Kỹ Thuật

KỸ THUẬT TRỒNG MỘT SỐ CÂY RAU MÀU, ĂN QUẢ VÀ HOA PHỔ BIẾN
Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


 Kỹ thuật trồng cây hoa hồng

Hiện nay các giống hoa hồng được trồng phổ biến là giống: Đỏ ý (Red velvet), đỏ Hà Lan (Amadues), xanh dâu (Sheer Beiss ).....
1. Các loại giống hoa hồng trồng phổ biến tại Đà Lạt : 
 Hiện nay các giống hoa hồng được trồng phổ biến là giống: Đỏ ý (Red velvet), đỏ Hà Lan (Amadues), xanh dâu (Sheer Beiss ).
2. Chuẩn đất trồng :
Đối với thời vụ trồng mới, phải tiến hàng trồng gốc hồng dại để sau này ghép giống mới, hồng dại có Tường vi, Tầm xuân. Sau khi trồng được 5 tháng thì chuẩn bị ghép, sử dụng mắt chồi ghép đủ tiêu chuẩn, giử ẩm, che bớt  nắng để tỷ lệ chồi sống cao.
3. Chăm sóc :
Phân bón: Dùng tỷ lệ phân bón  NPK (kg nguyên chất/ha):140:140:140. Cần bổ sung các loại phân vi khoáng, phân bón qua lá theo định kỳ 1 tháng/1 lần.
Chú ý bón lót phân hữu cơ với lượng dùng 40 tấn/ha, hàng năm cần phải bón bổ sung định kỳ 3 -6 tháng/1 lần phân hữu cơ.
4. Tưới nước :
Bảo đảm độ ẩm của đất  60 - 70% , không khí 80 - 85 %.
5.  Phòng trừ sâu bệnh hại hoa hồng :
+ Rệp: Hút nhựa cây làm lá bị còi cọc biến dạng. Phòng ngừa bằng Supracidl 40 EC, Bassa 50 EC nồng độ 2%.
+ Nhện đỏ: Chích hút nhựa làm cho lá dễ rụng, cây còi cọc. Phòng ngừa bằng Capcadeux, Danitol S 50 EC nồng độ 2%.
+ Sâu ăn lá : Cắn phá lá và nụ hoa, phòng ngừa bằng Sumi µ, Viphensa, Lannat 40 SP với nồng độ 2%.
+ Đốm lá : Bệnh đốm vòng (Alternaria Rasal), bệnh đốm mắt cua (Cercopora Rasal), bệnh đốm đen (Mycosphacrilla  Rosicola). Bệnh đốn lá làm lá vàng, dễ rụng . Phòng trừ bằng cách vệ sinh đồng ruộng, bón cân đối NPK, phân chuồng hoai, tỉa lá già, lá bệnh. Thuốc phòng ngừa : Score 250 EC, Daconil 550 SC, Altracol 70 BHN nồng độ 2%.
+ Bệnh phấn trắng : Bệnh thường hại ngọn non, chồi non, lá non. Biện pháp phòng ngừa là bón tăng hàm lượng kali, giữ độ ẩm của đất vừa đủ, dùng Score 250 EC 2%, Kasuran 80 F nồng độ 30 d/ 8lít.
+ Bệnh gĩ sắt: Bệnh nặng làm cho lá khô cháy, hoa nhỏ và ít. Cần bón cân đối lượng N, P, K, vệ sinh đồng ruộng;  dùng thuốc Anvil 5 SC với liều 3 -10 ml/8 lít, Suppertilt 250 EC với liều 3-10 ml/8 llít, Coct 85 với liều 10 g/8 lít.
6. Tỉa cành, tỉa nụ, thu hoạch và bảo quản hoa :
Tỉa bỏ nhánh hồng dại mọc, nhánh ốm yếu, nhánh mọc không cần thiết….. để cây thoáng, quang hợp dễ dàng. Cắt bỏ những cành hoa thứ cấp để hoa các cành khác to lên.
Cắt hoa nên cắt vào buổi sáng (Cây sung nhựa, nhiều nước do đó bông lâu tàn), trước khi cắt nên tưới nước nhiều.
Sau mỗi năm nên đốn phát để cây phát nhiều cành to khỏe. Sau 3 năm chặt sát gốc 1 lần làm cho cây mọc mầm tốt và trẻ hoá.
Nguồn: www.dalat.gov.vn

Kỹ thuật trồng khoai mỡ trên đất phèn


KS. Phạm Đức Toàn, ThS. Trịnh Hoàng Nghĩa
A. PHẦN 1: GIỚI THIỆU
Cây khoai mỡ (Diorcorea alata) là một loại cây cho củ, dùng làm lương thực thực phẩm đã xuất hiện từ lâu đời ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ.
Tại Việt Nam, khoai mỡ được trồng nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) vì đây là loại cây tương đối chịu phèn. Tuy nhiên những nghiên cứu về cây khoai mỡ còn quá ít nên bà con nông dân huyện Thạnh Hóa trồng khoai chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu đời và học hỏi lẫn nhau.
Sau đây là vài nét về kỹ thuật trồng khoai mỡ trên vùng đất phèn huyện Thạnh Hóa – Long An.
B. PHẦN 2: QUY TRÌNH KỸ THUẬT
1. Mùa vụ
Khoai mỡ có thể trồng quanh năm, ở vùng Đồng Tháp Mười thì bắt đầu từ tháng 11 (khi nước lũ vừa rút xuống) và thu hoạch vào tháng 5 – 6 âm lịch của năm sau.
- Chuẩn bị đất trồng
- Lên líp
Lên líp là một điều kiện bắy buột đối với trồng khoai mỡ trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Là cây chịu phèn nên việc đào mương lên líp được tiến hành một cách tự nhiên mà không cần áp dụng kiểu cuốn chiếu để tránh phèn như các loại cây trồng khác.
Kích thước mương líp phụ thuộc vào đất gò cao hay đất thấp trũng, trung bình thì
Kích cở như sau: rộng 3 – 5m; cao 0.3 – 0.6m; lối đi 0.3 – 0.5m
Kênh tưới: rộng 1.5 – 2m; sâu 0.6 – 0.8m
- Chuẩn bị đất
Đất trồng phải được làm tơi xốp và dọn sạch cỏ
Đất củ: vừa thu hoạch khoai vụ này vừa đánh đất trở đất cho tơi xốp, vét sạch hai bên lối đi, sửa líp cho bằng phẳng để chuẩn bị cho vụ sau.
Đất mới: dùng dá, cuốc trở líp 1 – 2 lần, vừa trở vừa đánh đất cho tơi xốp, sửa líp bằng phẳng và cho ngập một mùa nước lũ mới trồng.
Sau 2 – 3 năm kênh sẽ cạn dần, ta nên vét lại kênh đưa đất lên líp để đảm bảo độ cao của líp và độ sâu của mương.
- Phủ cỏ lên líp
Phủ cỏ trên líp để trồng khoai là rất quan trọng và tốt nhất là dùng cỏ mồm hoặc cỏ bàng vì hai loại cỏ này lâu bị phân hủy về sau. Tránh trường hợp dùng cỏ năng hay rơm rạ vì mau bị phân hủy dây khoai sẽ tiếp xúc với đất, các đốt thân sẽ cho nhiều rễ phụ và củ đeo làm tiêu hao dinh dưỡng, giảm năng suất. Ngoài ra phủ bằng cỏ năng hay rơm rạ phân bón sẽ không lọt xuống đất được.
Công việc phủ cỏ được tiến hành trước khi trồng, khi nước lũ vừa rút xuống, trung bình lớp phủ dày khoảng 3 – 5cm. Tác dụng của lớp cỏ là:
Giữ ẩm cho đất
Hạn chế cỏ dại
Hạn chế rễ phụ và củ đeo trên các đốt thân.
- Chuẩn bị giống
Giống có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nên việc chọn giống và xử lý giống phải nghiêm ngặt. Giống được mua từ vùng đất khác đem về, trước khi đem ra cắt mục tạo giống, củ giống phải được xủ lý bằng các lại thuốc sau: Bassa, Aplau....nhằm mục đích diệt sạch các mầm bệnh trên củ giống.
Từ 1kg củ giống có thể tạo được từ 10 – 12 mục giống, các mục giống được đưa qua xử lý bằng vôi hoặc vôi + ximăng (theo tỉ lệ 1:1). Tác dụng của việc xử lý vôi là chống lại hiện tượng thối lầy mặt cắt do nấm hoặc vi khuẩn gây ra, sau đó mục giống được đem đi ủ tro.
Cách ủ như sau:
Trải một lớp tro mỏng khoảng 5cm, sắp lê đó một lớp mục giống (lát cắt khoai để làm giống) và đổ thêm tro ngập lớp mục giống đó, tiếp tục cho lớp khoai thứ 2 lên và phủ tro kín lại. Có thể ủ một lớp khoai 2 lớp tro hoặc 2 lớp khoai 3 lớp tro.
Sau khi ủ 2 – 3 ngày thì tưới nước một lần, nếu ẩm độ cao quá khoai sẽ bị thối, nếu ẩm độ thấp quá khoai lâu mọc mầm. Sau 5 – 6 ngày nếu thấy mặt cắt bị thối thì dở ra cạo hết lớp thối đó rồi đem ủ trở lại. Sau 20 ngày thì mầm khoai lên khoảng 3 – 5cm, lúc này có thể mang đem ra trồng. Những mục khoai ở đầu củ thì có khả năng mọc mầm mạnh hơn ở những nơi khác, sau 20 ngày những mục nào chưa lên mầm thì đem ủ lại, sau 40 ngày những mục không lên mầm sẽ được loại bỏ.
2. Kỹ thuật trồng
Kỹ thuật trồng khoai đơn giản, dao nhọn vén lớp cỏ phủ trên mặt líp, xới chổ trồng cho tơi xốp và đặt mục khoai giống xuống (vỏ khoai tiếp xúc với đất, mặt cắt hướng lên trên. Mật độ trồng:
Cây cách cây: 50 – 60cm
Hàng cách hàng: 50 – 60cm
3. Chăm sóc
4. Làm cỏ: trong suốt quá trình sinh trưởng của cây khoai chỉ làm cỏ 1 lần, sau đó dây khoai phủ kín líp nnê líp không còn cỏ nữa.
5. Bón phân:
Hiện nay bà con nông dân bón khoai mỡ với lượng đạm khá cao gây mất cân đối giữa N:P:K không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn sinh ra bệnh hại. Chúng tôi khuyến cáo hai công thức sau:
Đất mới trồng: 100 N – 90 P2O5 – 90 K2O
Đất cũ: 120 N – 90 P2O5 – 90 K2O
Và nên chia thành từ 3 đến 5 lần bón
Bón lót có thể không cần
Đợt 1: 15 đến 20 ngày sau trồng
Đợt 2: 40 đến 45 ngày sau trồng
Đợt 3: 60 đến 65 ngày sau trồng
Đợt 4: 80 đến 85 ngày sau trồng
Đợt 5: sau 3 tháng nếu thấy khoai xấu vàng thì có thể bón dặm thêm.
Cách bón: hai đợt đầu khoai chưa phủ kín líp ta nên bón theo hốc, các đợt còn lại ta nên rải đều trên mặt líp, bón phân cần kết hợp với tưới nước để nâng cao hiệu quả của phân bón.
Tưới nước: khi nước lũ vừa rút ta tiến hành trồng ngay, đất còn ẩm nên nhẹ tưới ở giai đoạn đầu. Sau đó sang mùa khô nên định kỳ nước tưới 10 – 15 ngày/lần mới đảm bảo cho khoai phát triển.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Ở giai đoạn ủ tro khoai dễ bị tấn công bởi các loại nấm mốc gây hại mầm nên ta có thể phun vào tro các loại thuốc Validacin, Kasai, Kitazin...
Ở giai đoạn ngoài đồng ruộng khoai bị tấn công bỡi sâu ăn lá, rêp sáp, bệnh bả trầu, bệnh vàng lá, đốm lá, bệnh mục đầu củ... Nhìn chung thì đối với cây khoai những loại sâu bệnh trên lá, trên thân tương đối dễ trị và ít thiệt hại về năng suất. Chỉ có hai loại sau đây là tương đối khó trị (1) côn trùng: rệp sáp trên củ và (2) bệnh mục đầu củ được xem là nguy hiểm nhất, thường gây thiệt hại đến năng suất.
6.1. Rệp sáp (chờ định danh): là loại côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên cây khoai mỡ cả ấu trùng và thành trùng đều hút nhựa cây, ở củ làm cho củ khoai không lớn được. Mặt khác rệp sáp gây hại dưới mặt đất nên ta không thể kiểm soát được bằng thuốc hóa học. Ở các vùng chuyên canh trồng khoai mỡ rệp sáp thường xuất hiện sau một vài cơn mưa đầu mùa (tháng 3 – 4) và có khả năng lây lan rất nhanh. Xuất phát từ đó qua điều tra khảo sát cây ký chủ phụ của rệp sáp vào mùa nước lũ là:
Trên cây cỏ mồm: nhận thấy những ổ rệp sáp trên bẹ lá và chính bà con nông dân lại đem cây có mồm này chất đống lại trên líp để làm lớp cỏ phủ líp sau này.
Trên cây tràm cũng nhận thấy có những ở rệp sống cộng sinh với những đàn kiến hôi đen. Điều này rất có thể là sau khi trồng khoai kiến đã mang rệp sáp từ cây tràm xuống líp khoai. Từ đó kiến là môi giới lây lan cho rệp sáp, làm dịch hại diễn ra ngày càng mạnh và nhanh hơn.
6.2. Bệnh mục đầu củ: đây là bệnh được xem là nguy hiển nhất trên cây khoai mỡ, ngoài đồng ruộng bệnh làm giảm năng suất từ 10 – 80%. Sau đó bệnh tiếp tục phát triển hoăïc xâm nhập gây bệnh ngay trong thời gian bảo quản. Bệnh cũng thường xuất hiện sau một vài cơn mưa đầu mùa (tháng 3 – 4). Đã có nghiên cứu cho rằng nguyênnhân gây bệnh là do tuyến trùng pratylenchus sp. gây ra. Tuy nhiên nếu xét về triệu chứng bệnh lý thì vẫn còn có một số điểm chưa hợp lý.
-Khi bệnh xuất hiện thì không biểu hiện một triệu chứng nào trên thân lá. Tuyến trùng là một động vật hạ đẳng ký sinh thuộc ngành giun tròn, tấn công cây trồng bằng cách chích hút dịch tế bào cây, men tiêu hóa, độc tố và các chất bài tiết của chúng thường tác động vào cây trồng gây ra những triệu chứng nhất định. Ví dụ tuyến trùng Dytylenchide sp đã làm cản trở sự sinh trưởng của khoai tây, hành tỏi... Tuyến trùng Meloidogyne sp gây nốt sưng trên rễ của nhiều loại cây trồng như thuốc lá, đậu tương, bầu bí, cây họ đậu về sau rễ cây bị thối rữa cây còi cọc kém phát triển lá úa vàng hoặc thân lá bị biến dạng.
-Trên củ khoai, bệnh xuất hiện theo chiều hướng xác định vết bệnh từ đầu củ lan dần xuống giữa và cuối củ theo chiều dọc, sau đó bệnh tấn công từ vỏ củ vào bên trong thịt củ theo chiều ngang, nếu tuyến trùng thì sự tấn công có thể ở bất cứ điểm nào trên củ khoai mà chắc chắn sẽ không theo mộât chiều hướng nào nhất định cả.
7. Thu hoạch và bảo quản
-Thời gian thu hoạch từ tháng 5 – tháng 6
-Khi bảo quản cần chọn nơi khô mát, chất khoai thành đống, khi chất củ phải hơi nghiên để tránh đọng nước gây thối hỏng hoặc có thể làm máy che mưa.
* Chú ý: Trong quá trình bảo quản khoai có thể bi tấn công bởi rệp sáp (do kiến làm môi giới) và bệnh mục đầu củ.
Theo www2.hcmuaf.edu.vn

 Kỹ thuật trồng khoai môn, khoai sọ

Nhóm khoai sọ (Colocasia antiquorum) và nhóm khoai môn (Cocasia esculenta). Củ cái khoai sọ nhỏ nhưng nhiều củ con, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột. Khoai sọ thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, cát pha, giàu mùn, thoát nước tốt. Khoai sọ chủ yếu được trồng ở vùng đồng bằng và trung du.
Khoai môn thường cho củ cái to từ 1,5 đến trên 2 kg, ít củ con, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột. Khoai môn dùng ăn tươi, chế biến thực phẩm, đặc biệt có thể xuất khẩu củ tươi và dùng làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp rất có giá trị như khoai chiên, bột dinh dưỡng trẻ em…
Ở miền Bắc khoai môn chủ yếu được trồng ở các tỉnh miền núi và trung du, ít trồng ở vùng đồng bằng đất thấp bị ngập nước vì dễ sượng và ngứa.
I. Giống :
Củ giống tốt là những củ con cấp 1 hoặc cấp 2 có khối lượng 20 - 30gr/củ, không bị thối, lớp vỏ ngoài có nhiều lông.
- Mảnh củ giống tốt khi mảnh củ có mầm to bằng hạt đậu đen kèm theo vài sợi rễ ngắn khoảng 0,5-1 cm.
I.2. Có 2 phương pháp nhân giống:
- Phương pháp 1: Phá tính ngủ nghỉ của đỉnh củ bằng cách cắt bỏ mầm ngọn, như vậy sẽ làm kích thích các lá mầm bên phát triển sớm. Trong thực tế người ta thường cắt củ cái thành những mảnh củ theo chiều ngang củ hoặc cắt các mảnh nhỏ kích thước 2 x 2 x 2 cm khi đã có mầm bên, đem ủ hoặc giâm chúng riêng rẽ khi lên cây chồi, ra rễ thì đem trồng.
- Phương pháp 2: Nhân giống là nhân dòng, giống từ mô phân sinh. Phương pháp này thường được sử dụng để phục tráng và làm sạch bệnh của các dòng, giống bị thoái hoá hoặc bị nhiễm bệnh.
II. Chuẩn bị đất:
Tuỳ thuộc kiểu trồng trọt trên ruộng cạn hay ruộng ngập nước để làm đất cho phù hợp. Cây khoai môn, khoai sọ có bộ rễ ăn nông nên yêu cầu đất phải tơi xốp, nhiều mùn. làm đất phải cày, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, ruộng nước phải làm đất nhuyễn. Trồng khoai trên ruộng cạn lên luống rộng 1m, cao 20 - 30cm, rãnh luống 30cm.
III. Phân bón:
Khoai môn, khoai sọ cần bón nhiều phân hữu cơ và phân đạm. Trồng khoai trên đất ngập nước yêu cầu phân bón cao hơn trồng trên cạn. Thiếu kali làm giảm nhanh hàm lượng nước trong lá và rễ, làm cho mép lá vàng, rễ chết. Thiếu phốt pho cuống sẽ mềm, cây phát triển kém và củ dễ thối khi bảo quản. Thiếu đạm lá không bóng, màu không tươi, sinh trưởng và phát triển của cây kém, ảnh hưởng đến năng suất.
Bón phân hợp lý cho khoai tuỳ thuộc vào thời kỳ sinh trưởng, phát triển của từng loại giống, tính chất đất đai, điều kiện khí hậu của từng mùa vụ và đặc điểm của từng loại phân bón...
Đất xấu, giống ngắn ngày thâm canh cần tăng lượng phân bón. Đất sét, đất chua lượng kali cần giảm bớt. Tuỳ điều kiện cụ thể có thể bón 10-15 tấn phân chuồng mục và 80-100kg N+60-80 kg P2O580 - 100 kg K2O cho 1 ha.
Các loại phân bón cho khoai môn, khoai sọ thường có gốc sunphát tốt hơn. Sử dụng NPK tổng hợp với tỷ lệ 13-13-21 để bón cho khoai sẽ cho năng suất cao.
Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân tập trung vào hốc trồng. Bón thúc lần 1 tiến hành khi cây được 3 lá, bón 1/2 lượng phân đạm và 1/3 lượng phân kali; Bón thúc lần 2 sau lần thứ nhất 2 tháng, khi củ bắt đầu hình thành và phát triển, bón 1/2 lượng phân đạm và 2/3 lượng phân kali. Bón phân cách gốc 10cm, không bón quá sâu hoặc quá xa gốc.
IV. Thời vụ trồng:
Thời vụ trồng ở những nơi sử dụng nước trời trong cả nước khoảng đầu tháng 3 -4, thu hoạch tháng 10 - 11. Những nơi chủ động nước tưới có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất từ tháng 10 đến tháng 11 năm sau.
V. Mật độ trồng:
Trước khi trồng cần căn cứ vào chủng loại giống, điều kiện đất đai để lựa chọn mật độ phù hợp. Giống có dạng khóm đứng, đẻ nhánh nhiều thì trồng dày hơn những giống dạng xoè, đẻ nhánh ít, đất tốt trồng thưa hơn đất xấu. Mật độ thường áp dụng là 40.000 - 50.000 cây/ha, khoảng cách hàng 60cm, cách đây 40cm cho khoai sọ. Mật độ 25.000-35.000 cây/ha, với khoảng cách hàng 60cm, cách cây 50cm cho khoai môn.
Cách trồng:
Củ giống sâu dưới mặt đất khoảng 5 - 7cm, mầm chính hướng lên trên. Trồng xong phải phủ một lớp rơm rạ hay cỏ khô trên bề mặt luống để giữ ẩm cho củ giống mọc mầm nhanh. Sử dụng màng phủ có bề rộng 1- 1,2m, phủ trùm qua luống. Khi chồi mọc lên thì dùng dao khoét lỗ vừa phải cho cây phát triển.
VI. Chăm sóc:
- Xới xáo làm sạch cỏ kết hợp với các lần bón thúc và vun gốc.
- Tưới nước: Sau khi trồng tưới nước giữ ẩm cho đất để mầm nảy đều, phát triển tốt. Đặc biệt thời kỳ lúc khoai 5 - 6 lá tránh để khô hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
VII. Phòng trừ sâu bệnh:
VII.1. Bệnh sương mai:
Phòng trừ: Chọn lọc các giống có khả năng chống chịu bệnh để trồng. Bón cân đối phân chuồng và phân hoá học kết hợp trồng đảm bảo mật độ, vụ tạo vồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để tạo cho cây khoẻ mạnh. Khi có bệnh có thể phun các loại thuốc sau: Boocđô nồng độ 1%, Dacolin 75WP nồng độ 0,2%, Ridomil MZ nồng độ 0,2%, Benlat-C50WP nồng độ 0,15-0,2& hoặc Memody Arobat (20-30g/bình 8 lít).
VII.2. Bệnh khảm lá:
Phòng trừ: Dùng nguồn giống sạch bệnh để trồng. Nhổ bỏ các cây bị bệnh. Phun các loại thuốc để diệt rầy (Aphis spiraeclla) môi giới truyền bệnh.
VII.3. Sâu khoang:
Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, tơi, ải trước khi trồng. làm cỏ vun xới thường xuyên. Sau khi thu hoạch thu gom tàn dư cây trồng để đốt hoặc làm phân. Dùng bả chua ngọt để bẫy bướm khi chúng ra rộ.
VII.4. Nhện đỏ:
Phòng trừ: Luân canh cây trồng. Đảm bảo đủ nước tưới cho cây, khồng để ruộng bị khô hạn. Có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc để phun như: Oncol 25ND, Trebon 10ND nồng độ 0,1 - 0,2%.
VII.5. Rệp bông:
Phòng trừ: Phun Padan 95EC (0,8 lít/ha), Polytrin 400EC (0,7 lít/ha), Spresis 40EC (1,2 lít/ha), Dipterex các loại thuốc này pha nồng độ 0,2 - 0,3%, Fenbis 25EC, Bassa 50EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,1%, Appland 10WP, Hospan 25ND, Hoppecin 50ND... theo hướng dẫn của chuyên môn.
IX. Thu hoạch, bảo quản:
Thời gian thu hoạch củ phụ thuộc vào giống và kỹ thuật trồng, thường thu hoạch lúc 10-12 tháng sau trồng. Có thể cắt dọc trước thu hoạch, củ không cần rửa và đem về chỗ mát.
Có thể bảo quản khoai trong các hầm dưới đất, có quạt thông gió ở các phía.
Theo www.haiduongdost.gov.vn


KỸ THUẬT TRỒNG BẦU

  • Tên khoa học: Lagenaria siceraria
  • Họ bầu bí: Cucurbitaceae
Bầu là loại dây leo, có tua cuốn, phân nhánh. Thân được phủ nhiều lông mềm, có lá hình tim rộng, không xẻ thuỳ hay xẻ thuỳ hơi nông, hoa đơn tính.
1.Thời vụ:
Có thể trồng quanh năm. vụ mùa nắng cây ít bệnh và cho năng suất cao hơn mùa mưa.
2.Mật độ, khoảng cách:
  • Liếp rộng 0.7 m, tim liếp này cách tim liếp kia 1m, liếp cao 0.3 m (tuỳ theo mùa vụ và mực thuỷ cấp).
  • Trồng 1 hàng, cây cách cây 0.8 m.
  • Mật độ 3.Giống: - Có thể sử dụng hạt giống của các công ty Trang nông, Hai mũi tên đỏ, Miền nam.
  • Lượng hạt giống cần cho 1 ha: 300 – 400gr.
 4. Phân bón:
  • Lượng phân bón cho 1 ha: - Phân chuồng: 20 tấn. - Supe lân: 70 – 100 kg. - NPK 300 kg. - Urê 120 kg. - Kali: 50 kg - Bánh dầu: 100 kg + Bón lót: bón lót 2/3 phân chuồng + toàn bộ phân lân.
  • Bón thúc: có thể chia đều lượng phân còn lại cho 7 -10 lần bón tuỳ theo mùa vụ và chân đất.
  • Giữa các lần bón thúc và trong quá trình thu hoạch có thể bổ sung thêm các loại phân bón qua lá.
5.Chăm sóc:
  • Trồng dặm: Sau khi trồng cây 7 – 10 ngày, kiểm tra cây chết và trồng dặm (nếu có), tưới nước sau đó.
  • Tưới nước: để hạn chế sự bốc thoát hơi nước và cỏ dại nên sử dụng màng phủ nông nghiệp. Tưới nước 1 lần/ngày.
  • Làm giàn: Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn thì làm giàn cho dây bầu leo. Cũng có thể làm giàn trước khi cây có tua. Làm giàn hình chữ X với chiều cao 1.6 – 1.8 m
  • Sửa dây: Khi dây leo lên giàn, cần sửa dây phân bố đều, tỉa bỏ nhánh nhỏ, sâu bệnh giúp giàn thông thoáng, giảm sâu bệnh hại.
6.Phòng trừ sâu bệnh
  • Sâu đất, tuyến trùng: xử lý đất trước khi trồng bằng Diaphos 10 H, Basudin 10 H lên hốc gieo hoặc sau khi cấy rải quanh gốc.
  • Sâu xanh: Sử dụng một trong các loại thuốc sauSherpa, Cyperan, Sumicidin, Delphin, Biocin,…phun khi sâu còn nhỏ.
  • Nhóm chích hút: Bọ trĩ, rầy: Sử dụng Actara hoặc Confidor,…
  • Sâu vẽ bùa: Có thể sử dụng một trong các loại như Neem, Triggard, SK 99,..
  • Bệnh sương mai: Nên phun sớm khi bệnh vừa xuất hiện, sử dụng Mancozeb hoặc Carbadazim,…
Lưu ý:
  • Tất cả các loại thuốc nên sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”.
7.Thu hoạch
  • Khoảng 45 – 50 ngày sau khi gieo là có thể thu hoạch. Kích thước, độ chín trái phụ thuộc vào thị trường.
Nguồn: Lê Thị Nghiêm - khuyennongtphcm.com



RAU AN TOÀN
Khái niệm về rau an toàn

Những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả có chất lượng đúng như đặt tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là "rau an toàn".
Các yêu cầu chất lượng của rau an toàn
Chỉ tiêu về nội chất
Chỉ tiêu nội chất được quy định cho rau tươi bao gồm:
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hàm lượng nitrat (NO3).
Hàm lượng một sốm kim loại nặng chủ yếu: Cu, Pb, Hg, Cd, As,...
Mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (E. coli, Samonella ...) và kí sinh trùng đường ruột (trứng giun đũa Ascaris)
Tất cả các chi tiêu trong sản phẩm của từng loại rau phải được dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế FAO/WHO hoặc của một số nước tiên tiến: Nga, Mỹ ... trong khi chờ Việt Nam chính thức công bố tiêu chuẩn về các lĩnh vực này
Chỉ tiêu về hình thái
Sản phẩm được thu hoạch đúng lúc, đúng yêu cầu từng loại rau (đúng độ già kỹ thuật hay thương phẩm); không dập nát, hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp.
Điều kiện sản xuất rau an toàn
Những quy định chung:
Sản xuất các loại "rau an toàn" , khi thực hiện phải vận dụng cụ thể cho từng loại rau, từng điều kiện thực tế của từng địa phương. Nếu thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những điều kiện sau đây thì bảo đảm các yêu cầu về "rau an toàn" như đã nêu trên.
Đất trồng:
Đất để sản xuất "rau an toàn", không trực tiếp chịu ảnh hưởng xấu của các chất thải công nghiệp, giao thông khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm các hóa chất độc hại cho người và môi trường.
Phân bón:
Chỉ dùng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng các loại phân hữu cơ còn tươi (phân bắc, phân chuồng, phân rác ...). Sử dụng hợp lý và cân đối các loại phân (hữu cơ, vô cơ ...). Số lượng phân dựa trên tiêu chuẩn cụ thể quy định trong các quy trình của từng loại rau, đặc biệt đối với rau an lá phải kết thúc bón trước khi thu hoạch sản phẩm 15 - 20 ngày. Có thể dùng bổ sung phân bón lá (có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam) và phải theo đúng hướng dẫn. Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích và điều hòa sinh trưởng cây trồng.
Nước tưới:
Chỉ dùng nước giếng khoan, nước từ các sông suối hồ lớn ... không bị ô nhiểm các chất độc hại. Tuyệt đối không dùng trực tiếp nước thải từ công nghiệp, thành phố bệnh viện, khu dân cư nước ao, mương tù đọng.
Phòng trừ sâu bệnh:
Phải áp dung phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên nguyên tắc hạn chế thấp nhất sự thiệt hại do sâu bệnh gây ra; có hiệu quả kinh tế cao, ít độc hại cho người và môi trường. do đó cần chú ý các biện pháp chính sau:
* Giống: Phải chọn giống tốt, các cây con giống cần được xử lý sạch sâu bệnh trước khi xuất ra khỏi vườn ươm.
* Biện pháp canh tác: Cần tận dụng triệt để các biện pháp canh tác để góp phần hạn chế thấp nhất các điều kiện và nguồn phát sinh các loại dịch hại trên rau. Chú ý thực hiên chế độ luân canh: lúa - rau hoặc xen canh giữa các loại rau khác họ với nhau: Bắp cải, su hào, suplơ với cà chua để giảm bớt sâu tơ và một số sâu hại khác.
* Dùng thuốc: Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết. Phải có sự điều tra phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn dùng thuốc của cán bộ kỹ thuật. Tuyệt đối không dùng thuốc trong danh mục cấm và hạn chế sử dụng ở Việt Nam. Hoạc hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc có độ độc cao (thuộc nhóm độc I và II), thuốc chậm phân hủy thuộc nhóm Clor và lân hữu cơ. Triệt để sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độc thấp (thuộc nhóm độc III trở lên), thuốc chóng phân hủy, ít ảnh hưởng các loài sinh vật có ích trên ruộng.
Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch đúng hướng dẫn trên nhãn của từng loại thuốc. Tuyệt đối không sử dụng đạm ủ rau tươi (xử lý sản phẩm đã thu hoạch) bằng các hoá chất BVTV.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RAU
------------------
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. SỬA SOẠN ĐẤT
1.1. Chọn đất
Đất phải thích hợp cho yêu cầu của từng loại rau: Đất pha cát, phù sa ven sông, đất thịt hay đất sét pha. Khu trồng rau phải gần nguồn nước, nguồn phân. Khu trồng rau phải thuận tiện cho giao thông phân phối.
1.2. Cày, bừa, phơi đất
Cày sâu để tăng chiều dầy tầng canh tác, phá vỡ lớp đất đế cày.
Phơi ải thường được áp dụng trước khi sửa soạn đất để diệt cỏ dại, mầm bệnh trong đất, làm đất khô ráo, thoáng khí, dễ làm đất hơn.
1.3. Lên liếp
Sau khi cày bừa, làm cỏ, cần tiến hành lên liếp tạo điều kiện cho rễ phát triển tốt, đất được thoát nước và khâu chăm sóc được dễ dàng.
Để rau có điều kiện hứng đủ ánh sáng cần chú ý hướng liếp. Hướng Đông Tây cho cây đủ ánh sáng nhất.
1.4. Đậy liếp bằng màng phủ nông nghiệp
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là "màng bạt" hay "thảm", là một loại nhựa dẻo, mỏng chuyên dùng để phủ liếp trồng rau.
Mục đích: Hạn chế côn trùng gây hại, hạn chế bệnh hại, ngăn ngừa cỏ dại, điều hòa độ ẩm và giữm cấu trúc mặt đất, giữ phân bón, tăng nhiệt độ đất, hạn chế độ phèn, mặn, tăng giá trị trái.
Trồng rau sử dụng màng phủ nông nghiệp có thể khắc phục được một phần yếu tố bất lợi của môi trường, cải thiện phương pháp canh tác cổ truyền theo hướng công nghiệp hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp trên một số loại rau có thời gian sinh trưởng dài.
Chuẩn bị trước khi trồng:
- Lên liếp: Lên liếp cao 20 - 40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải bằng phẳng.
- Rải phân lót: Toàn bộ vôi, phân chuồng và 1/4 lượng phân hóa học rài, trộn đều trên mặt liếp. Trồng bằng màng phủ nên bón lượng phân lót nhiều hơn trồng phủ rơm bởi vỉ phân bón được giữ bên trong màng phủ ít bị thất thoát...
- Đậy màng phủ: Tưới ướt mặt liếp trồng khi đậy màng phủ.
- Đục lỗ màng phủ: Dùng lon sửa bò đường kính 10 cm.
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh vào lỗ trước khi đặt cây con.
2. XỬ LÝ HẠT GIỐNG TRƯỚC KHI GIEO
2.1. Xử lý hột giống:
Đề nghị phòng bệnh do nấm khuấn có sẳn trong hạt hoặc tấn công cây con lúc mới gieo.
2.2. Cách gieo hột:
- Gieo hột thẳng:
*Ưu điểm: Gieo thẳng rễ mọc sâu, cây sinh trưởng rất mạnh không bị mất sức.
* Khuyết điểm: Khó chăm sóc gặp mưa to cây hư nhiều.
- Gieo trong bầu:
* Ưu điểm: Gieo trong bầu cây sinh trưởng đều ít hao cây con.
* Khuyết điểm: Tốn công làm bầu, rễ không phát triển sâu.
3. CHĂM SÓC:
Xới đất để diệt cỏ, cải thiện thành phần không khí trong đất và giữ ẩm độ đất.
Vun đất làm thêm phần xốp vào nơi gốc cây, giúp cây khỏi ngã khi có gió to và tăng cường khả năng tiếp xúc của bộ rễ với đất, tạo điều kiện cho rễ bất định trên gốc thân phát triển.
Tủ đất giúp giảm sự bốc thoát hơi nước từ đất.
4. BÓN PHÂN:
Có nhiều cách bón phân:
- Vãi phân và cày lấp đất chôn phân trước khi gieo trồng
- Bón phân vào rãnh ở một bên hay cả 2 bên hàng cây.
- Trộn đều phân vào đất trong rãnh khi gieo, lấp đất và gieo hạt lên trên.
- Rãi trên mặt hoặc giữa hàng cây các loại phân NPK dễ tiêu, có hiệu nhanh khi cây lớn.
5. TƯỚI NƯỚC:
Là một trong những biện pháp chủ yếu đảm bảo năng suất cao mà không lệ thuộc vào điều kiện thời tiết. Phương pháp tưới được sử dụng phổ biến:Tưới thùng, gàu, tưới rãnh.
6. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
6.1. Phương pháp canh tác
- Khử giống.
- Cải thiện điều kiện môi trường.
- Điều chỉnh nước tưới và thoát nước hợp lý, tạo ẩm độ đất và không khí thích hợp cho sự phát triển của cây và không thuận hợp cho vi sinh vật.
- Bón phân thay đổi pH và nnồng độ các chất dinh dưỡng trong đất cũng có thể ngăn ngừa một số bệnh do vi sinh vật trong đất gây ra.
- Luân canh và xen canh.
6.2. Phương pháp sinh học:
- Sử dụng giống kháng.
- Biện pháp sử dụng thiên địch thiên nhiên.
6.3. Phương pháp hoá học:
Việc áp dụng biện pháp hóa học có ý nghĩa tích cực nhất trong viêc bảo vệ rau phòng tri dịch hại vì thuốc tác dụng phòng trị dịch nhanh.
Sử dụng thuốc hóa học phòng trị côn trùng thường đưa đến việc làm ô nhiểm môi trường và sản phẩm rau thu hoạch và diệt côn trùng có ích, do đó chỉ trong trường hợp rất cần thiết hãy sử dụng. Nếu có thể nên giảm đến mức tối thiểu việc sử dụng thuốc hóa học hoặc sử dụng kết hợp với các phương pháp khác.
7. THU HOẠCH
- Chín kỹ thuật, chín nông học hay chín thu hoạch là thời điểm sản phẩm có thể sử dụng làm thực phẩm, dự trữ, chuyên chở hay chế biến.
KỸ THUẬT SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU
--------------------------------------

ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


I. GIỚI THIỆU
Đậy liếp bằng màng phủ nông nghiệp là phương pháp canh tác phổ biến trong sản xuất rau ở nhiều quốc gia trên thế giới như ở Mỹ, Hàn Quốc, Do Thái, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, v.v... trong hơn 10 năm qua. Ở Việt Nam, trường Đại Học Cần Thơ đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng màng phủ nông nghiệp từ 1992, nhưng tập trung nhất 1997-2000. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.000 ha rau được trồng với màng phủ nông nghiệp. Trong đó tỉnh An Giang đang sử dụng màng phủ hơn 400 ha chủ lực là trồng dưa leo tập trung tại huyện Chợ Mới; tại Tiền Giang, huyện Gò Công Tây khoảng 300 ha chuyên trồng cây dưa hấu. Hầu hết các tỉnh khác đều có sử dụng màng phủ trồng nhiều loại rau khác nhau, nhưng diện tích còn nhỏ chừng vài chục đến 100 ha. Nhu cầu sử dụng màng phủ trong nước ngày càng tăng rõ rệt trong năm vừa qua.
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là "màng bạt" hay "thảm", là một loại nhựa dẻo, mỏng, chuyên dùng để phủ liếp trồng. Hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có một loại màng phủ là mặt trên có màu xám bạc và mặt dưới màu đen. Màng phủ Việt Nam do Công ty Bao Bì Sài Gòn (SAPACO) sản xuất đầu tiên từ năm 1994 có chất lượng tốt, ổn định được tiêu thụ mạnh nhất; ngoài ra còn có màng phủ của công ty Bioted; công ty giống Cây Trồng Miền Nam và màng nhập từ Malaysia.
Kích cỡ màng phủ có 5 loại, khác nhau về độ rộng của bề khổ: rộng 0,9 m; 1 m; 1,2 m; 1,4 m và 1,6 m; chiều dài mỗi cuồn đều bằng nhau là 400 m; thời gian sử dụng từ 1-4 vụ dưa leo hoặc 6-10 tháng ngoài đồng tuỳ theo chất lượng màng phủ và cách bảo quản.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp nhằm mục đích tăng hiệu quả kinh tế một cách ổn định cho người trồng rau.
II. THUẬN LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
* Thuận lợi: Những kết quả nghiên cứu sử dụng màng phủ để trồng rau trên thế giới và Trường Đại Học Cần Thơ đã cho thấy có nhiều thuận lợi:
1. Hạn chế côn trùng gây hại:
Màu xám bạc của màng phủ có tác dụng phản chiếu ánh sáng mặt trời nên cung cấp thêm ánh sáng và xua đuổi rầy mềm, bù lạch (côn trùng môi giới truyền bệnh siêu vi khuẩn gây xoăn đọt), bọ rầy dưa. Ngoài ra còn giảm ấu trùng bọ rầy dưa cắn phá rễ cây dưa; giảm sâu ăn tạp, sâu trưởng thành lẫn trốn dưới đất lên cắn phá cây rau vào ban đêm. Vì vậy sử dụng màng phủ giảm số lần phun xịt thuốc sâu trên rau đặc biệt là giai đoạn cây con (20 ngày sau khi trồng). Hiệu quả giảm sự tấn công của côn trùng gây hại cũng giảm khi tán lá cây càng lớn.
2. Hạn chế bệnh hại:
Màng phủ cách ly mầm bệnh tấn công từ đất hay từ rơm lên cây, bề mặt màng phủ khô nhanh sau khi mưa, bộ lá chân luôn khô ráo, không thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nên giảm được bệnh do nấm Rhizoctonia, Sclerotium trên gốc thân, giảm bệnh đốm phấn, thán thư trên bộ lá dưa leo.
3. Hạn chế cỏ dại:
Màng phủ có một mặt đen ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ, không cần làm cỏ trên mặt liếp trong suốt thời gian cây rau ở ngoài đồng. Cỏ dại không những cạnh tranh dinh dưỡng với rau mà còn là nơi trú ngụ của côn trùng gây hại, làm cỏ không những tốn chi phí mà còn làm làm động rễ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rau.
4. Điều hoà độ ẩm mặt đất và giữ cấu trúc dất:
Mùa nắng mặt đất có màng phủ ngăn cản sự bốc hơi, giữ độ ẩm tốt, đỡ công tưới nước. Mùa mưa, lượng nước mưa không trực tiếp rơi trên mặt liếp nên rễ cây không bị úng nước, mặt liếp không bị xói mòn, không lèn mặt, đất giữ cấu trúc tơi xốp và độ ẩm ổn định trong suốt mùa vụ nên bộ rễ phát triển tối đa, rộng khắp mặt liếp.
5. Giữ phân bón:
Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi của phân đạm (Urea), làm giảm sự thẩm lậu và rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to. Sự hấp thu các chất dinh dưỡng N, P, K, Ca, Mg từ bộ rễ cây trồng có sử dụng màng phủ cao hơn 1,4-1,5 lần so với mặt đất trần (không phủ); phân bón sử dụng cho rau hữu hiệu hơn.
6. Hạn chế độ phèn, mặn:
Đất nhiễm phèn, mặn có sử dụng màng phủ sẽ hạn chế bớt vì màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn, năng suất cây trồng tăng cao hơn.
7. Tăng nhiệt độ đất:
Màng phủ giữ ấm mặt đất vào ban đêm, đặc biệt là trong mùa lạnh hoặc khi mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh, bộ rễ phát triển kém; màng phủ giúp duy trì nhiệt độ đất, bộ rễ phát triển tổn định, cây tăng trưởng khoẻ.
8. Hạn chế chuột:
Bề mặt màng phủ trơn, láng không thuận lợi cho chuột bò vào nên sản phẩm rau ít bị hại ở giai đoạn thu họach trái như cà chua, ớt, dưa leo và đậu cove nếu như trồng có làm giàn cao ráo. Có thể dùng màng phủ thay thế cao su bao quanh ruộng lúa, ruộng rau tránh chuột vì rẽ tiền hơn cao su thường dùng.
9. Tăng giá trị sản phẩm:
Vì màng phủ cung cấp thêm ánh sáng cho cây, giúp màu sắc vỏ trái đẹp, trái không tiếp xúc với mặt đất nên sạch sẽ, bán cao giá hơn và tỉ lệ trái loại bỏ cũng ít.
Nói chung, màng phủ nông nghiệp làm thay đổi tiểu khí hậu dưới tán cây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển, cây khoẻ mạnh ngay từ lúc nhỏ. Có thể nói màng phủ là tấm lá chắn sự tấn công của dịch hại trên cây rau.
* Bất lợi:
1. Màng phủ được làm bằng nhựa khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, do đó sau khi sử dụng xong cần thu gom tàn dư màng phủ tập trung lại đốt hoặc tìm chổ chôn sâu. Nếu vứt bừa bãi, màng phủ lưu tồn lâu ngày trong đất dễ gây ô nhiễm môi trường.
2. Giá màng phủ cao, đầu tư ban đầu nhiều, nông dân nghèo gặp khó khăn mặc dù lợi nhuận đem lợi khá hấp dẫn.
III. HIỆU QUẢ CỦA MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
Những kết quả nghiên cứu sử dụng màng phủ để trồng rau (dưa leo, cà chua, ớt, khổ qua, đậu que, ...) của Bộ Môn Khoa Học Cây Trồng, Khoa Nông Nghiệp, Trường Đại Học Cần Thơ 1997-2000 đã cho thấy:
Trồng rau sử dụng màng phủ nông nghiệp:
- Năng suất rau bình quân quanh năm cao hơn phương pháp canh tác truyền thống (phủ rơm hoặc không phủ) từ 10 - 30% trong điều kiện canh tác bình thường, tuy nhiên ở những vùng đất có nhiều khó khăn như tỉ lệ cát cao, nưới tưới khan hiếm (nước mặn) như huyện Thạnh Trị, vùng ven biển huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng... năng suất có thể cao hơn 50-100%. Rõ ràng màng phủ khắc phục được một phần yếu tố bất lợi của môi trường
- Tiền lời tăng cũng khoảng 20-30% so với phủ rơm (tương ứng với phần năng suất tăng) sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư kể cả chi phí màng phủ. Bởi vì sử dụng màng phủ giảm chi phí làm cỏ, thuốc trừ sâu bệnh và phân bón.
- Cải thiện phương pháp canh tác cổ truyền (phủ rơm), giúp nông dân đở cực khổ hơn trong việc chăm sóc hàng ngày (như tưới nước, làm cỏ, phun thuốc sâu). Kỹ thuật mới tương đối đơn giản, người dân có thể thực hiện được trên đất chuyên rẫy hoặc đất trồng lúa để trồng rau quanh năm.
- Làm thay đổi bộ mặt nông thôn, sản xuất theo hướng công nghiệp hoá và đời sống người nông dân từng bước được nâng cao bởi thu nhập khá hơn.
IV. KỸ THUẬT SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP TRỒNG RAU
1. Chuẩn bị trước khi trồng:
- Lên liếp: Rất cần thiết vì có lên liếp thì bộ rễ cây mới phát triển tốt, tưới nước được dễ dàng. Liếp cao trung bình 15-40 cm tuỳ theo mùa, mùa nắng lên liếp thấp, mưa lên liếp cao.
Thông thường liếp đơn rộng 0,7 - 1,0 m trồng 1 hàng rau như ớt, cà phổi, cà chua, dưa leo, khổ qua; sử dụng màng phủ khổ 0,9 m hoặc 1 m. Nhưng trồng dưa hấu, bí đỏ, bí đao, bầu, mướp... nên dùng khổ 1,2 m trồng 1 hàng trên liếp; lên liếp rộng 1 - 1,2 m vì bộ rễ chúng phát triển rất rộng.
Nếu trồng hàng đôi (2 hàng/liếp) đối với cà phổi, cà chua, ớt, dưa leo,đậu đũa, đậu cove... dùng màng phủ khổ 1,2 - 1,4 m. Trên đất ruộng, trồng hàng đôi có thể lên liếp rộng 1,2 - 1,5 m trồng 2 hàng dưa leo, nhưng dùng 2 màng phủ (khổ 1 m) đậy song song theo chiều dài liếp, chừa rảnh giữa rộng khoảng 10 cm và sâu 10 cm để đi lại và tưới thêm lúc thu hoạch trái rộ sẽ cho năng suất tăng đáng kể.
Những nông dân trồng rau có kinh nghiệm sử dụng màng phủ nông nghiệp thích dùng màng phủ khổ rộng hơn mặt liếp, trùm kín chân liếp vì khỏi phải làm cỏ xung quanh mé liếp và giữ độ ẩm tốt hơn.
- Rãi phân lót: Gồm toàn bộ vôi, phân chuồng và khoảng 1/4-1/3 tổng lượng phân hoá học. Bón bằng cách rãi phân trên toàn bộ mặt liếp, rồi xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân bón nằm dưới màng phủ ít bị mất mác và khi đã đậy màng phủ khó giở ra để bón phân.
- Cách phủ màng phủ: Trong mùa nắng, sau khi phơi đất, lên liếp, bón phân lót nên tưới nước trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ, đặc biệt ngay hàng sẽ trồng cây. Mùa mưa, không phơi đất được sau khi cuốc lên liếp, bón phân lót (có thể bồi bùn như ở huyện Gò Công Tây, Tiền Giang để vài ngày cho đất ráo, mặt đất hơi răn nứt) rồi đậy màng phủ.
Cần 2 người thực hiện thao tác đậy màng phủ, dùng cây tròn đường kính 3-5 cm xỏ xuyên qua lõi cuồn màng phủ, một người cố định ở một đầu liếp và một người khác kéo màng phủ theo chiều dài liếp, đến cuối liếp rồi cắt ngang. Nên phủ kín cả hai bên chân liếp để tránh cỏ mọc và giữ bộ rễ được tốt, trên nền đất lúa giữ mực nước cách mặt liếp 25-30 cm.
Cố định màng phủ tránh gió tốc bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim hai bên mé màng phủ (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp (trên đất có nhiều sét, mềm và dẽo), cũng có thể lắp đất tấn xung quanh mé liếp. Trên nền đất lúa, đa số bà con trồng dưa hấu ở Tiền Giang dùng dây ni long cột mỗi đầu dây một đoạn cây dài khoảng 15 cm, chiều dài dây bằng độ rộng của màng phủ, giăng dây ngang mặt màng phủ khoảng cách 1,2-1,5m một dây. Cách này dễ vén lên để tưới nước hoặc bón phân sau này, nhưng dễ bị gió lùa vén màng phủ dồn lên trên mặt liếp lúc cây mới trồng.
- Đục lổ màng phủ: Dùng lon sữa bò, có khoét lổ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 50 - 70 cm để đo khoảng cách, đốt than nóng cho vào trong lon. Cách này thao tác đục lổ rất nhanh và đều mà không cần làm dấu vị trí lổ đục trước đó (1.000m2 đục lổ trong 30 phút), thực hiện dễ dàng trong mùa nắng. Còn trong mùa mưa, mặt màng phủ ướt việc đục lổ bằng than nóng khó thực hiện hơn, nên dùng lon có đường kính nhỏ 6 - 7 cm như lon nước yến hoặc lon cá mòi cắt bỏ viền cứng ở miệng lon, mài bén mép lon rồi đặt lon lên màng phủ, tay vừa ấn xuống và vừa xoay tròn, chỉ áp dụng dễ dàng trên mặt liếp bằng phẳng, rất dễ thực hiện trên đất ruộng, mềm và mặt liếp có bồi bùn vài ngày sau.
- Xom lổ mặt đất: Dùng chày tỉa xom lổ đường kính rộng 7-8 cm. Độ sâu tùy cách gieo hột: gieo thẳng (xom lổ cạn 2-3 cm), còn đặt cây con (xom sâu 5-7 cm).
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) vào lổ trước khi đặt cây con .
2. Trồng cây:
Rãi một ít đất mịn hoặc rơm hoặc trấu mục vào trong lổ (không nên dùng nhiều tro trấu, nhất là trong mùa nắng vì sức nóng của màng phủ và của tro làm cây con bị hóc, phát triển yếu), gieo hột hoặc đặt cây con vào lổ rồi lắp đất xung quanh gốc.
Có sử dụng màng phủ nên cấy cây con sớm hơn bình thường (cà chua, ớt khoảng 15-20 ngày thay vì 25-30 ngày). Nếu trồng trễ hơn cây cao quá, khi trồng trên màng phủ gặp nắng mạnh, cây bị héo lá hoặc chóp ngọn chạm đất bị cháy, cây mất sức, chậm phục hồi.
Cần xử lý côn trùng phá hại cây con bằng thuốc hột như Basudin 10H, Regent rãi xung quanh gốc sau khi gieo hột hoặc sau khi cấy cây con (2 kg/1.000 m2).
3. Chăm sóc sau khi trồng:
- Tưới nước:
Trồng - 2 tuần sau khi trồng: Bộ rễ cây còn nhỏ, ăn cạn chưa cần nhiều nước, chỉ cần đủ ẩm nên dùng thùng vòi thùng búp sen tưới đều trên mặt liếp giống như tưới nước trồng không màng phủ, tưới 3-5 lần/ngày trong mùa nắng. Chú ý tăng số lần tưới vào buổi trưa, giúp làm giảm nhiệt độ mặt liếp, cây con ít bị sốc.
Để tránh cây con bị xoáy gốc có thể dùng rơm chặt ngắn 10 - 15 cm đậy trên hốc sau khi gieo hoặc sau khi cấy. Ở những vùng gió nhiều, khi cây con lên khỏi mặt màng phủ dùng một ít đất tấn xung quanh gốc giúp cây đứng vững. Giai đoạn này cây con trong màng phủ sinh trưởng chậm hơn cây con phủ rơm, do sức nóng của màng phủ và việc cung cấp nước khó khăn.
Sau 2 tuần: Bộ rễ cây phát triển đầy đủ về chiều sâu và rộng, nếu trồng trong mùa nắng tiến hành tưới thấm, bơm nước vào rảnh, thường 2 - 4 ngày mới tưới một lần. Trên nền đất cát, bơm nước đầy rảnh ngang đỉnh mặt liếp nước thấm từ từ vào trong liếp. Trên đất thịt (thịt pha sét) nền ruộng lúa, bơm nước cách mặt đỉnh liếp 10- 15 cm, chờ nước thấm vào liếp chừng 20-30 phút, dở màng phủ theo dõi độ ẩm đất rồi xả nước ra bớt, giữ mực nước trong rảnh cách mặt liếp 25 - 30 cm là tốt nhất, mỗi ngày tưới nước một lần bằng cách đi dưới mương vén màng phủ lên dùng thau tát nước (phổ biến ở Tiền Giang). Giai đoạn 1 tháng sau khi trồng cây trong màng phủ tăng trưởng tốt hơn trồng phủ rơm.
- Bón phân thúc:
Tưới phân vào gốc: Giai đoạn cây nhỏ (dưới 20 ngày tuổi) dùng lon, ấm hoặc thùng vòi pha phân loãng tưới ngay gốc cây (trong lổ đục) chỉ sử dụng các loại phân dễ tan (Urea hặc DAP) với số lượng ít.
Rải phân vào đất: Thường 2 lần vào các ngày (15-20 ngày và 30-40 ngày sau khi trồng đối với rau ngắn ngày như dưa leo, khổ qua, đậu đũa, đậu cove,... rải 3 lần đối với rau dài ngày như cà chua, ớt, cà phổi, đậu bắp (ngoài 2 lần trên bón thêm 1 lần 50-60 ngày). Mỗi lần khoảng 1/4 tổng lượng phân, có đủ các thành phần dinh dưỡng NPK.
Cách bón phân tống: Có hai cách
Dùng lon đục lổ giữa 2 gốc cây rau hoặc 2 bên gốc cây rau, dùng chày tỉa xom xuống đất sâu 15 cm, rồi dùng muỗng cà phê múc phân bỏ vào lổ, phân sẽ tan từ từ rất an toàn, nhưng nên bón phân hơn sớm.
Giở màng phủ lên một bên rãi phân đều cách gốc 15-20 cm, cách này tốn công và cây dễ bị ngộ độc phân vì rễ non của cây nằm sát mặt đất (chỉ nên rãi lượng phân nhỏ hoặc nên pha phân loãng để tưới nhiều lần cho hiệu quả tốt hơn).
Các loại rau thu hoạch nhiều lần, trong thời gian thu trái cũng nên tưới phân hỗn hợp N-P-K xen kẻ phân các đợt thu hoạch để kéo dài thời gian thu hoạch hơn và giảm tỉ lệ trái đèo.


TRỒNG RAU THỦY CANH Ở GIA ĐÌNH
------------------
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
GIỚI THIỆU
Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng. Dinh dưỡng thủy canh đã được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là phương pháp đơn giản giúp người dân ở thành phố có thể tự trồng rau sạch để ăn, là một thú tiêu khiển như chăm sóc cây hoa kiểng, là cách thư giãn của những người có cường độ làm việc cao như hiện nay, đặc biệt phù hợp với người lớn tuổi, người về hưu và trẻ em.

Xà lách và rau muống thủy canh, Cần Thơ
ƯU ĐIỂM
1. Không phải làm đất không có cỏ dại.
2. Trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới.
3. Không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại.
4. Năng suất cao hơn từ 25% đến 50%.
5. Sản phẩm hoàn toàn sạch đồng nhất.
6. Người gìa yếu trẻ em có thể tham gia có hiệu quả.
7. Không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.
ĐIỀU KIỆN TRỒNG
Tận dụng mặt bằng sân thượng, ban công hay khoảng sân trước nhà:
- Ánh sáng cho cây quang hợp ít nhất 5-6 giờ trong một ngày.
- Cần tránh nước mưa để dung dịch dinh dưỡng không bị pha loãng, có thể làm mái che bằng ni lông trắng.
- Cần phun nước 2-3 lần vào buổi trưa nắng gắt đối với rau ăn lá.
- Cần tránh cho cây khỏi bị nghẹt thở: Không bao giờ cho dung dịch ngập hoàn toàn bộ rễ, chừa phân nửa bộ rễ nằm trên mặt dung dịch.
I. VẬT LIỆU
1. Hộp xốp (45 x 60 x 15 cm)
2. Chất dinh dưỡng
3. Rọ nhựa gieo hột
4. Hạt rau (xà lách, rau muống, cải xanh, cải ngọt, húng quế...)
5. Xơ dừa, tro trấu
6. Bình phun nước
II. TRÌNH TỰ THAO TÁC
1. Chuẩn bị hộp xốp: Hộp xốp có sơn đen bên trong hoặc lót ni long đen để đựng dung dịch.
2. Khoan lổ: Dùng ống nước bằng nhựa (có đường kính tương đương miệng rọ) đục lổ trên nắp hộp, số lổ phụ thuộc vào từng loại cây trồng: Rau muống, xà lách, cải xanh, ... có thể 24 lổ.
3. Chuẩn bị rọ gieo hạt: Dùng xơ dừa nhồi dưới đáy rọ, nhồi tro trấu bên trên, đặt rọ vào các lổ đã đục trên nắp hộp.

Chuẩn bị hộp xốp, sơn đen; Khoang lỗ trên nắp hạt; Chuẩn bị ro để gieo hạt
4. Gieo hạt: 2-3 hột vào mỗi rọ ở độ sâu khoảng 1cm
5. Pha dung dịch: Dinh dưỡng cô đặc đựng trong chai, lắc thật đều đổ vào thùng xốp, thêm đủ lượng nước theo hướng dẫn, sau đó khuấy đều. Mực nước cách miệng thùng ít nhất 2 cm.
6. Kết thúc: Đặt nắp hộp có sẳn rọ nhựa đã gieo hạt lên trên hộp xốp chứa dụng dịch dinh dưỡng, sao cho đáy rọ nhựa ngập trong dung dịch từ 1-2 cm.

Gieo 2 - 3 hạt vào mỗi rọ; Pha dung dịch dinh dưỡng; Đặt nấp hộp lên thùng
Chú ý: Theo dõi mực nước trong hộp xốp, cần pha dinh dưỡng thêm vào khi mực nước thấp hơn bộ rễ.


CÂY DƯA HẤU
Tên khoa học: Citrullus lanatus (Thumb.) Mansf.
Họ bầu bí: Cucurbitaceae


PGs. Ts. Trần Văn Hai
Ths. Trần Thị Ba
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


A. TÍNH THÍCH NGHI KHÍ HẬU, ĐẤT ĐAI
1. Khí hậu:
Dưa hấu có nguồn gốc vùng khí hậu nóng, thích khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh nắng giúp trổ nhiều bông cái và cho trái chín sớm, năng suất cao. Nhiệt độ thấp cây phát triển yếu, dễ thất bại, mưa nhiều rễ bị thối chết, khó trổ bông càng khó thụ phấn và đậu trái, khi đã đậu trái thì trái dễ thối, chất lượng kém, ẩm độ không khí càng cao càng dễ phát sinh bệnh. Khi có mưa bão, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao thân lá dễ dập nát mau tàn khó trồng.
Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng 25-30oC nên rất dễ trồng trong mùa nắng ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ thích hợp cho hoa nở và thụ phấn là 25oC, nhiệt độ thích hợp cho trái lớn và chín 30oC.
2. Đất đai:
Dưa hấu có rễ mọc sâu, chịu úng kém, chịu hạn khá nhất là khi cây đã trổ bông, đậu trái. Cây không yêu cầu đất nghiêm khắc, cần chọn đất thoát nước tốt, cơ cấu nhẹ, tầng canh tác sâu, không quá phèn. Các vùng đất cát gần biển, đất phù sa ven sông lý tưởng để trồng dưa hấu, chỉ cần chú ý tưới nước và bón phân. Đất cát pha tơi xốp, nhiệt độ đất dễ tăng cao, thóat nước nhanh có lợi cho bộ rễ phát triển, chất lượng dưa tốt, chăm sóc đỡ tốn kém.
Dưa hấu không nên liên canh, dễ thất bại vì cây bị bệnh nhiều như bệnh chạy dây, nứt thân, thời gian cách ly trồng dưa hấu càng lâu càng tốt. Đất ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nơi bị ngập nước trong mùa lũ (huyện Châu Phú tỉnh An Gaing, huyện Thốt Nốt, Ô Môn tỉnh Cần Thơ) được phù sa bồi đắp mới trồng dưa hấu rất tốt vì ít bị sâu bệnh phá hại nghiêm trọng.
Đât trồng dưa nên cao, thóang không bị bóng râm che, không bị gió bão, chịu được pH hơi phèn trong phạm vi pH 5-7, để hạn chế bệnh nứt thân nên trồng ở pH 6-7 và nhiệt độ trên 26oC.
B. CÔNG TÁC GIEO TRỒNG
1. Thời vụ:
Dưa có khả năng thích nghi rất lớn với điều kiện thời tiết nên có thể mở rộng thời vụ gieo trồng quanh năm, tuy nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long hình thành các vụ chính trong mùa nắng như sau:
Dưa Noel: Gieo từ 20/9 đến 1/10 dương lịch, giai đoạn mới trồng gặp mưa cuối mùa dễ bị hư hại cây con.
Dưa hấu tết: Gieo hạt khoảng 5-15/10 âm lịch, năm nay tương ứng với 23/11-3/12 dương lịch, thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán. Vụ này thời tiết thuận lợi cho sự ra hoa, đậu trái nhưng dễ bị bù lạch gây hại do chúng lan truyền từ vụ dưa hấu Noel.
Dưa lạc hậu: Thường được trồng ở những vùng có đủ nước ngọt để tưới, bị bù lạch gây hại nặng nề nhất trong năm.
Dưa Hè thu: Gieo trồng trong suốt mùa mưa, thích hợp ở một số vùng đất cao (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh..) hoặc có đê bao vững chắc.
2. Chọn giống:
Hiện nay thị trường có nhiều loại giống, sự lựa chọn tùy theo yêu cầu thị trường tiêu thụ.
Giống Sugar baby: Hiện có bán trên thị trường là giống nhập từ Mỹ (Sunblest, Harris Moran, Eagle), Thái Lan (Chia Tai, Trái Bầu). Trong nhiều năm qua giống Sugar baby được trồng rất phổ biến, nhất là để chưng tết. Trái tròn, trung bình 3-5 kg, vỏ màu xanh đen, ruột đỏ, thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, đây là giống thụ phấn tự do.
Giống An Tiêm 95: Là dưa hấu lai F1, trái to, tròn, nặng 7-8 kg, vỏ đen có gân đậm, ruột đỏ, ngon ngọt. Chống chịu tốt với bệnh đốm lá gốc, nứt thân chảy mủ do nấm Mycosphaerella melonis và bệnh sương mai do nấm Phytophthora melonis, cho thu hoạch 70 ngày sau khi gieo, trái đều, năng suất vượt trội hơn giống Sugar baby nhập khoảng 20%. Thích nghi rộng với điều kiện thời tiết, đất đai khác nhau, nên rất thích hợp canh tác trong vụ Noel và dưa lạc hậu sau tết.
Giống Thoại Bảo 1273
Thoại Bảo 1273 (công ty Nông Hữu): Thời gian sinh trưởng 60-65 ngày, trái hình tròn cao, vỏ xanh đen có sọc đen mờ, cứng, ít nút thuận tiện bảo quản và vận chuyển. Ruột màu đỏ tươi, chắc thịt, độ ngọt cao. Trọng lượng trung bình 8 kg/trái, năng suất 30-35 tấn/ha. Khă năng chống chịu bệnh thán thư tốt. Đặc tính tương tự giống An Tiêm.
* Các giống dưa có triển vọng trồng được quanh năm
Hắc Mỹ Nhân 1430 (công ty Nông Hữu) và 308 (công ty Trang Nông):: Cây phát triển mạnh, lá lớn, khả năng chống chịu bệnh cao. Thời gian sinh trưởng 50-55 ngày, trái hình bầu dục dài, vỏ màu xanh đậm, có vân xanh đậm hơn, vỏ cứng thích hợp cho bảo quản và vận chuyển xa. Ruột màu đỏ tươi, đặc và mịn, nhiều nước, độ ngọt cao. Trọng lượng trung bình 2,5-3,5 kg, có thể trồng được quanh năm, nhiệt độ càng cao thì càng phát huy được ưu điểm của giống. Thích hợp trên nhiều loại đất.

Giống Tiểu Long 246
Tiểu Long 246 (F1): Thời gian sinh trưởng 58-62 ngày tùy theo thời tiết. Dạng trái tròn dài hình oval (hơi giống trái bí đao), vỏ màu xanh nhạt sọc thưa xanh đậm trung bình. Ruột đỏ, đẹp, chắc thịt, độ đường cao, chất lượng ngon đặc biệt, thích hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trọng lượng trái trung bình 3,5-4 kg. Có sức phát triển mạnh, kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được trong mùa mưa (mưa ít) và mùa nắng.
Xuân Lan 130 (F1) của công ty Trang Nông: Thời gian sinh trưởng 58-60 ngày. Dạng trái tròn dài, vỏ màu xanh nhạt, có sọc thưa màu xanh đạm, chắc thịt, ngọt. Trọng lượng trái trung bình 3,5-4 kg. Kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được quanh năm.
Bảo Long TN 467 của công ty Trang Nông: Thời gian sinh trưởng 58-60 ngày. Dạng trái oval, vỏ màu xanh đen sọc đậm thưa, vỏ mỏng, ruột đỏ đậm chắc thịt, rất ngọt. Năng suất trái trung bình 25-32 tấn/ha. Kháng sâu bệnh tốt, có thể trồng được quanh năm.
Thành Long TN 522 của công ty Trang Nông: Thời gian sinh trưởng 55-58 ngày. Dạng trái oval, vỏ sọc lem, mỏng, ruột đỏ đậm chắc thịt, độ ngọt rất cao. Năng suất trái trung bình 25-30 tấn/ha, có thể trồng được quanh năm.
Lưu ý: Các giống lai (F1) nên không thể sử dụng hột trong trái thương phẩm làm giống cho mùa sau vì năng suất và phẩm chất dưa sẽ giảm..
3. Chuẩn bị đất trồng:
Chọn đất ruộng trồng dưa hấu cần có tầng canh tác dầy, tơi xốp, không nhiễm phèn mặn, dể thoát nước, mực nước trong mương tưới phải thấp hơn mặt liếp ít nhất 15 cm. Ngoài ra cũng có thể trồng dưa hấu trên đất gò, đất liếp, bờ kinh miễn sao có đầy đủ nước tưới tiêu.
Phần lớn dưa hấu được trồng trên đất ruộng, kiểu liếp phổ biến nhất hiện nay là liếp đôi. Hai tim mương trung bình cách nhau 4-7 m. Xử lý đất với vôi bôt 50 kg/1.000 m2 trước khi xắn liếp 5-7 ngày. Đất được đào rảnh sâu 1 lớp leng và đào từng lớp đất mỏng 2-3 cm để cho đất mau khô và dể tơi ra, mương đào rộng 30-50 cm. Đất đào được bỏ lên 2 bên tạo thành liếp dưa rộng 80-90 cm. Để có dưa tết, trái lớn nên làm làm liếp rộng hơn, khoảng cách giữa 2 tim mương khoảng 6-7 m như ở sóc Trăng, hoặc huyện Ô Môn - tỉnh Cần Thơ... và bề rộng liếp trồng dưa 1m, liếp cao 30-40 cm. Trồng dưa mùa mưa, trồng các loại dưa F1 chất lượng cao quanh năm (khác với dưa chưng tết) thường trái nhỏ khoảng cách giữa 2 tim mương 4-4,5 m. Nhưng để tăng năng suất trái dưa hấu có thể trồng dầy bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa 2 tim mương xuống còn 3,5 m
Lưu ý: Không được canh tác dưa hấu liên tục nhiều năm trên cùng nền đất, vì sự tích lũy mầm bệnh nhất là bệnh héo rũ do nấm Fusarium.. Tốt nhất nên chọn đất mới, trồng 1 đến 2 vụ nên luân canh cách 2-3 năm mới trồng lại hoặc trồng dưa hấu tháp bầu.
4. Gieo hạt
a. Xử lý hột giống
Đề phòng bệnh do nấm khuẩn có sẳn trong hạt hặc tấn công cây con lúc mới gieo nên trộn hạt với Thiram 80WP hoặc Benlate 50WP, nồng độ 5%o (pha 5 g thuốc bột trong 1 lít nước rồi ngâm hạt) trong 1-2 giờ. Để giúp hột giống nẩy mầm nhanh và đều nên ủ cho nẩy mầm trước khi gieo. Bằng cách đem hột phơi ngoài nắng nhẹ vài giờ, rồi ngâm hột trong nước ấm pha tỉ lệ 2 sôi + 3 lạnh khoảng 2-3 giờ, chà rửa sạch nhớt, dùng vải gói hột đem vùi trong tro trấu hoặc rơm rạ, nơi có ánh nắng đầy đủ, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, sau 36-48 giờ hột sẽ nhú mầm.

Các bước ngâm, ủ và gieo hạt dưa hấu
b. Cách gieo hột: Có 2 cách
Gieo hột thẳng: Lượng hột giống 80-100 g để trồng 1.000 m2 đất. Gieo 2 hột/lổ, sâu 1-2 cm, phủ tro trấu hay rơm chặt ngắn, khi cây mọc 3-4 lá tỉa chừa 1 cây tốt. Những năm ít mưa hoặc mưa dứt sớm, theo kinh nghiệm suy đoán có thể gieo hột thẳng trên liếp, nhưng nên ủ hột nẩy mầm trước khi đem gieo.
* Ưu điểm: Gieo thẳng rễ mọc sâu, cây sinh trưởng rất mạnh không bị mất sức
* Khuyết điểm: Khó chăm sóc, gặp mưa to cây con bị hư nhiều
Gieo trong bầu: Cần 50 -60 g hột giống cho 1.000 m2 đất. Bầu có thể làm bằng lá chuối, lá dừa, chiều ngang 5 cm, chiều cao 7 cm, hoặc dùng bọc nilong có đục lổ thoát nước. Chất liệu để vô bầu gồm đất mịn, phân chuồng hoai, tro trấu tỉ lệ bằng nhau. Hột dưa ủ nẩy mầm rồi gieo vào bầu, sau đó xàng tro trấu lắp hột. Nếu gieo trong bầu lá chuối nền phải đổ một lớp tro trấu dầy 5-10 cm để tránh đứt rễ khi nhổ vì bộ rễ phụ dưa hấu tái sinh kém.
* Ưu điểm: Gieo bầu cây sinh trưởng đồng đều, ít hao cây con, tranh thủ thời gian làm đất kỹ lưỡng
* Khuyết điểm: Tốn công làm bầu, rễ không phát triển sâu
Khi cây lên đều khoảng 80% thì loại bỏ những cây con mọc chậm. Cần dự trù 10-15% bầu để trồng dặm.
Dưa hấu tháp bầu: Lượng hột giống cần 50 g cho 1.000 m2 . Hột bầu ngâm trong nước ấm pha tỉ lệ 3 sôi + 2 lạnh 4-5 giờ, gieo trong bọc nilon kích thước 8 x 12 cm, 4-5 ngày sau đem hột dưa ngâm nước ấm 2-3 giờ, gieo trong nia hoặc rổ lót trấu bên dưới và phủ trấu bên trên, khoảng 3 ngày sau hột nẩy mầm đem tháp. Cây con sau khi tháp 8-12 ngày vừa lú lá nhám đem trồng ngay.
* Ưu điểm: Rất ít bị bệnh héo rũ, có thể trồng dưa hấu liên tục nhiều năm trên một nền đất
* Khuyết điểm: Tốn nhiều thời gian và công lao động để tháp cây con
Lưu ý:
* Sau khi gieo hột rãi thuốc Basudin 10H hoặc Gegent 3G liều lượng 2 kg/1.000 m2 để ngừa kiến, dế cắn phá cây mầm. Để phòng bệnh cho cây con nên pha 20 g Copper B/10 lít nước, tưới trên 2 m2 bầu đất trước khi gieo hạt.
* Vườn ương phải chọn nơi trảng có nhiều ánh sáng và không được đọng nước, bên dưới.
5. Trồng cây
Cây con được 7-10 ngày, vừa lú lá nhám đem trồng ngay. Đào hốc sâu 5-7 cm, rộng 10 cm, bón phân lót, xong rãi một lớp đất mịn, rồi rãi một lớp tro trấu. Pha Copper B nồng độ 4% tưới lên hố để phòng ngừa bệnh trước khi đặt cây con hoặc gieo hột thẳng; để ngừa dế, sâu cắn phá cây con cần rãi Basudin 10H 1-2 kg/1.000 m2 xung quanh gốc. Khoảng cách trồng giữa 2 cây trung bình 50-60cm (mật độ 600-7200 cây/1.000 m2), nhưng để có dưa cặp để chưng trái to, mỗi trái từ 6-7 kg trở lên để chưng tết nên trồng thưa, khoảng cách giữa các cây khoảng 70 cm (mật độ 500 cây/1.000 m2).
Nhưng đối với dưa ăn chơi ở các vụ khác cần trái nhỏ 3-4 kg/trái nên trồng dầy, khoảng cách cây khoảng 40-50 cm và liếp cũng hẹp hơn (chỉ khoảng 3,5-4,5m giữa 2 tim mương, mật độ 900-1100 cây/1.000 m2).
Lưu ý:
* Để tránh cây con bị đọng nước khi gặp mưa đáy bầu nên đặt cạn
* Mạnh dạn loại bỏ cây con yếu, phát triển không bình thường
SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là "màng bạt" hay "thảm", là một loại nhựa dẽo, mỏng, chuyên dùng để phủ liếp trồng rau, dầy 0,03-0,035 mm, mặt trên có màu xám bạc, mặt dưới màu đen, sử dụng bình quân 2-3 vụ dưa hấu, bề khổ rộng 1- 1,6 m.
Mục đích:
a. Hạn chế côn trùng gây hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, dòi đục lòn lá và giảm thun đọt dưa hấu (bắn máy bay).
b. Hạn chế bệnh hại: Bề mặt màng phủ ráo nhanh sau khi mưa; bộ lá cây luôn khô, thoáng, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm phấn trên lá chân.
c. Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
d. Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
e. Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
f. Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
g. Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
h. Tăng gía trị trái: Vì màng phủ cung cấp thêm ánh sáng giúp màu sắc vỏ trái đẹp, sạch, bán cao giá hơn.
Tóm lại, trồng dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp có thể khắc phục được một phần yếu tố bất lợi của môi trường, cải thiện phương pháp canh tác cổ truyền theo hướng công nghiệp hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
* CÁCH SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP
a. Chuẩn bị trước khi trồng:
- Vật liệu và qui cách: Dùng màng phủ khổ rộng 1 - 1,6 m (dưa tết cần trái lớn, lên liếp rộng sử dụng khổ 1,4 - 1,6 m), diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400 m, trung bình trồng 1.000 m2 dưa hấu cần khoảng 1 cuồn cho dưa hấu tết, nếu trồng dầy khoảng cách giữa 2 tim mương là 3,5 thì cần 2 cuồn màng phủ. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên liếp: Lên liếp cao 20 - 40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rãi phân lót: Toàn bộ vôi, phân chuồng và khoảng 1/3 tổng lượng phân hoá học rãi, trộn đều trên mặt liếp. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì khi đã đậy màng phủ khó dở ra để bón phân vì tốn nhiều công lao động. Có thể giảm bớt 20-30% lượng phân so với không dùng màng phủ (liều lượng phân ở phần sau).

Cách đậy màng phủ
- Đậy màng phủ: Tưới đẫm nước trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp nếu như đất mịn và dẽo như ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, cũng có thể lắp đất tấn xung quanh mé liếp để tránh gió tốc chỉ thích hợp trong mùa nắng.
Khi phủ xong không nên dùng rơm hay cỏ đậy trên màng phủ vì làm mất tác dụng phản chiếu ánh sáng, không nên đi đạp lên vải bạt vì mau rách.
- Đục lổ màng phủ: Dùng lon sữa bò đường kính khoảng 10 cm, có đục lổ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 40-70 cm làm cự ly giữa các cây, đốt than nóng cho vào trong lon.

Các cách đục lổ màng phủ
- Xom lổ mặt đất: Dùng chày tỉa xom xuống lổ vừa đục, chày có đường kính rộng 7-8 cm. Độ sâu tùy cách gieo hột: gieo thẳng (xom lổ cạn 2-3 cm và đầu chày ít nhọn) còn đặt cây con (xom sâu 5-7 cm và đầu chày nhọn).
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) vào lổ trước khi đặt cây con .

Trồng bằng hạt và trồng bằng cây con
b. Trồng cây:
Rãi một ít đất mịn hoặc rơm hoặc trấu mục vào trong lổ (không nên dùng nhiều tro trấu, nhất là trong mùa nắng vì sức nóng của màng phủ và của tro làm cây con bị hóc phát triển yếu), tưới nước vào lổ rồi gieo hột hoặc đặt cây con. Xử lý côn trùng bằng thuốc hột như Basudin 10H hay Regent rãi xung quanh gốc sau khi gieo hột hoặc sau khi cấy cây con (2 kg/1.000 m2).
6. Chăm sóc sau khi trồng:
- Tưới nước:
Trồng - 2 tuần sau khi trồng: Bộ rễ còn nhỏ, ăn cạn dùng lon, ấm hoặc thùng vòi thùng búp sen để tưới (giống như tưới nước dặm). Trong thời điểm nắng gắt cây con sinh trưởng chậm hơn trồng bên ngoài, để làm giảm nhiệt độ mặt đất và không khí xung quanh cây con cần tưới nước đều khắp mặt liếp bằng thùng vòi gương sen hoặc máy bơm có vòi phun.
Sau 2 tuần: Bộ rễ cây phát triển đầy đủ về chiều sâu và rộng, nếu trồng trong mùa nắng tiến hành tưới thấm, bơm nước vào rảnh, thường 2 - 4 ngày mới tưới một lần. Trên nền đất cát, bơm nước đầy rảnh ngang đỉnh mặt liếp nước thấm từ từ vào trong liếp. Trên đất thịt (thịt pha sét) nền ruộng lúa, bơm nước tới đỉnh liếp, chờ nước thấm vào liếp chừng 20-30 phút, giở màng phủ lên theo dõi độ ẩm đất rồi xả nước ra, giữ mực nước trong rảnh cách mặt liếp 30 cm là tốt nhất.

Tưới thấm trên đất cát; Tưới thấm trên đất ruộng
- Bón phân:
Tổng lượng phân cho 1.000 m2 là: 50-80 kg vôi + 1-2 tấn phân chuồng (hoặc 50-100 kg phân hữu cơ vi sinh) + 5-7 kg Urê + 80-100 kg phân hỗn hợp 16-16-8 + 5-7 kg Kali nitrate được chia cho các lần bón
Rãi phân lót: Toàn bộ vôi, phân chuồng và khoảng 1/3 tổng lượng phân hoá học.
Tưới phân vào gốc: 5 -7 kg Urê 2 lần trước và sau rãi phân vào đất lần thứ nhất (18 - 20 ngày sau khi gieo). 5 - 7 kg Kali nitrate giai đoạn 48 và 55 ngày sau khi gieo.
Rải phân vào đất: 2 lần
+ 18 - 20 ngày sau khi gieo rãi 1/3 tổng lượng phân 16 -16 -8 phía dây dưa bò, vén màng phủ cách gốc 20 cm đến bìa liếp, tưới nước đậy màng phủ lại.
+ 35-40 ngày sau khi gieo rãi 1/3 tổng lượng phân 16 -16 -8 phía ngược lại (phía không có dây dưa bò), cũng tưới nước cho ướt phân rồi đậy màng phủ.
Lưu ý: - Khi ngọn dưa chưa bò ra khỏi màng phủ cần chặt nhánh cây có chán ba ghim xuống đất thủng màng phủ để giữ ngọn dưa.
- Để màng phủ sử dụng được lâu không nên đi trên mặt líp khi đã phủ và sau khi thu hoạch dưa cần xếp gọn, cất trong mát.
Sửa dây
Khi dây dưa khởi sự bỏ vòi (20 ngày sau khi xuống bầu) thì tiến hành sửa và cố định vị trí bò cuả dây, để cho các dây bò song song khắp mặt liếp theo thứ tự, không quấn chồng lên nhau làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, là nơi trú ngụ của nhiều sâu bệnh hại và gây khó khăn trong việc tuyển trái.
Tỉa nhánh

Một dây chính; Hai dây nhánh

Trước khi lấy trái, mỗi cây nên tỉa chừa lại 1 thân chính và 1 đến 2 dây nhánh phụ (dây chèo), phần lớn nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tỉa chừa 2 nhánh phụ cho bò song song với thân chính, nhưng dưa hấu tháp bầu trồng ở Sóc Trăng nông dân tỉa chừa 1 thân chính và 1 nhánh phụ (để giúp việc chọn trái chính xác nhánh phụ cho bò ngược ra mé mương vì trồng cách mé mương 80 cm, khi dây chính không chọn trái được thì để trái trên dây nhánh, khi đó sẽ kéo dây dưa vào trong, nhưng cây này không cho trái lớn). Nên tỉa nhánh sớm khi mới vừa lú ra 5-7 cm. Tỉa bỏ tất cả các dây chèo và các dây bơi ra sau để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, cũng có thể ngắt ngọn sau khi đã để trái có chu vi cở 2 gang tay .
Úp nụ (thụ phấn bổ sung)
Công việc này được thực hiện tập trung trong 7-8 ngày, tiến hành vào 7-9 giờ sáng trong thời kỳ hoa trổ rộ. Chọn hoa đực tốt úp vào nướm nhụy của hoa cái, tiến hành khoảng 35-40 ngày sau khi gieo hột, thời gian úp nụ càng ngắn càng tốt, để các trái có cùng độ lớn, ruộng dưa đồng đều dể chăm sóc.
Tuyển trái
Để cho trái dưa to chỉ nên để một trái/mỗi dây. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40-45 ngày sau khi gieo hột. Khi trái bằng trái chanh chọn trái thứ 3 trên dây chánh tức vị trí lá thứ 14-20, nếu dây dưa quá sung có thể chọn trái ở vị trí 20-24 sẽ cho trái tốt hơn. Nếu trên dây chính không tuyển trái được thì chọn trái thứ 2 trên dây nhánh tức vị trí lá 8-14.
Chọn trái đầy đặn, cuống to, dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh... Đồng thời tỉa bỏ tất cả các trái khác đậu tự nhiên, các trái ra sau, dùng cọng lá dừa cặm làm dấu.
Lót rơm kê trái
Khi trái lớn băng trái cam, sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều. Lót kê trái để hạn chế thối đít trái và giúp trái phát triển thuận lợi. Trong qúa trình trái phát triển thỉnh thoảng trở bề để trái tròn đẹp và màu vỏ trái xanh đều.
7. Thu hoạch
Dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín 80-90%, khoảng 60-70 ngày sau khi trồng tuỳ theo điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Thường khoảng 25-30 ngày sau khi chấm dứt thụ phân.
Cần ngưng nước 4-5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để dành được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Việc ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu nhằm bảo đảm phẩm chất dưa sạch cho người tiêu dùng.
8. Phòng trừ sâu bệnh
* SÂU HẠI
a- Rầy lửa, bọ trỉ, bù lạch (Thrips palmi Karny)
- Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị sượng, ngẩng đầu lên cao mà nông dân thường gọi là ”bắn máy bay hay đầu lân”. Khi nắng lên bù lạch ẩn nấp trong kẻ đất hoặc rơm rạ. Thiệt hại do bọ trĩ, bọ dưa có liên quan đến bệnh siêu trùng.
- Bù lạch sẽ phát triển mạnh vào thời kỳ khô hạn. Thiệt hại này cũng xảy ra ở những vùng chuyên canh rất trầm trọng. Nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ, kiểm tra ruộng dưa thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng bù lạch.
- Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên thay đổi thuốc thường xuyên phun Confidor 100SL, Admire 50EC...0.5 - 1%o, Danitol 10EC 0.5-1%o.
b- Bọ rầy dưa (Aulacophora similis)
- Thành trùng có cánh cứng, màu vàng cam, dài 7-8mm, sống lâu 2-3 tháng, đẻ trứng dưới đất quanh gốc cây dưa, hoạt động ban ngày, ăn cạp lá thường gây thiệt hại nặng khi cây dưa còn nhỏ đến lúc cây có 4-5 lá nhám. Âu trùng có màu vàng lợt, đụt vào trong gốc cây dưa làm dây héo chết.
- Có thể bắt bằng tay vào sáng sớm khi cây dưa còn nhỏ, để tránh lây lan sang vụ sau cần thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống để dẫn dụ bọ dưa tập trung rồi phun thuốc. Rãi thuốc hột như Sumi-alpha, Baythroit 5SL, Admire 50 EC 1-2 %o.
c- Rệp dưa, rầy nhớt (Aphis gossypii Glover)
Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng. Chúng có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm.. nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất. Phun các loại thuốc phổ biến như trừ bọ rầy dưa.
d- Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura)
- Thành trùng là loại bướm đêm rất to, cánh nâu, giữa có một vạch trắng. Trứng đẻ thành từng ổ hình tròn ở mặt dưới phiến lá, có lông vàng nâu che phủ. Sâu non lúc nhỏ sống tập trung ở mặt dưới phiến lá nên gọi là sâu ổ, khi lớn lên phân tán dần, mình có màu xám với khoan đen lớn ở trên phía lưng sau đầu, ăn lủng lá có hình dạng bất định, hoặc cắn đứt ngang thân cây con. Sau đó sâu thường chui vào sống trong đất, ẩn dưới các kẻ nứt hay rơm rạ phủ trên mặt đất, nhộng ở trong đất.
- Nên làm đất kỹ trước khi trồng vụ sau để diệt sâu và nhộng còn sống trong đất, xử lý đất bằng thuốc hạt. Có thể ngắt bỏ ổ trứng hay bắt sâu non đang sống tập trung.
- Nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao: Sumicidin 10EC, Cymbus 5EC, Karate 2.5EC, Fenbis 2.5 EC, Decis 2.5 EC... 1 - 2%o có thể pha trộn với Atabron 5EC từ 2-3 cc/bình xịt 8 lít.
e- Sâu ăn lá (Diaphania indica)
- Bướm nhỏ, màu nâu, khi đậu có hình tam giác màu trắng ở giữa cánh, hoạt động vào ban đêm và đẻ trứng rời rạc trên các đọt non. Trứng rất nhỏ, màu trắng, nở trong vòng 4-5 ngày. Sâu nhỏ, dài độ 8-10mm, màu xanh lục có sọc trắng đặc sắc ở giữa lưng, thường nhả tơ cuốn lá non lại và ở bên trognăn lá hoặc cạp vỏ trái non. Sâu đủ lớn, độ 2 tuần làm nhộng trong lá khô.
- Phun thuốc ngừa bằng các loại thuốc phổ biến trên đọt non và trái non khi có sâu xuất hiện rộ như thuốc trừ rệp dưa, bọ rầy dưa.
* BỆNH HẠI
a. Bệnh chạy dây, ngủ ngày, chết muộn, héo rũ (do nấm Fusarium oxysporum Schlechtendahl)
- Cây bị mất nước, chết khô từ đọt, thân đôi khi bị nứt, trên cây con bệnh làm chết rạp từng đám. Trên cây trưởng thành, nấm gây hại từ thời kỳ ra hoa đến tượng trái, cây dưa bị héo từng nhánh rồi chết cả cây sau đó hoặc héo đột ngột như bị thiếu nước. Vi sinh vật lưu tồn trong đất nhiều năm, bệnh này có kiên quan ít nhiều đến tuyến trùng và ẩm độ đất. Nấm Phytophthora sp. cũng ghi nhận gây hại cho bệnh này. Nên lên liếp cao, làm đất thông thoáng, bón thêm phân chuồng, tro trấu, nhổ cây bệnh tiêu hủy.
- Phun Copper-B, Derosal 60WP, Rovral 50W, Topsin -M 50WP, Zin 80WP... 2 -3%o hoặc Appencarb, Supper 50FL, Alliette 80WP, Ridomil 25WP, Curzate M8 ... 1-2%o tưới vào gốc.
- Rãi Basudin 10 H 1-2 kg/1.000m2 trừ tuyến trùng
- Tránh trồng dưa hấu và các cây cùng nhóm như bí đỏ, bó đao, dưa leo... liên tục nhiều năm trên cùng một thửa ruộng.
b- Bệnh héo cây con, héo tóp thân (do nấm Rhizoctonia sp.)
- Cổ rễ bị thối nhũng, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh. Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con, bệnh còn làm thối đít trái. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nấm lưu tồn trên thân luá, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa gặt lúa.
- Phun, Validacin 5L, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Ridomil 25 WP 1 - 2%o; Copper -B 2 - 3%o, Tilt super 250 ND, Bonanza 100 (các loại thuốc trị bệnh đốm vằn trên luá đều trị được bệnh này)
c- Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum lagenarium)
- Bệnh gây hại trên lá trưởng thành, vết bệnh có vòng tròn nhỏ đồng tâm, màu nâu sẩm, quan sát kỹ thấy những chấm nhỏ nhỏ li ti màu đen tạo thành các vòng đồng tâm, trên cuống lá và thân cũng có những vết màu nâu. Vết bệnh trên trái có màu nâu tròn lõm vào da, bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái. Bệnh xuất hiện nặng và thời điểm trồng dưa sớm vụ Noel do trời còn mưa hoặc ruộng tưới quá nhiều nước, ẩm độ cao.
- Phun Manzate 200, Mancozeb 80WP, Antracol 70W, Curzate M8, Copper-B, Topsin-M, Benlat-C 50WP nồng độ 2-3%o.
d- Bệnh bả trầu, nứt thân chảy nhựa (do nấm Mycosphaerella melonis)
- Bệnh này nông dân còn gọi là đốm lá gốc hay bả trầu. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám như bị phun cổ trầu lên lá, vết bịnh ở bìa lá thường bị cháy nâu, sau đó héo khô. Trên thân nhất là nhánh thân, có đốm màu vàng trắng, hơi lỏm, làm khuyết thân hay hay nhánh nơi bị bệnh. Nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh.
- Tiêu hủy cây bệnh sau vụ thu họach. Tránh bón nhiều phân đạm, bệnh dễ phát triển và lây lan nhanh.
- Phòng trị bằng Topsin M, Manzate, Penncozeb, Ridomil, Derosal, Anvil, Copper B, Appencarb super 50 FL với nồng độ 1 - 2%o hoặc Tilt 250 EC, Nustar 40 EC từ 2-3cc /bình phun 8 lít. Tránh bón nhiều phân đạm, bệnh dễ phát triển và lây lan nhanh.
d. Bệnh đốm phấn (do nấm Pseudoperonospora cubensis)
- Vết bệnh hình đa giác có góc cạnh rất rõ, lúc đầu có màu vàng nhạt sau chuyển thành nâu; sáng sớm quan sát kỹ mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng, vết bệnh lúc già rất giòn, dể vỡ. Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc đi lên lá non, phát triển mạnh vào thời điểm ẩm độ cao.
- Phun Curzat M-8, Mancozeb 80 WP, Copper-zinc, Zin 80WP, Benlate-C 50 WP hoặc Ridomil 25WP 1-2 %.
Lưu ý:
* Nồng độ 1-2%o = 10-20cc thuốc/bình 10 lít.
* Cần ngưng phun thuốc khoảng 7-10 ngày trước khi thu hoạch trái.


CÂY DƯA LEO
Tên khoa học: Cucumis sativus L.
Họ bầu bí: Cucurbitaceae


ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


1. GIỚI THIỆU
Dưa leo được biết ở Ấn Độ cách nay hơn 3.000 năm, sau đó được lan truyền dọc theo hướng Tây Châu Á, Châu Phi và miền Nam Châu Âu. Dưa leo được trồng ở Trung Quốc từ thế kỹ thứ 6 và hiện nay được trồng rộng rãi khắp nơi trên thế giới.
Dưa leo cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Trái dưa leo chứa 96% nước và 100g trái tươi cho 14 calo; 0,7 mg protein; 24 mg calcium; vitamin A 20 IU; vitamin C 12 mg; vitamin B1 0,024 mg; vitamin B2 0,075 mg và niacin 0,3 mg.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Rễ: Bộ rễ dưa phát triển rất yếu, rễ chỉ phân bố ở tầng đất mặt 30 - 40 cm.
Thân: Thân thảo hằng niên, thân dài, có nhiều tua cuốn để bám khi bò. Chiều dài thân tùy điều kiện canh tác và giống, các giống canh tác ngoài đồng thường chỉ dài từ 0.5 - 2,5 m. Thân trên lá mầm và lóng thân trong điều kiện ẩm độ cao có thể thành lập nhiều rễ bất định. Thân tròn hay có góc cạnh, có lông ít nhiều tùy giống. Thân chánh thường phân nhánh; cũng có nhiều dạng dưa leo hoàn toàn không thành lập nhánh ngang. Sự phân nhánh của dưa còn chịu ảnh hưởng của nhiệt độ ban đêm.
Lá: Lá đơn, to mọc cách trên thân, dạng lá hơi tam giác với cuống lá rất dài 5 - 15 cm; rìa lá nguyên hay có răng cưa. Lá trên cùng cây cũng có kích thước và hình dáng thay đổi.
Hoa: Đơn tính cùng cây hay khác cây. Hoa cái mọc ở nách lá thành đôi hay riêng biệt; hoa đực mọc thành cụm từ 5 - 7 hoa; dưa leo cũng có hoa lưỡng tính. có giống trên cây có cả 3 loại hoa và có giống chỉ có 1 loại hoa trên cây. Hoa có màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng, bầu noãn của hoa cái phát triển rất nhanh ngay trước khi hoa nở. Các giống dưa leo trồng ở vùng ĐBSCL thường ra hoa sớm, bắt đầu ở nách lá thứ 4 - 5 trên thân chính, sau đó hoa nở liên tục trên thân chính và nhánh.
Sự biến dị về tính trạng giới tính ở dưa leo rất rộng, đó là đặc tính thích nghi mạnh của cây trong điều kiện môi trường. Nói chung, điều kiện ngày dài, nhiệt độ cao và các điều kiện bất lợi khác làm cho cây cho nhiều hoa đực. Ngoài ra, tỉa nhánh, sử dụng kích thích sinh trưởng và chế độ phân bón có thể ảnh hưởng đến sự biến đổi giới tính của cây. Các dạng cây có giới tính khác nhau ở dưa leo được nghiên cứu và tạo lập để sữ dụng trong chọn tạo giống lai.
Trái, hạt: Lúc còn non có gai xù xì, khi trái lớn gai từ từ mất đi. Trái từ khi hình thành đến khi thu hoạch có màu xanh đậm, xanh nhạt, có hay không có hoa văn (sọc, vệt, chấm), khi chín trái chuyển sang màu vàng sậm, nâu hay trắng xanh. Trái tăng trưởng rất nhanh tùy theo giống, có thể thu trái từ 8 - 10 ngày sau khi hoa nở. Phẩm chất trái không chỉ tùy thuộc vào thành phần các chất dinh dưỡng trong trái mà còn tùy thuộc vào độ chặc của thịt trái, độ lớn của ruột trái và hương vị trái. Trái chứa hạt màu trắng ngà, trung bình có từ 200 - 500 hạt/trái.
Dưa leo thuộc nhóm ưa nhiệt, nhiệt độ ngày thích hợp cho dưa tăng trưởng là 30oC. và nhiệt độ ban đêm 18 - 21oC. Dưa có phản ứng với độ dài ngày khác nhau tùy theo giống, thông thường ngày ngắn kích thích cây ra lá và trái, vì vậy điều kiện thời tiết vùng đồng bằng cho phép dưa leo ra hoa trái quanh năm.
Yêu cầu về độ ẩm đất của dưa leo rất lớn. Dưa chịu hạn rất yếu, thiếu nước cây sinh trưởng kém và tích lũy chất cucurbitaxin làm trái trở nên đắng. Tuy nhiên ẩm độ không khí cao lại giúp cho bệnh đốm phấn phát triển mạnh.
3. GIỐNG
Có 2 nhóm giống dưa leo:
3.1. Nhóm dưa trồng giàn: Canh tác phổ biến ở những nơi có điều kiện làm giàn. Các giống dưa trong nhóm này có:
3.1.1. Các giống lai F1:
- Mummy 331: Nhập nội từ Thái Lan, sinh trưởng khá, ra nhánh mạnh, bắt đầu cho thu hoạch 35 - 37 NSKG, trái suông đẹp, to trung bình (dài 16 - 20 cm, nặng 160 - 200 g), vỏ màu xanh trung bình, gai trắng, thịt chắc, phẩm chất ngon, dòn, không bị đắng, năng suất trung bình 30 - 50 tấn/ha.
- Giống 759: Nhập nội từ Thái lan, sinh trưởng mạnh, cho thu hoạch 35 - 37 NSKG, trái thẳng, to trung bình, gai trắng, màu trái hơi nhạt hơn nhưng năng suất và tính chống chịu tương đương Mummy 331.
- Mỹ Trắng: Nhập nội từ Thái Lan, cây phát triển và phân nhánh tốt, cho thu hoạch 35 - 37 NSKG, tỉ lệ đậu trái cao, trái to trung bình, màu trắng xanh, gai trắng, ít bị trái đèo ngay cả ở giai đoạn cuối thu hoạch.
- Mỹ Xanh: Nhập nội từ Thái Lan, cây sinh trưởng tốt, chống chịu tốt hơn giống Mỹ Trắng, trái to tương đương Mỹ Trắng nhưng cho nhiều trái và năng suất cao hơn.
- Happy 2 và Happy 14: Nhập nội từ Hà Lan, cây phát triển rất mạnh nên cần giàn cao, cây cho 100 % hoa cái, có 10 % cây đực cho phấn. Do đó trong kỹ thuật trồng chú ý đảm bảo tỉ lệ cây đực trong quần thể. Trái to (dài > 20 cm, nặng > 200g), màu xanh trung bình, ruột nhỏ, gai trắng nên trái giữ được rất lâu sau thu hoạch. Dưa Happy chống chịu tốt bệnh đốm phấn và cho năng suất cao tương đương các giống F1 khác.
3.1.2. Các giống dưa leo địa phương
- Dưa leo Xanh: Tăng trưởng khá, ít đâm nhánh nên phải trồng dầy, cho trái rất sớm (32 - 35 NSKG), trái to trung bình, vỏ xanh trung bình, gai đen, dưa cho năng suất từ 20 - 40 tấn/ha. Khuyết điểm của giống là cho trái loại 2 nhiều vào cuối vụ và dễ nhiểm bệnh đốm phấn. Hiện nay giống nầy được Công Ty Giống Cây Trồng Miền Nam chọn lọc thành giống cao sản.
- Dưa Tây Ninh: Tăng trưởng mạnh, đâm nhánh mạnh, hoa cái xuất hiện trên dây nhánh nên cho thu hoạch trễ (40 - 42 NSKG), trái to dài hơn dưa leo xanh, vỏ xanh trung bình, có sọc, 2 đầu hơi nhỏ hơn phần giửa trái. Dưa Tây Ninh chịu nóng tốt, thích hợp canh tác trong thời điểm giao mùa hơn dưa Xanh và cho năng suất cao hơn. Giống nầy cũng được Công Ty Giống Cây Trồng Miền Nam chọn lọc thành giống cao sản.
3.2. Nhóm dưa trồng trên đất: Trồng phổ biến ở những nơi không có điều kiện làm giàn hay diện tích trồng lớn và canh tác trong mùa khô, phần lớn là giống địa phương:
- Dưa chuột: Cây bò dài 1m - 1,5 m, cho thu hoạch rất sớm (30 - 32 NSKG), nhiều trái và mau tàn. Trái nhỏ, ngắn (dài 10 -12 cm, nặng < 100 g), màu xanh nhạt, vỏ nhanh chuyển màu vàng sau thu hoạch, thịt trái mỏng, ruột to, ăn ngon giòn, được ưa chuộng để ăn tươi hoặc trộn giấm nhưng không có giá trị kinh tế cao.
- Dưa leo Phụng Tường: Tăng trưởng khá và ra nhánh mạnh, cho trái sớm (32 - 35 NSKG), trái dài trung bình, màu xanh trắng, gai đen, ruột đặc. Dưa Phụng Tường cho năng suất cao hơn và vỏ trái không chuyển sang vàng nhanh như dưa chuột nên được trồng phổ biến hơn.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
4.1. Thời vụ
Có thể trồng quanh năm, tuy nhiên dưa leo tăng trưởng tốt trong mùa mưa hơn mùa khô. Các vụ trồng khác nhau có thuận lợi và khó khăn khác nhau:
- Vụ Hè Thu: gieo tháng 5 - 6, thu hoạch tháng 7- 8 dl, đây là thời vụ chính trồng dưa leo giàn. Mùa nầy dưa cho năng suất cao, ít sâu bệnh và đở công tưới nước.
- Vụ Thu Đông: gieo tháng 7- 8, thu hoạch 9 - 10 dl, do mưa nhiều, cây có cành lá xum xuê, cho ít hoa trái. Trong thời kỳ trổ bông nếu gặp mưa liên tục vào buổi sáng thì cây đậu trái kém hoặc trái non dễ bị thối, vụ nầy dưa dễ bị bệnh đốm phấn nên thời gian thu hoạch ngắn.
- Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 12 - 1dl, dưa leo bò và dưa giàn đều trồng được. Vụ này thời tiết lạnh, thường có dịch bọ trĩ và bệnh đốm phấn phát triển mạnh nên phải đầu tư cao.
- Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 1-2, thu hoạch 3 - 4 dl, mùa nầy nhiệt độ cao thích hợp cho dưa leo trồng đất. Cuối mùa nắng, thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm, lượng nước bốc thoát qua mặt đất và lá dưa nhiều, nếu không tưới đủ nước cây sinh trưởng kém thân ngắn, lá nhỏ, hoa trái ít và cho năng suất thấp.
4.2. Làm đất và gieo hat
Dưa leo có yêu cầu đất nghiêm khắc do bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém, nếu gặp hạn hay úng hoặc nồng độ phân cao bộ rễ dưa dễ bị vàng khô, vì thế nên trồng dưa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát thủy tốt, có nhiều chất hữu cơ, pH từ 6.5 - 7.5.
Nên làm đất kỹ. Đất mặt phải cày cuốc sâu, lên líp cao 20 - 25 cm để trồng trong mùa mưa hoặc trồng có làm giàn, mùa nắng trồng dưa thả bò trên đất ruộng hay đất thoát nước tốt chỉ cần đào hộc trồng, không cần lên líp. Líp trồng có thể phủ bạt plastic hay rơm rạ để giử ẩm.
Hạt dưa leo nẩy mầm rất nhanh và tỉ lệ nẩy mầm cao nên có thể tỉa thẳng 2 - 3 hạt/lổ, gieo sâu 2 - 3 cm và lấp tro trấu. Trồng giống F1 để tiết kiệm giống và chăm sóc cây con được đều, nên gieo cây con trong bầu đất và đem trồng khi có lá thật. Trồng mỗi lổ một cây, các giống ít đâm nhánh trồng 2 - 3 cây/lổ. Khoảng cách trồng 0.8 - 1.5 m x 0.3 - 0.4 m. mật độ 30.000 - 50.000 cây/ha. Dưa giàn trồng hàng đơn hay hàng đôi đều được, mùa thuận nên trồng dầy để có năng suất cao, mùa nghịch nên trồng thưa để dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Lượng giống trồng cho 1 ha tùy phương pháp trồng. Dưa thả bò, dưa địa phương tỉa thằng cần 1 - 3 kg giống/ha; dưa F1 - cần 0.5 - 0.8 kg hạt/ha.
4.3. Chăm sóc
4.3.1. Bón phân: Nhu cầu dinh dưỡng của dưa leo khá cao, dưa leo hấp thụ mạnh nhất là kali, kế đến là đạm. Dưa leo mẫn cảm với chất dinh dưỡng trong đất và không chịu được nồng độ phân cao; vì vậy phân được bón thúc nhiều lần thay vì bón tập trung. Ở giai đoạn đầu của sự sinh trưởng dưa hấp thụ nhiều đạm hơn các chất khác; đến khi dưa phân nhánh và kết trái dưa mới hấp thụ mạnh kali. Tuy nhiên bón đạm dư thừa dẫn tới tình trạng cây tăng trưởng mạnh và ra nhiều hoa đực.
Lượng phân bón tùy theo điều kiện dinh dưỡng có sẳn trong đất và nhu cầu của cây dưa leo qua từng giai đoạn sinh trưởng. Đối với giống lai nhập nội cho năng suất cao, cần bón phân nhiều hơn giống điạ phương.
Công thức phân thường dùng cho dưa leo trồng ở đồng bằng là:
N: 140 - 220 kg/ha
P2 O5: 150 - 180 kg/ha
K2O : 120 - 150 kg /ha
Dựa vào công thức trên có thể bón cho 1 ha dưa leo: 1 tấn phân 16-16-8, 100 kg Urê, 50 kg DAP và 100 kg KCl hoặc 200 - 300 kg Urê, 500 - 700 kg super lân, 150 - 200 kg KCl, 20-25 tấn phân chuồng và 1-2 tấn tro trấu.
Sau đây là một ví dụ về thời điểm, loại phân và liều lượng bón cho 1 ha:
Loại phânTổng sốBón lótTưới thúc (5-10 NSG)Bón thúc (15-20 NSG)Bón nuôi trái (35 - 55 NSG)
Vôi (tấn)11     
Phân chuồng (tấn)2020     
16-16-8 (kg)1.000400  300300
Urê (kg) 100  50  50
DAP (kg)50  50   
KCl (kg)100      100
NSKG: Ngày sau khi gieo
Ở những vùng có tập quán bồi bùn, phân thúc được chia làm 2 lần bón 2 bên líp vào 12 và 20 NSKG, sau đó bồi bùn lên mặt líp để lấp phân. Phân bón nuôi trái cũng được chia làm nhiều lần sau các đợt thu trái. Ngoài ra có thể phun bổ sung phân qua lá SUPERMES để tăng tỉ lệ trái loại 1.
4.3.2. Tưới nước: mùa nắng tưới 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Tăng cường lượng nước tưới và diện tích tưới xung quanh gốc khi cây lớn, nhất là thời kỳ ra hoa trái rộ; cần thoát nước tốt trong mùa mưa. Trong trường hợp tưới rảnh, không nên để nước quá cao trong mương tưới khi cây lớn vì có thể làm hạn chế hoặc hư rễ dưa mọc dài ra mương, tốt nhất là rút cạn nước trong mương sau khi tưới.
4.3.3. Phủ rơm, làm giàn: sau các lần bón thúc, cây bỏ vòi ngã ngọn bò. Trồng dưa bò đất phải đậy rơm xung quanh gốc để giữ ẩm hoặc rải rơm rạ khắp mặt ruộng cho dưa bò, đồng thời bảo vệ trái khỏi hư thối do tiếp xúc trực tiếp với đất ẩm và rơm cũng hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Làm giàn kiểu chữ nhân (X)
Đối với dưa trồng giàn, khi cây bắt đầu có tua cuốn (20 NSKG) thì làm giàn kiểu chữ nhân, cao khoảng 2 m. Giàn bằng chà gai tốt hơn tre sậy vì chà gai có nhiều nhánh ngang, dưa dê bám khi bò và sử dụng được 2 - 3 vụ, cần 40.000 - 50.000 cây chà/ha . Giàn cũng có thể làm cố định bằng cọc tràm và dây kẽm để sử dụng được 3 - 5 năm. Hiện nay, việc sử dụng lưới ni long để làm giàn cho dưa leo cũng được phổ biến trong sản xuất vì giảm bớt được số lượng cây giàn, giảm chi phí, thao tác nhanh gọn và dùng được nhiều mùa.
4.3.4. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại quan trọng gồm có:
- Bọ trĩ hay bù lạch (Thrips palmi): Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị sượng, đọt bị chùn lại, nông dân thường gọi là ngù đọt. Khi nắng lên bù lạch ẩn nấp trong rơm rạ hoặc lá cuốn lại. Thiệt hại do bọ trĩ có liên quan đến bệnh khảm.
Bù lạch phát triển mạnh vào mùa khô hạn. Thiệt hại do bù lạch trong những vùng chuyên canh rất trầm trọng. Nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ, kiểm tra ruộng dưa thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng.
Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên thay đổi thuốc thường xuyên phun Vertimec, Confidor, Admire, Danitol.
- Bọ rầy dưa (Aulacophora similis): Bọ rầy có kích thước khá to, bằng đầu đủa ăn, màu cam, bay chậm, có thể bắt bằng tay vào sáng sớm khi đang ăn phá cây con. Âu trùng màu trắng ngà, ăn phần rễ hoặc thân gần mặt đất.
Thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống tạo bẩy để rầy dưa tập trung, sau đó phun thuốc. Rãi thuốc hột như Bam, Basudin, Regent 20kg/ha hay phun các loại thuốc phổ biến như Sumi-alpha, Sumicidin, Baythroit, Admire.
- Rệp dưa, rầy nhớt (Aphis spp.): Ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2 mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có hai lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng, rầy truyền bệnh khảm. Rầy có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện, nấm... nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao gây ảnh hưởng đến năng suất. Thuốc phòng trị như ở bọ rầy dưa.
- Dòi đục lòn lá hay sâu vẽ bùa (Liriomyza spp.): Thành trùng là một lọai ruồi rất nhỏ, dài 1.4 mm, màu đen bóng, có vệt vàng trên ngực, khi đậu cặp cánh màng xếp lại trên lưng bụng. Trứng dạng tròn, màu trắng hồng, được đẻ trong mô mặt trên lá. Âu trùng là dòi, dài 2 mm, màu vàng nhạt, đục thành đường hầm ngoằn ngèo dưới lớp biểu bì lá của nhiều lọai cây trồng như bầu bí dưa, cà, ớt, đậu... . Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, những đường này làm cho lá bị cháy khô, cây rất mau tàn lụi. Ruồi tấn công rất sớm khi cây bắt đầu có lá thật, thiệt hại trong mùa nắng cao hơn trong mùa mưa.
Ruồi rất nhanh quen thuốc, nên cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên. Phun khi cây có 2-3 lá; khi cần thiết có thể phun lập lại sau 7-10 ngày. Qua nhiều thí nghiệm cho thấy phun các lọai thuốc gốc cúc hoặc phối hợp với thuốc gốc lân hay dầu khoáng D-C Tron Plus 5%o. Trãi màng phủ plastic trên mặt líp sẽ giãm được mật số ruồi đáng kể và cho hiệu quả kinh tế cao.
Bệnh hại quan trọng gồm có:
- Bệnh héo rũ, chạy dây (nấm Fusarium sp. ): Cây bị mất nước, chết khô từ đọt, thân đôi khi bị nứt, trên cây con bệnh làm chết rạp từng đám. Trên cây trưởng thành, nấm gây hại từ thời kỳ ra hoa đến tượng trái, cây dưa bị héo từng nhánh, sau đó héo đột ngột như bị thiếu nước rồi chết cả cây. Vi sinh vật lưu tồn trong đất nhiều năm, bệnh này có liên quan ít nhiều đến tuyến trùng và ẩm độ đất. Nấm Phytophthora sp. cũng được ghi nhận gây nên bệnh này.
Nên lên líp cao, làm đất thông thoáng, bón thêm phân chuồng, tro trấu, nhổ cây bệnh tiêu hủy. Phun hay tưới vào gốc Copper-B, Derosal, Rovral, Topsin-M 2 -3%o hoặc Appencarb supper, Aliette, Ridomil, Curzate 1-2%o. Rãi thuốc hạt Bam, Basudin 10-20 kg/ha trừ tuyến trùng. Tránh trồng dưa leo và các cây cùng nhóm như bí đỏ, bí đao, dưa hấu liên tục nhiều năm trên cùng một thửa ruộng.
- Bệnh chết héo cây con, héo tóp thân (nấm Rhizoctonia solani): Cổ rễ thường bị thối nhũng, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh. Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con, bệnh còn làm thối đít trái. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao; nấm lưu tồn trên thân lúa, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa lúa.
Cần xử lý rơm bằng thuốc hóa học sau khi gieo hạt. Phun Validacin, Anvil, Rovral, Hinosan; Copper-B, Tilt super, Bonanza (các loại thuốc trị bệnh đốm vằn trên luá đều trị được bệnh này)
- Bệnh thối trái non (nấm Choanephora cucurbitarum): Thường tấn công lá, hoa và trái non 5 - 7 ngày sau khi thụ phấn, bệnh gây thiệt hại nặng trong mùa mưa. Không nên trồng qúa dầy, giảm nước tưới, không nên tưới nước vào buổi chiều tối khi bệnh đã xuất hiện. Cần vệ simh đồng ruộng, thu gom các lá trái bệnh đem tiêu hủy. Nên phun ngừa các loại thuốc như phòng trị bệnh héo rủ.
- Bệnh thán thư (nấm Colletotrichum lagenarium): Vết bệnh trên lá có màu nâu tạo thành những vòng tròn đồng tâm. Khi thời tiết thuận hợp như nắng mưa xen kẻ, vết bệnh sẽ nặng hơn, các ổ nấm màu đen nằm trên vòng tròn rất rõ. Vết bệnh trên thân có dạng dài, tạo thành vệt. Vết bệnh trên trái có màu nâu tròn lõm vào da còn gọi là ghẻ dưa, bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái, nhủng nước.
Phun Manzate, Mancozeb, Antracol, Curzate, Copper-B, Topsin-M, Toptan, Benlat-C.
- Bệnh đốm phấn, sương mai (nấm Pseudoperonospora cubensis): Vết bệnh hình đa giác có góc cạnh rất rõ, lúc đầu có màu vàng nhạt sau chuyển thành nâu; sáng sớm quan sát kỹ mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng hoặc vàng nhạt, vết bệnh lúc già rất giòn, dễ vỡ. Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc lan lên lá non, phát triển mạnh vào thời điểm ẩm độ cao, mưa nhiều.
Phun Curzate, Mancozeb, Copper-B, Benlate-C hoặc Ridomil.
- Bệnh khảm do siêu vi khuẩn: Bệnh này được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe bởi nhóm côn trùng chích hút như bù lạch và rệp dưa. Triệu chứng bệnh là đọt non bị xoăn lại, lá bị mất màu, lốm đốm vàng, thiệt hại nặng sẽ làm cho đọt bị sượng, cây bị chùn lại, phát triển rất chậm, khả năng cho trái rất ít, trái thường dị dạng và có vị đắng. Chỉ nên phun ngừa bù lạch và rệp dưa khi cây còn nhỏ bằng các lọai thuốc thông thường. Cần nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bệnh để tránh lây lan.
- Bệnh lở cổ rễ, cháy khô lá (nấm Phytophthora sp.) Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân. Bệnh gây haị ở bất kỳ vị trí nào trên lá, nhưng thường từ rìa lá vào, vùng bệnh như bị úng nước, chuyển sang màu đen và thối nhũn. Trên trái bệnh chỉ gây hại trên trái non làm trái bị thối đen và nhũn ra. Ở thân, bệnh thường gây hại ở phần cổ rễ làm nơi đây bị úng nước mất màu, sau đó chuyển sang màu nâu đen nhũn ra và gây thối cả rê, làm cây chết.
Thoát nước tốt cho ruộng dưa. Tránh trồng quá dày, không tưới nước đẫm vào chiều mát. Phun thuốc Manzate; Curzate, Ridomil; Aliette 7-10 ngày một lần.
5. THU HOẠCH
Dưa ăn trái tươi thu hoạch lúc trái trông ngon nhất, vỏ trái có màu xanh mượt, còn lớp phấn trắng, trái suông đẹp và đầu trái còn cánh hoa chưa rụng. Thời gian thu trái kéo dài 20 - 30 ngày, thu cách ngày một lần, lúc rộ có thể thu mỗi ngày để trái vừa lứa, đồng đều, dễ bán. Năng suất dưa chuột 15 - 17 tấn/ha, dưa leo địa phương 20 - 30 tấn/ha và các giống lai 30 - 50 tấn/ha.


KHỔ QUA
Tên khoa học: Momordica charantia L.
Họ bầu bí: Cucurbitaceae





ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


1. GIỚI THIỆU
Khổ qua có nguồn gốc vùng Châu Á nhiệt đới, có thể là Đông Ấn và Nam Trung Quốc, được sử dụng như là loại rau ăn quả giàu chất sắt và vitamin C và canh tác được quanh năm ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Cây leo quấn hằng niên, thân mọc dài đến 5 m. Lá đơn, mọc cách, lá xẽ 3 - 9 thùy. Hoa đơn phái cùng cây, hoa mọc đơn độc ở nách lá, màu vàng, hoa đực có có cuống ngắn. Hoa cái có cuống dài, bầu noãn hạ, phát triển rất nhanh trước và sau khi thụ phấn. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng, chủ yếu là ong. Trái ăn tươi có thể thu hoạch 2 tuần sau khi thụ phấn. Trái chứa từ 20 - 30 hạt.
Khổ qua thích nghi rộng với điều kiện thời tiết nên trồng được quanh năm trong vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Cây phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 20 - 35oC, vũ lượng 1500 - 2500 mm và cao độ đến 1000 m. Cây chịu đựng được nhiều điều kiện đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất trên đất thoát thủy tốt, giàu chất hữu cơ.
3. GIỐNG
3.1 Giống lai F1:
- Giống Polo 192 và May 185 (Chiatai): Là giống lai F1 do công ty Trang Nông phân phối có sức sinh trưởng mạnh, trái dài, suông đẹp, đầu đuôi trái hơi nhọn, gai nở to xanh bóng, thịt dày, độ đắng trung bình. Chiều dài trái 24-25 cm và trọng lượng 150-170 g (Polo 192), dài 20 cm và nặng 120-140 g (May 185), năng suất cao, trồng quanh năm.
- Giống khổ qua lai F1 số 242: Do công ty Hai Mũi tên Đỏ phân phối, cây sinh trưởng tốt ở mọi thời vụ, kháng bệnh đốm lá (Cercospora). Thời gian bắt đầu thu hoạch trái 38-40 ngày sau khi gieo và kéo dài 1,5-2 tháng. Năng suất 3-4,5 kg/cây. Chiều dài trái 19-22cm, màu xanh sáng, rất bóng, gai lớn thẳng.
3.2 Giống địa phương:
- Giống TH-12: do CTGCTMN chọn lọc từ giống khổ qua mỡ địa phương. Giống cho trái sớm, bắt đầu thu trái 40 NSKG, trái dài 18 -20 cm, thon hai đầu, không vai, màu xanh trung bình, gai dọc liền và nổi rỏ, thịt trái dầy, ít đắng, thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Năng suất trung bình từ 20 - 25 tấn/ha.
- Giống trái nhỏ: do CTGCTTP chọn lọc từ giống địa phương. Giống cho trái rất sớm, bắt đầu thu hoạch 35 NSKG, trái dài 15 -16 cm, thon hai đầu, không vai, màu xanh trung bình, gai dọc liền và nổi rỏ, thịt dầy, ít đắng, thích hợp thị hiếu người tiêu dùng thành phố. Năng suất 15 - 20 tấn.
- Giống khổ qua Xiêm: trái to, dài 30 - 40 cm, không vai, vỏ xanh trung bình, gai to, ít đắng, năng suất khá.
- Giống khổ qua Rô: trái nhỏ 12 - 15 cm, hai đầu nhọn, không vai, vỏ xanh trung bình, gai nhỏ, nhọn, vị đắng nhiều, sai trái nhưng năng suất thấp hơn khổ qua Xiêm. Loại này thích hợp chế biến sấy khô làm trà.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
4.1.Thời vụ
Trồng được quanh năm, tốt nhất là vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu (mưa nhiều) thường bị ruồi đục trái gây hại nặng.
4.2. Gieo trồng
- Đối với giống lai F1 lượng hạt cần gieo là 140-170 g/1.000m2 (mật độ 500-700cây/1.000m2) vì cây phát triển mạnh, bò dài, trồng thưa hơn giống địa phương, cần phải làm giàn mới phát huy hết tiềm năng của giống. Thường trồng hàng đôi khoảng cách 4-5 m hoặc hàng chiếc 2-2,5m, cây cách cây 70-80 cm.
- Đối với giống địa phương cần 300 - 500 kg/1.000m2. Trồng hàng cách hàng 1,2m, cây cách cây trên hàng 30-35 cm, mật độ trung bình 2.400-2.700 cây/1.000m2. Mùa nắng có thể trồng bò đất, hàng đôi cách nhau 3-3,5 m, mật độ 1.600-1.900 cây/1.000m2 .
Vỏ hột khổ qua khá dầy nên ngâm hạt 1-2 giờ trong nước ấm 2 sôi - 2 lạnh, vớt ra ủ cho nhú mầm rồi đem gieo sẽ lên tốt hơn. Khi hột nhú mầm đem gieo thẳng ra đồng hoặc gieo trong bầu đất. Bầu đất làm bằng túi nylon có cắt góc hoặc bầu lá chuối, lá dừa. Phun thuốc trừ bệnh như Copper B, Rovral, Topsin M trên bầu đất trước khi gieo hột và rãi Basudin 10H xung quanh bầu và phía trên bầu để tránh côn trùng gây hại. Khi cây được 10 -12 ngày thì trồng ra đồng.
Đất thích hợp trồng khổ qua là dất thịt nhẹ hoặc cát pha, thoát nước tốt. Đất phải cày bừa kỹ, lên luống cao 20 - 25 cm.
4.3. Sử dụng màng phủ nông nghiệp
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là "màng bạt" hay "thảm", là một loại nhựa dẽo, mỏng, chuyên dùng để phủ liếp trồng rau, dầy 0,03-0,035 mm, mặt trên có màu xám bạc, mặt dưới màu đen, sử dụng bình quân 2 vụ khổ qua.
Mục đích:
a. Hạn chế côn trùng gây hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, dòi đục lòn lá và giảm thun đọt khổ qua.
b. Hạn chế bệnh hại: Bề mặt màng phủ ráo nhanh sau khi mưa; bộ lá cây luôn khô, thoáng, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm phấn trên lá chân.
c. Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
d. Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
e. Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
f. Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
g. Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
Trồng khổ qua sử dụng màng phủ nông nghiệp có thể khắc phục được một phần yếu tố bất lợi của môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng tủ rơm.
CÁCH SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP:
a. Chuẩn bị trước khi trồng:
- Vật liệu và qui cách: Dùng màng phủ khổ rộng 1-1,2 m (trồng hàng đơn) hoặc 1,4-1,6 m (trồng hàng đôi. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400 m, trung bình trồng 1.000m2 khổ qua cần khoảng 1 cuồn nếu trồng hàng đôi như dưa hấu, còn tốn 1,5 cuồn nếu khỏang cách hàng gần hơn. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên liếp: Lên liếp cao 20-40 cm tùy mùa vụ, đất ruộng trong mùa mưa cần lên liếp cao, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rãi phân lót: cách bón và liều lượng phân ở phần sau.
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Oxyt đồng hoặc Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây ni long căng ngang mặt líp, mỗi đầu dây cột một que cây 15-20cm, hoặc dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp nếu như đất mịn và dẽo như ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, cũng có thể lâp đất tấn xung quanh mé liếp để tránh gió tốc nhưng chỉ thích hợp trong mùa nắng.
Khi phủ xong không nên dùng rơm hay cỏ đậy trên màng phủ vì làm mất tác dụng phản chiếu ánh sáng, không nên đi đạp lên vải bạt vì mau rách.
- Đục lổ màng phủ: Dùng lon sữa bò đường kính khoảng 10 cm, có đục lổ thông gió xung quanh chân lon, làm cán để cầm, cột dây chì vòng miệng lon chừa râu dài 50-70 cm làm cự ly giữa các cây, đốt than nóng cho vào trong lon.
b. Trồng cây:
Rãi một ít đất mịn hoặc rơm hoặc trấu mục vào trong lổ (không nên dùng nhiều tro trấu, nhất là trong mùa nắng vì sức nóng của màng phủ và của tro làm cây con bị hóc phát triển yếu), tưới nhiều nước vào lổ rồi gieo hột hoặc đặt cây con. Xử lý côn trùng bằng thuốc hột như Basudin 10H hay Regent rãi xung quanh gốc sau khi gieo hột hoặc sau khi cấy cây con (2 kg/1.000 m2).
4.4. Chăm sóc
4.4.1. Bón phân: lượng phân sử dụng cho 1.000 m2: Hữu cơ 1 tấn + 95 kg hỗn hợp 16-16-8 và 5 kg Clorua kali + 5 kg Calcium nitrat + 50 kg vôi bột (tương đương công thức 160 N-150 P2O5-100 K2O- 10 Ca kg/ha). Trong mùa mưa nên bón thêm 5-8 kg Calcium nitrat giúp trái cứng ít bị hư. Cách bón được thực hiện như sau:
* Bón lót: 25 kg 16-16-8 + 1 tấn hữu cơ + 50 kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai và phân hóa học rãi trộn đều trên mặt liếp. Lượng phân bón lót nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.
* Bón phân thúc:
Lần 1: 15-20 ngày sau khi trồng
Liều lượng 20 kg 16-16-8 + 1 kg Calcium nitrat.
Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng khổ qua hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc.
Lần 2: 35-40 ngày sau khi trồng, khi đã đậu trái đều, chuẩn bị thu trái lưa đầu.
Lượng bón 20 kg 16-16-8 + 1 kg Clorua kali + (1-2) kg Calcium nitrat.
Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc.
Lần 3: Khi cây 55-60 ngày sau khi trồng, bắt đầu thu trái rộ.
Lượng bón 20 kg 16-16-8 + 2 kg Clorua kali + (2-3) kg Calcium nitrat.
Vén màng phủ lên rãi phân hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc.
Lần 4: Khi cây 70-80 ngày sau khi trồng
Lượng bón: 10 kg 16-16-8 , 1 kg Clorua kali + (1-2) kg Calcium nitrat.
Vén màng phủ lên rãi phân hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc.
Sử dụng thêm các loại phân bón qua lá để tăng cường sức sinh trưởng của cây trong lúc ra hoa kết trái.
4.4.2. Làm giàn: Tiến hành làm giàn cây hay giàn lưới khi cây bắt đầu bò. Cây làm giàn có chiều dài > 2 m, làm giàn hình chử nhân (X) đối với giống địa phương hay giàn mặt bằng đối với giống lai F1. Trồng bò đất phải thả rơm cho khổ qua bám và trái thương phẩm được nhiều.
4.4.3. Tưới nước: Cần tưới đủ nước cho cây phát triển nhất là vào mùa khô, thiếu nước giai đoạn ra hoa sẽ làm cho hoa trái bị rụng và nhiều trái đèo. Trong mùa nắng, trồng có màng phủ cần chú ý cung cấp đủ nước bằng cách bơm nước vào rãnh hoặc tưới vào lổ giữa 2 gốc. Vào mùa mưa tránh ruộng bị ngập úng làm hư hại rễ.
4.4.4. Bấm ngọn, tỉa dây: Tùy theo đặc tính giống trồng mà có hình thức tỉa dây, bấm ngọn cho thích hợp. Các giống ra nhánh sớm ngay từ nách lá đầu tiên nên tỉa bỏ 2-3 nhánh đầu để tạo sự thông thoáng ở gốc. Nếu giống ra nhánh từ nách lá thứ 4 trở lên thì không cần tỉa nhánh. Một số nơi có tập quán ngắt ngọn khi cây có 5-7 lá, sau đó chừa 3 nhánh mọc mạnh và để trái trên các dây nhánh đó. Khổ hoa cho trái trên dây chánh cũng như dây nhánh nên cây có nhiều dây sẽ cho nhiều trái.
Do cây ra hoa kết trái liên tục, vì vậy cần tỉa bỏ sớm các trái dị dạng, teo đèo để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái thương phẩm tốt.
4.4.5. Phòng trừ sâu bệnh
* SÂU HẠI
- Ruồi đục trái (Bactrocera cucurbitae): Ruồi có hình dạng và kích thước rất giống ruồi đục trái cây, nhưng chỉ gây hại trên các cây họ Bầu Bí. Ấu trùng là dòi có màu trắng ngà, đục thành đường hầm ngoằn ngèo bên trong trái làm trái thối vàng, rụng sớm.
Nên thu gom tiêu diệt trái rụng xuống đất, cày phơi đất sau vụ hoặc cho nước ngập ruộng vài ngày để diệt nhộng. Phun ngừa ruồi bằng các thuốc Sherpa, Karate, Cyper-alpha, Cyperan. Nếu ruồi ở mật độ cao có thể dùng dấm pha với một ít đường và trộn với thuốc trừ sâu, xong đặt rải rác, 6 -10 m một bẩy. Cũng có thể dùng giấy báo, bao nilong để bao trái sau khi trái đậu 2 ngày.
- Rầy lửa, bọ trỉ, bù lạch (Thrips sp.)
- Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Bù lạch phát triển mạnh vào thời kỳ khô hạn, thiệt hại do bọ trĩ, bọ dưa có liên quan đến bệnh siêu trùng. Nên kiểm tra ruộng dưa thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng bù lạch.
- Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên định kỳ 7-10 ngày/lần phun dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) sẽ giảm đáng kể sự tấn công của bù lạch; khi thấy mật số vài ba con trên một đọt non cần phun một trong các loại như Confidor 100SL, Admire 50EC, Danitol 10EC, Vertimec...0.5-1%o, cần thay đổi thuốc thường xuyên
- Rệp dưa, rầy nhớt (Aphis spp.)
Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng. Chúng có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm.. nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất. Phun các loại thuốc phổ biến như trừ bọ rầy dưa hoặc Trebon.
- Sâu ăn lá (Diaphania indica)
- Bướm nhỏ, màu nâu, khi đậu có hình tam giác màu trắng ở giữa cánh, hoạt động vào ban đêm và đẻ trứng rời rạc trên các đọt non. Trứng rất nhỏ, màu trắng, nở trong vòng 4-5 ngày. Sâu nhỏ, dài độ 8-10mm, màu xanh lục có sọc trắng đặc sắc ở giữa lưng, thường nhả tơ cuốn lá non lại và ở bên trong ăn lá hoặc cạp vỏ trái non. Sâu đủ lớn, độ 2 tuần làm nhộng trong lá khô.
- Phun thuốc ngừa bằng các loại thuốc phổ biến trên đọt non và trái non khi có sâu xuất hiện rộ như thuốc trừ rệp dưa, bọ rầy dưa.
* BỆNH HẠI
- Bệnh đốm phấn, sương mai do nấm Pseudoperonospora cubensis. Lúc đầu, ở mặt trên lá vết bệnh nhỏ màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng nâu và giới hạn trong các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có hình góc cạnh. Bên dưới ngay vết bệnh có lớp tơ nấm lúc đầu màu trắng sau đó chuyển sang màu vàng tím. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá vàng, cây phát triển chậm, trái nhỏ kém chất lượng. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao.
Phun Curzat M-8, Mancozeb 80 WP, Copper-zinc, Zin 80WP, Benlate-C 50 WP hoặc Ridomil 25WP 1-2 % kết hợp tỉa bỏ lá già.
- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum lagenarium: Bệnh gây hại trên hoa, cuống trái, trái non và cả trái chín. Vết bệnh trên trái có màu nâu tròn, lõm, khi bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái và làm trái rụng sớm.
- Phun Manzate 200, Mancozeb 80WP, Antracol 70W, Curzate M8, Copper-B, Topsin-M, Benlat-C 50WP nồng độ 2-3%o.
5. THU HOẠCH
Khổ qua cho thu hoạch nhiều lần. Lần đầu cho thu hoạch 40 - 45 ngày sau khi gieo, thu khoảng 20 - 30 kg/1.000m2. Trung bình cách 3 - 4 ngày thu một lần, thu tổng cộng 10 -15 lứa trong 40 - 50 ngày tùy theo mùa vụ và mức độ thâm canh của người trồng. Năng suất cao nhất ở các lứa thứ 4 - 6, khoảng 200 - 300 kg/1.000m2. Năng suất tổng cộng cả vụ 1,5 - 3/1.000m2 tấn trong 3 - 3,5 tháng trồng.
6. ĐỂ GIỐNG
Không nên sử dụng trái thương phẩm của giống lai F1 để làm giống vụ sau cho trái không đồng đều về hình dạng, màu sắc và năng suất thấp.
Giống địa phương muốn để giống phải chú ý trồng cách ly với các giống khác ở xung quanh để giống đảm bảo độ thuần. Chọn trái tốt trên cây sinh trưởng tốt và không sâu bệnh để làm giống.
Khi trái chín vàng đều, thu vào để nơi mát. Nên phân biệt trái chín hoàn toàn với trái bị vết sâu bệnh, trong quá trình thu phải bỏ hẳn trái bị sâu bệnh để không ảnh hưởng đến chất lượng giống sau này. Trái giống chín mềm bốc ra cào lấy hạt rồi để ủ 1 đêm sau đó rửa sạch chất nhờn bằng nước. Hạt giống sau khi rửa sạch phải phơi khô nhanh, vì thời gian phơi hạt lâu vỏ hạt biến màu khi khô và giảm chất lượng.


CÂY BÍ ĐỎ
Tên khoa học: Cucurbita pepo
Cucurbita moschata
Họ bầu bí: Cucurbitaceae


ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT




1. GIỚI THIỆU
Bí đỏ có nguồn gốc Trung Mỹ, gồm 25 loài nhưng phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới là C. pepo C. moschata, còn C. maxima thì thích hợp ở vùng khí hậu mát.
Sản phẩm sử dụng chính là trái giàu vitamin A, trái chứa 85 - 91% nước, chất đạm 0,8 - 2 g, chất béo 0,1 - 0,5 g, chất bột đường 3,3 - 11 g, cho năng lượng 85 -170 kJ/100 g. Ngoài ra, hoa, lá và đọt non cũng được dùng làm rau ăn.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Rễ: Hệ thống rễ phát triển mạnh, rễ chính ăn sâu và rễ phụ ăn lan rộng nên khả năng chịu hạn tốt. Cây có khả năng phát triển trên đất hơi phèn hoặc mặn. Đây là cây rau được chú ý canh tác đầu tiên trên những vùng đất mới khai phá.
Thân: Thân bò có tua cuốn, thân dài ngắn tuỳ giống, thân tròn hay có gốc cạnh. Thân có khả năng ra rễ bất định ở đốt. Tua cuốn phân nhánh mọc ở đốt thân.
Lá: Lá đơn, mọc cách, cuống dài, phiến lá rộng, tròn hay gốc cạnh, có xẻ thùy sâu hay cạn, màu xanh hay lốm đốm trắng.
Hoa: Hoa đơn phái cùng cây, to, cánh màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng. Trong điều kiện khí hậu không thuận hợp cây sinh ra hoa lưỡng tính hay hoa đực bất thụ.
Trái: Đặc điểm của cuống trái là một đặc tính dùng để phân biệt các loài bí trồng. Cuống trái mềm hay cứng, tròn hay gốc cạnh, đáy cuống phình hay không. Vỏ trái cứng hay mềm, trơn láng hay sần sùi, màu sắc vỏ trái thay đổi từ xanh đậm tới vàng, hơi trắng. Hình dạng trái rất thay đổi từ tròn, oval tới dài. Thịt trái dầy hay mỏng, màu vàng đỏ đến vàng tươi. Ruột chứa nhiều hột nằm giữa trái.
Bí đỏ thích nghi rộng với điều kiện vùng nhiệt đới, bí có thể trồng ở đồng bằng cho đến cao nguyên có cao độ 1.500 m. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 18 - 27oC. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện cường độ chiếu sáng mạnh, có khả năng chịu hạn khá nhưng nếu khô hạn quá dễ bị rụng hoa và trái non.
Nhiệt độ và độ dài ngày đều có ảnh hưởng trên sự hìanh thành tỉ lệ hoa đực và cái trên cây. Ngày dài và nhiệt độ cao thích hợp cho cây ra nhiều hoa đực.
Cây không kén đất nhưng đòi hỏi phải thoát nước tốt, vì cây chịu úng kém nhưng chịu khô hạn tốt. Ẩm độ cao không thích hợp cho cây phát triển vì dễ phát sinh bệnh trên lá.
3. GIỐNG
Các giống địa phương trồng phổ biến. Hai giống được ưa chuộng nhất là:
- Giống Bí Vàm Răng: Trồng phổ biến ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trái tròn dẹp, có khía, nặng 3 - 5 kg, trái già màu vàng, vỏ hai da, thịt dầy, dẻo, màu vàng tươi, phẩm chất ngon.
- Giống Bí trái dài Ban Mê Thuộc: Trồng phổ biến ở miền Đông Nam Bộ và cao nguyên. Trái bầu dục dài, nặng 1 - 2 kg, vỏ vàng xanh hay vàng, trơn láng hay sần sùi, thịt mỏng, màu vàng tươi đến vàng cam, ít dẻo, ngon ngọt.
4. KỸ THUẬT TRỒNG
4.1. Thời vụ
Bí đỏ trồng được quanh năm, tùy theo điều kiện đất và nước từng nơi mà bố trí trong mùa khô hay mùa mưa. Mùa khô gieo tháng 11 - 1 dl, thu hoạch tháng 3 - 4 dl; mùa mưa gieo tháng 5 - 6, thu hoạch tháng 8 - 9 dl.
4.2. Làm đất
Bí đỏ rất dễ trồng không kén đất, có thể trồng trên đất bờ hoặc đất ruộng sau mùa lúa, nhưng tốt nhất là đất mới khai phá. Kỹ thuật làm đất bí tương tự như làm đất trồng dưa hấu. Đất được cuốc lên líp đôi, khoảng cách giữa 2 tim mương 5 - 6 m, mương rộng 0,4 - 0,6 m, mặt luống rộng 0,7 m, cao 0,2 - 0,3 m, khoảng cách cây trên luống 0,5 - 0,7 m, mật độ 5.500 - 7.500 cây/ha.
4.3. Gieo hạt
Hột gieo thẳng hoặc gieo trong bầu, thường ngâm ủ cho nẩy mầm trước khi gieo. Lượng giống gieo 1 - 1,5 kg/ha tùy giống. Cây con đem trồng có 1 - 2 lá nhám.
4.4. Chăm sóc
4.4.1 Bón phân
Công thức phân áp dụng và cách bón như sau cho 1 ha:
N: từ 230- 250 kg
P2O5: 150-200 kg
K2O: 90 -100 kg


Loại phânLượng phânBón lótThúc lần 1 (20NSKT)Thúc lần 2 (40 NSKT)Thúc nuôi trái
Phân chuồng (m3)3030     
Vôi (kg)1.0001.000     
Phân 16-16-8600200  200200
Uree (kg)250      250
DAP (kg)150  12030 
KCl (kg)100      100
NSKT: Ngày sau khi gieo
Ngoài lượng phân trên có thể phun phân qua lá định kỳ 7-10 ngày/lần như Bayfolan, HVP, Komix, Bioted... với nồng độ khuyến cáo trên nhản chai thuốc giúp cây khoẻ mạnh, tăng trưởng nhanh, cho trái tốt.
4.4.2 Tưới nước: Cung cấp đầy đủ nước trong mùa khô, nhất là giai đoạn ra hoa. Thoát nước tốt trong mùa mưa không để rễ cây bị úng.
4.4.3 Tạo hình: Khi bí dài 1m, lấy đất đắp đoạn thân giúp cây phát triển rễ phụ tăng khả năng hút chất dinh dưỡng, cây sinh trưởng tôt hơn. Bí có khả năng đâm nhánh mạnh nên ra rất nhiều nhánh. Mỗi cây chỉ nên chừa 2 - 4 nhánh tốt nhất hoặc dây chánh và 1 - 2 dây nhánh, tiả hết các nhánh khác làm rau ăn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Cũng tỉa bớt các lá chân hoặc lá vàng úa, giúp thông thoáng ong bướm dể tìm hoa hút nhụy, tăng tỉ lệ đậu trái.
4.4.4. Để trái: Hoa đực ở bí đỏ rất nhiều gấp hơn 20 lần hoa cái, hoa đực có sớm hơn hoa cái vài ba ngày. Khoảng 35 ngày sau khi trồng hoa cái bắt đầu nở. Hoa nở vào buổi sáng sớm, thường thì hoa đực và hoa cái trên một cây nở hoa không cùng lúc mà hạt phấn chỉ thụ tinh trong vài giờ, vì vậy thụ phấn nhân tạo rất cần thiết để đảm bảo năng suất. Ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa, quét nhị đực lên nướm vòi nhụy. Không nên phun thuốc trừ sâu xông hơi mạnh trong thời gian chấm nụ. Mỗi cây thường để 1 - 3 trái tùy theo khoảng cách trồng và độ phì của đất.
4.4.5. Phòng trừ sâu bệnh: tương tự như trên dưa hấu, khổ qua.
5. THU HOẠCH
Nếu ăn ngay hoặc tiêu thụ nhanh tại điạ phương có thể thu trái non (khoảng 30 ngày sau khi đậu trái), trái thu non hái được nhiều trái và dây lâu tàn. Nếu để dự trử lâu nên thu khi trái thật già vỏ cứng có màu vàng, có lớp sừng, có phấn, cuống vàng và cứng (khoảng 3 - 4 tháng sau khi trồng) tùy theo giống, dùng dao cắt cả cuống đem về bôi vôi vào mặt cắt giữ nơi thoáng mát. Năng suất 20 - 30 tấn/ha.
6. ĐỂ GIỐNG
Cần chọn trái đều đặn, nằm trên dây chính, thật già, vỏ cứng chắc, thu hoạch khi dây đã tàn, cất giữ trong nhà ít nhất 1 tháng mới bổ ra lấy hạt. Hạt được rửa sạch, phơi khô để vào chai kín cất giữ.


CÂY BẦU
Tên khoa học: Lagernaria siceraria (Molina) Standl.
Họ bầu bí: Cucurbitaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng,
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. GIỚI THIỆU
Cây bầu có nguồn gốc Châu Phi và Ấn Độ, ngày nay được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên thế giới. Trái non là bộ phận sử dụng để luộc, nấu canh hay xào khi ăn hoặc thái nhỏ, phơi khô để ăn dần. Trái non chứa 90,7% nước, 0,7% đạm, 0,2% chất béo, 6,3% chất bột đường, 1,5% chất xơ và 0,6% chất khoáng. Tỉ lệ chất dinh dưỡng ở bầu kém hơn các cây khác trong họ nhưng thịt trái non ngọt, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, có thể chữa bịnh đái tháo và mụn lở. Hoa và hạt bầu cũng được sử dụng làm thuốc trong đông y. Vỏ trái già rất cứng dùng làm chai, lọ hay chế tạo đồ gia dụng. Ngoài ra bầu dễ trồng, sản lượng cao, thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu rộng rải nên được ưa chuộng trong sản xuất.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Bầu là cây hằng niên, thân leo quấn, tua cuốn phân nhánh, thân lá phát triển mạnh và có tính sinh nhánh lớn do đó khi canh tác phải bấm ngọn, làm dàn. Bộ rễ rất phát triển, ăn lan rộng, có khả năng ra nhiều rễ bất định ở đốt. Lá có phiến tròn gắn trên cọng dài, gân lá hình chân vịt. Hoa đơn tính, cùng cây, hoa to với 5 cánh màu trắng. Hoa cái có bầu noãn hạ và rất phát triển, hoa đực có cuống rất dài. Hoa thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Trái có hình dạng và kích thước rất thay đổi, thường là hình trụ, dài 50 - 100 cm, khi già Vỏ trái hóa gổ. Trái non được sử dụng ăn tươi hay phơi khô. Hạt khô chứa 45% chất dầu, bầu ưa nhiệt độ cao từ 20-30oC và cường độ ánh sáng mạnh, vì vậy là rau vụ hè.
3. GIỐNG
Có nhiều giống nhưng trồng phổ biến ở vùng đồng bằng gồm có:
- Bầu thước: Trái hình trụ, dài 60 - 80 cm, vỏ màu xanh nhạt, cho nhiều trái trên đất phù sa màu mỡ, trái chứa ít hạt, hạt già màu nâu, trơn, láng. Canh tác bầu thước phải làm giàn.
- Bầu sao: Trái hình trụ, dài 40 - 60 cm, vỏ màu xanh đậm điểm những đốm trắng. Bầu sao thích nghi với điều kiện đất rộng rảii nên được trồng phổ biến hơn bầu thước. Một số nơi trồng bầu sao bò trên đất, bầu vẫn cho trái nhưng trái ngắn. Bầu sao chứa nhiều hột, hột già màu nâu sậm với nhiều lông tơ trắng.
- Bầu thúng hay bầu nậm: Trái có hình dáng như cái bình với phần dưới phình to, trái nhiều ruột và hột nên ít được ưa chuộng trong sản xuất.
- Bầu trắng: Trồng phổ biến ở Tiền Giang và vùng phụ cận thành phố Hồ Chí Minh. Bầu cho trái ngắn, từ 30 - 40 cm, hình trụ, kích thước đầu và cuối trái bằng nhau. Bầu trắng được ưa chuộng nhờ cho nhiều trái, từ 30 - 40 trái/cây, trái nhỏ vừa dễ mua và dễ ăn trong ngày, phẩm chất ngon. Bầu có thể trồng giàn hay bò đất.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
4.1. Thời vụ
Bầu trồng được quanh năm, mùa nắng cho trái nhiều hơn mùa mưa. Bầu phát triển thuận lợi khi gieo trồng từ tháng 11 đến tháng 1 dl. Hạt bầu cần nhiệt độ cao và ẩm độ đầy đủ để nẩy mầm. Nên ngâm hạt từ 10 - 12 giờ, sau đó gói ủ hạt trong tro hay cát nóng từ 4 - 5 ngày cho nẩy mầm. Gieo hạt nẩy mầm vào bầu đất chăm sóc cho đến khi cây có 2 lá thật mới đem trồng. Cũng có thể gieo thẳng hạt ngoài đồng, mỗi lỗ từ 3 - 4 hạt.
4.2 Cách trồng
Đào hốc kích thước 50 x 50 x 30 cm, hốc cách nhau 1m, bón nhiều phân chuồng hay phân cỏ hoai mục và khoảng 100 g phân hỗn hợp NPK cho mỗi hốc trước khi trồng.
4.3. Chăm sóc
4.3.1. Tưới nước, bón thúc
Bầu cần nhiều nước, do đó phải tưới thường xuyên 1 - 2 lần/ngày cho đủ ẩm. Lượng nước tưới cần gia tăng khi bầu mang trái.
Bón thúc cho bầu vào 2 giai đoạn cần thiết như sau:
- Giai đoạn tăng trưởng: kể từ khi trồng đến khi bầu lên giàn (60 ngày sau khi trồng). Bón thúc thường xuyên mỗi tuần một lần để chuẩn bị cơ sở vật chất cho cây ra hoa kết trái.
- Giai đoạn ra hoa, đậu trái: bón thúc nuôi trái 7-10 ngày một lần với lượng phân gia tăng dần để trái to và nhiều trái.
Trong suốt thời gian canh tác (130 - 140 ngày) mỗi hốc bón từ 1 - 1,5 kg phân hỗn hợp NPK.
4.3.2. Lấp dây, làm giàn
Trồng bầu giàn khi bầu mọc dài được 1m bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt, cách 1 - 2 đốt lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau nầy. Trồng được 2 tháng mới nương dây cho bầu leo giàn, cần để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, nếu dàn không thích hợp hay quá nhỏ không đủ để bầu bò, bầu cho ít trái hay thay đổi dạng trái và kích thước trái, không đạt tiêu chuẩn trái thương phẩm của giống. Bầu vừa lên giàn là trổ hoa đậu trái, 75 - 90 ngày sau khi trồng bầu bắt đầu cho thu hoạch.
4.3.3. Tỉa nhánh, bấm ngọn
Bầu ra nhiều dây nhánh và mang trái ở dây nhánh. Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn nên tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi bầu lên giàn thì không tỉa nữa để dây nhánh cho trái. Lấy được trái trên nhánh nào thì bấm ngọn để trái phát triển lớn và bầu tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.
4.3.4. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại bầu gồm ruồi đục lòn lá (Lyriomyza spp.), rầy mềm (Aphis sp.), bọ rầy dưa (Aulacophora similis). Phun thuốc khi thấy các côn trùng nầy xuất hiện.
Bệnh gây hại cho bầu thường gặp như bệnh héo cây con do nấm Rhizoctonia solani, bệnh khảm do virus, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum lagenarium trong mùa mưa và bệnh phấn trắng do nấm Sphaerotheca fuliginea trong mùa khô. Trong thực tế do diện tích trồng ít, giá trị kinh tế của bầu không cao nên nông dân thường không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bịnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có.
4.4. THU HOẠCH VÀ ĐỂ GIỐNG
Trái bầu phát triển 10 - 12 ngày sau khi trổ hoa là có thể thu hoach để ăn. Cắt trái khi vỏ còn mềm, trái thon dài, hạt bên trong vừa tượng là ngon. Không nên để trái già, Võ hạt bên trong đã cứng, ăn kém ngon và cây mau tàn. Nếu chăm sóc tốt giàn bầu 100 gốc cho thu trái 2 - 3 ngày/lần; lúc rộ thu hoạch mỗi ngày, thu liên tục 60 ngày bầu mới tàn. Mỗi gốc trung bình cho từ 10 - 15 trái, muốn lấy giống phải để trái già, dây nào để trái giống thì không cho trái tươi nửa. Chọn trái tốt gần gốc, giữ cho đến khi dây tàn, Vỏ trái chuyển sang vàng, hóa gổ. Thu trái giống về treo nơi thoáng mát cho hạt bên trong chín đầy đủ, cắt bỏ đầu và cuối trái, bổ phần giữa lấy hạt rửa sạch, phơi khô rồi cất giữ trong chai lọ kín.


CÂY CÀ CHUA
Tên khoa học: Lycopersicum esculentum Miller
Họ cà: Solanacea


ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


I. GIỚI THIỆU
Cà chua là loại rau ăn trái rất được ưa thích vì phẩm chất ngon và chế biến được nhiều cách. Cà chua còn cho năng suất cao, do đó được trồng rộng rãi và được canh tác khoảng 200 năm nay ở Châu Âu để làm cây thực phẩm.
Ở nước ta việc phát triển trồng cà chua còn có ý nghĩa quan trọng về mặt luân canh, tăng vụ và tăng năng suất trên đơn vị diện tích, do đó cà chua là loại rau được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, việc trồng cà chua chưa được phát triển mạnh theo mong muốn vì cà chua trồng trong điều kiện nóng và ẩm ở nước ta dễ mắc nhiều bệnh gây hại đáng kể như héo tươi, virus,... khó phòng trị. Ngoài ra mùa hè vùng nhiệt đới làm cà kém đậu trái vì nhiệt độ cao nên hạt phấn bị chết (bất thụ).
II. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT
Cà chua là cây hằng niên, tuy nhiên trong điều kiện tối hảo nhất định cà có thể là cây nhiều năm.
1. Rễ: Rễ chùm, ăn sâu và phân nhánh mạnh, khả năng phát triển rễ phụ rất lớn. Trong điều kiện tối hảo những giống tăng trưởng mạnh có rễ ăn sâu 1 - 1,5m và rộng 1,5 - 2,5m vì vậy cà chua chịu hạn tốt. Khi cấy rễ chính bị đứt, bộ rễ phụ phát triển và phân bố rộng nên cây cũng chịu đựng được điều kiện khô hạn. Bộ rễ ăn sâu, cạn, mạnh hay yếu đều có liên quan đến mức độ phân cành và phát triển của bộ phận trên mặt đất, do đó khi trồng cà chua tỉa cành, bấm ngọn, bộ rễ thường ăn nông và hẹp hơn so với điều kiện trồng tự nhiên.
2. Thân: Thân tròn, thẳng đứng, mọng nước, phủ nhiều lông, khi cây lớn gốc thân dần dần hóa gỗ. Thân mang lá và phát hoa. Ở nách lá là chồi nách. Chồi nách ở các vị trí khác nhau có tốc độ sinh trưởng và phát dục khác nhau, thường chồi nách ở ngay dưới chùm hoa thứ nhất có khả năng tăng trưởng mạnh và phát dục sớm so với các chồi nách gần gốc.
Tùy khả năng sinh trưởng và phân nhánh các giống cà chua được chia làm 4 dạng hình:
- Dạng sinh trưởng hữu hạn (determinate)
- Dạng sinh trưởng vô hạn (indeterminate)
- Dạng sinh trưởng bán hữu hạn (semideterminate)
- Dạng lùn (dwart)
3. Lá: Lá thuộc lá kép lông chim lẻ, mỗi lá có 3 - 4 đôi lá chét, ngọn lá có 1 lá riêng gọi là lá đỉnh. Rìa lá chét đều có răng cưa nông hay sâu tùy giống. Phiến lá thường phủ lông tơ. Đặc tính lá của giống thường thể hiện đầy đủ sau khi cây có chùm hoa đầu tiên.
4. Hoa: Hoa mọc thành chùm, lưỡng tính, tự thụ phấn là chính. Sự thụ phấn chéo ở cà chua khó xảy ra vì hoa cà chua tiết nhiều tiết tố chứa các alkaloid độc nên không hấp dẫn côn trùng và hạt phấn nặng không bay xa được. Số lượng hoa trên chùm thay đổi tùy giống và thời tiết, thường từ 5 - 20 hoa.
5. Trái: Trái thuộc loại mọng nước, có hình dạng thay đổi từ tròn, bầu dục đến dài. Vỏ trái có thể nhẵn hay có khía. Màu sắc của trái thay đổi tùy giống và điều kiện thời tiết. Thường màu sắc trái là màu phối hợp giữa màu vỏ trái và thịt trái
Quá trình chín của trái chia làm 4 thời kỳ:
Thời kỳ trái xanh: Trái và hạt phát triển chưa hoàn toàn, nếu đem dấm trái không chín, trái chưa có mùi vị, màu sắc đặc trưng của giống.
Thời kỳ chín xanh: Trái đã phát triển đầy đủ, trái có màu xanh sáng, keo xung quanh hạt được hình thành, trái chưa có màu hồng hay vàng nhưng nếu đem dấm trái thể hiện màu sắc vốn có.
Thời kỳ chín vàng: Phần đỉnh trái xuất hiện màu hồng, xung quanh cuống trái vẫn còn xanh, nếu sản phẩm cần chuyên chở đi xa nên thu hoạch lúc nay để trái chín từ từ khi chuyên chở.
Thời kỳ chín đỏ: Trái xuất hiện màu sắc vốn có của giống, màu sắc thể hiện hoàn toàn, có thể thu hoạch để ăn tươi. Hạt trong trái lúc nay phát triển đầy đủ có thể làm giống.
6. Hạt: Hạt cà nhỏ, dẹp, nhiều lông, màu vàng sáng hoặc hơi tối. Hạt nằm trong buồng chứa nhiều dịch bào kiềm hãm sự nảy mầm của hạt. Trung bình có 50 - 350 hạt trong trái. Trọng lượng 1000 hạt là 2,5 - 3,5g.
III. ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH
1. Nhiệt độ: Cà chua là cây chịu ấm, một trong những điều kiện cơ bản để có được sản lượng cao và sớm ở cà chua là tạo chế độ nhiệt độ tối hảo cho cây 21-24oC, nếu nhiệt độ đêm thấp hơn ngày 4-5oC thì cây cho nhiều hoa. Các thời kỳ sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây đòi hỏi nhiệt độ không khí và đất nhất định
2. Ánh sáng: Cà chua là cây ưa sáng, không nên gieo cây con ở nơi bóng râm, cường độ tối thiểu để cây tăng trưởng là 2.000 - 3.000 lux, không chịu ảnh hưởng quang kỳ. Ở cường độ ánh sáng thấp hơn hô hấp gia tăng trong khi quang hợp bị hạn chế, sự tiêu phí chất dinh dưỡng bởi hô hấp cao hơn lượng vật chất tạo ra được bởi quang hợp, do đó cây sinh trưởng kém.
3. Nước: Yêu cầu nước của cây trong quá trình dinh dưỡng không giống nhau. Khi cây ra hoa đậu trái và trái đang phát triển là lúc cây cần nhiều nước nhất, nếu đất quá khô hoa và trái non dễ rụng; nếu đất thừa nước, hệ thống rễ cây bị tổn hại và cây trở nên mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu gặp mưa nhiều vào thời gian này trái chín chậm và bị nứt. Lượng nước tưới còn thay đổi tùy thuộc vào liều lượng phân bón và mật độ trồng.
4. Đất và chất dinh dưỡng: Cà có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt pha cát, nhiều mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt và chứa tối thiểu là 1,5% chất hữu cơ. Cà trồng tốt nhất sau vụ cải bắp hay dưa leo, những loại cây cần bón nhiều phân hữu cơ và đạm. Cà thích hợp trên đất có pH = 5,5 - 7,0. Đất chua hơn phải bón thêm vôi.
IV. GIỐNG
1. Giống F1 nhập nội
- Red Crown 250 (nhập từ Đài Loan do công ty Giống Cây Trồng Miền Nam phân phối): Là giống lai F1, thân sinh trưởng vô hạn cao 1,5-2m, cần làm giàn chắc chắn, cây tăng trưởng mạnh, chống chịu tốt bệnh héo vi khuẩn và thối hạch khá, trồng được trong mùa nắng cũng như trong mùa mưa, khả năng đậu trái cao trong mùa mưa, trái phát triển đều, trái tròn, hơi có khía, rất cứng và ít nứt trái trong mùa mưa. Giống cho thu hoạch 65-70 ngày sau khi trồng, thời gian thu hoạch dài, năng suất 30-40 tấn/ha.
- TN52 (nhập từ Ấn Độ do công ty Trang Nông phân phối): Là giống lai F1, thân sinh trưởng hữu hạn, trồng được quanh năm, trái to dạng hình vuông, chín đỏ đẹp, thịt dầy rất cứng, trọng lượng trái trung bình 90-100g, thu hoạch 65-70 ngày sau khi trồng, năng suất biến động từ 20-30 tấn/ha, lượng hột giống tròng cho 1.000m2 từ 8-10 g (330-350 hột/g), trồng được quanh năm.
- Cà chua F1 số 607 (công ty Hai Mũi tên Đỏ phân phối): Là giống lai F1, thân sinh trưởng hữu hạn, tán cây và lá phân bố gọn, kháng bệnh héo xanh tốt, chịu nhiệt, trồng được quanh năm. Trái dạng trứng, ngắn, hơi vuông, chín màu đỏ tươi, cứng, trọng lượng trung bình 100-120g/trái.
Đây là giống lai F1, không nên lấy hột trong trái ăn tươi đem trồng lại vì năng suất và phẩm chất giảm.
2. Giống địa phương:
- Cà Cùi: Trái hình tròn dẹp, to trung bình, màu hồng, trái chia nhiều ngăn , chứa nhiều hạt, trái có vị chua, có khía hay không có khía, thường sử dụng ăn tươi. Cà cùi trồng phổ biến nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Gò Công, Hoc Môn.
- Cà Bòn Bon: Trồng phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Cây sinh trưởng vô hạn, trái hình bầu dục dài, màu đỏ, trơn láng, không khía, thịt day, trái chia làm nhiều ngăn, chứa ít hạt. Trái được sử dụng làm mứt, tương cà, ăn tươi hay chế biến, nấu nướng.
- Cà Gió: Trồng phổ biến ở vùng An Giang, Châu Đốc. Trái hình bầu dục dài, đầu hơi nhọn, màu đỏ, không khía, thịt day, trái chia nhiều ngăn và chứa ít hạt. Cà gío chịu nóng giỏi nên trồng được vào mùa hè, trái cũng được sử dụng để chế biến, nấu nướng hay ăn tươi.
Giống điạ phương, năng suất thấp, trái nứt nhiều, xấu xí trong vụ mưa
V. KỸ THUẬT TRỒNG
1. Thời vụ: Nhờ có giống mới nên hiện nay cà chua hầu như trồng được quanh năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên cũng phân ra làm 3 vụ chính như sau:
- Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10-11 dl và thu hoạch vào tháng 1-2dl, đây là mùa vụ thích hợp nhất. Chú ý cây con trong thời điểm còn mưa cần chăm sóc cẩn thận.
- Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 12-1 dl và thu hoạch tháng 3-4 dl, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa khô, nóng khả năng đậu trái kém, cần chọn giống chịu nóng.
- Vụ Hè Thu: Gieo tháng 6-7 dl và thu hoạch tháng 9-10 dl, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa mưa, do đó đất trồng phải thoát nước tốt, chọn giống chịu mưa, ít rụng hoa, ít nưt trái, chín có màu đỏ đẹp.
Mùa mưa rất bất lợi cho cây cà nên về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đòi hỏi người trồng cà phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật, kỹ lưỡng và tay nghề cao, thường lợi tức cao gấp 2-3 lần so với chính vụ.
2. Chuẩn bị cây con:
- Lượng hột gieo cho 1.000m2 là 7-10 gram (330-350 hột/gram). Hột gieo trong bầu đất hay gieo trên liếp ương 15-20 ngày đem trồng, cây con già hơn dễ ngã trong muà mưa. Làm mái che cho cây con khi mưa. Đơn giản có thể dùng ni long trong suốt dễ dàng dở ra khi trời nắng hoặc lưới ni long mịn giữ suốt giai đoạn vườn ương giúp cản bớt giọt mưa to.
Chú ý: Xử lý cây con trong vườn ương bằng phun thốc ngừa bệnh héo cây con trên liếp trước khi gieo hột bằng Oxyt đồng hoặc Copper B, sau đó cách 4-5 ngày phun một lần và phun 1 ngày trước khi đem trồng bằng một trong các loại thuốc Ridomil, Alliette, Rovral, Monceren, Benlate, Copper Zinc, Topsin-M, Kasuran..., rãi Basudin sau khi gieo để ngừa kiến tha hột.
3. Chuẩn bị đất trồng:
* Chọn đất: Cà chua chịu úng kém nên chọn đất cao ráo dễ thoát nước.
- Trên đất cũ (đất chuyên rau, đã trồng rau vụ trước): Chú ý ít nhất 1-2 vụ trước không trồng các cây nhóm cà (ớt, cà tím, cà pháo, thuốc lá). Bởi vì các cây này cùng chung họ hàng nên có cùng tác nhân gây hại (bệnh héo xanh trên cà chua, cà phổi, ớt) và chúng có sẳn trong đất dễ dàng gây hại cây con.
- Trên đất mới (mới lên liếp trồng): Trồng cà dễ thành công hơn, bởi vì đất được ngập nước trong thời gian trồng luá nên một số mầm bệnh ở trong đất bị tiêu diệt.
Mô hình trồng cà chua dưới ruộng trong mùa mưa rất tiêu biểu ở Tiền Giang, một số nông dân tỉnh Cần Thơ trồng trên những chân ruộng không bị ngập nước trong muà lũ lụt, phần lớn bà con các nơi khác trồng trên đất ruộng vụ Xuân-hè.

Trồng cà chua liếp đôi
* Lên liếp:
- Liếp đôi: mặt liếp rộng 1,0 -1,3 m, cao 20 cm, trồng 2 hàng, lối đi 0,5 m, khoảng cách cây 0,5 m, mật độ 2.500 cây/1.000m2, phù hợp trồng trong mùa nắng và loại hình sinh trưởng thấp cây cà chua F1 giống 607.
- Liếp đơn: Mặt liếp rộng 0,6 m, cao 0,3-0,4 cm, trồng 1 hàng, lối đi 0,6 m, khoảng cách cây 0,5 m, mật độ 1.600 cây/1.000m2. Thích hợp trồng mùa hoặc loại cây sinh cao cây như cà RedCrown 250.
Đối với cà thấp cây có thể trồng dầy hơn, khoảng cách cây 0.3-0.4m.
4. Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic)
4.1 Mục đích:
a. Hạn chế côn trùng và bệnh hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm trên lá chân
b. Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
c. Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
d. Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
e. Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
f. Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
4.2 Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp
- Vật liệu và qui cách: Dùng 2 cuồn màng phủ khổ rộng 0.9-1m trồng cà hàng đơn, còn hàng đôi 1,5 cuồn màng khổ 1,2-1,4 m, diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400 m. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên liếp: Lên liếp cao 20-40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rãi phân lót: Liều lượng cụ thể hướng dẫn bên dưới, nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì màng phủ hạn chế mất phân. Có thể giảm bớt 20% lượng phân so với không dùng màng phủ.
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Oxyt đồng hoặc Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp.
5. Bón phân: (tương tự ớt)
Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1.000m2 như sau:
20 kg urea + 50 kg super lân + 20 kg Clorua kali + 12 kg Calcium nitrat + 50 kg 16-16-8 (đối với giống thấp cây) hoặc 70 kg 16-16-8 (đối với giống cao cây) + 1 tấn chuồng hoai + 100 kg vôi bột, tương đương với lượng phân nguyên chất (185-210N)-(150-180P2O5)-(160-180K2O) kg/ha.
* Bón lót: 50 kg super lân, 3 kg Clorua kali, 2 kg Calcium nitrat, 10-15 kg 16-16-8, 1 tấn phân chuồng và 100 kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rãi trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.
* Bón phân thúc:
Lần 1: 15 ngày sau khi cấy (giống thấp cây) và 20 ngày sau khi cấy (giống cao cây). Số lượng 4 kg Urê, 3 kg Clorua kali, 10 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc cà.
Lần 2: 35-40 ngày sau khi cấy, khi đã đậu trái đều.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại cà hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 3: Khi cây 60-65 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu trái rộ.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 4: Khi cây 70-80 ngày sau khi cấy đối với giống cao cây, còn giống thấp cây đã kết thúc thu hoạch.
Lượng bón: 4 kg Urê, 4 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Chú ý:
Cây họ cà (cà chua, ớt) rất nhạy cảm với triệu chứng thiếu Calcium, biểu hiện là thối đít trái. Ngoài việc bón lót vôi bột (tức là đã cung cấp thêm Calcium), nếu không bón thúc Calcium Nitrat vào đất như hướng dẫn trên bà con có thể bổ sung bằng Clorua canxi (CaCl2), nồng độ 2-4 %o phun trên lá định kỳ 7-10 ngày/lần từ lúc trái non phát triển.
Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân.
Có thể dùng thêm phân bón lá vi lượng như Master Grow, Risopla II và IV, Miracle,... phun định kỳ 10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch đợt đầu tiên, nồng độ theo khuyến cáo trên nhản chai phân. Không nên lạm dụng chất kích thích tăng trưởng nhất là giai đoạn phát triển trái vì dễ bị bệnh và giảm phẩm chất trái.
6. Chăm sóc
- Tưới tiêu nước: Cà chua cần nhiều nước nhất lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì tưới rảnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.

Kiểu giàn chữ nhân (X)
- Làm giàn: Giàn giữ cho cây đứng vững, để cành lá và trái không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục trái và bệnh thối trái làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu trái. Kiểu giàn chữ nhân như giàn cho dưa leo đối với giống cao cây, còn giống thấp cây thì nên đóng trụ tre hoặc tràm xuanh quanh hàng cà, cao 50 cm, dùng dây ni long cột xung quanh.
- Tiả chồi, lá, nụ hoa:
* Tiả chồi: Nhiều nghiên cứu cho thấy trồng cà chua không tỉa chồi cho năng suất thấp hơn có tiả chồi. Tạp quán nông dân trồng cà chua ở đồng bằng sông Cửu Long không tỉa cành, thân lá xum xuê thường không đạt năng suất cao. Cần tiả kịp thời khi nhánh mới lú ra 3-5 cm để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gẩy chứ không dùng móng tay ngắt hoặc dùng ké cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.
* Tiả lá: Nên tỉa bớt các lá chân đã chuyển sang màu vàng để ruộng được thoáng, nhất là những chân ruộng rậm rạp, dễ nhiễm bệnh trồng dầy trong muà mưa.
* Tiả trái: Mỗi chùm hoa chỉ nên để 4-6 trái, ngắt cuối cành mang trái để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, trái lớn đều cở, giá trị thương phẩm cao.
* Bấm ngọn: Đối với giống thời gian sinh trưởng dài, cao cây, giai đoạn gần cuối thu hoạch nên bấm ngọn để trái lớn đều, thu tập trung giúp kết thúc mùa vu gọn.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
* Sâu hại
a. Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): Kiểm tra ruộng thừơng xuyên, ngắt bỏ ổ trứng sẽ diệt được phần lớn sâu non sắp nở, phun thuốc khi sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao. Dùng các lọai thuốc như trừ sâu ăn tạp. Nên thay đổi chủng lọai thuốc hoặc dùng thuốc đặc trị như Mimic 20F với liều 5cc/8lít, phun vào chiều tối và có thể phối hợp với một loại thuốc khác để gia tăng hiệu quả.
b. Dòi đục lòn lá, vẽ bùa (Liriomyza spp.): Ruồi rất nhanh quen thuốc, cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên, trong mùa nắng dòi phá hại nặng để hạn chế nên phun ngừa định kỳ 7-10 ngày/lần với dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) nồng độ 1,5-2%o (tức 1,5-2cc/1 lít nước) trong giai đoạn vườn ương và 1 tháng sau khi trồng, khi nhiều lá đã bị dòi đục nên phun dầu khoáng kết hợp với các lọai thuốc gốc cúc Peran, Sumialpha 1%o hoặc Baythroit 50 SL với nồng độ 2%o rất có hiệu quả.
c. Bọ phấn trắng, rệp phấn trắng (Bemisia tabaci): Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất nhanh quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, họăc phun thường xuyên định kỳ. Lòai này cũng truyền bệnh siêu trùng như các lòai rầy mềm. Phun Admire 50EC, Vertimec, Confidor 100SL, với nồng độ 1-2%o ở mặt dưới lá.
d. Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura): Nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao: Sumicidin 10EC, Cymbus 5EC, Karate 2.5EC, Decis 2.5 EC...1 - 2%o có thể pha trộn với Atabron 5EC từ 2-3 cc/binh xịt 8 lít.
* Bệnh hại:
a. Bệnh héo cây con (Rhizoctonia solani, Phytophthora sp., Pythium sp.): Nên sử dụng phân hửu cơ đã hoai mục, không để vườn ươm quá ẫm. Trộn thuốc trừ nấm vào đất hoặc tưới đất để khử mầm bệnh, phun ngừa hoặc trị bằng thuốc Copper B 2-3%o , Ridomil, Anvil, Derosal, Appencarb 1 - 2%, Tilt 0.3 - 0.5 %o.
b. Bệnh héo xanh, chết nhát ( Vi khuẩn Pseudomonas solanacerum, nấm Fusarium oxysporum, F. lycopersici, Sclerotium sp.): Cần nhổ và tiêu hủy cây bệnh; dùng vôi bột hoặc Kasuran, Copper zinc, Vertimec rãi vào đất hoặc tưới nơi gốc cây 25-30g/8 lít nước, phun ngừa bằng Kasumin, Kasugamicin 2-3%o.
c. Bệnh thán thư (Colletotrichum phomoides): Thu gom và tiêu hủy trái bị bệnh, bố trí thời vụ hợp lý hoặc tránh để trái khi có mưa nhiều. Phòng trị bằng thuốc Copper-B, Manzate 200, Mancozeb 80BHN, Antracol 70WP, Ridomil 25 WP 20-30 g/ bình phun 8 lít , Derosal 50 SC ... nồng độ 1-2 %o.
d. Bệnh mốc đen lá (Cladosporium fulvum): Tiêu huỷ các lá cây bệnh. Phun ngừa bằng: Copper B 3-4 %o, Rovral, Topsin M, Derosal, Ridomil 1-2%o.
e. Bệnh héo muộn, sương mai (do nấm Phytophthora infestan): Phun các loại thuốc Aliette 80WP, Manzate 200, Mancozeb 80WP, Curzate M8 1-2%, Ridomil 20-25g/10 lít.
Lưu ý: Không nên phun thuốc trừ sâu độc hại như Monitor, Methylparathion, Azodrin, Furadan nhất là trong thời gian thu hái trái.
VI. THU HOẠCH
Cà cho thu hoạch khoảng 75-80 ngày sau khi trồng, thời gian cho thu hoạch kéo dài 30-60 ngày tùy theo giống vô hạn hay hữu hạn và điều kiện chăm sóc. Năng suất giống địa phương thấp 10-15 tấn/ha, giống nhập nội 30-40 tấn/ha./.


CÂY ỚT CAY
Tên khoa học: Capsicum frutescens L.
Họ cà: Solanaceae


ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
I. GIỚI THIỆU
Ớt cay được xem là cây gia vị nên có mức tiêu thụ ít. Gần đây ớt trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế vì ớt không chỉ là gia vị tươi mà còn được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và dược liệu để bào chế các thuốc trị ngoại khoa như phong thấp, nhức mỏi, cảm lạnh hay nội khoa như thương hàn, cảm phổi, thiên thời... nhờ tính chất capsaicine chứa trong trái. Nhờ vậy nhu cầu và diện tích ớt ở nhiều nước có chiều hướng gia tăng.
Ở Việt Nam việc canh tác ớt chưa được quan tâm, phần lớn canh tác lẻ tẻ, không đầu tư thâm canh cao nên năng suất thấp, thường chỉ đạt 800-1.000kg ớt tươi /1.000m2.
II. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Rễ: Ớt có rễ trụ, nhưng khi cấy rễ phân nhánh mạnh và cây phát triển thành rễ chùm, phân bố trong vùng đất cày là chính.
Thân: khi cây già phần gốc thân chính hóa gỗ, dọc theo chiều dài thân có 4-5 cạnh. Thân có lông hoặc không lông, cây cao 35-65 cm, có giống cao 125-135 cm. Ớt phân tán mạnh, kích thước tán thay đổi tùy theo điều kiện canh tác và giống.
Lá: Mọc đơn, đôi khi mọc chùm thành hình hoa thị, lá nguyên có hình trứng đến bầu dục, phiến lá nhọn ở đầu, lá màu xanh nhạt hoặc đậm, có lông hoặc không lông.
Hoa: Lưỡng phái, mọc đơn hoặc thành chùm 2-3 hoa. Hoa nhỏ, dài, hoa màu xanh có hình chén, lá đài nhỏ, hẹp và nhọn. Tràng hoa có 6-7 cánh màu trắng hoặc tím. Số nhị đực bằng số cánh hoa và mọc quanh nhụy cái. Phần trong cánh hoa có lỗ tiết mật.
Hoa ớt có thể tự thụ phấn hay thụ phấn chéo do côn trùng vì ớt thuộc loại tiền thư, thụ phấn chéo có ý nghĩa lớn ở ớt cay, tỷ lệ thụ phấn chéo từ 10-40 % tùy giống, do đó cần chú ý trong công tác để giống và giữ giống thuần.
Trái: Trái có 2-4 thùy, dạng trái rất thay đổi từ hình cầu đến hình nón, bề mặt trái có thể phẳng, gợn sóng, có khía hay nhẵn; trái khi chín có màu đỏ đen vàng; trái không cay hay rất cay.
Chiều dài và dạng trái đóng vai trò quan trọng trong việc chọn giống ớt xuất khẩu dưới dạng quả khô. Ớt quả khô nguyên trái phải dài hơn 9 cm và khi khô không rời cuống. Việc chế biến ớt bột không đòi hỏi tiêu chuẩn về kích thước và dạng trái nhưng yêu cầu về màu sắc, độ cay và tỷ lệ tươi/khô khi phơi; ớt trái to ở nước ta có tỷ lệ tươi/khô là 6,5:1 trong khi ớt trái nhỏ có tỷ lệ này là 8:1. Trái chưá nhiều hạt tròn dẹp, nhỏ có màu nâu sáng,
Ớt là cây chịu nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho tăng trưởng là 18-30oC. Nhiệt độ cao trên 32oC và thấp dưới 15oC. Cây tăng trưởng kém và hoa dễ rụng. Ớt là cây không quang cảm, tuy nhiên trong điều kiện ngày ngắn các giống ớt cay phát triển tốt và cho năng suất cao. Ớt chịu đựng được điều kiện che rợp đến 45%, nhưng che rợp nhiều hơn ớt chậm trổ hoa và rụng nụ.
III. GIỐNG
Hiện nay nhiều nơi vẫn canh tác giống địa phương là chính. Giống trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long có giống Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, ớt Hiểm, ở miền Trung có giống ớt Sừng Bò, Chìa Vôi. Ngoài ra Viện Nghiên Cứu NN Hà Nội công bố bộ sưu tập với 117 giống nội địa (1987), điều này chứng minh nguồn giống ớt phong phú, đa dạng chưa được biết đến ở nước ta. Tuy nhiên giống địa phương bị lai tạp nên thoái hóa, quần thể không đồng đều và cho năng suất kém, trong khi các giống F1 có khả năng cho năng suất vượt trội trong điều kiện thâm canh cao nên bắt đầu được ưa chuộng và đang thay thế dần các giống địa phương.
1. Giống lai F1:
- Giống Chili (công ty Trang Nông phân phối): Trái to, dài 12-13 cm, đường kính trái 1,2-1,4cm; trọng lượng trung bình trái 15-16 gram, dạng trái chỉ địa, trái chín đỏ, cứng, cay trung bình, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Cây cao trung bình 75-85 cm, sinh trưởng mạnh, chống chịu bệnh tốt và cho năng suất cao.
- Giống số 20 (công ty Giống Miền Nam phân phối): sinh trưởng mạnh, phân tán lớn, ra nhiều hoa, dễ đậu trái, bắt đầu cho thu hoạch 85-90 ngày sau khi cấy, cho thu hoạch dài ngày và chống chịu tốt bệnh virus. Trái ớt chỉ địa dài 14-16 cm, thẳng, ít cay, trái cứng nên giữ được lâu sau thu hoạch, năng suất 2-3 tấn/1.000m2.
- Giống TN 16 (công ty Trang Nông phân phối): Cho thu hoạch 70-75 ngày sau khi gieo, trái chỉ thiên khi chín đỏ tươi, rất cay, dài 4-5 cm, đường kính 0,5-0,6cm, trọng lượng trung bình 3-4g/trái, đậu nhiều trái và chống chịu khá với bệnh thối trái, sinh trưởng tốt quanh năm.
- Giống Hiểm lai 207 (công ty Hai Mũi Tên Đỏ phân phối): Giống cho trái chỉ thiên, dài 2-3 cm, trái rất cay và thơm, năng suất 2-3 kg trái/cây, chống chịu khá bệnh thán thư.
2. Giống địa phương:
- Giống Sừng Trâu: Bắt đầu cho thu hoạch 60-80 ngày sau khi cấy. Trái màu đỏ khi chín, dài 12-15 cm, hơi cong ở đầu, hướng xuống. Năng suất 8-10 tấn/ha, dễ nhiễm bệnh virus và thán thư trên trái.

Giống Chỉ Thiên
- Giống Chỉ Thiên: Bắt đầu cho trái 85-90 ngày sau khi cấy. Trái thẳng, bóng láng, dài 7-10 cm, hướng lên, năng suất tương đương với ớt Sừng nhưng trái cay hơn nên được ưa chuộng hơn.
- Giống Ớt Hiểm: Cây cao, trổ hoa và cho trái chậm hơn 2 giống trên nhưng cho thu hoạch dài ngày hơn nhờ chống chịu bệnh tốt. Trái nhỏ 3-4 cm nên thu hoạch tốn công, trái rất cay và kháng bệnh đén trái tốt nên trồng được trong mùa mưa.
IV. KỸ THUẬT TRỒNG
1. Thời vụ
Ở đồng bằng sông Cửu Long ớt có thể trồng quanh năm, tuy nhiên trong sản xuất thường canh tác ớt vào các thời vụ sau:
- Vụ sớm: Gieo tháng 8-9, trồng tháng 9-10, bắt đầu thu hoạch tháng 12-1 dl và kéo dài đến tháng 4-5 năm sau. Vụ này ớt trồng trên đất bờ líp cao không ngập nước vào mùa mưa. Ớt trồng mùa mưa đỡ công tưới, thu hoạch trong mùa khô dễ bảo quản, chế biến và thời gian thu hoạch dài, tuy nhiên diện tích canh tác vụ này không nhiều.
- Vụ chính (Đông Xuân): Gieo tháng 10-11, trồng tháng 11-12, bắt đầu thu hoạch tháng 2-3 dl. Trong vụ này cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh.
- Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4-5 trồng tháng 5-6 thu hoạch 8-9 dl. Mùa này cần trồng trên đất thoát nước tốt để tránh úng ngập và chọn giống kháng bệnh thán thư.
2. Chuẩn bị cây con
Lượng hạt giống gieo đủ cấy cho 1.000m2 từ 15-25 gram (150-160 hột/g). Diện tích gieo ương cây con là 250 m2. Chọn đất cao ráo hay làm giàn cách mặt đất 0,5-1 m, lót phên tre hay lá chuối rồi đổ lên trên một lớp đất, phân, tro dày 5-10 cm rồi gieo hạt. Cách này dễ chăm sóc cây con và ngăn ngừa côn trùng hoặc gia súc phá hại. Cũng có thể gieo hạt thẳng vào bầu hay gieo theo hàng trên líp ương. Hạt ớt thường nẩy mầm chậm, 8-10 ngày sau khi gieo mới mọc khỏi đất, cây con cấy vào lúc 30-35 ngày tuổi, có sử dụng màng phủ cây con nên cấy sớm lúc 20 ngày tuổi.
3. Cách trồng
Đất trồng ớt phải được luân canh triệt để với cà chua, thuốc lá và cà tím. Trồng mùa mưa cần lên líp cao vì ớt chịu úng kém. Khoảng cách trồng thay đổi tùy thời gian dự định thu hoạch trái, nếu ăn trái nhanh (4-5 tháng sau khi trồng) nên trồng dày, khoảng cách trồng 50 x (30-40) cm, mật độ 3.500-5.000 cây/1.000m2; nếu muốn thu hoạch lâu nên trồng thưa, 70 x (50-60) cm, mật độ 2.000-2.500 cây/1.000m2.
4. Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic)
4.1 Mục đích:
a. Hạn chế côn trùng và bệnh hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm trên lá chân
b. Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
c. Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
d. Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
e. Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
f. Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
4.2 Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp
- Vật liệu và qui cách: Dùng 2 cuồn màng phủ khổ rộng 0.9-1m trồng ớt hàng đơn, còn hàng đôi 1,5 cuồn màng khổ 1,2-1,4 m, diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400 m, khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên liếp: Lên liếp cao 20-40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rãi phân lót: Liều lượng cụ thể hướng dẫn bên dưới, nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì màng phủ hạn chế mất phân và không bị cỏ dại canh tranh. Có thể giảm bớt 20% lượng phân so với không dùng màng phủ.
- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Oxyt đồng hoặc Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp.
5. Bón phân: (tương tự cà chua)
Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1.000m2 như sau:
20 kg Urea + 50 kg Super lân + 20 kg Clorua kali + 12 kg Calcium nitrat + (50-70) kg 16-16-8 + 1 tấn chuồng hoai + 100 kg vôi bột, tương đương với lượng phân nguyên chất (185-210N)-(150-180P2O5)-(160-180K2O) kg/ha.
* Bón lót: 50 kg super lân, 3 kg Clorua kali, 2 kg Calcium nitrat, 10-15 kg 16-16-8, 1 tấn phân chuồng và 100 kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rãi trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.
* Bón phân thúc:
Lần 1: 20-25 ngày sau khi cấy (giống thấp cây) và 20 ngày sau khi cấy (giống cao cây). Số lượng 4 kg Urê, 3 kg Clorua kali, 10 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc cà.
Lần 2: 55-60 ngày sau khi cấy, khi đã đậu trái đều.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại cà hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 3: Khi cây 80-85 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu trái.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 4: Khi cây 100-110 ngày sau khi cấy, thúc thu hoạch rộ (đối với ớt sừng dài ngày).
Lượng bón: 4 kg Urê, 4 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Chú ý:
Ớt thường bị thối đuôi trái do thiếu canxi, do đó mặc dù đất được bón vôi đầy đủ trước khi trồng hoặc bón đủ Calcium nitrat nhưng cũng nên chú ý phun bổ sung phân Clorua canxi (CaCl2) định kỳ 7-10 ngày/lần vào lúc trái đang phát triển để ngừa bệnh thối đuôi trái..
Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân.
Nhằm góp phần tăng năng suất và phẩm chất trái, nhất là trong mùa mưa có thể dùng phân bón lá vi lượng như MasterGrow, Risopla II và IV, Miracle,... Bayfolan, Miracle... phun định kỳ 7-10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch.
6. Chăm sóc:
6.1 Tưới nước:
Ớt cần nhiều nước nhất lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì tưới rảnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.

Tưới thấm và tưới nhỏ giọt
6.2 Tỉa nhánh:
Thông thường các cành nhánh dưới điểm phân cành đều được tỉa bỏ cho gốc thông thoáng. Các lá dưới cũng tỉa bỏ để ớt phân tán rộng
6.3 Làm giàn: Giàn giữ cho cây đứng vững, để cành lá và trái không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục trái và bệnh thối trái làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu trái. Giàn được làm bằng cách cắm trụ cứng xung quanh hàng ớt dùng dây chì giăng xung quanh và giăng lưới bên trong hoặc cột dây nilong lúc cây chuẩn bị trổ hoa.
7. Phòng trị sâu bệnh
7.1 Sâu hại::
- Rầy lửa, bọ trỉ, bù lạch (Thrips sp.)
- Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại do bọ trĩ, bọ dưa có liên quan đến bệnh siêu trùng.
- Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên định kỳ 7-10 ngày/lần phun dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) sẽ giảm đáng kể sự tấn công của bù lạch; khi thấy mật số vài ba con trên một đọt non cần phun một trong các loại như Confidor 100SL, Admire 50EC, Danitol 10EC, Vertimec...0.5-1%o, cần thay đổi thuốc thường xuyên.
- Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): Thành trùng là bướm đêm, kích thước to, thân mập nhiều lông, cánh màu vàng sáng, giửa cánh có một chấm đen to và một chấm trắng nằm cạnh nhau. Trứng đẻ thành ổ có phủ lông vàng; một bướm cái đẻ 200-2000 trứng. Âu trùng là sâu có nhiều lông, màu sắc thay đổi từ màu hồng, xanh, xanh vàng đến nâu đen theo môi trường sống. Sâu ở phía ngòai thò đầu vào bên trong phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, đụt thủng quả từ khi còn xanh cho đến lúc gần chín làm thối trái. Nhộng màu nâu đỏ nằm trong lá khô hoặc trong đất.
- Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci): Thành trùng màu trắng bóng, dài 3-4 mm, bay chậm, hình dáng giống như bướm. Âu trùng rất giống rệp dính, màu trắng trong, được phủ một lớp sáp, ít bò, thường cố định một chổ chích hút mô cây. Trứng, ấu trùng và thành trùng luôn luôn hiện diện ở mặt dưới lá trên các loại cây ăn trái, bầu bí, dưa, cà, ớt, bông vãi, thuốc lá. Ấu trùng và thành trùng đều chích hút làm lá biến vàng, cây mau suy yếu, giảm năng suất và truyền bệnh siêu trùng như rầy mềm. Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất dễ quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, hoặc phun thường xuyên định kỳ.
Trong tự nhiên có nhiều loài ong ký sinh trên ấu trùng bọ phấn trắng. Thuốc hiệu quả là Admire, Confidor, phun ở mặt dưới lá.
- Rầy nhớt, rầy mềm (Aphis spp.)
Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng. Chúng có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm.. nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất. Phun các loại thuốc phổ biến rầy mềm như Trebon, Bassa.
d- Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura)
- Sâu non lúc nhỏ sống tập trung ở mặt dưới phiến lá nên gọi là sâu ổ, khi lớn lên phân tán dần, mình có màu xám với khoan đen lớn ở trên phía lưng sau đầu, ăn lủng lá có hình dạng bất định, hoặc cắn đứt ngang thân cây con. Sau đó sâu thường chui vào sống trong đất, ẩn dưới các kẻ nứt hay rơm rạ phủ trên mặt đất, nhộng ở trong đất.
- Nên làm đất kỹ trước khi trồng vụ sau để diệt sâu và nhộng còn sống trong đất, xử lý đất bằng thuốc hạt. Có thể ngắt bỏ ổ trứng hay bắt sâu non đang sống tập trung.
- Nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao: Sumicidin 10EC, Cymbus 5EC, Karate 2.5EC, Decis 2.5 EC... 1-2%o có thể pha trộn với Atabron 5EC từ 2-3 cc/bình xịt 8 lít.
7.2 Bệnh hại:
- Bệnh héo cây con: Do nấm Rhizoctonia solani, Phythophthora sp., Pythium sp. Bệnh thường gây hại cây con trong líp ương hoặc sau khi trồng khoảng một tháng tuổi. Vết bệnh thường xuất hiện ở phần thân ngay trên mặt đất, nấm tấn công vào gốc làm gốc cây bị thối nhũn và cây bị gãy gục, phần cây bên trên vết bệnh vẫn còn tươi xanh, sau đó cây mới bắt đầu héo. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nấm lưu tồn trên thân luá, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa gặt lúa.
- Phun, Validacin 5L, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Ridomil 25 WP 1-2%o; Copper -B 2-3%o, Tilt super 250 ND, Bonanza 100 (các loại thuốc trị bệnh đốm vằn trên luá đều trị được bệnh này)
- Bệnh héo chết cây do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum, nấm Fusarium oxysporum, F. lycopersici, Sclerotium sp.: Bệnh thường gây hại khi cây đã trưởng thành, hoặc khi cây bắt đầu mang trái. Đầu tiên các lá ngọn bị héo vào buổi trưa, và tươi lại vào buổi chiều mát, sau vài ngày cây bệnh chết hẳn, không còn khả năng hồi phục, bộ rễ không phát triển.
Đối với bệnh do vi khuẩn cần nhổ và tiêu hủy cây bệnh; dùng vôi bột rãi vào đất, hoặc Starner, New Kasuran, Copper Zin C tưới nơi gốc cây hay phun ngừa bằng Kasumin. Đối với nấm cần phát hiện sớm, phun ngừa hoặc trị bằng thuốc Copper B, Derosal, Appencarb super, Ridomil, Score.
- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. Bốn loài Colletotrichum được tìm thấy trên ớt là: C. gloesporiodes, C. capsici (2 loài quan trọng nhất), C. acertatumC. coccodes. Bệnh thường gây hại trên trái đang hay đã chín trong điều kiện có mưa nhiều, hoặc ẩm độ không khí cao. Vết bệnh lúc đầu hình tròn, úng nước, hơi lõm xuống, sau đó lan dần ra, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen nhô lên cao. Bệnh gây hại chủ yếu trên trái làm trái mất thương phẩm. Ở đồng bằng sông Cửu Long bệnh phát triển và lây lan mạnh vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9 dl. Nấm bệnh tồn tại rất lâu trong đất, trên cây và trong hạt cây bệnh.
Các thuốc Copper B, Manzate, Mancozeb, Antracol, Ridomil được sử dụng rộng rãi để trừ bệnh này. Tuy nhiên, bệnh khó phòng trị trong mùa mưa và vì bịnh chỉ xuất hiện rất trễ khi trái chín. Hiện nay biện pháp trồng giống kháng bệnh như ớt hiểm trong mùa mưa là kinh tế nhất.
- Bệnh héo muộn do nấm Phytophthora infestan: Bệnh gây hại trên thân, lá và trái. Vết bệnh lúc đầu có màu xanh úng nước, sau đó chuyển sang màu nâu đen. Nếu trời ẩm bên dưới vết bệnh có tơ màu trắng bao phủ; nếu thời tiết khô thì vết bệnh khô dòn, dễ vở. Bệnh thường xuất hiện ở cuống trái, bệnh nặng làm trái dễ rụng.
Không trồng ớt liên tục nhiều năm trên cùng một ruộng. Phun trị khi bệnh xuất hiện với các loại thuốc Aliette, Manzate, Mancozeb, Curzate.
V. THU HOẠCH VÀ ĐỂ GIỐNG
Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu. Ngắt nhẹ nhàng cả cuống trái mà không làm gãy nhánh. Ơt cay cho thu hoạch 35-40 ngày sau khi trổ hoa, ở các lứa rộ thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 1-2 ngày thu 1 lần, nếu chăm sóc tốt năng suất trái đạt 20-30 tấn/ha.
Làm giống nên chọn cây tốt, cách ly để tránh lai tạp làm giảm giá trị giống sau này. Chọn trái ở lứa thu hoạch rộ, để chín chín hoàn toàn trên cây, hái về để chín thêm vài ngày rồi mổ lấy hạt, phơi thật khô, để vào chai lọ kín và để nơi khô ráo. Hạt ớt chứa nhiều chất béo, do đó hạt khô thường hút nước lại và gia tăng ẩm độ, vì vậy trữ hạt ở điếu kiện nóng ẩm (ẩm độ trữ hơn 70% và nhiệt độ 20oC) hạt mất khả năng nẩy mầm 50% trong thời gian 3 tháng và mất khả năng nẩy mầm hoàn toàn trong thời gian 6 tháng. Trữ hạt trong điều kiện khô, kín (ẩm độ 20%, nhiệt độ là 25oC), hạt khô (ẩm độ 5%) có thể giữ độ nẩy mầm 80% trong 5 năm.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi cho việc canh tác ớt và khả năng xuất khẩu ớt thu ngoại tệ cũng không nhỏ. Tuy nhiên để thực hiện được điều đó cần chú ý những điểm như sau:
- Các giống ớt địa phương hiện trồng có năng suất còn thấp và tỷ lệ ớt tươi/khô cũng thấp.
- Ớt xuất khẩu thường ở dạng khô. Phương pháp làm ớt khô bắng cách phơi ớt tươi trực tiếp ngoài nắng thường làm ớt mất màu, không phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra việc phơi nắng kéo dài trong 10-20 ngày tạo điều kiện cho bệnh đén trái tiếp tục phát triển trong thời gian phơi và làm mất phẩm chất ớt.
Ớt xuất khẩu và dùng trong chế biến thực phẩm còn đòi hỏi các tiêu chuẩn như độ cay, mùi hương mà các giống trồng hiện chưa đáp ứng được. Do đó cần chú ý công tác chọn tạo giống và kỹ thuật chế biến ớt, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu thì cây ớt mới có giá trị kinh tế cao.


KỸ THUẬT TRỒNG CẢI XANH
Tên khoa học: Brassica juncea (L.)
Họ thập tự: Brassicaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. Chuẩn bị đất
Cải Xanh trồng được trên nhiều loại đất miễn là tưới tiêu tiêu thuận lợi. Tuy nhiên đất nhiều cát, trồng mùa mưa nhất thiết phải dùng giống chịu mưa và nếu có thể được, nên dùng rơm phủ hoặc lưới nylon che để hạn chế đất cát bắn lên lá và hạn chế sâu bệnh cỏ dại.
Chuẩn bị đất kỹ tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại tàn dư cây trồng vụ trước, nếu có điều kiện phơi khô khoảng một tuần và đảo lớp mặt xuống dưới để thoáng khí cho cây trồng sinh trưởng tốt đồng thời hạn chế các sâu bệnh cư trú trong đất. Khoảng 5-6 tháng một lần nên xử lý đất chống sâu bệnh bằng cách bón 50-60 kg vôi/1.000m2 đất.
Lên líp cao 20-30cm trong mùa mưa để chống rễ không bị úng và lá cũng không bị đất cát dính vào dễ nhiễm các bệnh thối gốc và phỏng lá. Mùa khô lên líp cạn để giữ ẩm cho cây.
2. Thời vụ
Có thể trồng quanh, mùa nắng cần có đủ nước tưới cải phát triển tốt và cho năng suất cao hơn mùa mưa nhưng có nhiều sâu hại cần lưu ý phòng trừ. Mùa mưa (tháng 5-10 dl) khó trồng, cây tăng trưởng kém, dễ bị rách lá nhưng bán được giá cao.
3. Giống
Sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ. Cải xanh để giống dễdàng trong vụ Đông Xuân từ tháng 10-2 dl, vì vậy nông dân có thể tự túc giống. Do Cải Xanh là cây thụ phấn chéo nên có nhiều dạng hình của thân lá, qua tuyển lựa của nông dân mà giống trồng cũng phong phú, đa dạng ở mỗi địa phương.
* Cải xanh ta: Thời gian từ gieo đến thu hoạch 40-45 ngày, lá xanh vàng, mỏng, cọng nhỏ, bẹ dẹp, năng suất cao và ăn ngon. Giống của Viện Khoa Học Nông Nghiệp Miền Nam, công ty giống Miền Nam.
* Cải bẹ xanh mốc hay cải xanh Tiều: Cây to, lá xánh đậm, bẹ to, tròn, năng suất cao nhưng vị đắng, thích hợp ăn xào hoặc nấu canh, thời gian cho hoạch 40-45 ngày sau khi gieo như Cải Xanh Trang Nông.
4. Gieo cấy
Gieo sạ: Gieo hột trực tiếp ngoài đồng sẽ đở công cấy, nhưng tốn hột giống và công tỉa. Lượng hột gieo sạ cho 1.000 m2 khoảng 500 gram. Hột giống ngâm trong nước sau 3-4 giờ vớt ra để ráo nước ủ ấm một đêm rồi đem gieo hột sẽ nẩy mầm nhanh và đều hơn gieo hột khô. Hột cải nhỏ, muốn gieo cho đều nên chia hột nhiều phần và trộn với bột trắng để dễ điều chỉnh hột gieo. Khi cây con được 10-15 ngày nhổ tỉa chừa khoảng cách 10 x 15 cm. Tưới đẩm liếp trước khi gieo, sau khi gieo rãi lớp tro trấu mỏng phủ hột (mùa mưa nên rãi trấu) và rắc thuốc trừ kiến, các sâu hại khác (sâu non, bọ nhẩy, dế kiến, sên nhớt, ốc nhí). Trên mặt líp phủ lớp rơm mỏng và tưới đủ ẩm.
Gieo cây con: Lượng hột giống cần thiết để đủ cây con cấy trên 1.000 m2 khoảng 100-150 g, gieo trên 70 m2 đất. Liếp ương nơi cao ráo có đầy đủ ánh nắng. Cây con có 3-4 lá thật khoảng 15-20 ngày tuổi đem cấy, mật độ từ 25.000-30.000 cây/1.000 m2. Trồng khoảng cách (15-20 cm) x 15 cm, 1 hốc 1 cây để ruộng thông thoáng hạn chế sâu bệnh. Liếp rộng 1 m cấy được 6-8 hàng cải, cấy dầy, cây cao, thân lá mhỏ, năng suất cao
5. Bón phân chăm sóc
Tổng lượng phân bón cho 1.000 m2 ruộng trồng khỏang 500-1.000 kg phân chuồng (phân heo, gà đã ủ hoai), 10 kg Urea, 10 kg super lân, 5 kg KCl, 10 kg hỗn hợp 16-16-8 và 10 kg DAP.
* Bón lót:
Vườn ươm: lót 2-3 kg phân chuồng hoai mục + 15g phân lân/1m2
Ruộng trồng: Toàn bộ phân chuồng + super lân + 2 kg KCl. Rãi trên mặt liếp và xới trộn đều.
* Bón thúc:
Vườn ươm: Không cần thiết cung cấp phân, nếu cây con phát triển hơi kém có thể tưới thúc nhẹ 1 lần khỏang 10-15 ngày sau khi gieo bằng nước phân hỗn hợp NPK 16-16-8 pha loãng (20-30g/10 lít nước). Cây con 18-20 ngày tuổi có thể cấy, cấy từng đợt riêng cây tốt và xấu để tiện chăm sóc.
Ruộng trồng: Bón phân dựa theo sự sinh trưởng của cây, do Cải Xanh rất ngắn ngày nên chia phân ra nhiều lần tưới sẽ có hiệu quả hơn.
Ngày sau khi gieoCách bónLượng phân bón (kg/1.000m2)
Urea16-16-8KClPhân chuồng
0 (Bón lót)Rãi  10  1.000
10Tưới12   
15Tưới23   
20Tưới231 
25Tưới  24 
Tổng  5205 
Phân cá ủ pha loãng tưới thêm trong thời gian gần thu họach, có thể sử dụng phân bón lá chừng 2 lần (10-15cc/8 lít nước) trong 1 vụ cải xanh.
6. Quản lý dịch hại
Trên ruộng Cải Xanh thường gặp những dịch hại chủ yếu sau: Bọ nhẩy (Phyllotreta striolata), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu tơ (Plutella xylostella), sâu đục ngọn (Hellula sp.), bệnh chết cây con (do Pythium sp., Rhizoctonia sp., Sclerostium sp.), bệnh thối bẹ (Sclerostium rolfsii, Rhizoctonia sp.) Bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora). Việc thực hiện nghiêm chỉnh kỹ thuật canh tác nói trên đã là một phần trong quản lý dịch hại tổng hợp, phần này chỉ nhấn mạnh các biện pháp cần thiết cho quản lý các dịch hại cụ thể.
* Biện pháp canh tác
Luân canh: Để hạn chế các sâu bệnh hại có thể chu chuyển và gây hại nặng, không nên trồng liên tục nhiều vụ cùng họ cải trên cùng một chân đất. Nên luân canh bắt buộc với các cây khác họ như: xà lách, rau dền, mồng tơi hoặc rau gia vị ... tốt nhất nên luân canh với các cây họ hoà thảo như: bắp, lúa nước chẳng hạn.

Che lưới thấp cho cải xanh
Thường xuyên tưới đủ ẩm để hạn chế sự phát triển sâu non bọ nhẩy sống ở phần gốc cây dưới đất. Nhưng nếu thấy bệnh phát triển nên hạn chế tưới nước.
Mật độ gieo trồng vừa phải: Không nên trồng quá dầy nhất là trong mùa mưa dễ tạo thuận lợi cho các bệnh phát triển. Trong mùa mưa có thể che lưới thấp để tránh dập nát, tổn thương đến bộ lá
Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ trong ruộng và cỏ bờ để hạn chế sự cư trú của các sâu bệnh, sau thu hoạch nên gom đốt các tàn dư.
* Biện pháp cơ lý
Thăm đồng thường xuyên nếu thấy xuất hiện các sâu bệnh hại như trứng sâu ăn tạp, sâu tơ, bệnh thối nhũn ... có thể dùng tay bắt giết nhổ bỏ cây bệnh để hạn chế sự lây lan. Các cây, lá bệnh khi nhổ bỏ không vứt ở ruộng và bờ mà cần gom đốt hoặc đào hố chôn có rãi vôi bột khử trùng, hay đem ủ phân đúng kỹ thuật.
* Biện pháp sinh học
Để bảo tồn các loại thiên địch của sâu hại (nhện, ong ký sinh, bọ rùa ăn sâu...) cần hạn chế các loại thuốc phổ rộng. Phòng các loại sâu non bọ cánh phấn nếu xuất hiện nhiều thì ưu tiên sử dụng thuốc vi sinh gốc Bacillus thuringiensis các loại, riêng với bọ nhẩy có thể dùng các loại thuốc thảo mộc Nicotine (nước ngâm thân lá thuốc lá), Rotenone (thuốc cá) phun trừ.
* Biện pháp hóa học
Trừ sâu hại:
Trong vườn ươm cần trừ kiến tha hột giống có thể sử dụng thuốc Basudin 10H (15-20g/10m2).
Để trừ bọ nhẩy có thể xử lý hột giống trước gieo bằng thuốc. Trường hợp bọ nhẩy xuất hiện nhiều trên ruộng có thể dùng thuốc gốc lân hữu cơ kết hợp với gốc cúc tổng hợp theo khuyết cáo.
Trừ bệnh hại:
Để phòng trị các bệnh trước khi gieo nên xử lý bằng một trong các loại thuốc sau đây: Rovral 50 WP, Viben-C 50 WP, lượng dùng 5kg/1kg hột.
Với bệnh chết cây con: Khi phát hiện phun một trong các loại thuốc: Moceren 25 WP (15g/8 lít), Rovral 50WP (20g/8 lít), Ridomil MZ 72 WP (15g/8 lít).
Bệnh thối bẹ: dùng Moceren 25 WP (25g/8 lít), Rovral 50 WP (20g/8 lít), Ridomil MZ 72 WP (15g/8 lít).
Còn một tuần lễ trước khi thu hoạch tuyệt đối không dùng thuốc hoá học chỉ được phép sử dụng thuốc thảo mộc, vi sinh.


QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CẢI BẮP
-----------------
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. Chọn thời vụ và giống trồng:
1.1. Chọn thời vụ:
*Đông Xuân:
- Gieo sớm: Vào tháng 10 - 11dl thu hoạch vào tháng 1. Cải trồng chủ yếu trên đất có cơ cấu nhẹ, thoát nước tốt và không bị ngập bị ngập úng. Canh tác vụ này đỡ công tưới nước, ít sâu, giá bán cao nhưng năng suất thấp.
- Gieo chính vụ: Vào tháng 11 - 12 và thu hoạch vào tháng 2 dl (Tết Nguyên Đán). Đầu vụ còn mưa cần làm giàn che cây con và đánh luống thoát nước tránh ngập úng. Cây sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ tương đối thấp trong năm nên phát triển thuận lợi, năng suất cao, ít sâu bệnh.
- Gieo muộn: Vào tháng 12 - 1, trồng tháng 1- 2 và thu hoạch vào tháng 3 - 4 dl, vì trời không mưa nhiệt độ cao lượng nước cung cấp cho Cải rất lớn, sâu bệnh phát triển nhiều nhất là sâu tơ.
*Hè Thu: Vụ hè Thu gieo tháng 4 - 5 thu hoạch vào tháng 7 dl, vụ này có mưa nhiều nên giảm được công tưới nước, nhưng sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh thối nhũn.
1.2. Giống trồng:
Sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ.
- K.K.cross: Là giống lai F1của nhật được trồng phổ biến ở vùng đồng bằng các tỉnh phía Nam từ tâu đời, thời gian thu hoạch 75 - 85 ngày, năng suất bình quân 30 - 40 tấn/ha.
- Newtop: Là giống lai F1, thời gian từ cấy đến thu hoạch 75 - 85 ngày, năng suất bình quân 30 - 40 tấn/ha.
- Asia cross: Giống lai F1 nhập nội, giống này thu hoạch chậm hơn K.K.cross 3 -5 ngày, nhưng năng suất khá hơn.
2. Chuẩn bị cây con:
- Lượng hạt giống cần thiết để cung cấp đầy đủ cho 500 m2 đất trồng là 25 g. Gieo hạt trong bầu đất hay gieo trên liếp ươm có khả năng tiết kiệm 1/2 lượng hạt giống.
Chú ý : Xử lý cây con trong vườn ươm.

Trồng cải bắp hàng kép
3. Chuẩn bị đất:
Trồng đất nhiều sét cần lên liếp cao 20 - 40 cm, rộng 60 - 80 cm nếu trồng hàng đơn và 1 - 2 m nếu trồng hàng kép, khoảng cách cây trên hàng 50 - 60 cm. Tuỳ giống, mùa vụ và độ phì nhiêu của đất mà bố trí mật độ trồng từ 850 - 1.250 cây/ha (17.000 - 25.000 cây/ ha) cho thích hợp.
4. Bón phân:
Ngày sau khi gieoCách bónLượng phân bón (kg/500 m2)
    Vôi16-16-8KClUrêSupper lânPhân Chuồng
0 (Bón lót)Rãi25      151000
Dậm lần 2
Tưới      5   
25Rãi  7,51     
35Tưới  7,51,55   
45Tưới  102,55   
Tổng  2525515151.000
5. Chăm sóc:
-Tưới tiêu nước: Vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè nếu tưới thùng có thể tưới thùng có thể tưới 2 -3 lần trong ngày, tưới phun máy mỗi ngày 1 lần. Nếu tưới thấm, nước được dẫn từ sông vào rãnh giữa các liếp Cải giúp tưới thấm một phần. Khi Cải còn nhỏ rễ ăn nông, tát lên liếp để tưới.
Làm cỏ, xới gốc: Trong thời gian canh tác nên làm cỏ 2 lần, thường làm cỏ kết hợp với bón phân thúc, xới gốc phá váng và đánh bỏ lá già để chân cải được thoáng, sâu bệnh không ẩn nấp.
6. Phòng trừ sâu bệnh:
7. Thu hoạch:
Thời gian thu hoạch tùy thuộc giống và mùa trồng. Thu hoạch khi bắp cuộn chặt, 2 lá úp ngoài mặt căng, bắp phát triển đầy đủ, mặt bắp bóng láng và lá gốc bắt đầu vàng. Nếu thu hoạch sớm lá chưa cuốn chặt, năng suất kém. Nếu thu hoạch muộn bắp nứt nẻ, kém phẩm chất. Nên thu hoạch vào lúc trời mát hay buổi chiều, có thể thu hoạch 2 đợt nếu bắp tăng trưởng không đều. Năng suất cải bắp 20 - 35 tấn/ha tùy giống và mùa vụ.


QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CẢI XÀ LÁCH
-------------------
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. Chuẩn bị đất:
- Cải xà lách trồng được nhiều loại đất khác nhau miễn là tưới tiêu thuận lợi. Trồng mùa mưa nhất thiết phải dùng giống chịu mưa và nếu có thể được, nên dùng rơm phủ hoặc lưới nylon che để hạn chế đất cát bắn lên lá và hạn chế sâu bệnh cỏ dại.
- Chuẩn bị đất kỹ tươi xốp, nhặt sạch cỏ dại tàn dư cây trồng vụ trước, nếu có điều kiện phơi khô khoảng một tuần và đảo lớp đất mặt xuống dưới để thoáng khí cho cây trồng sinh trưởng tốt đồng thời hạn chế các sâu bệnh cư trú trong đất.
- Làm luống rộng 1 m, cao 7 - 10 cm trong mùa mưa để chống rễ bị úng và lá cũng không bị đất cát dính vào và dễ nhiễm các bệnh thối gốc và phỏng lá.
2. Thời vụ và giống trồng:
Có thể trồng quanh năm, tốt nhất là từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau.
- Xà lách trứng: gieo từ tháng 7 đến tháng 2.
- Xà lách li ti: gieo từ tháng 3 - 4 để ăn trong mùa hè.
3. Gieo trồng:
Trồng cách cách nhau 15 -18 cm, đảm bảo mật độ 10.000 - 15.000 cây/500m2
4. Bón phân chăm sóc:
Tổng lượng phân bón cho 500 m2 ruồng trồng khoảng 1.000 kg phân chuồng hoai (phân heo gà đã ủ hoai), 2 kg Urea, 2 kg KCL.
Bón phân dựa theo sự sinh trưởng của cây, do cải xà lách rất ngắn ngày nên chia ra nhiều lần tưới sẽ có hiệu quả hơn. Khi tưới xong rửa lá ngay.
Sử dụng thêm các loại phân bón qua lá để tăng cường sức sinh trưởng của cây.
5. Tưới nước:
Mỗi ngày tưới 1 lần vào buổi sáng sớm hay chiều mát. Lúc cây bị bệnh nên hạn chế tưới vào buổi chiều tối. Có thể che lưới cho để bảo vệ lá cải khỏi bị không bị tổn thương khi tưới hoặc khi trời mưa lớn
6. Quản lý dịch hại:
Trồng cải xà lách thường gặp dịch hại chủ yếu như: Sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu tơ (Plutella xylostella), sâu đục ngọn (Hellula undalis.), bệnh chết cây con (do Pythium sp., Rhizoctonia sp., Sclerotium sp.), bệnh thối bẹ (Slerotium rolfsii, Rhizoctonia solani.), bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora). Phòng trị các loại sâu hại trên như cải bẹ xanh.
7. Thu hoạch:
Trồng được 30 - 40 ngày thì thu hoạch, năng suất xà lách ở nước ta hiện nay từ 3.000 - 4.500 kg/ha.


KỸ THUẬT TRỒNG CẢI XÀ LÁCH XOONG
Tên khoa học: Nasturtium officinale L.
Họ Thập tự: Brassicaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa học cây trồng,
Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
GIỚI THIỆU
Cải xà lách xoong có nguồn ngốc Châu Âu, ngày nay được trồng ở phía Tây Châu Á và nhiều nước trong vùng nhiệt đới như Mã Lai, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Phi Luật Tân, Việt Nam,… và ở phía Bắc Châu Phi. Cải xoong giàu Calcium (64 mg), sắt (1,1 mg), vitamin A, C,…
Ở Việt Nam cải xoong được trồng chủ yếu ở vùng cao, có khí hậu mát như miền Bắc, Đà Lạt, Bình Thuận. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long là nơi trọng điểm trồng xà lách xoong, có truyền thống từ lâu đời, không những cung cấp cho đồng bằng mà cả thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra tỉnh An Giang, Cần Thơ cũng có trồng nhưng diện tích không đáng kể.
ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Thân cải non, mềm, xốp dài 20 – 60 cm, mỗi lóng thân dài 1 – 5 cm tùy thuộc rất lớn vào thời tiết và sự chăm sóc, mỗi mắt có thể mọc một cành. Lá kép có 3 – 9 lá phụ, lá đỉnh to nhất, lá cải hình tròn nhỏ màu xanh đậm, rìa lá răng cưa. Cải xoong thuộc loại rễ chùm, có nhiều rễ phụ ở đốt thân có thể hút chất dinh dưỡng và nếu đem trồng sẽ thành cây độc lập.
Cải xoong rất thích sống ở nơi nhiều đất bùn, sống dưới nước, độ ngập khoảng 4 – 5 cm nơi có dòng nước chảy như ở dưới chân của thác nước, mực nước sâu thì thân cải mọc dài. Cây sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 15 – 200C, ở độ cao trên 1000 m so với mặt nước biển (như vùng Đà Lạt). Độ pH của đất thích hợp nhất 6 – 7, không sống được trong đất phèn, đất mặn hoặc đất cát trong mùa nắng. Cây rất thích độ ẩm cao, cần nước tưới thường xuyên.
QUY TRÌNH CANH TÁC
Chọn giống
Các giống hiện đang canh tác là giống địa phương, qua chọn lọc cho thấy nó phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương như chống chịu sâu bệnh, chịu nhiệt cao, cho năng suất ổn định, phẩm chất rất ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng
Thời vụ
Trồng được quanh năm, mùa thuận là trồng vào các tháng giáp Tết 11 – 12 dl, thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng và cho năng suất cao.
Làm đất
Trồng mới
Chọn đất giàu hữu cơ, nhiều mùn, không phèn mặn, độ pH = 6 – 7
Cây phát triển không thuận lợi trên đất cát hoặc phèn mặn
Lên liếp chìm, rộng 2 – 2,2 m, lối đi giữa liếp rộng 30 – 40 cm, cao hơn mặt liếp 10 – 20 cm, xung quanh liếp có rãnh thoát nước rộng 10 cm, sâu 15 cm, giúp thoát nước tốt trong mùa mưa.
Đất trồng phải được phơi khô 1 – 2 tuần để diệt mầm bệnh
Trước khi trồng cho nước vào ngập ruộng, làm cho đất tơi lên bùn, sau đó cấy cải hoặc rải đều lên liếp, đè nhẹ cho ngập nước, ngày hôm sau rút cạn nước cho rau phát triển.
Cải gốc
Sau thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ bờ, vét mương tưới, sửa bờ và rãnh thoát nước.
Rải thêm đất mới (đất giàu hữu cơ được phơi khô, đập nhuyễn) lên luống nhằm cung cấp đất cho lứa cải sau phát triển.
Bón phân
Lượng phân sử dụng cho 1000 m2
Trồng mới:
Super lân (lót): 50 kg
Vôi bột: 50 kg
Phân chuồng hoai: 500 kg. (Có thể thay thế bằng phân dơi)
Cải gốc:
Lân vi sinh: 20 kg
Phân tôm: 30 – 40 kg
Phân chuồng hoai: 200 kg
NPK 16-16-8: 30 – 40 kg
Phân Urê: 4 – 5 kg
Cách bón:
Bón lót: Bón phân lân vi sinh khi vừa thu hoạch xong lứa trước.
Lần 1: (10 – 15 ngày): Phân tôm 10 kg + phân chuồng.
Lần 2 (17 – 20 ngày): Phân NPK 16-16-8 bón 10 kg
Lần 3 (24 – 28 ngày): Phân tôm 15 kg + phân chuồng
Lần 4 (30 – 35 ngày): NPK 16-16-8 bón từ 12 – 15 kg
Lần 5 (37 – 40 ngày): Phân tôm 15 kg + phân chuồng
Lần 6 (44 – 47 ngày): NPK 16-16-8 bón 15 kg
Giữa hai lần thúc phân có thể bổ sung phân bón lá + 01 kg Urê.
Lưu‎ ý‎: Ngưng tưới phân hóa học tối thiểu 07 ngày trước thu hoạch
Tưới nước
Cần tưới đủ ẩm (tưới sương lên lá nhiều lần trong ngày)
Mùa nắng tưới bình quân 01 giờ/ lần (10 – 16 lần trong ngày)
Làm cỏ
Trồng cải xà lách xoong có thể diệt cỏ bằng thuốc hóa học
Diệt cỏ tiền nảy mầm có thể dùng thuốc như Dual, Dual gold, Ronstar,.. dùng diệt cỏ ở đầu vụ.
Diệt cỏ hậu nảy mầm (diệt khi cây cỏ có 1 – 2 lá và đất đủ ẩm) dùng các loại thuốc trừ cỏ chọn lọc như: Nabu, Onecide,… các thuốc này rất an toàn cho các loại cây rau thuộc nhóm song tử diệp (hai lá mầm)
Diệt cỏ bờ: Sử dụng các loại trừ cỏ không chọn lọc
Che mát
Cần làm giàn che mát cho cây cải xà lách xoong (cản 40 – 50 % lượng ánh sáng)
Phòng trừ sâu bệnh
Thực hiện nghiêm ngặt qui trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
Các đối tượng gây hại đáng lưu ý như:
Sâu tơ, sâu xanh, sâu ăn tạp: Cần luân phiên các nhóm thuốc trong các lần phun xịt trên cùng một lứa cải. Nên phối hợp thuốc hóa học với thuốc trừ sâu vi sinh, ức chế sinh trưởng hoặc dầu khoáng (SK Enpray, D-C Tronplus)… để tăng hiệu lực diệt sâu.
Bệnh héo xanh (héo vi khuẩn): Không sử dụng quá thừa phân đạm, có thể phun ngừa các nhóm thuốc gốc đồng, nhóm thuốc kháng sinh (Kasumin, Kasuran, Starner,…)
Bệnh thán thư (nổ lá): Có thể phòng trị bằng các nhóm thuốc trừ nấm sau: nhóm thuốc gốc đồng, Mancozeb,Carbendazim, Antracol, Tilt Super, Score, Curzate,..
Bệnh đốm vằn: Dùng các loại thuốc đặc trị như: Validacin, Monceren, Rovral, Bonanza, Anvil,…
Thu hoạch
Vào mùa nắng khoảng 60 ngày sau khi cắt lứa trước là thu hoạch.
Trồng từ tháng 09 – 12 thì thu hoạch vào khoảng 35 ngày sau khi thu hoạch lứa trước.
Thu hoạch bình quân 6 – 8 lứa trong năm. Năng suất trung bình từ 8 – 10 tấn/ ha/ vụ.


QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CẢI BÔNG
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. Chọn thời vụ và giống trồng:
1.1. Chọn thời vụ:
- Vụ sớm: Gieo vào tháng 7 - 8 dl trồng vào tháng 9 -10 dl với các giống chính sớm có thể thu hoạch vào tháng 11 - 12.
- Chính vụ: Gieo vào tháng 9 - 10 dl, trồng vào tháng 10-11dl và thu hoạch vào tháng 12 - 1 dl.
- Vụ muộn: Gieo vào cuối tháng 11dl đầu tháng 12 dl, trồng vào cuối tháng 12 dl và thu hoạch vào tháng 2 dl hoặc sang đầu 3 dl.
1.2. Giống trồng:
Sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ. Các giống phổ biến có 2 loại:
- Cải bông đơn: trồng sớm.
- Cải bông kép: trồng chính vụ và vụ muộn
2. Chuẩn bị cây con:
Lượng hạt giống cần thiết để cung cấp đầy đủ cho 500 m2 đất trồng là 20 - 30 g. Khi cây con được 25 - 30 ngày tuổi thì nhổ đem trồng. Chọn cây mập, to, lá xanh, gốc đỏ, không bị dị hình đẩ đem trồng.
Chú ý : Xử lý cây con trong vườn ươm.
3. Chuẩn bị đất:
Luống rộng 0,9 - 1 m, vụ sớm làm luống cao, vụ muộn và chính làm luống thấp và phẳng.
Trồng hàng kép nanh sâu trên luống với khoảng cách 40 x 50 cm hoặc 60 x 50 cm (21.000 - 23.000 cây/ha)
4. Bón phân:
- Bón lót cho 500 m2:
+ Phân chuồng: 2 tấn.
+ Phân Urea: 3 kg.
+ Phân lân: 2 kg.
+ Phân kali: 4 kg.
Tất cả các loại phân trộn đều nhau rồi bón vào hốc trồng lá tốt nhất.
- Bón thúc cho 500 m2:
+ Lần 1: 15 ngày sau khi trồng 1 kg Urea pha nước tưới.
+ Lần 2: 25 ngày sau khi trồng 1 kg Urea pha nước tưới.
+ Lần 3 : Khi cây đã chéo nõn dùng 8 kg Urea pha nước tưới.
5. Chăm sóc:
-Tưới tiêu nước: Sau khi trồng tưới nước và sáng sớm và chiều tối cho đến khi cây hồi xanh. Tuỳ theo thời tiết để tưới giữ ẩm thường xuyên.
- Xới gốc: Sau khi trồng được 15 - 20 ngày xới vun nhẹ lần 1, sau 12 - 16 ngày xới lần 2 đồng thời vun cao gốc.
6. Phòng trừ sâu bệnh:
* Sâu hại:
Sâu tơ (Plutella xylostella), Sâu nhiếu đọt (Hellula undalis), Sâu ăn tạp (Spodoptera litura), Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua), Bọ nhảy (Phyllotreta striolata). Phòng trị như trên cải bắp.
* Bệnh hại:
Bệnh thối nhũn, tiêm cùi (do vi khuẩn Erwinia carotovora), Bệnh cháy lá do vi khuẩn (bã trầu) (do vi khuẩn Xanthomonas campestris), Bệnh da lợn hay thối khô (do nấm Rhizoctonia solani), Bệnh thối hạch (do Sclerotinia sclerotiorum), Bệnh cháy lá (do nấm Pellicularia sp.). Phòng trị như trên cải bắp.
7. Thu hoạch:
Thời gian thu hoạch tùy thuộc giống và mùa trồng. Cần thu hoạch đúng lúc mới đảm bảo được năng suất và phẩm chất của cải bông.


CÂY ĐẬU COVE
Tên khoa học: Phaseolis vulgaris L.
Họ Đậu: Leguminosae, Fabaceae


ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


1. GIỚI THIỆU
Đậu cove có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được trồng cách nay hơn 600 năm. Trái non chứa khoảng 2,5% đạm, 0,2% chất béo, 7% chất đường bột và đặc biệt nhiều vitamin A và C và chất khoáng, trái có thể dùng ăn tươi, đóng hộp và đông lạnh. Ở các nước Châu Á như Ân Độ, Miến Điện, Nepal, Sri-Lanka, Bangladesh hột đậu cove khô được sử dụng trong các bữa ăn kiêng. Đậu cove là một trong những loại hoa màu thích nghi trong hệ thống luân canh với lúa và là loại đậu rau quan trọng bậc nhất vì phân bố rộng khắp, sản lượng tương đối lớn và có khả năng là nguồn thu nhập khá cao cho các nông hộ.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Đậu cove là cây hằng niên, thân thảo, rễ chính mọc sâu nên cây có khả năng chịu hạn tốt, rễ phụ có nhiều nốt sần chủ yếu tập trung ở độ sâu khoảng 20 cm. Thân có 2 dạng: thân sinh trưởng hữu hạn và vô hạn. Lá kép có 3 lá phụ với cuốn dài, mặt lá rất ít lông tơ. Chùm hoa mọc ở nách lá trung bình có từ 2 - 8 hoa.
Sau khi trồng 35 - 40 ngày đã có hoa nở, hoa lưỡng tính tự thụ phấn khoảng 95% nên việc để giống rất dễ dàng. Trái đậu ăn tươi thu hoạch từ 10 - 13 ngày sau khi hoa nở. Hột đậu to, trọng lượng 1.000 hột 250 - 450g.
Đậu cove là cây trồng chịu ấm nên canh tác được trong điều kiện ấm áp của vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, đậu không chịu được giá rét.
3. GIỐNG
Phân biệt theo dạng hình của cây có 2 loại:
* Đậu cove lùn (sinh trưởng hữu hạn): Nhóm nầy không có giống địa phương, các giống nhập nội của Nhật và Đài Loan thích hợp trồng quanh năm ở vùng cao, giống chịu nóng trồng được vụ Đông Xuân ở vùng đồng bằng. Giống đậu lùn rất thuận lợi cho việc canh tác ở vùng có gió mạnh, dễ trồng xen với hoa màu khác để tăng thu hoạch trên diện tích hoặc trồng ở những nơi khó khăn về cây làm giàn. Các giống nhập nội của Nhật tỏ ra thích hợp nên được các công ty giống chọn lọc, nhân giống và phổ biến rộng rãi. Đặc tính chung của các giống đậu cove lùn là thấp cây 50 - 60 cm, cho thu hoạch sớm 40 - 50 NSKG, thời gian thu hoạch 30 - 45 ngày, trái dài, thẳng, màu xanh trung bình đến xanh đậm. Các giống trồng hiện nay ở vùng cao cho năng suất và phẩm chất không thua kém đậu leo, 18 - 22 tấn/ha.
* Đậu cove leo (sinh trưởng vô hạn): thân dài 2,5 - 3 m, trong canh tác phải làm giàn. Các giống hiện đang được ưa chuộng:
- Giống đậu cove Đài Loan hạt đen do công ty Giống cây Trồng Miền Nam chọn lọc và sản xuất. Giống chịu nóng giỏi, kháng bệnh tốt, trồng được ở đồng bằng cũng như vùng cao, bắt đầu cho thu hoạch trái 50 - 55 ngày sau khi trồng; phát hoa dài, nhiều hoa, đậu trái tốt nên cho nhiều trái. Trái thẳng, dài 16 - 17 cm, màu xanh nhạt, phẩm chất ngon, phù hợp với thị hiếu.
- Giống cove Thái (Chiatai) cho trái màu xanh trung bình, dài 14 - 16 cm, chất lượng trái ngon ngọt, có thể trồng quanh năm.
- Giống cove Nhật (Takii): hạt nâu vàng, hoa trắng, trái dài, màu xanh nhạt, phẩm chất ngon, rất được ưa chuộng, thích hợp vụ Đông-Xuân.
Các giống kể trên đều là giống trái tròn.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
4.1. Thời vụ
Vùng ĐBSCL có thể trồng đậu cove quanh năm trên đất rẩy, nhưng vụ chính là vụ Đông xuân gieo vào tháng 11 - 12 dl, lúc nầy thời tiết mát mẽ khô ráo nên hoa trái phát triển thuận lợi, cho năng suất cao nhất. Vụ Hè-Thu nên gieo sớm vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 dl, vì gieo càng trễ mưa nhiều bệnh càng phát triển nên năng suất thấp.
4.2. Làm đất, gieo hạt
Chọn đất cao, thoát nước tốt, cày bừa kỹ và làm sạch cỏ; những nơi đất thấp hay trồng mùa mưa phải lên líp cao để dễ thoát nước. Nên trồng hàng đơn trên líp, hàng cách hàng 1,2 - 1,4 m. Trồng hàng đơn đậu cho thời gian thu hoạch trái kéo dài hơn so với trồng hàng đôi và dễ dàng chăm sóc, khoảng cách lổ trên hàng 20 -25 cm, mỗi lổ để 2 - 3 cây. Mật độ trồng 70.000- 120.000 cây/ha. Lượng hạt giống gieo 40 - 60 kg/ha, khi gieo dùng chày tỉa xôm lổ hoặc cuốc bổ hốc, gieo xong lấp hột bằng tro trấu. Trồng đậu cove nhất là trong mùa mưa có thể phủ đất bằng màng phủ plastic để cây ít bị bệnh và cho năng suất cao.
4.3. Chăm sóc
4.3.1. Bón phân
Công thức phân thường dùng cho đậu cove là:
N: 120 - 200 kg/ha
P2 O5: 100 - 150 kg/ha
K2O : 80 - 100 kg /ha
Dựa vào công thức trên có thể bón cho 1 ha đậu 800 - 1.000 kg phân 16-16-8 hay 200 kg Urê, 300 kg DAP và 150 kg KCl, 20-25 tấn phân chuồng và 1-2 tấn tro trấu.
Sau đây là một ví dụ về thời điểm, loại phân và liều lượng bón cho 1 ha:
Loại phânTổng sốBón lótTưới dậm (5-10 NSG)Bón thúc (20-25 NSG)Bón nuôi trái (45 - 55 NSG)
Vôi (tấn)11     
Phân chuồng (tấn)2020     
16-16-8 (kg)500300  200 
Urê (kg) 100  20  80
DAP (kg)100  30  70
KCl (kg)100    5050
4.3.2. Tưới nước: tưới bằng thùng vòi búp sen, mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Tưới nhiều lúc ra hoa trái rộ. Nếu điều kiện đất và nước cho phép, nên dùng phương pháp tưới thấm vì lúc nầy cây phát triển tối đa, bộ lá lớn, phiến lá to, cây yêu cầu nhiều nước. Thiếu nước cây phát triển kém, trái nhỏ, mau già nhiều xơ, giảm năng suất và phẩm chất trái tươi.
4.3.3. Làm giàn: khi cây bỏ vòi thì bắt đầu làm giàn. Cây giàn dài 2,5-3m, có thể dùng sậy già để cắm giàn, thân đậu bò dài hơn 3 m. Một số nơi nông dân dùng sóng lá dừa để làm giàn, cắm giàn theo hình chữ X, phần chót lá cột dính nhau. Giàn nầy có thể sử dụng được 2 - 3 mùa, số lượng cây làm giàn từ 40.000 - 50.000 cây/ha. Giàn lưới đang được ưa chộng thay thế cho giàn le, sậy.

Giàn chữ nhân (X); giàn lưới
4.3.5. Phòng trừ sâu bệnh:
Sâu hại quan trọng có:
- Dòi đục thân (Ophiomyia phaseoli): Loài này gây hại đáng kể lúc cây còn nhỏ có 3 - 4 lá và lúc ra hoa. Thành trùng là ruồi có màu đen bóng, kích thước rất nhỏ, dài 2 - 3 mm, thường xuất hiện vào sáng sớm hay lúc trời mát; đẻ trứng vào mô lá non mặt trên lá. Âu trùng là dòi có màu trắng ngà, đục bên trong gân, qua cuống lá và đi dần xuống thân ở nơi tiếp giáp giữa lớp võ và phần gỗ làm lớp võ thân bị nứt. Nhộng có màu vàng nâu nằm ngay lớp võ thân gần mặt đất. Dòi gây hại nặng vào giai đoạn cây con, làm cây dễ bị chết héo, hoặc gây chết nhánh.
Tránh trồng gối vụ liên tục, cần theo dõi mật số thường xuyên, có thể phòng ngừa bằng cách rãi thuốc hạt lúc gieo theo khuyến cáo. Có thể phun ngừa bằng các dạng thuốc nước trước giai đoạn ra hoa.
- Sâu đục trái (Maruca testulalis): Bướm có màu nâu đậm, giữa cánh trước có một vệt màu trắng; cánh sau màu trắng bóng có bìa nâu đen, thân dài 10 - 13 mm. Ấu trùng màu trắng hơi nâu, trên lưng mỗi đốt có sáu đốm vuông cạnh hay bầu dục màu nâu đậm. Trứng được đẻ trên hoa, đài và trái non. Sâu non kết hoa lại, ăn phá bên trong hoặc đục vào bên trong trái non, chất phân thãi làm trái bị dơ, dễ rụng. Do sâu nằm sâu trong trái nên khó phòng trị. Nhộng nằm trong các kẹt lá khô. Loài này xuất hiện nhiều trong mùa mưa.
Nên trồng sớm, không nên xen canh với các cây họ đậu. Xịt các loại thuốc gốc cúc có tính phân hủy nhanh trước khi ra hoa và lúc tăng trưởng trái như Cyperan, Cyper, Peran, Agroperin, Tigifast. Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nên ngưng xịt thuốc vài ngày trước khi thu họach.
Bệnh quan trọng gồm có:
Bệnh chết héo cây con do nấm Rhizoctonia solani: Bệnh chủ yếu gây hại ở giai đoạn cây con, làm gốc thân tóp lại, cây dễ chết.
Phòng trị như bệnh chết héo cây con ở dưa leo.
- Bệnh đốm vi khuẩn do Xanthomonas phaseoli: Bệnh gây ra các đốm cháy rộng trên lá. Trên trái đậu có những đốm nhỏ xanh nhạt, nhũn nước; sau đó trở nên nâu và khô đi, hình dạng bất thường. Trong điều kiện ẩm độ cao, đốm bệnh lây lan rất nhanh.
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom các lá trái sau khi thu họach. Phun ngừa bằng các dung dịch Champion, Coc, Copper zinc, Kasumin, New Kasuran, Canthomil.
- Bệnh đốm lá do nấm Cercospora canescensCercospora cruenta: Đốm bệnh gây hại bởi C. canescens có dạng tròn đến hơi có góc cạnh với tâm màu nâu, viền xung quanh màu nâu đỏ trên lá; bệnh gây hại nhiều trên đậu Lima và đậu đũa hơn đậu côve. Đốm bệnh do C. cruenta gây có màu nâu đến màu rỉ sét, hình dạng và kích thước không đều; thường xuất hiện trên thân hoặc trái chín. Phun ngừa bằng các loại thuốc trừ nấm thông thường
- Bệnh phấn trắng do nấm Erysiphe poligoli: Vết bệnh xuất hiện đầu tiên là những đốm mất màu xanh, dần dần biến thành trắng xám. Các lá non bị bệnh sẽ cuốn lại, chuyển sang vàng và rụng đi, trái nhỏ, cây còi cọc. Bệnh thường phát triển vào giai đoạn cuối thu hoạch.
Phun ngừa bằng Curzate-M8, Mancolaxyl, Ricozeb, Vimonyl, Score, Metaxyl.
5. THU HOẠCH
Sau khi trồng 50 - 55 ngày bắt đầu thu hoạch, lứa đầu trái nhỏ và ít chỉ khoảng 50 - 60 kg/ha, lứa 4-5 thu rộ, thường cách 1 ngày thu 1 lần. Sau đó cách 2-3 ngày thu 1 lần có thể thu 10 - 12 lứa tùy theo cách chăm sóc. Năng suất đậu trong mùa mưa là 12 - 15 tấn/ha, vụ Đông-Xuân năng suất 20 - 22 tấn /ha. Nên thu đúng lúc khi vỏ trái có màu xanh mượt và hột mới tượng, nếu để trái già sẽ cứng, có nhiều xơ, phẩm chất kém.
6. ĐỂ GIỐNG
Chọn cây sinh trưởng tốt, nhiều trái, trái tốt không sâu bệnh, không thu thương phẩm để trái già thu lấy hạt. Thu hoach khi vỏ trái chuyển sang màu vàng, khô. Thu vào phơi khô đập lấy hạt, sàng sạch đem đựng vào thúng hay khạp bịt kín miệng và cất nơi khô ráo, thoáng mát.


