Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Các bệnh trên lúa có triệu chứng vàng lá

Gần đây đôi lúc bà con gặp tình trạng cây lúa bị vàng lá. Bà con còn lúng túng khi chưa biết ruộng lúa nhà bị bệnh gì! Cách đối phó ra sao?

Để áp dụng biện pháp trị bệnh hữu hiệu, điều đầu tiên là bà con phải chẩn đoán đúng cây lúa bị bệnh gì. Sau đây là một số cách giúp bà con có thể chẩn đoán đúng bệnh của ruộng lúa nhà.

Trước tiên, đề nghị bà con cần bứng bụi lúa bệnh lên, rửa sạch đất ở bộ rễ, và quan sát kỹ bộ rễ của cây lúa. Có ba tình huống ở rễ lúa:

1. Rễ lúa bị thúi đen

Nếu lá lúa vẫn còn lá xanh, thì đây là do cây lúa bị ngộ độc acid hữu cơ trong đất. Trường hợp này lá lúa có màu vàng nâu xỉn màu. Không phải lá lúa nào cũng vàng, chỉ một số lá bị vàng mà thôi. Vết vàng chỉ ở phần chóp lá lúa. Trên phần lá còn xanh, gần vết vàng, có nhiều vết nhỏ màu nâu.

Cách giải quyết: tháo nước độc ra khỏi ruộng, rải 20 kg vôi bột cho 1 công.

2. Rễ lúa bị vàng

Phần lớn các rễ lúa bị vàng và teo tóp lại. Vuốt bộ rễ lúa trên ngón tay sẽ cảm nhận là rễ lúa nhám chứ không trơn láng như ở bụi lúa khoẻ mạnh. Hầu hết lá lúa trong bụi bị vàng ở chóp lá. Đặc biệt là phần lớn lá vàng bị cháy khô ở chóp. Bệnh xuất hiện trên toàn bộ khu ruộng hoặc trên một vạt nào đó trong ruộng.

Cách giải quyết: tháo nước phèn ra khỏi ruộng, rải 20 kg vôi bột cho 1 công.

3. Rễ lúa bình thường

Nếu rễ lúa bình thường cần quan sát kỹ lá lúa để chẩn đoán bệnh. Trong tình trạng rễ lúa bình thường, cây lúa có thể bị 5 bệnh: vàng lá chín sớm, vàng lùn, lúa cỏ dòng 1, vàng lá do vi khuẩn và thúi thân do vi khuẩn. Phần sau sẽ trình bày 5 bệnh này để bà con tự chẩn đoán bệnh trên ruộng lúa của mình.

a. Bệnh vàng lá chín sớm

Vết bệnh trên lá lúa có khuynh hướng phát triển từ phía dưới lên chóp lá. Vết bệnh có màu vàng tươi. Ban đầu là một sọc màu vàng từ dưới kéo lên chóp lá. Sau đó vết vàng lan dần ra chiếm một nửa lá lúa hoặc cả lá lúa. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một vết nhỏ màu vàng sậm hơn ở đáy của vết vàng.

Bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện đồng đều trên ruộng. Trong vụ lúa, bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện muộn, thường sau giai đoạn tượng đòng trở về sau. Sau khi lúa trổ xong, bệnh phát triển rất nhanh.

Cách giải quyết: phun thuốc ngừa hoặc trị bệnh với thuốc Amistar Top hoặc Tilt super. Để ngừa bệnh, phun thuốc vào 5 ngày trước khi lúa trổ và 5 ngày sau khi lúa trổ bông.

b. Bệnh vàng lùn

Lá có vết vàng với màu vàng cam rất đẹp. Vết bệnh bắt đầu từ chóp lá lan dần vào cho đến khi cả lá ngã màu vàng. Sau đó lá chết và cháy khô. Trên chồi lúa bệnh, bệnh xuất hiện từ lá bên dưới trước, rồi lan dần lên lá kế bên theo thứ tự từ dưới gốc lên ngọn lúa. Trên chồi lúa bệnh có thể thấy lá bên dưới đã cháy chết, lá kế bên trên bị vàng cả lá, lá kế thứ ba bị vàng nửa lá và lá thứ tư bị vàng ở chóp lá.

