hướng VietGAP. Mục tiêu của khuyến nông Trà Vinh từng bước giúp nông dân làm quen với qui trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn theo VietGAP. Trên cơ sở ghi chép này, 20 nông dân ấp Bến Thế, xã Tân Sơn đã tính được giá thành sản xuất lúa ứng dụng 1 phải 5 giảm là 2.276 đồng/kg, giảm 1.008 đồng/kg (giảm 30%) so với sản xuất đại trà trong vùng là 3.284 đồng/kg.

Trong đó, việc giảm giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, chi phí thu hoạch đã góp phần rất lớn trong việc hạ giá thành sản phẩm. Lợi nhuận trong mô hình đạt 40.064.000 đồng/ha cao hơn 21.964.000 đồng/ha so với sản xuất đại trà tại địa phương là 18.100.000 đồng/ha. Mặt khác, hiệu quả về xã hội là đẩy nhanh tiến độ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đặc biệt là sau thu hoạch, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thu hoạch lúa, tiến tới hợp tác sản xuất hàng hoá cung ứng cho thị trường. Xã hội hoá công tác giống ở địa phương và cung cấp cho thị trường trên 140 tấn giống đạt cấp xác nhận.

Tác động với môi trường: chương trình áp dụng 1 phải 5 giảm sẽ hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng. Việc ứng dụng quy trình 1 phải 5 giảm vào SX lúa chất lượng ngay từ bây giờ là rất thiết thực. Hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường là hướng phát triển bền vững cho cây lúa.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Bệnh lúa von hại lúa


Trong nhiều vụ lúa vừa qua, bệnh lúa von đã phát triển nặng trên một số giống lúa như Jasmine 85, OM 2517, IR42…ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng. Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ được tổ chức tại An Giang ngày 20/4/2007 với chuyên đề “Các giải pháp kỹ thuật thích hợp cho vụ lúa Hè Thu 2007 ở Nam bộ”, nhiều nông dân rất quan tâm đến đối tượng bệnh hại này và đã yêu cầu các nhà khoa học giải đáp, hướng dẫn biện pháp phòng trị sao cho có hiệu quả.


Bệnh lúa von do nấm Fusarium moniliforme gây ra. Bệnh có thể gây hại từ giai đoạn mạ đến thu hoạch, tuy nhiên thực tế đồng ruộng cho thấy giai đoạn mạ và thời kỳ đẻ nhánh thường bị nhiễm bệnh mạnh nhất và các bộ phận ở phía dưới như rễ, gốc thân dễ bị nhiễm bệnh. Cây mạ bị nhiễm bệnh vươn dài ra cao hơn hẳn cây lúa bình thường, có bộ lá mỏng màu xanh vàng, thối rễ và bị chết. Ở giai đoạn đẻ nhánh, cây bị bệnh ít nở bụi, gầy và cao lêu nghêu, lá đòng có màu xanh vàng dễ nhận biết nhô lên hẳn phía trên tầng lá bình thường của ruộng, lóng phát triển dài ra, thường mọc nhiều rễ phụ ở đốt (rễ gió) và có thể thấy lớp phấn trắng phớt hồng bao quanh đốt thân và vị trí xung quanh đốt thân. Cây lúa bị nhiễm bệnh hoặc sẽ chết, hoặc cũng cho bông nhưng tỷ lệ hạt lép rất cao, vỏ hạt màu xám, nếu thời tiết ẩm ướt trên vỏ hạt xuất hiện lớp phấn trắng phớt hồng, nếu thời tiết khô trên đốt thân và vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ màu xanh đen.


Nấm bệnh sinh ra bào tử và theo gió lây lan. Nấm tồn tại trên rơm rạ cây lúa bị bệnh, trên hạt lúa và ở trong đất. Ở trong đất, nấm có khả năng lưu tồn khoảng 2 năm gây nên sự tích lũy làm khả năng vụ sau bệnh nặng hơn vụ trước, năm sau bệnh nặng hơn năm trước.


Thời gian qua, bà con nông dân phòng ngừa bệnh lúa von bằng cách xử lý hạt lúa giống trước khi gieo sạ bằng nhóm thuốc Carbendazim. Tuy nhiên, hiện nay nông dân ghi nhận là nấm bệnh lúa von đang tỏ ra lờn với nhóm thuốc Carbendazim nên hiệu quả phòng ngừa bệnh không cao.


Nhằm tìm biện pháp phòng trị bệnh lúa von, từ năm 2004 Công ty BASF (Đức) phối hợp với nhiều nông dân giỏi, cán bô kỹ thuật ở An Giang và một số địa phương khác tích cực nghiên cứu. Căn cứ vào những kết quả rất tốt trên đồng ruộng, Công Ty BASF đã đăng ký với Cục Bảo Vệ Thực Vật và thuốc trừ bệnh Polyram 80 DF phòng trị bệnh lúa von đã được công nhận trong danh mục thuốc BVTV theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BNN ngày 28/3/2007 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT.

Hướng dẫn sử dụng thuốc Polyram 80DF
Có thể áp dụng các cách xử lý sau :
1.Ngâm giống :
- Pha 100-200 g thuốc Polyram trong 100 lít nước dùng để ngâm 100 kg giống (5 giạ).
- Ngâm lúa giống 24-36 giờ.
- Ủ lúa giống 24 giờ cho ra mộng và sạ bình thường.


2.Phun trộn giống :
- Ngâm lúa giống 36 giờ.
- Pha 100-200 g thuốc Polyram trong 15 lít nước dùng để tưới hoặc phun cho 100 kg giống (5 giạ).
- Tưới hoặc phun dung dịch thuốc lên lúa giống và trộn đều lúa giống. Chú ý không để dung dịch thuốc chảy tràn.
- Ủ tiếp 12 giờ cho ra mộng và sạ bình thường.


3. Phun Polyram cho cây lúa trên đồng ruộng :
- Khi ruộng lúa đã chớm xuất hiện bệnh lúa von, cần nhổ bỏ cây lúa bệnh.
- Pha 60 g thuốc Polyram/ bình 16 lít, phun 2-3 bình cho 1000 m2.
- Khi phun thuốc chú ý phun kỹ xuống đến gốc lúa vì bệnh tấn công phần thân dưới gốc chứ không phải trên lá.

Mô hình khuyến nông hiệu quả

Nở rộ dịch vụ “cà phê khuyến nông”

Đến quán cà phê không chỉ uống cà phê mà để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình “cà phê khuyến nông” đang được Trung tâm Khuyến nông An Giang thí điểm trên toàn địa bàn tỉnh.

Mới tờ mờ sáng, ông Tám Lộc (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) đã cùng với mấy ông bạn già vừa nhâm nhi tách cà phê vừa bàn tán xôm tụ về cách chọn giống, bón phân cho cây lúa. Nhấm tách cà phê đen đậm đặc, ông Tám Lộc bộc bạch: Từ khi mô hình “cà phê khuyến nông” triển khai trên địa bàn ấp, sáng nào ông cũng cùng với mấy ông bạn già tụ họp tại quán trao đổi kinh nghiệm canh tác, đọc sách báo để cập nhật một số kiến thức mới mỗi ngày.


Một quán cà phê khuyến nông tại An Giang.

Trong khi đó, lão nông Sáu Tính (xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc) thì cho rằng, cái hay của mô hình “cà phê khuyến nông” là giúp cho bà con nông dân tiếp cận được những tiếp bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt được những thông tin thời sự, có cơ hội gần rũi với các nhà khoa học hơn. Từ đó giúp bà con yên tâm trong sản xuất.

Hầu hết các nông dân tham gia “cà phê khuyến nông” đều có chung nhận xét: Mô hình “cà phê khuyến nông” đã từng bước giúp cho bà con nông dân nhanh chóng cập nhật được những thông tin mới, từng bước cải thiện được năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Ông Lê Thiện Tùng, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại-Thông tin quảng bá (Trung tâm Khuyến nông An Giang), cho biết mỗi quán “cà phê khuyến nông” được trung tâm hỗ trợ kệ sắt, bảng hiệu, các tài liệu khoa học, băng đĩa hình tuyên truyền kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi…

Đồng thời, các mô hình sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành, khu vực và cả nước được giới thiệu cho nông dân học hỏi áp dụng làm theo. Đến thời điểm này, Trung tâm khuyến nông An Giang đã triển khai thí điểm trong tỉnh gần 20 quán “cà phê khuyến nông”. “Cà phê khuyến nông là địa điểm tập hợp những kinh nghiệm hay, cách làm mới và sáng tạo của bà con nông dân”, ông Tùng chia sẻ.

Trao đổi về việc thực hiện mô hình “cà phê khuyến nông” trong thời gian tới, thạc sĩ Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, cho biết sẽ kết hợp với chính quyền địa phương các huyện để từng bước nhân mô hình này trên toàn tỉnh.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Những giống Lúa kháng Rầy Nâu

Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả đưa bộ giống lúa kháng rầy nâu vào sản xuất cho các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bộ giống lúa kháng rầy nâu gồm:

1) Giống lúa OM 4900 được sản xuất tại Viện lúa ĐBSCL, thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, cao 114 cm, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, số bông trên khóm biến thiên từ 8 đến 12, số hạt chắc trên bông là 156. Trọng lượng 1.000 hạt 29,8 gram; chiều dài hạt gạo từ 7 đến 7,3 mm; độ bạc bụng cấp 0 (đánh cấp từ 0-9); hàm lượng amylose từ 16 – 16,8%; tỷ lệ protein đạt 8,4%, có mùi thơm nhẹ. Giống tương đối chịu mặn; chống chịu khá tốt với rầy nâu, đạo ôn và bạc lá. Giống trồng được cả vụ hè thu và đông xuân, năng suất biến thiên từ 5-7 tấn/ha, gia tăng 10-15% so với các giống đối chứng đang được trồng phổ biến trong vùng.

2) Giống lúa OM 6162 do Viện lúa ĐBSCL sản xuất, thời gian sinh trưởng 95-100 ngày. Chiều cao cây 105-110 cm; khả năng đẻ nhánh khá; cứng cây; có số hạt chắc/bông cao (168 hạt); hơi kháng rầy nâu và đạo ôn. Có khả năng chống chịu bệnh vàng lùn khá. Năng suất trung bình vụ đông xuân 6 – 8 tấn/ha, hè thu 4,0 – 5,0 tấn/ha. Trọng lượng 1.000 hạt 26,4gr. Chất lượng gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (hạt gạo thon dài, tỷ lệ bạc bụng rất thấp); tỷ lệ xay chà và gạo nguyên cao; hàm lượng amylose 20-21,8% (tương đương với giống Jasmine 85), cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ. Giống OM 6162 gieo trồng thích hợp cho cả vụ đông xuân và hè thu.

3) Giống lúa PC10 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sản xuất, có thời gian sinh trưởng ngắn 95 – 105 ngày ở khu vực phía Nam. Chiều cao cây 95 – 105 cm. Chiều dài bông 22,5 cm, số hạt chắc trên bông trung bình 120 hạt. Khối lượng 1.000 hạt 24,1 gram. Tỷ lệ gạo xát 69%, chiều dài hạt gạo 6,5 mm, hàm lượng amylose là 21 - 22%. Năng suất trung bình vụ đông xuân 7-9 tấn/ha, vụ hè thu 5-7 tấn/ha. Giống lúa PC 10 có khả năng kháng rầy cao (điểm 0-1), kháng vừa với đạo ôn (điểm 0-1), bạc lá (điểm 0-1). Chống đổ, chịu rét khá (điểm 1-2).

4) Giống lúa ML 202 do Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận sản xuất. Thời gian sinh trưởng ngắn ngày (85 – 105 ngày), dạng hình đẹp, độ đồng đều cao, lá đòng đứng. Tỷ lệ hạt chắc trên bông khá, thích hợp trồng trên các chân ruộng khác nhau. Năng suất trung bình 65 – 70 tạ/ ha.

Theo Tiến sỹ Vũ Xuân Long, Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố thì bộ giống trên có sức kháng rầy nâu, năng suất lúa cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Nguồn: agriviet.com

Thuốc kích thích sinh trưởng Gibberellin

Thuốc kích thích sinh trưởng Gibberellin

LỊCH SỬ KHÁM PHÁ GIBBERELLIN

Gibberellin là nhóm phytohormone thứ hai được phát hiện sau auxin. Từ những nghiên cứu bệnh lý “bệnh lúa von” do loài nấm ký sinh ở cây lúa Gibberella fujikuroi (nấm Fusarium moniliforme ở giai đoạn dinh dưỡng) gây nên. Năm 1926, nhà nghiên cứu bệnh lý thực vật Kurosawa (Nhật Bản) đã thành công trong thí nghiệm gây “bệnh von” nhân tạo cho lúa và ngô. Yabuta (1934 – 1938) đã tách được hai chất dưới dạng tinh thể từ nấm lúa von gọi là gibberellin A và B nhưng chưa xác định được bản chất hóa học của chúng. Năm 1955 hai nhóm nghiên cứu của Anh và Mỹ đã phát hiện ra acid gibberellic ở cây lúa bị bệnh lúa von và xác định được công thức hóa học của nó là C19H22O6. Năm 1956, West, Phiney, Radley đã tách được gibberellin từ các thực vật bậc cao và xác định rằng đây là phytohormone tồn tại trong các bộ phận của cây. Hiện nay người ta đã phát hiện ra trên 50 loại gibberellin và ký hiệu A1, A2, A3,... A52. Trong đó gibberellin A3 (GA3) là acid gibberellic có tác dụng sinh lý mạnh nhất. Người ta đã tìm được gibberellin ở nhiều nguồn khác nhau như ở các loại nấm, ở thực vật bậc thấp và thực vật bậc cao. Gibberellin được tổng hợp trong phôi đang sinh trưởng, trong các cơ quan đang sinh trưởng khác như lá non, rễ non, quả non... và trong tế bào thì được tổng hợp mạnh ở trong lục lạp. Gibberellin vận chuyển không phân cực, có thể hướng ngọn và hướng gốc tùy nơi sử dụng. Gibberellin được vận chuyển trong hệ thống mạch dẫn với vận tốc từ 5- 25 mm trong 12 giờ. Gibberellin ở trong cây cũng tồn tại ở dạng tự do và dạng liên kết như auxin, chúng có thể liên kết với glucose và protein.

VAI TRÒ CỦA GIBBERELLIN

Hiệu quả sinh lý rõ rệt nhất của gibberellin là kích thích mạnh mẽ sự sinh trưởng kéo dài của thân, sự vươn dài của lóng. Hiệu quả này có được là do gibberellin kích thích mạnh lên pha giãn của tế bào theo chiều dọc. Vì vậy khi xử lý gibberellin cho cây đã làm tăng nhanh sự sinh trưởng dinh dưỡng nên làm tăng sinh khối của cây. Dưới tác động của gibberellin làm cho thân cây tăng chiều cao rất mạnh (đậu xanh, đậu tương thành dây leo, cây đay cao gấp 2 – 3 lần). Nó không những kích thích sự sinh trưởng mà còn thúc đẩy sự phân chia tế bào. Gibberellin kích thích sự nảy mầm, nảy chồi của các mầm ngủ, của hạt và củ, do đó nó có tác dụng trong việc phá bỏ trạng thái ngủ nghỉ của chúng. Hàm lượng gibberellin thường tăng lên lúc chồi cây, củ, căn hành hết thời kỳ nghỉ, lúc hạt nảy mầm. Trong trường hợp này gibberellin kích thích sự tổng hợp của các enzyme amilaza và các enzyme thuỷ phân khác như protease, photphatase... và làm tăng hoạt tính của các enzyme này, vì vậy mà xúc tiến quá trình phân hủy tinh bột thành đường cũng như phân hủy các polime thành monome khác, tạo điều kiện về nguyên liệu và năng lượng cho quá trình nảy mầm. Trên cơ sở đó, nếu xử lý gibberellin ngoại sinh thì có thể phá bỏ trạng thái ngủ nghỉ của hạt, củ, căn hành kể cả trạng thái nghỉ sâu. Trong nhiều trường hợp gibberellin kích thích sự ra hoa rõ rệt. Ảnh hưởng đặc trưng của sự ra hoa của gibberellin là kích thích sự sinh trưởng kéo dài và nhanh chóng của cụm hoa. Gibberellin kích thích cây ngày dài ra hoa trong điều kiện ngày ngắn (Lang, 1956). Gibberellin ảnh hưởng đến sự phân hóa giới tính của hoa, ức chế sự phát triển hoa cái và kích thích sự phát triển hoa đực. Gibberellin có tác dụng giống auxin là làm tăng kích thước của quả và tạo quả không hạt. Hiệu quả này càng rõ rệt khi phối hợp tác dụng với auxin.

CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA GIBBERELLIN

Một trong những quá trình có liên quan đến cơ chế tác động của gibberellin được nghiên cứu khá kỹ là hoạt động của enzyme thủy phân trong các hạt họ lúa nảy mầm. Gibberellin gây nên sự giải ức chế gen chịu trách nhiệm tổng hợp các enzyme này mà trong hạt đang ngủ nghỉ chúng hoàn toàn bị trấn áp bằng các protein histon. Gibberellin đóng vai trò như là chất cảm ứng mở gen để hệ thống tổng hợp protêin enzyme thủy phân hoạt động. Ngoài vai trò cảm ứng hình thành enzyme thì gibberellin còn có vai trò kích thích sự giải phóng các enzyme thủy phân vào nội nhũ xúc tiến quá trình thủy phân các polime thành các monome kích thích sự nảy mầm của các loại hạt. Gibberellin xúc tiến hoạt động của auxin, hạn chế sự phân giải auxin do chúng có tác dụng kìm hãm hoạt tính xúc tác của enzyme phân giải auxin (auxinoxydase, flavinoxydase), khử tác nhân kìm hãm hoạt động của auxin. Cơ chế kích thích giãn của tế bào bởi gibberellin cũng liên quan đến hoạt hóa bơm proton như auxin. Tuy nhiên các tế bào nhạy cảm với auxin và gibberellin khác nhau có những đặc trưng khác nhau. Ðiều đó liên quan đến sự có mặt các nhân tố tiếp nhận hormone khác nhau trong các kiểu tế bào khác nhau.

Nguồn: Phòng Kỹ thuật - Chi cục BVTV TP.HCM (tổng hợp)

Hợp tác khai thác đất hiếm Việt - Nhật

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin Kyodo ngày 9/10 cho biết phó thủ tướng Nhật Bản Matsushita đang ở thăm Việt Nam đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Huy Hoàng, hai bên tiến hành thảo luận về hợp tác khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Sau cuộc hội đàm ông Matsushita đã cho biết kế hoạch hợp tác này không chỉ tiến hành khai thác tài nguyên mà các vấn các đề khác cũng rất quan trọng và cần được quan tâm như bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng.

dat hiem

Đất hiếm – Nguồn tài nguyên không thể thiếu trong ngành công nghiệp của Nhật Bản.

Ông còn cho biết trong cuộc hội đàm hai bên đã tiến hành thảo luận kỹ lưỡng các hạng mục có liên quan, tranh thủ thời gian và điều kiện để hoàn thành việc ký kết trước chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tháng này tới Nhật Bản.

Trong hội nghị thượng đỉnh Nhật - Việt tháng 10 năm 2010, Thủ tướng tiền nhiệm Nhật Bản Nato Kan đã thảo luận và đạt được thỏa thuận hợp tác khai thác đất hiếm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Hiện nay chính phủ hai nước đang tiến hành thảo luận các thỏa thuận hợp tác và điều khoản cụ thể.

Cùng với động thái này Tân hoa xã ngày 8/10/2011 cho biết chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch thăm dò tài nguyên đất hiếm với quy mô lớn trên khu vực biển Thái Bình Dương, văn phòng chính phủ Nhật Bản cho biết năm 2012 chính phủ Nhật Bản sẽ đầu tư 22 tỷ yên Nhật với thời gian 4 năm để đóng mới một tàu thăm dò khảo sát với các trang bị hiện đại bao gồm máy siêu âm có độ chính xác cao và một Robot để tiến hành các công việc tìm kiếm thăm dò khảo sát đất hiếm.

Kế hoạch này bao gồm các công việc tiến hành khảo sát nguồn tài nguyên đất hiếm ở xung quanh các đảo của Nhật Bản và trên khu vực biển Thái Bình Dương. Theo điều tra sơ bộ của trường Đại học Tokyo cho thấy khu vực biển Thái Bình Dương gần đảo Okinawa của Nhật Bản trữ lượng đất hiến rất dồi dào, theo ước tính trữ lượng có thể vượt qua trữ lượng ở trên đất liền khoảng hơn 1000 lần.

Nguồn tài nguyên đất hiếm được coi là nguồn tài nguyên cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử và ô tô của Nhật Bản.

Nguồn: khoahoc.com.vn - Theo Đất Việt

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Kinh nghiệm sử dụng Tricô-ĐHCT trên một số cây trồng cạn

Phòng trừ sinh học được xem là bước đột phá trong mục tiêu quản lý dịch hại, bảo vệ năng suất, làm sản phẩm sạch hơn, sức khỏe người sản xuất tốt hơn và môi trường bền vững hơn.

Trong khoảng vài năm gần dây, sản phẩm sinh học Tricoderma đã sản xuất nhiều. Sản phẩm Tricô-ĐHCT do trường Đại học Cần Thơ sản xuất đã đến tay nông dân, nhiều nông dân trồng dưa hấu, ớt, cà tím… đã mạnh dạn ứng dụng trên đồng ruộng của mình và đã có nhiều thành công. Ngoài việc ứng dụng theo hướng dẫn, cũng có nhiều sáng tạo trong áp dụng sao cho phù hợp với vùng đất quê mình.

Trên dưa hấu

Anh Nguyễn Văn Bé Hai (ấp Cà Na xã Vĩnh Thuận-Vĩnh Hưng-Long An, điện thoại: 0975812416) cho biết: anh đã trồng dưa hấu nhiều năm nay, khi anh được giới thiệu sử dụng Tricô-ĐHCT cho dưa hấu sẽ mang lại hiệu quả phòng trừ bệnh hại cao. Anh mạnh dạn áp dụng cho 2 hecta dưa hấu của mình trong vụ vừa rồi. Anh sử dụng Tricô-ĐHCT 3 lần trong vụ như sau:
+ Lần 1: sau khi bón lót anh tiến hành tưới trực tiếp lên phân lót với lượng 2 kg Tricô-ĐHCT/hecta. Theo anh mục đích của lần tưới này là hạn chế một số mầm bệnh trong đất, kích thích bộ rễ dưa hấu phát triển tốt.
+ Lần 2: sau khi gieo dưa được 3-4 lá anh phun trực tiếp vào gốc với lượng 1 kg/hecta. Mục đích lần phun lần này là hạn chế bệnh chết cây con và chạy dây.
+ Lần 3: Khi dưa hấu bắt đầu ôm trái, phun trực tiếp lên lá lượng 1 kg/hecta nhằm mục đích là hạn chế các bệnh trên lá và trái.

Với cách làm trên anh Bé Hai khẳng định đã giảm các bệnh như chết cây con, chạy dây rất lớn, theo anh đánh giá khoảng 80%. Đặc biệt anh còn cho biết thêm còn hạn chế các bệnh trên lá và trái khác. Cuối vụ, anh đạt năng suất 30 tấn/hecta, so với xung quanh từ 3-4 tấn/hecta.

Còn anh Nguyễn Văn Đẳng (ấp Cà Na-Vính Thuận-Vĩnh Hưng-Long An, điện thoại: 0907549114) đã sử dụng Tricô–ĐHCT mang lại hiệu quả rất cao, năng suất 31 tấn/hecta. Kết quả có được là anh đã sử dụng Tricô–ĐHCT được 1 vụ và tiếp tục sử dụng trong vụ tiếp theo (đã gieo hạt vào cuối tháng 3/2010). Anh cho biết anh sử dụng 2 lần như sau:
+ Lần 1: trộn 6 kg Tricô–ĐHCT + 50 kg phân dơi cho 1 hecta, sau đó bỏ vào lỗ trước khi gieo hạt 2-3 ngày. Chú ý khi bỏ vào lổ phải bỏ thêm lớp tro ở trên rồi tiến hành gieo hạt. Anh cho biết lần này sẽ giúp cây con phát triển tốt, bộ rễ mạnh và hạn chế các bệnh như héo cây con, diệt được nấm và vi khuẩn gây bệnh trong đất.
+ Lần 2: Khi cây dưa ôm trái, tưới thẳng vào gốc 4 kg Tricô–ĐHCT/hecta giúp cây dưa giữ bộ rễ tốt để nuôi trái, hạn chế các bệnh chết dây.

Trên cây ớt

Anh Nguyễn Văn Uộng (ấp Bào Tràm Lớn xã Tuyên Thuận-Bến Cầu-Tây Ninh) cho biết vụ vừa qua anh trồng ớt được khoảng 8 công. Anh cho biết vụ rồi ớt trúng rất bất ngờ. Khi được hỏi tiếp anh nói vụ rồi trúng là nhờ sử dụng Tricô-ĐHCT. Anh trao đổi kinh nghiệm sử dụng Tricô-ĐHCT của mình như sau:

Khi ớt còn trong vườn ươm khoảng 2-3 lá tưới Tricô-ĐHCT. Pha 1 muỗng canh đầy (25 g) cho 1 thùng búp sen tưới trực tiếp lên cây. Anh cho biết sau khi tưới 3-4 ngày là ớt xanh tươi rất đẹp. Sau ươm trong vườn tiến hành đưa ớt ra trồng, khi ớt bén rễ (7-10 ngày sau khi trồng), tiếp tục phun Tricô-ĐHCT trực tiếp lên cây với lượng 1 muỗng canh/16 lít. Sau đó 14 ngày tiếp tục phun với lượng như trên. Anh cho biết nếu thường xuyên phun sẽ hạn chế rụng nụ và trái.

Anh Uộng rất phấn khởi nói: “Sử dụng Tricô-ĐHCT không những cây ớt tốt mà còn ít phun xịt các bệnh khác. Phun Tricô-ĐHCT trên ớt, tôi thu hoạch thêm được 2 lần và năng suất cuối cùng 1,2 tấn/công, so với ruộng xung quanh chỉ có 1 tấn/công. Năm đó tôi lời quá trời luôn. Sử dụng Tricô-ĐHCT đã thật!”.

Trên cà tím.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Uộng còn hướng dẫn một người bạn thân trồng cà tím. Anh cho biết anh Nguyễn Văn Mối trồng cà tím khoảng 1 hecta, nhưng cà bị héo và chết. Anh hướng dẫn anh Mối sử dụng Tricô-ĐHCT như sau: tiến hành tưới trực tiếp vào gốc, pha 1 muỗng canh đầy cho 1 thùng vòi sen, sau khi tưới lấy đất bùn vào gốc cà. Sau đó tiếp tục phun vào gốc và lá với liều lượng 1 muỗng canh/bình 16 lít. Với cách làm trên, anh cho biết đạt gần như tuyệt đối, anh đã giúp bạn cứu được ruộng cà tím khỏi bệnh héo và chết một cách ngoạn mục. Khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm anh, anh rất vui vẻ và nói: “Nhờ Tricô-ĐHCT của anh mà tui nhậu gà đã luôn”, anh Mối mới gọi cho tôi lại nhà nhậu gà ăn mừng nữa kìa.

Nông dân mê Tricô-ĐHCT

Khoảng một tháng rưỡi sau khi tưới Tricô-ĐHCT vào gốc các cây quýt bị bệnh vàng lá thối rễ, ông Hai Khuyến ở xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp vui mừng dẫn chúng tôi ra thăm lại vườn quýt. Ông nói: “Thật là kỳ diệu! Khi mới gặp các kỹ sư cây quýt này đang héo vàng rụng lá, sau khi tưới Tricô-ĐHCT, bây giờ nó đã tỉnh lại ra hoa và đang đậu trái”.

Thấy kết quả tốt, thay vì chỉ tưới cho những cây bệnh ông tưới luôn Tricô-ĐHCT cho tất cả cây trong vườn. Cách làm như sau: phun Gramoxone lên cỏ mọc quanh gốc cây để cho cỏ héo chết, rồi tưới Tricô-ĐHCT với liều 1 muỗng canh cho thùng 10 lít. Sau đó bón thêm 5 kg phân bò và đậy thêm bằng lục bình. Sau 7 ngày lục bình khô, tưới thêm Tricô-ĐHCT một lần nữa. Khi chúng tôi đến thăm, quan sát thấy lớp nấm Tricô phát triển trắng dưới lớp lục bình, cho thấy cách làm của ông là sáng tạo có cơ sở.

Rơm, cỏ khô hay lục bình có lượng chất xơ rất cao cho nấm Trichoderma phát triển. Trong quá trình phát triển, nấm Tricô sản sinh ra chất kháng sinh diệt tốt các mầm bệnh hại rễ. Chất kích thích tăng trưởng cũng được sinh ra thúc đẩy việc hấp thu phân bón, từ đó cây khỏe hơn, ra hoa kết trái tốt hơn.

Các loại rơm, cỏ, lục bình có sẵn tại chỗ, chỉ cần làm cho chúng chết khô đi là đưa Tricô vào được, vừa bảo vệ cây lại vệ sinh vườn nhà. Nhất cử lưỡng tiện, ai trồng cây ăn trái cũng đều áp dụng được. Đối với cây đang có triệu chứng vàng lá, thối rễ thì việc xới mặt đất ở gốc trước khi đưa nấm Trichoderma tiếp cận gần với nấm bệnh là cần thiết để nấm Tricô tấn công nấm bệnh nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Ngoài việc ứng dụng thành công trên vườn quýt, Tricô-ĐHCT còn thể hiện hiệu quả trên cây ớt, dưa hấu, cải bắp… Nông dân xã Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang nhận xét: “Áp dụng Tricô-ĐHCT từ lúc xử lý đất, làm bầu, trộn hạt, sau đó phun định kỳ với Tricô làm giảm hẳn bệnh chết héo cây con. Cây khoẻ, lá mởn. Đặc biệt trên dưa hấu ngoài áp dụng các biện pháp ban đầu, khi phun Tricô 7 ngày/lần, cây dưa khoẻ cho đến thu hoạch không phải sử dụng một loại thuốc trừ nấm nào khác”.

Qua các kết quả trên cho thấy, Tricô-ĐHCT áp dụng rất thành công trên rau màu, cây ăn trái với nguyên tắc: xử lý đất, đưa Tricô ngay từ giai đoạn cây con, sau đó phun định kỳ trên lá và phun gốc 7 ngày/lần cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tricô-ĐHCT sản phẩm sinh học cải thiện đất trồng



Kinh nghiệm trồng ớt

Để hạn chế bệnh thán thư trên ớt, thường áp dụng biện pháp tổng hợp sau:

Thứ nhất: chọn giống lai F1 ít nhiễm bệnh (Ớt sừng vàng Châu Phi chỉ địa).

Thứ hai: làm đất phải thật kỹ, tơi xốp, thoát nước nhanh, không bị nhiễm phèn. Bón vôi từ 80-200 kg/công và bón lót phân hữu cơ hoai mục có chủng nấm đối kháng Tricô-ĐHCT, cộng với phân NPK 20-20-15 trước khi làm đất lần cuối và làm dẻ mặt liếp.

Mật độ trồng 5-6 tấc/cây, khi trồng cần ép đất vào hốc cây cho thật chặt để chống hiện tượng nước bị bốc hơi cũng như chết nhát về sau.

Phân bón: lượng phân bón cho cả vụ từ 80-100 kg/công phân 20-20-15 và chia ra làm nhiều lần bón. Ngoài ra, kết hợp thêm phân canxium hoặc Nitrobo để cây dễ đậu trái và chống thối đít trái, rụng trái non. Thường xuyên theo dõi, lẫy bỏ các chéo gốc từ cháng ba trở xuống tạo cho cây thông thoáng. Khi cây được 60 ngày tuổi thì cần hạn chế nước tưới và hạ thấp dần mực nước dưới liếp từ 25-35 cm.

Phun thuốc hóa học: bệnh thán thư có thể tấn công từ giai đoạn cây con đến khi mang trái, đặc biệt khi trái đã già bệnh tấn công rất dữ dội. Cần phải phòng trị sớm bằng các loại thuốc như Score, Amistar, Amistar Top. Đặc biệt, kết hợp phun Amistar Top và Boom Flower ở các lần phun: vừa trị được bệnh thán thư một cách triệt để không cần phải phun đi phun lại nhiều lần như những loại thuốc trừ bệnh thông thường khác vừa làm cho trái lớn hơn, màu sắc đẹp hơn. Amistar còn giúp cây rút ngắn lóng lại, cây cứng cáp hơn, lá dày hơn, cây đậu trái nhiều hơn. Thời gian thu hoạch kéo dài hơn 15 ngày (bình thường thời gian thu hoạch chỉ khoảng 30 ngày), màu sắc trái đẹp hơn, bán giá cao hơn.

Nông dân Nguyễn Phước Hậu
Tổ 1, ấp Phú Yên, xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Điện thoại: 0939.378.070

Chăm sóc bưởi da xanh

Thấy vườn xoài cát Hòa Lộc nhà người cậu cho trái xum xuê, tôi tìm hiểu thì được biết là nhờ phun thuốc Tilt Super phối hợp với Boom Flower. Mắt thấy tai nghe, tôi về áp dụng trên diện tích 3.000 m2 bưởi da xanh của nhà mình.

Kinh nghiệm như sau: Trên vườn bưởi 7-8 năm tuổi (bình quân 35 cây/1.000 m2). Pha 40 cc Boom Flower và 16 cc Tilt Super/16 lít/4 cây bưởi/1 lần phun x 4 lần/năm.

  • Phun lần 1 lúc bưởi nhú hoa đầu tiên khoảng 7 ngày, giúp hoa có nhiều phấn, tăng tỉ lệ đậu trái, ngừa bệnh úng hoa vào mùa mưa, khô hoa vào mùa nắng.
  • Phun lần 2 sau khi đậu trái non khoảng 10 ngày giúp cho cây nuôi trái, tăng tỉ lệ đậu trái trên 80% so không phun chỉ đạt 40%-50%.
  • Phun lần 3 lúc bưởi to bằng trái chanh (20-25 ngày sau khi ra hoa) giúp trái lớn nhanh, tạo bộ lá khỏe, để cây bưởi ra bông đợt tiếp theo (khoảng 10-15 ngày sau khi phun lần 3).
  • Phun lần 4 lúc trái bưởi vừa có nước (kích cỡ bằng cái chén) giúp phòng bệnh, dưỡng trái và giúp cây chống chịu trong điều kiện bất lợi của thời tiết cụ thể như gặp thời triết mưa dầm khắc phục được hiện tượng rụng trái do mưa. Vào mùa nắng hạn, nhờ phun Boom Flower +Tilt Super giúp tăng cường sức sống của cây nên thời gian tưới có thể kéo dài từ 4 -5 ngày/lần thay vì 3 ngày/lần so với không phun. Ngoài ra Tilt Super rất hiệu quả phòng được bệnh đốm đen, vàng trái (còn gọi vàng trái chín sớm) trên bưởi, hạn chế được bệnh sẹo, ghẻ trên lá và vỏ quả trên bưởi.
  • Phun lần 5 vào khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch phun 20cc Tilt Super + 50cc Boom Flower/16 lít/4 cây bưởi/1 lần phun (tăng liều lượng phun nhằm giúp cho cây đủ sức mang trái) thúc trái phát triển nhanh, chín sớm. Ngoài ra, còn giúp “tẩy trái” giúp trái lên màu sáng, bóng đẹp, cây không bị mất sức, tỉ lệ trái loại 1 cao, vỏ trái mỏng, sáng đẹp, tép bưởi màu hồng đậm, vị ngọt thanh bán được giá. Cách làm này giúp ra hoa tập trung, đều thu hoạch sớm hơn 15-20 ngày, bán được giá cao. Vào dịp tết 2010 thu hoạch trên 4 tấn trái/3.000 m2. Và năm 2011, khả năng sẽ bội thu cao.

Sau khi thu hoạch trái bán tết, đầu tháng 2 dương lịch tiếp tục làm đất bón phân NPK chuyên dùng cho cây ăn trái từ 1-1,5 kg/cây. Sau đó bón thêm 10 kg phân chuồng được ủ với Tricô ĐHCT (ủ từ 2-3 tháng là có thể dùng được), phun tiếp Boom Flower liều lượng 40 cc/16 lít nước/4 cây bưởi, giúp cây bưởi phục hồi nhanh. Với kết quả thực tế trong nhiều năm, tôi rất tâm đắc Phun Boom Flower kết hợp với Tilt Super trừ bệnh giúp cây bưởi da xanh cho năng suất ổn định.

Nông dân Dương Trọng Viễn ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy -Tiền Giang

Thêm một loài giòi đục lá lúa non!

Giòi đục lá lúa non Hydrellia philippina thuộc họ Ephydridae (Diptera), là loài côn trùng rất phổ biến tấn công giai đoạn mạ của ruộng lúa cấy và gần đây ngay cả trên lúa sạ thưa ở vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, vì khả năng gây hại không lớn do chỉ tấn công trên lá lúa non trong vòng 20 ngày đầu sau khi sạ, rồi trưởng thành và bay đi tìm nguồn lúa non khác, nên đã không cần phải chú ý để phòng trừ trong việc áp dụng biện pháp IPM hiện nay. Gần đây thì hiện tượng giòi đục lá nầy lại gia tăng và các kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy có triệu chứng lá lúa bị tấn công theo cách khác hơn của loài giòi đục lá thông thường: không phải lá chỉ bị cháy vàng từ ngoài bìa vào mà còn có thêm nhiều đường đục màu trắng ở ngay giữa phiến lá, nếu nhìn kỹ sẽ thấy có con giòi màu vàng lợt hay con nhộng màu nâu đậm đang sống ở bên trong đường đục.

Sau khi đi kiểm tra đồng ruộng và khảo sát kỹ trong phòng thí nghiệm chúng tôi đã phát hiện đây là một loài giòi đục lá mới tên Hydrellia griseola, cũng cùng họ và chi với giòi đục lá thông thường nhưng khác loài và cùng tấn công trên lúa non ở một số địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang.

Gọi là mới vì chúng chỉ mới xuất hiện gần đây (sau H. philippina) chứ thật ra chúng đã được ghi nhận gây hại trên nhiều loại cây trồng từ rất lâu ở nhiều nước khác trên thế giới, kể cả lúa trồng ở Mỹ và Úc. Nhưng trong các nước ở Á châu, từ khi có lúa cao sản ngắn ngày như IR8 trở đi thì loài H. philippina chiếm ưu thế trên ruộng lúa cấy vì con ruồi của loài này có đặc tính là dễ phát hiện cây lúa non khi có ánh sáng phản chiếu từ mặt nước ruộng.

Hai loài này rất tương cận nhau về hình dạng nên rất khó phân biệt như:

1. Trứng rất nhỏ, màu trắng đẻ trên mặt lá lúa non, nở trong vòng 2-3 ngày.

2. Giòi màu trắng hơi ngã vàng, dài 3-6 mm, đầu nhỏ, đuôi lớn hơn có mang hai gai nhọn ở cuối bụng xuôi về phía sau. Chỉ khác là sau khi nở thì giòi của H. philippina bò xuống và chui vào trong đọt lúa để ăn lá non còn cuốn lại rồi làm nhộng ở ngay trong nách lá, còn giòi của loài H. griseola thì đục vào trong phiến lá để ăn thành những đường hầm ngoằn ngoèo màu trắng trên mặt lá, rồi khi lớn đủ thì làm nhộng có dạng một đốm đen dài nằm ngay bên trong đường hầm. Thời gian giòi phát triển và tấn công cây lúa kéo dài độ 7-10 ngày thì hóa nhộng.

3. Cũng giống như giòi, nhộng dài 5-7 mm và cũng có hai đuôi nhọn ở cuối bụng. Thời gian nhộng lâu độ 5-7 ngày thì trưởng thành ra con ruồi nhỏ độ chừng 1/3 kích thước của con ruồi nhà, màu nâu xám, hai cánh xếp dọc trên lưng chớ không hơi giang rộng như ruồi nhà, thường thấy đậu ở trên lá lúa hay ngay trên mặt nước của ruộng mạ. Ruồi sống độ 7-10 ngày và đẻ khoảng 100 trứng rải rác trên mặt lá lúa non.

Cách tấn công và gây hại cây lúa của cả hai loài giòi đều không đáng phải diệt trừ bằng thuốc hóa học vì lá của cây lúa non có khả năng phục hồi rất tốt. Tuy nhiên cũng cần nên theo dõi chặt chẽ để có biện pháp khống chế kịp thời vì hiện nay cả hai loài lại xuất hiện và gây hại cùng lúc trên một ruộng lúa, nhất là trong điều kiện lúa sạ thưa. Ngoài ra, loài nầy thường xuất hiện và gây hại trên ruộng mạ có nước ngập sâu nên lá lúa có thể chết nếu không kịp tháo bớt nước cho bẹ lúa kịp hồi phục.

Các bệnh trên lúa có triệu chứng vàng lá

Gần đây đôi lúc bà con gặp tình trạng cây lúa bị vàng lá. Bà con còn lúng túng khi chưa biết ruộng lúa nhà bị bệnh gì! Cách đối phó ra sao?

Để áp dụng biện pháp trị bệnh hữu hiệu, điều đầu tiên là bà con phải chẩn đoán đúng cây lúa bị bệnh gì. Sau đây là một số cách giúp bà con có thể chẩn đoán đúng bệnh của ruộng lúa nhà.

Trước tiên, đề nghị bà con cần bứng bụi lúa bệnh lên, rửa sạch đất ở bộ rễ, và quan sát kỹ bộ rễ của cây lúa. Có ba tình huống ở rễ lúa:

1. Rễ lúa bị thúi đen

Nếu lá lúa vẫn còn lá xanh, thì đây là do cây lúa bị ngộ độc acid hữu cơ trong đất. Trường hợp này lá lúa có màu vàng nâu xỉn màu. Không phải lá lúa nào cũng vàng, chỉ một số lá bị vàng mà thôi. Vết vàng chỉ ở phần chóp lá lúa. Trên phần lá còn xanh, gần vết vàng, có nhiều vết nhỏ màu nâu.

Cách giải quyết: tháo nước độc ra khỏi ruộng, rải 20 kg vôi bột cho 1 công.

2. Rễ lúa bị vàng

Phần lớn các rễ lúa bị vàng và teo tóp lại. Vuốt bộ rễ lúa trên ngón tay sẽ cảm nhận là rễ lúa nhám chứ không trơn láng như ở bụi lúa khoẻ mạnh. Hầu hết lá lúa trong bụi bị vàng ở chóp lá. Đặc biệt là phần lớn lá vàng bị cháy khô ở chóp. Bệnh xuất hiện trên toàn bộ khu ruộng hoặc trên một vạt nào đó trong ruộng.

Cách giải quyết: tháo nước phèn ra khỏi ruộng, rải 20 kg vôi bột cho 1 công.

3. Rễ lúa bình thường

Nếu rễ lúa bình thường cần quan sát kỹ lá lúa để chẩn đoán bệnh. Trong tình trạng rễ lúa bình thường, cây lúa có thể bị 5 bệnh: vàng lá chín sớm, vàng lùn, lúa cỏ dòng 1, vàng lá do vi khuẩn và thúi thân do vi khuẩn. Phần sau sẽ trình bày 5 bệnh này để bà con tự chẩn đoán bệnh trên ruộng lúa của mình.

a. Bệnh vàng lá chín sớm

Vết bệnh trên lá lúa có khuynh hướng phát triển từ phía dưới lên chóp lá. Vết bệnh có màu vàng tươi. Ban đầu là một sọc màu vàng từ dưới kéo lên chóp lá. Sau đó vết vàng lan dần ra chiếm một nửa lá lúa hoặc cả lá lúa. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một vết nhỏ màu vàng sậm hơn ở đáy của vết vàng.

Bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện đồng đều trên ruộng. Trong vụ lúa, bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện muộn, thường sau giai đoạn tượng đòng trở về sau. Sau khi lúa trổ xong, bệnh phát triển rất nhanh.

Cách giải quyết: phun thuốc ngừa hoặc trị bệnh với thuốc Amistar Top hoặc Tilt super. Để ngừa bệnh, phun thuốc vào 5 ngày trước khi lúa trổ và 5 ngày sau khi lúa trổ bông.

b. Bệnh vàng lùn

Lá có vết vàng với màu vàng cam rất đẹp. Vết bệnh bắt đầu từ chóp lá lan dần vào cho đến khi cả lá ngã màu vàng. Sau đó lá chết và cháy khô. Trên chồi lúa bệnh, bệnh xuất hiện từ lá bên dưới trước, rồi lan dần lên lá kế bên theo thứ tự từ dưới gốc lên ngọn lúa. Trên chồi lúa bệnh có thể thấy lá bên dưới đã cháy chết, lá kế bên trên bị vàng cả lá, lá kế thứ ba bị vàng nửa lá và lá thứ tư bị vàng ở chóp lá.

Các lá của chồi lúa bệnh có khuynh hướng xòe ngang hơn so với các chồi lúa mạnh (trên chồi lúa mạnh, lá mọc thẳng đứng). Chồi lúa bệnh lùn hơn so với các chồi lúa mạnh.

Trường hợp lúa bị truyền bệnh muộn, bụi lúa xuất hiện triệu chứng muộn vào 45-50 ngày sau khi sạ thì chồi lúa bệnh không lùn và chỉ thể hiện triệu chứng vàng lá theo mô tả bên trên. Bệnh vàng lùn do rầy nâu lan truyền.

Chồi lúa nào mắc bệnh vàng lùn thì không trổ bông được. Khi đã có bệnh vàng lùn trên ruộng lúa, không có thuốc trị bệnh.

Cần quản lý tốt rầy nâu: trộn giống với Cruiser giúp ngừa được rầy nâu trong giai đoạn đầu của cây lúa, có thể giúp giảm được thiệt hại do bệnh này gây nên.

Thời gian gần đây, bệnh vàng lùn có thêm triệu chứng thúi rễ.

c. Bệnh lúa cỏ dòng 1

Đây cũng là một dạng của bệnh vàng lùn. Bệnh này cũng do rầy nâu lan truyền. Triệu chứng bệnh này có khác với bệnh vàng lùn đôi chút. Trước hết bụi lúa bệnh bị lùn. Lùn nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian rầy nâu truyền bệnh sớm hay muộn sau ngày sạ. Lá lúa bị vàng, nhưng có màu vàng nhợt nhạt chứ không vàng tươi. Lá hẹp lại và mọc thẳng đứng. Bụi lúa bệnh đâm rất nhiều chồi như bụi cỏ. Bụi lúa bệnh không trổ bông được.

Cách quản lý bệnh: giống như bệnh vàng lùn.

d. Bệnh vàng lá do vi khuẩn

Đầu tiên trên lá lúa có nhiều sọc vàng sậm ngã màu vàng nâu, có dạng thấm nước. Vết bệnh lan dần làm cho cả lá vàng nâu, xỉn màu.

Các lá lân cận cũng bị lây bệnh. Bệnh lan dần ra từng chòm hoặc từng mảng trên ruộng. Thường thì bệnh phát triển sớm ở các nơi trũng trong ruộng trước, sau đó lan dần ra.

Khi ruộng chớm bệnh vàng lá do vi khuẩn, nên tháo nước ra (vì vi khuẩn lây lan do nước), rải 20 kg vôi bột cho 1 công, sau đó cho nước vào lấp xấp ruộng. Kế đó, phun vôi lên lá lúa. Dùng vôi cục (loại vôi dùng quét vách tường) hòa 1-1,5 kg vôi trong 16 lít nước. Có thể phun các loại thuốc trị vi khuẩn để trị bệnh này. Phun đều lên lá lúa. Nếu bệnh nặng và đang mùa mưa thì phun lại lần hai vào 10 ngày sau khi phun lần một.

e. Bệnh thúi thân lúa do vi khuẩn

Bệnh này thường xuất hiện nặng ở các vùng thường bị nhiễm mặn. Bệnh xuất hiện sớm, trong khoảng 15-30 ngày sau khi sạ. Đầu tiên bệnh làm cho các lá của chồi lúa bệnh ngã màu vàng nâu xỉn màu. Thường thì lá đọt bị hư trước rồi lan dần sang các lá còn lại của chồi lúa bệnh. Bẹ của chồi lúa bệnh bị thúi. Bẹ của chồi lúa bệnh dễ bị rứt đứt ra, ngửi có mùi hôi thúi.

Bệnh phát triển rất nhanh và làm chết bụi lúa sau đó. Bệnh nặng có thể làm chết rất nhiều bụi lúa trên ruộng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ruộng lúa.

Khi có bệnh trong ruộng, cần tháo nước ra khỏi ruộng. Rải vôi bột lên mặt đất ruộng, 20 kg/công. Cho nước mới vào lấp xấp mặt đất. Bên trên lá lúa, cần phun nước vôi (1-1,5 kg/16 lít nước) hoặc phun thuốc trị vi khuẩn.

PGS. Phạm Văn Kim

Phun thuốc trừ rầy nâu theo ổ

Thuốc Chess 50 WG, được khuyến cáo là đặc trị rầy nâu hại lúa, và thực tế đã được bà con nông dân ở một số địa phương tin dùng cho lúa mùa giai đoạn cuối vụ năm 2010. Tuy nhiên, nếu phun theo hướng dẫn trên bao bì thì chi phí vẫn còn cao.

Rầy nâu được phát sinh từng ổ trong ruộng lúa, mới đầu thân hình còn bé xíu nên thường gọi là rầy cám. Sau đó, nhờ bản chất chít hút cây lúa nên rầy lớn nhanh và béo mầm, to bằng con muội măng và biết lỉnh nấp. Mật độ rầy trong từng ổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố; giai đoạn cuối vụ, nếu mật độ cao mà không phun trừ kịp thời và đúng thuốc thì lúa có biểu hiện cháy khô. Vụ mùa 2010, không ít ruộng lúa bị cháy khô khi mật độ rầy lên tới 3.000 con/m2.

Do có đặc điểm phát sinh thành từng ổ, lại bám đậu ở phần gốc lúa để chích hút nên rất khó khăn trong điều tra phát hiện và phun trừ. Cụ thể, hôm 13 và 14/9, khi tập huấn khuyến nông về con bọ rầy, bà con nông dân ở hai thôn Cát Khê và Đại Lã, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đều cho biết: bướm và tổ của sâu cuốn lá nhỏ thì chỉ cần đi trên bờ ruộng là phát hiện được và cũng dễ phun trừ, đằng này, rầy nâu tuổi non thì có lội hẳn vào trong ruộng cũng khó phát hiện ra, chỉ khi có cánh, bám trạt trên lá đòng và cổ bông, lúc đó mới nhận được ra thì đã muộn rồi.

Nhớ mùa vụ năm 2010, rầy nâu lứa 5 phát sinh vừa xong thì rầy nâu lứa 6 lại xuất hiện với mật độ cao, đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn, bà con nông dân rất hoang mang: gặt chạy thì hao lúa; phun trừ thì rất tốn kém. Nhiều loại thuốc đặc trị rầy nâu hại lúa được kịp thời khuyến cáo sử dụng, trong đó có thuốc Chess 50 WG.

Trong khi bà con nông dân thường phun trừ theo hướng dẫn trên bao bì thì chúng tôi đã trực tiếp hướng dẫn một số nông dân trẻ ở các xã Quốc Tuấn và Thanh Quang, huyện Nam Sách phun theo ổ. Kỹ thuật như sau: hòa 1 gói thuốc Chess 50 WG loại 7,5g trong 8 lít nước, phun đẫm đều từ ngọn xuống tận gốc cây lúa cách phạm vi xung quanh khoảng 1 mét trở vào đến tận trung tâm ổ.

Kết quả, thuốc Chess 50 WG (của công ty Syngenta Việt Nam) đã tạo dấu ấn và được bà con tin dùng nhất, ở chổ: phun theo ổ thì rầy nhanh chết (chỉ sau 1-2 ngày phun) và chết triệt để hơn; đỡ tốn tiền thuốc và tiền công phun hơn. Một gói thuốc 7,5g có thể phun trừ được 3-4 ổ rầy trên diện tích 1.080 m2 của 2 ruộng thay vì phải pha ít nhất 4 gói loại 7,5g cho 1.000 m2 theo hướng dẫn trên bao bì.

Hiện trà lúa mùa sớm được gieo cấy bằng mạ dược và trà mùa trung được gieo cấy bằng mạ sân hoặc gieo thẳng của các địa phương đang trong giai đoạn từ thấp tho trổ bông đến chín đỏ đuôi. Lúa đẹp và có nhiều hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất cao. Do thời tiết đang có nhiều nắng và mưa dông xen kẽ; rầy nâu lứa 6 đã phát sinh ở cuối tháng 8 đầu tháng 9, tuy nhiều diện tích chưa đến ngưỡng phải phun trừ, nhưng sẽ là điều kiện tích lũy về mật độ cho rầy nâu lứa 7.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nói trên, chúng tôi xin khuyến cáo và đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tập huấn khuyến nông về kỹ thuật phun thuốc Chess 50 WG theo ổ; cách điều tra phát hiện ổ rầy, nhất là giai đoạn rầy cám và xác định ngưỡng cần phun trừ để mọi bà con nông dân có điều kiện áp dụng.

(Nguồn: Ks Nguyễn Hữu Vân - báo NNVN - ngày 20/9/2011)