ĐẬU ĐŨA
Tên khoa học: Vigna sesquipedalis Fruwirth
Vigna sinensis spp.
Dolichos sesquipedalis L.
Họ Đậu: Leguminosae, Fabaceae




ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT


1. GIỚI THIỆU
Đậu đũa bắt nguồn từ một trong ba loài phụ của đậu cowpea (Vigna unquiculata) được trồng nhiều ở Trung Quốc; vùng Đông Nam Châu Á như Thái Lan, Philippines; Nam Châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và mở rộng sang Châu Phi.
Đậu đũa là loại rau phổ biến ở thị trường Châu Á, nhu cầu của thị trường nước ngoài trong những năm gần đây là tiêu thụ trái tươi và đông lạnh. Phẩm chất trái dựa trên màu sắc và chiều dài trái. Tuy nhiên, yêu cầu nhập khẩu đậu đũa rất thay đổi tùy mỗi thị trường. Dạng trái cực dài, màu xanh nhạt hầu hết được chấp nhận ở Thái Lan và Hồng Kông trong khi Brunei thì thích trái ngắn, màu xanh đậm vì có nhiều trái/kg. Đậu xuất khẩu sang Châu Âu và Canada thì thích trái dài trung bình, màu xanh nhạt.
2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Cây thân thảo hằng năm, hệ thống rễ phát triển tốt.
Thân bò, leo quấn, có góc cạnh, không lông, mắt thân thường có màu tím.
Lá kép 3 lá phụ với cuống dài, lá mọc xen kẻ, mặt lá ít lông tơ.
Phát hoa mọc ở nách lá, hoa màu vàng hay xanh lơ mọc thành chùm ở đỉnh. Tràng hoa có 5 cánh rời, nhụy đực gồm 9 dính + 1 rời, bầu noản với 12 - 21 noản. Hoa lưỡng tính, tỉ lệ thụ phấn chéo bởi côn trùng rất thấp trong điều kiện khí hậu khô, nhưng trong điều kiện ẩm ướt tỉ lệ nầy có thể tăng đến 40%.
Trái dài 30 - 120 cm, trái non thẳng, láng, mềm; trái già co thắt lại. trái chứa 10 - 30 hạt. Trái tươi có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, giàu protein, chất bột đường và vitamin A.
Hạt hình quả thận, màu sắc và kích thước thay đổi.
Sau khi nẩy mầm cây tăng trưởng nhanh, ra hoa 35 ngày sau khi gieo và bắt đầu cho thu hoạch trái tươi 2 tuần sau khi hoa nở. Tùy theo sự tăng trưởng và cường độ thu hái, cây ra hoa, kết trái kéo dài 1.5 - 2 tháng và cây tàn 3 - 4 tháng sau khi trồng.
Đậu đũa thích khí hậu nóng, nhiệt độ ban ngày thích hợp là 25 - 35oC và nhiệt độ ban đêm không dưới 15oC. Đậu đũa phản ứng với độ dài ngày không rỏ rệt nhưng thiên về cây ngày ngắn. Đậu mọc tốt ở vùng đồng bằng và nơi có cao độ trung bình, ở cao độ cao > 700 m sự ra hoa của đậu bị hạn chế nhất là vào mùa có thời tiết lạnh.
Đậu đũa chịu hạn giỏi đồng thời tăng trưởng tốt trong mùa mưa ẩm độ cao, nơi có vủ lượng 1500 - 2000 mm. Nhu cầu nước cả vụ là 6 - 8 mm/ngày. Trồng trong mùa nắng có tưới đậu mọc tốt như trong mùa mưa.
Đậu trồng được trên mọi loại đất , thích hợp trên đất nhiều hữu cơ, pH từ 5,5 - 6.
3. GIỐNG
Có 2 nhóm giống là đậu lùn và đậu leo.
3.1. Đậu lùn: cây cao 50 - 70 cm, trái ngắn 30 - 35 cm, thịt trái chắc, ăn ngon, sai trái, thu hoạch tập trung. Đậu lùn thu ít lứa, thời gian sinh trưởng ngắn 70 - 75 ngày, năng suất thấp hơn đậu leo.
3.2. Đậu leo: có rất nhiều giống như giống đậu hạt trắng, hạt đỏ, hạt trắng đỏ, hạt đen và hạt trắng đen. Thân sinh trưởng vô hạn, canh tác phải làm giàn, trái dài 40 - 70 cm tùy giống, màu trái thay đổi từ xanh nhạt (giống hạt trắng) đến xanh rất đậm (giống hạt đen). Các giống còn phân biệt bởi sắc tố đỏ tím ở đuôi trái. Năng suất, phẩm chất trái, khả năng thích nghi điều hiện thời tiết của các giống rất cũng khác nhau. Giống hạt trắng cho trái thịt dầy, ăn ngon, năng suất cao và thường trồng trong mùa nắng. Giống hạt đỏ và hạt đen cho trái thịt mỏng, ăn giòn, thích hợp canh tác trong mùa mưa. Đậu leo cho năng suất từ 18 -25 tấn/ha. Hiện nay các Công Ty Giống có nhiều giống cao sản đã qua tuyển lựa và thích hợp canh tác cho các mùa khác nhau và cho trái đáp ứng yêu cầu thương phẩm.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
4.1. Thời vụ
Đậu đũa trồng quanh năm nhờ có nhiều giống. Vụ Đông Xuân gieo tháng 11 - 12 dl, vụ Xuân Hè gieo tháng 2 - 3 dl, vụ Hè Thu gieo tháng 5 - 6 dl và vụ Thu Đông gieo tháng 8 - 9 dl.
4.2. Cách trồng
Chọn đất cao, thoát nước tốt, làm sạch cỏ, bón 1 tấn vôi/ha, cày xới kỷ và phơi ải 7 - 10 ngày. Những nơi đất thấp phải lên luống cao 15 - 20 cm.
Đối với đậu leo gieo hạt khoảng cách 1.2 x 0.40 m, mỗi lỗ để 2 cây.
Đối với đậu lùn gieo hạt khoảng cách 50 x 30 cm, mỗi lổ để 2 cây.
Mùa mưa ít nắng nên gieo thưa để dễ chăm sóc và thu hái. Mùa nắng nên gieo dầy để thu được năng suất cao.
Khử đất với Basudin và Kitazin hạt trước khi gieo.
Lượng giống gieo 18 - 20 kg hạt /ha (đậu leo) và 30 - 40 kg hạt (dạng lùn).
4.3. Bón phân:
Lượng phân bón tùy theo điều kiện dinh dưỡng có sẳn trong đất và nhu cầu của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng. Đậu đũa cho năng suất cao hơn đậu cove nên thường bón lượng phân cao hơn. Công thức phân thường dùng cho đậu đũa là:
N: 180 - 250 kg/ha
P2 O5: 150 - 200 kg/ha
K2O : 80 - 120 kg /ha
Dựa vào công thức trên có thể bón cho 1 : 1 tấn phân 16-16-8, 100 - 150 kg Urê, 50 kg DAP và 50 kg KCl hoặc 400 - 450 kg Urê, 800 - 1.000 kg super lân, 150 - 200 kg KCl, 20 - 25 tấn phân chuồng và 1-2 tấn tro trấu.
Sau đây là một ví dụ về thời điểm, loại phân và liều lượng bón cho 1 ha:
Loại phânTổng sốBón lótTưới thúcBón thúc 2 lầnBón nuôi trái
Vôi (tấn)11     
Phân chuồng (tấn)2020     
16-16-8 (kg)1.000300  400300
Urê (kg) 100      100
DAP (kg)50  50   
KCl (kg)50      50
Bón thúc lần 1: làm cỏ và đánh rảnh một bên hàng đậu, bón phân NPK rồi vun mép lấp phân và giữ ấm gốc.
Bón thúc lần 2: làm cỏ và đánh rảnh bên phía đối diện, bón phân NPK và vun mép còn lại.
Trong thời gian thu hoạch trái tươi, tưới dậm phân đạm và kali 10 ngày/lần để kéo dài thời gian thu trái và trái đậu được tốt.
Các khâu chăm sóc khác thực hiện như canh tác đậu cove.
5. THU HOẠCH
Đậu lùn cho thu hoạch 40 - 45 ngày và đậu leo cho thu hoạch 45 - 50 ngày sau khi gieo. Năng suất lứa đầu rất thấp, khoảng 150 - 200 kg/ha. Lứa thứ 4 - 5 thu rộ, cách ngày thu 1 lần, mỗi lần thu khoảng 1 -1.5 tấn/ha. Đậu cho thu hoạch kéo dài 30 - 40 ngày với 12 -15 lứa. Khi thu dùng dao cắt hay dùng tay vặn nhẹ trái, không giật mạnh làm rụng nụ hoa các lứa sau.
Năng suất các giống đậu đũa leo cải thiện từ 25 - 35 tấn/ha.


KỸ THUẬT TRỒNG HÀNH LÁ
Tên khoa học: Allium fistulosum sp.
Họ hành tỏi: Liliaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. GIỚI THIỆU
Hành lá là loại gia vị, không thể thiếu trong các bửa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng...
2. GIỐNG
- Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42-50 ngày.
+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 1 tấn/1.000 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.
+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, thị trường rất ưa chuộng.
+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.
- Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
- Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1000 m2
- Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.
3. KỸ THUẬT TRỒNG
* Thời vụ: hành lá có thể được trồng quang năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.
* Chuẩn bị đất
- Yêu cầu: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.
- Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.

Lên liếp và tủ rơm trước khi trồng hành


Khoảng cách trồng hành 20 x10 cm
- Xử lý đất: tiến hành xử lý đất ở 3 ngày trước trồng, sử dụng 1 kg Mocap/1000 m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt.
- Tủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng
* Khoảng cách trồng:
Hàng cách hàng x cây cách cây: 20 x 10 cm
* Phân bón
Tổng lượng phân dùng cho 1.000 m2: phân chuồng hoai 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali.
Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.
Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali
Bón thúc:
- Nguyên tắc bón phân thúc: hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.
Có thể sử dụng khuyến cáo sau (nếu sử dụng khuyến cáo này thì không bón lót phân lân):
+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea
+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl
+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl
+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl
+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea
- Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây vóng, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.
* Chăm sóc
- Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành
- Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.

Tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rảnh hành lá
- Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.

Cải xanh được trồng xung mép liếp hành lá; Ngò Rí trồng xen với hành lá
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Các đối tượng sâu bệnh hại chính: sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori...
- Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.
- Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời cách ly 7-10 ngày.
- Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).
+ Lần 1: Atabron 5EC
+ Lần 2: Cascade 5EC + Mimic 20F
+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC
+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV
+ Lần 5: Dipel 3.2 WP + SeNPV
- Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.
- Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.
* Thu hoạch
Tiến hành thu họach khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm và ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.


KỸ THUẬT TRỒNG HẸ
Tên khoa học: Allium odorum L.
Thuộc họ hành tỏi: Liliaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. GIỚI THIỆU
Hẹ là một loại rau ăn lá phổ biến, được nông dân trồng nhiều vì vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác. Cây hẹ được dùng làm gia vị trong các bửa ăn hàng ngày. Lá hẹ có thể dùng thay thế lá hành, thường để muối chua với giá đậu, ăn sống...
2. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT
Cây hẹ là cây thân thảo, cây giống một loại cỏ, thường có chiều cao khoảng 20-50 cm tùy đất và mùa vụ. Cây hẹ có mùi đặc biệt, giò hẹ nhỏ hơn giò hành, dài, mọc thành túm và có rất nhiều rễ con.
Lá hình dẹp, dài, bản lá hẹp, nhưng dày. Cây hẹ thường có 4-5 lá, dài 10-30 cm, rộng 1,5-10 mm, đầu lá nhọn. Hoa hẹ mọc trên 1 cọng hoa kéo dài hơn. Các hoa tụ lại thành hình xim nhưng co ngắn lại thành một tán giả. Cọng hoa có hình gần giống 3 cạnh. Hoa màu trắng, cuống hoa dài trên 10 mm. Trái hẹ khi khô dài 4-5 mm có đường kính trái khoảng 3-4 mm. Hạt nhỏ, màu đen, cây hẹ thường ra hoa vào tháng 6-8, cho trái từ tháng 8-10.
Cây hẹ cũng thuộc họ hành tỏi (Liliaceae), có các đặc tính sinh học giống như hành và tỏi. Ưa nhiệt độ mát (20-250C), ánh sáng mạnh. Bộ rễ ăn nông, khả năng chịu hạn và chịu úng kém. Bộ phận sử dụng gồm cả củ, lá và hoa.
3. GIỐNG
Đặc tính của cây hẹ là hay bị chết nhát là trong giai đoạn mới trồng. Để hạn chế hiện tượng này, trước khi trồng cần cắt bớt rễ của cây giống. Làm như vậy thì khả năng tái sinh của rễ sẽ tốt hơn và cây sẽ tạo chồi nhánh nhanh, khỏe giúp hạn chế hiện tượng chết nhát.
Hẹ có thể trồng bằng thân (căn hành) hoặc bằng hạt, tuy nhiên đa số là sử dụng giống địa phương và trồng bằng thân.
- Giống lá lớn: là giống được trồng nhiều với diện tích lớn vì năng suất cao nhưng phẩm chất kém.
- Giống lá nhỏ: chất lượng cao nhưng năng suất thấp, diện tích trồng ít.
4. KỸ THUẬT CANH TÁC
* Thời vụ: cây hẹ trồng được quanh năm, tuy vậy thường được trồng nhiều vào tháng 10-11 để thu hoạch vào dịp tết âm lịch.
* Đất trồng:
- Chọn đất: đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát, đất phải chủ động được hệ thống tưới và tiêu nước tốt. Sau khi trồng được 10-12 tháng phá bỏ gốc, thay đổi đất bằng cách lấy đất tầng sâu đưa lên tầng trên.
- Làm đất: đất sau khi cày xới, lượm sạch cỏ, xử lý vôi 50-100 kg/1.000 m2, đất được phơi khô 15-20 ngày, để cây sinh trưởng tốt và hạn chế sâu bệnh.
- Lên liếp: cao 0,2-0,3 m, ngang 0,8-1 m, rãnh sâu 20-30 cm, nhầm hạn chế úng và thoát nước tốt trong mùa mưa.
* Cách trồng:
Trồng bằng thân: hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3-4 tép, khoảng cách 15 x 15 cm, lấy tay ấn mạnh đất cho chặt, sau đó phủ liếp bằng rơm rạ mục mỏng, tưới nước đủ ẩm.
Trồng bằng hạt: phương pháp này áp dụng khi có hạt giống, đất cũng được lên liếp như trường hợp trồng bằng củ nhưng đất mặt cần tơi mịn hơn. Có thể gieo vãi đều trên mặt liếp hoặc rãi theo hàng như trồng bằng thân, gieo xong trộn nhẹ với lớp đất mặt. Để bảo đảm nảy mầm đều, hạt hẹ ngâm vào nước ấm 35-37oC trong 4-6 giờ, sau đó trộn với tro bếp, vò hạt giống cho tơi rồi gieo. Tưới nước đủ ẩm để hạt hẹ mọc đều.
Ghi chú: Sau khi hẹ lên được 7-10 ngày cần tưới thêm urea 3-5 kg/1.000 m2 đất, đến khi hẹ được 10-15 cm nhổ cả đất, cấy ra liếp khác. Hẹ dễ sống, dễ nảy chồi, nên khi trồng thân, hẹ mọc tốt, ta vẫn tỉa trồng ra liếp khác như hẹ gieo bằng hạt.
* Phân bón cho 1.000 m2:
- Lượng phân: phân chuồng 2-3 tấn (hoặc phân hữu cơ vi sinh 20-30 kg), phân urê 25 kg, DAP 10 kg, KCl 5 kg, Super lân 20 kg.
- Cách bón:
+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh + 20 kg Super lân + 5 kg Urê + 5 kg KCl.
+ Bón thúc:
Lần 1: 7-10 ngày sau khi trồng 10 kg Urê+5 kg DAP
Lần 2: 15-20 ngày sau trồng 10 kg Urê+5 kg DAP.
* Chăm sóc
Hẹ được trồng hoặc gieo dày nên rất có khả năng cạnh tranh với cỏ dại. Vì vậy việc làm cỏ cho hẹ không tốn công lắm. Mỗi lần tưới phân cho hẹ kết hợp nhổ bỏ các cây cỏ mọc giữa liếp hoặc xung quanh liếp. Ta thường gặp các loại cỏ chát, cỏ gấu và các loại cỏ lá rộng nên cần nhổ tận gốc phơi cho chết hoặc đào hố lấp xuống đất.
Tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa.
Công việc chăm sóc chính là bón phân, vun gốc, nhổ tỉa và trồng dặm. Hẹ thường ít bị các loại sâu bệnh phá như những cây trồng khác. Vì vậy công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên hẹ cũng đơn giản. Trước mỗi lần tưới phân chỉ cần bón một ít tro bếp quanh gốc hẹ, sau đó hòa phân tưới chỗ gần gốc, dùng cào nhỏ xới giữa hai hàng hẹ, vun nhẹ vào gốc làm cho đất tơi xốp, hẹ phát triển nhanh.
Ngoài ra, trồng hẹ còn có thể áp dụng phủ liếp bằng màng phủ nông nghiệp để hạn chế côn trùng và bệnh gây hại, ngăn ngừa cỏ dại, điều hòa độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất, giữ phân bón, tăng nhiệt độ đất, hạn chế độ phèn, mặn

Trồng hẹ phủ liếp bằng rơm; Trồng hẹ phủ liếp bằng màng phủ nông nghiệp
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu đục gân lá: làm cho lá có màu trắng, sọc, dùng thuốc Match 50ND, Success 25SC...
- Bệnh vàng lá: lá vàng từng chòm: giảm phân, giảm nước, rải tro bếp + vôi theo tỷ lệ 1:5
- Bệnh thối nhũn, tiêm lửa: nhổ bỏ cây bệnh
* Thu hoạch:
Do khả năng tái sinh của hẹ rất dễ dàng nên ta cắt lá hẹ, chừa lại 2 đến 3 cm trên mặt đất, đến chiều tưới nước đủ ẩm, hôm sau hẹ mọc lá non lên, sau đó lại tưới phân để hẹ mọc nhanh.
- Đợt 1: 55-60 ngày sau khi trồng
- Đợt 2: 30-35 ngày sau khi thu hoạch đợt 1
- Đợt 3, 4, 5, 6: cách nhau 30-35 ngày.
* Để giống:
Tùy theo tập quán trồng hẹ bằng thân hay trồng hạt mà ta có các cách để giống khác nhau.
- Để giống bằng thân: luống hẹ được nhổ tỉa cây để ăn hoặc bán, chừa lại cây khỏe mọc đều theo khoảng cách cây cách cây 12 đến 15 cm, sau đó bón thêm phan lân, tro bếp, bánh dầu, vun nhẹ gốc, tưới nước, chăm sóc để hẹ có củ to, mập. Khi cần trồng hẹ gấp có thể nhổ cây, vặt bớt lá đem trồng như đã nói ở trên. Hoặc chờ hẹ có củ chắc, lá tàn bớt, nhổ cả cây buộc túm, treo trên dây, phơi trong bóng râm, sau phơi ngoài nắng, rồi đem bảo quản để trồng vụ sau. Cần kiểm tra củ thường xuyên vì hẹ có thể bị thối củ trong quá trình bảo quản. Trường hợp phát hiện có thối củ, cần loại bỏ, đem hẹ phơi ngoài nắng 5 đến 6 giờ lại đem vào bảo quản, chú ý không để thành đống to, nhiệt độ cao dễ thối.

Cây hẹ để giống ở Bạc Liêu
- Để giống bằng hạt: cũng để cây hẹ tốt trên liếp, chăm sóc cho hẹ ra hoa, kết trái, thu trái về, chà lấy hạt (chỉ chà nhẹ bỏ bớt vỏ ngoài) phơi khô ở nhiệt độ 35-40oC, để nguội, cho vào chai lọ, đậy kín để gieo vụ sau. Trong thực tế nhu cầu trồng hẹ chỉ có trên diện tích nhỏ, từ khi trồng đến lúc thu hoạch hạt chiếm nhiều thời gian nên phương pháp trồng bằng hạt ít được áp dụng vì nông dân cần giải phóng đất quay vòng vụ khác, cây khác.
* Một số loại rau ăn lá trồng xen

Trồng hẹ phủ liếp bằng plastic
xen với cải xanh
- Hẹ xen canh với 2 vòng cải xanh, cải ngọt.
- Hẹ xen canh với rau xà lách
- Hẹ xen canh với nhóm rau quế và tía tô.
Sau khi thu hoạch cây trồng xen thường cây hẹ sẽ héo do rễ bị động và do tiếp nhận ánh sáng nhiều, để hạn chế hiện tượng này trước khi thu hoạch cây trồng xen 2 ngày cần giảm số lần tưới nước 1 lần trong ngày, sau khi thu hoạch cây trồng xen xong thì tưới bình thường.
Chăm sóc cây hẹ sau khi thu hoạch cây trồng xen: sau khi thu hoạch cây trồng xen 5 ngày, thì bón phân bổ xung cho hẹ bằng cách rải phân theo hàng: 3 kg Urê + 5 kg DAP+ 2 kg KCl/1.000 m2
Sau khi thu hoạch hẹ lần đầu dẫn tiếp tục chăm sóc hẹ bình thường theo kỹ thuật trồng hẹ đơn thuần.


CÂY GỪNG
Tên khoa học: Zingiber offcinale Rosc
Họ gừng: Zingiberaceae
ThS. Trần Thị Ba
Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT
1. CHỌN VÀ CHUẨN BỊ GIỐNG
1.1 Chọn giống
Giống gừng Tàu già củ to, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm, teo dọp, không sâu bệnh.
1.2 Chuẩn bị giống
Vì chúng ta trồng vào muà nắng do đó ủ giống cho nẩy mầm trước khi trồng là khâu rất cần thiết để khi trồng gừng lên đều. Đây là yếu tố quyết định trước tiên đến năng suất gừng sau này.
Gừng giống phải được chuẩn bị một tháng trước khi trồng. Đem gừng về để nơi thoáng mát cho nhót bớt nước khoảng một tuần rồi tiền hành bẻ hom:
* Khi bẻ hom giống phải to từ 40-60 gram, nguyên vẹn, không được dùng dao bổ đôi củ giống vì khi trồng mất nước dễ chết, hom giống to mới đủ sức nuôi cây con mạnh khoẻ trong giai đoạn đầu.
* Dùng tay bẻ hom chớ không dùng dao cắt vì dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này dễ dàng lan truyền sang củ khác, bẻ xong cho gừng vào ngâm trong dung dịch thuốc Topsin hoặc Dithane với liều lượng 200 g thuốc pha loãng với 50 lít nước ngâm khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra trãi chỗ khô ráo cho nhót nước khoảng một tuần, rồi tiến hành ủ giống: Gom gừng lại thành đống cao không quá 5 tấc phủ lên một lớp rơm rối tưới cho đủ ẩm.
Chú ý:
+ Nền ủ phải cao và thoát nước tốt, trãi lên nền ủ một lớp tro trấu dầy từ 10-20 cm, sau đó mới xếp gừng lên ủ.
+ Không quá khô, không quá ẩm, nếu khô gừng sẽ chậm nẩy mầm, còn quá ẩm sẽ bị thối.
+ Khoảng nửa tháng sau củ gừng u mầm thì mang đi trồng, không để mầm quá dài chuyên chở dễ gãy.
2. CHUẨN BỊ PHÂN HỮU CƠ
Phân hữu cơ là yếu tố quyết định rất lớn đến năng suất, dùng tro trấu mục, rơm mục: 2 tấn trộn với 2 tấn phân chuồng bón cho 1.000 m2. Nếu không có phân chuồng thì có thể sử dụng các loại phân hữu cơ khác để thay thế.
3. CHUẨN BỊ ĐẤT
Đất phải được cày sâu 25-30 cm, phơi ải, xới cho nhuyễn rồi lên liếp. Trường hợp đất cao thoát nước tốt không bị úng vào muà mưa thì không cần lên líp.
* Hướng liếp: phải vuông góc với mương tưới nước để tưới - tiêu nước được thuận lợi.
* Kích thước liếp: liếp có thể rộng từ 1- 1,2 m tùy khoảng cách trồng, chiều dài không quá dài làm cho tưới tiêu nước khó khăn. Tốt nhất ta đào thêm 1-2 mương dẫn nước ở giữa, giống như trồng dưa hấu để tưới tiêu nước được dễ dàng. Chiều cao liếp từ 20-30 cm.
* Làm đất trên mặt liếp: mặt liếp phải được làm thật bằng phẵng, bằm đất thật nhuyễn để rễ gừng dễ sinh trưởng.
4. KỸ THUẬT TRỒNG
* Bón phân lót: trước khi xới đất tác cuối, tiến hành rãi 2 tấn phân hữu cơ, toàn bộ Super lân và 5 kg Kali đều khắp mặt ruộng rồi xới trộn cho đều, sau đó lên líp.
* Khoảng cách và mật độ trồng: có thể áp dụng một trong các khoảng cách trồng như sau: 40 x 30 cm; 50 x 20 cm đối với liếp đôi, hoặc 70-20 cm đối với liếp đơn.
- Nếu trồng theo khoảng cách 50-20 cm thì lên liếp rộng 1 m, trồng hai hàng dọc, hàng cách hàng 50 cm và cây cách cây 20 cm.
- Nếu trồng theo khoảng cách 40-30 cm thì mặt liếp rộng 1,2 m, trồng hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 30 cm.
- Nếu trồng theo khoảng cách 70-20 cm thì liếp rộng 1,2 m, trồng hai hàng dọc theo liếp, hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 20 cm.
Sau này khi vun gốc, tiến hành lấy đất ở giữa liếp đấp vào hai hàng gừng hai bên, tạo thành liếp đơn như giồng khoai lang.
* Cách đặt hom giống: đào hốc sâu 10 cm, bằm đất dưới hốc thật nhuyễn, rãi Basudin xuống hốc 2 kg/1.000 m2, đặt củ gừng xuống đè cho tiếp xúc với đất rồi phũ lên một lớp phân hữu cơ 5-7 cm, dùng thùng vòi búp sen tưới đẩm rồi phũ lên một lớp rơm dầy giữ ẩm..
5. CHĂM SÓC
* Tưới nước: tưới 2 lần/ngày bằng thùng vòi búp sen đều đặn, tránh tình trạng tưới nước bằng máy ngập cả liếp rồi vài ngày sau đó mới tưới trở lại làm cho lèn đất gừng sẽ không nẩy mầm. Nếu có trời mưa thì không cần tưới thêm, nhưng trới nắng lại thì phải tưới nước.
Chú ý:
- Không để gừng thiếu nước, vì thiếu nước gừng chậm phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng. Gừng là cây rất háo nước nhưng lại không chịu úng.
- Chất lượng nước tưới: Nước phải tốt không bị nhiểm phèn chua, nếu tưới nước phèn thì gừng bị đén chậm phát triển.
- Khi gừng có củ có thể áp dụng phương pháp tưới thấm vào chiều mát rồi rút nước ra nhanh vì gừng không chịu ngập úng (chỉ áp dụng cho loại đất nhẹ thoát nước tốt).
* Bón phân: tổng lượng phân cần dùng cho 1.000 m2: Urea 50 kg, Super lân 100 kg (bón lót toàn bộ), Kali 10 kg (bón lót 5 kg).
Khi gừng lên cây khoảng 30% thì pha một muỗng canh ure vào thùng 20 lít tưới. Tưới 2-3 lần mỗi lần cách nhau 4-5 ngày.
Khi thấy bụi gừng có từ 2-3 cây con tiến hành bón thúc 7 ngày một lần với liều lượng 5 kg ure rãi cách gốc 10 cm. Mỗi tháng kết hợp làm cỏ và xới xung quanh chống lèn đất.
Kali còn lại bón rãi vào 90 ngày sau khi trồng.
Trong trường hợp có trồng xen: Khi ta bón phân cho cây trồng xen (phân này phải mua thêm) gừng cũng hấp thu lượng phân này nên không cần tưới phân thêm cho gừng. Khi thu hoạch dứt điểm cây trồng xen, ta tiến hành bón phân thúc như đã nêu trên.
Chú ý: Không cho phân bám trên lá gừng làm cháy lá
* Vun gốc: tiến hành vun gốc khi cây có 3-4 cây con/bụi, bỏ phân hữu cơ thẳng vào gốc cao khoảng 5 cm. Sau đó đấp lên một lớp đất mỏng khoảng 1-2 cm. Biện pháp tốt nhất là trộn 50% đất và 50% phân hữu cơ để vun gốc. Khi thấy củ non lồi lên mặt đất thì vun gốc tiếp tục.
Chú ý: Phải thường xuyên theo dõi gừng, nếu thấy lồi củ thì vun gốc. Không nhất thiết phải vun gốc đồng loạt. Tránh trường hợp vun gốc quá dầy sẽ làm củ gừng vươn dài, ốm không đạt yêu cầu.
* Làm cỏ xới gốc: cần làm sạch cỏ dại, vì cỏ dại mang mầm bệnh lây lan cho gừng, kết hợp xới xáo làm cho đất thoáng xốp tránh được hiện tượng lèn đất giúp gừng sinh trưởng dễ dàng.
* Trồng xen: việc trồng xen trên ruộng gừng vào mùa khô có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc làm tăng thu nhập nó còn giúp giữ ẩm, che mát và thúc bách chúng ta tưới nước cho gừng.
Cây trồng xen được chọn phải là những cây háo nước, thời gian sinh trưởng dưới 2 tháng như: Dưa leo chuột, bắp nù... Nếu trồng Bắp nù thì khi thu hoạch chỉ nên thu trái chừa cây lại che mát cho gừng hoặc chỉ cần chặt nữa cây, dần dần khi gừng quen nắng mới chặt hết cây và phủ lại để giữ ẩm.
6. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
* Cào cào, châu chấu: chỉ cắn phá lá, gây thiệt hại không lớn, nên phun các loại thuốc có mùi hôi để xua đuổi chúng.
* Bệnh cháy lá: là bệnh rất phổ biến, có hai dạng
+ Cháy từ chóp lá vào: vết bệnh màu vàng cam thường không có hình dạng đặt biệt, bệnh phát triển mạnh tơ nấm sẽ chui vào nách lá tấn công xuống củ làm chết cả cây.
+ Vết cháy: lúc đầu nhỏ hình tròn đến bầu dục, trong vết bệnh có những chấm đen, sau đó vết bệnh lớn dần và kết dính lại với nhau làm cháy cả lá. Đặc điểm nhận dạng là vết bệnh luôn có các chấm đen. Phòng trị: Carbebzim, Tilt, Bavistin... theo liều chỉ định.
* Bệnh thối củ: đây là bệnh gây hại lớn nhất trên gừng và không có thuốc trị hữu hiệu. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanascerumEwinia sp. gây nên. Dùng thuốc gốc đồng để tưới vào rễ.
Triệu chứng: cây gừng đang xanh tốt, bổng dưng bị héo đột ngột vào giữa trưa, vài hôm sau toàn bộ cây bị vàng, khi nhổ lên đỉnh sinh trưởng sẽ có nhựa đục như sữa. Bệnh lây lan rất nhanh nếu thấy bệnh xuất hiện cần thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.
7. THU HOẠCH
Tiến hành thu hoạch khi củ gừng chưa có xơ, tuy nhiên cũng không quá non vì thu khi chế biến củ bị nhăn nhúm giảm chất lượng. Nếu chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ thì thu hoạch vào 110-120 ngày tuổi. Tiêu chuẩn củ thương phẩm:
* Loại I: Trọng lượng củ trên 200 g, đường kính chổ to nhất trên 4 cm, không có xơ.
* Loại II: Trọng lượng củ dưới 200 g, không xơ, hoặc đường kính củ chổ to nhất nhỏ hơn 4 cm.
Khi thu hoạch rữa sạch sẽ, chặt cây chừa lại 2 cm. Chú ý không làm gẫy củ vì củ gẫy nhỏ sẽ làm giảm tỉ lệ loại I.