Các lá của chồi lúa bệnh có khuynh hướng xòe ngang hơn so với các chồi lúa mạnh (trên chồi lúa mạnh, lá mọc thẳng đứng). Chồi lúa bệnh lùn hơn so với các chồi lúa mạnh.

Trường hợp lúa bị truyền bệnh muộn, bụi lúa xuất hiện triệu chứng muộn vào 45-50 ngày sau khi sạ thì chồi lúa bệnh không lùn và chỉ thể hiện triệu chứng vàng lá theo mô tả bên trên. Bệnh vàng lùn do rầy nâu lan truyền.

Chồi lúa nào mắc bệnh vàng lùn thì không trổ bông được. Khi đã có bệnh vàng lùn trên ruộng lúa, không có thuốc trị bệnh.

Cần quản lý tốt rầy nâu: trộn giống với Cruiser giúp ngừa được rầy nâu trong giai đoạn đầu của cây lúa, có thể giúp giảm được thiệt hại do bệnh này gây nên.

Thời gian gần đây, bệnh vàng lùn có thêm triệu chứng thúi rễ.

c. Bệnh lúa cỏ dòng 1

Đây cũng là một dạng của bệnh vàng lùn. Bệnh này cũng do rầy nâu lan truyền. Triệu chứng bệnh này có khác với bệnh vàng lùn đôi chút. Trước hết bụi lúa bệnh bị lùn. Lùn nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian rầy nâu truyền bệnh sớm hay muộn sau ngày sạ. Lá lúa bị vàng, nhưng có màu vàng nhợt nhạt chứ không vàng tươi. Lá hẹp lại và mọc thẳng đứng. Bụi lúa bệnh đâm rất nhiều chồi như bụi cỏ. Bụi lúa bệnh không trổ bông được.

Cách quản lý bệnh: giống như bệnh vàng lùn.

d. Bệnh vàng lá do vi khuẩn

Đầu tiên trên lá lúa có nhiều sọc vàng sậm ngã màu vàng nâu, có dạng thấm nước. Vết bệnh lan dần làm cho cả lá vàng nâu, xỉn màu.

Các lá lân cận cũng bị lây bệnh. Bệnh lan dần ra từng chòm hoặc từng mảng trên ruộng. Thường thì bệnh phát triển sớm ở các nơi trũng trong ruộng trước, sau đó lan dần ra.

Khi ruộng chớm bệnh vàng lá do vi khuẩn, nên tháo nước ra (vì vi khuẩn lây lan do nước), rải 20 kg vôi bột cho 1 công, sau đó cho nước vào lấp xấp ruộng. Kế đó, phun vôi lên lá lúa. Dùng vôi cục (loại vôi dùng quét vách tường) hòa 1-1,5 kg vôi trong 16 lít nước. Có thể phun các loại thuốc trị vi khuẩn để trị bệnh này. Phun đều lên lá lúa. Nếu bệnh nặng và đang mùa mưa thì phun lại lần hai vào 10 ngày sau khi phun lần một.

e. Bệnh thúi thân lúa do vi khuẩn

Bệnh này thường xuất hiện nặng ở các vùng thường bị nhiễm mặn. Bệnh xuất hiện sớm, trong khoảng 15-30 ngày sau khi sạ. Đầu tiên bệnh làm cho các lá của chồi lúa bệnh ngã màu vàng nâu xỉn màu. Thường thì lá đọt bị hư trước rồi lan dần sang các lá còn lại của chồi lúa bệnh. Bẹ của chồi lúa bệnh bị thúi. Bẹ của chồi lúa bệnh dễ bị rứt đứt ra, ngửi có mùi hôi thúi.

Bệnh phát triển rất nhanh và làm chết bụi lúa sau đó. Bệnh nặng có thể làm chết rất nhiều bụi lúa trên ruộng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ruộng lúa.

Khi có bệnh trong ruộng, cần tháo nước ra khỏi ruộng. Rải vôi bột lên mặt đất ruộng, 20 kg/công. Cho nước mới vào lấp xấp mặt đất. Bên trên lá lúa, cần phun nước vôi (1-1,5 kg/16 lít nước) hoặc phun thuốc trị vi khuẩn.

PGS. Phạm Văn Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét