Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định tạm thời về sản xuất rau "vệ sinh an toàn thực phẩm" với các tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến:

- Hàm lượng Nitrat (NO3-)

- Hàm lượng một số kim loại nặng chủ yếu là As, Pb, Hg, Cu, Cd.

- Mức độ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng đường ruột: E. coli, Samonella, trứng giun đũa),

- Và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải ở dưới mức quy định của FAO và WHO.

Qua kết quả nghiên cứu thực nghiệm và triển khai sản xuất nhiều năm có kết quả, chúng tôi đã xây dựng thành công quy trình cụ thể để thực hiện sản xuất "rau an toàn" trên diện tích đại trà nhằm đảm bảo cung cấp cho số đông người tiêu dùng trong nước và tiến tới phục vụ cho xuất khẩu.

1. Quy trình kỹ thuật làm giảm hàm lượng nitrat có trong sản phẩm

Xuất phát từ cơ sở khoa học, cây trồng hút đạm ở dạng NO3- hay NH4+ cũng phải chuyển thành NH4+ để kết hợp với glucid thành amino acid và động thái hút đạm của các loại rau, việc bón đạm thực hiện theo những quy trình sau.

- Các loại rau có thời gian trồng (từ khi trồng đến khi thu hoạch) lớn hơn 4, 5 tháng phải ngừng bón đạm vào tháng thứ 3.

- Các loại rau có thời gian trồng khoảng 3 tháng phải ngừng bón đạm vào tháng thứ 2.

- Các loại cây có thời gian trồng trên 1 tháng phải ngừng bón đạm khoảng 20 - 25 ngày trước khi thu hoạch.

- Các loại cây ăn quả thu hoạch nhiều lần phải thực hiện ngừng bón đạm trước khi thu khoảng 5-7 ngày. Sau mỗi lần thu hoạch mới bón đạm tiếp, phải đợi quả thuần thục để NH3- trong cây chuyển sang dạng NH4+ tạo thành amino acid.

- Ðối với rau ăn quả non phải bón đạm tập trung sớm trước khi thu hoạch đợt quả đầu, sau mỗi đợt thu hoạch chỉ bón phân hữu cơ. Nếu thấy hiện tượng thiếu đạm mới bón phân urea, nhưng chỉ bón với lượng thấp (50-60 kg/ha).

2. Quy trình kỹ thuật làm giảm hàm lượng nguyên tố nặng trong sản phẩm

Xuất phát từ khả năng giữ chặt các nguyên tố nặng trong điều kiện đất thoáng khí, tơi xốp, quy trình được xây dựng như sau:

Phải thực hiện tốt biện pháp xới xáo theo từng thời kỳ được hướng dẫn trong biện pháp canh tác.

Sau khi gieo trồng xong phải phủ rơm rạ, trấu sau đó để lại và rắc vôi khoảng 20-25 kg/ha để phân hủy thành mùn humic và humin. Do hàm lượng mùn cao đất hình thành cấu tượng tốt, nên đất thoáng tạo điều kiện ôxyhoá. Các nguyên tố nặng sẽ bị giữ chặt.

3. Quy trình làm giảm ký sinh trùng

Phải bón phân xuống đất, không được tưới phân hữu cơ lên cây, lên sản phẩm.

Tuyệt đối không được dùng phân tươi. Phân phải được ủ theo kỹ thuật ủ nóng (ủ xốp) để giết các nguồn ký sinh trùng.

Ðể thay thế nguồn phân hữu cơ, dùng rơm, rạ trấu phủ luống và kết hợp bón khoảng 20-50 kg vôi bột rắc lên các chất phủ.

4. Quy trình kỹ thuật bảo vệ thực vật (không dùng các hóa chất BVTV và giảm dùng các thuốc BVTV vi sinh)

a. Ðể đảm bảo vừa trừ được sâu bệnh mà không phải dùng các hóa chất độc và giảm tối đa hàm lượng các độc tố do thuốc vi sinh phải thực hiện kỹ thuật phun cụ thể đối với sâu. Mỗi loại sâu có các tập tính khác nhau, kỹ thuật phun cụ thể cho từng loại sâu cũng khác nhau:

- Các loại sâu có tập tính ăn và nằm ở phần trên của lá như bọ nhảy, bọ rùa, sâu đo, sâu khoang, bướm trắng? chỉ cần phun với liều lượng thấp và dùng bép bơm có hạt nhỏ thì khả năng tiếp xúc vẫn cao và tỉ lệ chết cao.

- Các loại sâu có tập tính nằm dưới lá nhưng nằm ở các tầng lá dưới và khả năng di chuyển kém như rầy, rệp? Phải dùng bép to, khi phung phải phun cho vòi xuống tầng thấp. Nếu phát hiện sớm thì chỉ cần phun xung quanh chỗ có sâu và xung quanh khoảng 1-2 m2. Phòng khả năng có trứng đã đẻ rồi nhưng chưa nở.

- Ðối với loại ẩn nấp kẽ lá, bẹ lá và các khe hẹp, ít di chuyển như nhện đỏ. Ðối với loại này chỉ cần tập trung phun thật kỹ vào các ổ nhện bằng bép to để có thể thấm sâu vào trong kẽ lá tăng khả năng tiếp xúc.

- Ðối với những loại sâu dưới kẽ lá hoặc ẩn nấp bằng cách nhả tơ như sâu tơ hoặc giả chết như loại bọ cánh cứng thì phải dùng liều cao phun hạt lớn. Thuốc có thể chảy xuống các khe, kẽ để tiếp xúc với sâu. Ðối với sâu giả chết có thể phun xuống đất.

- Ðối với những loại sâu nằm dưới đất như sâu xám phải tưới thuốc sâu ngấm sâu đến chỗ sâu đang ẩn nấp.

- Ðối với sâu đục thân, đục lá, đục quả, đục hoa thì phải phun bằng hạt to liều lượng lớn ở thời kỳ bắt đầu phát hiện bướm để có thể giết trứng, sâu non mới nở trong kẽ lá, hoa, quả. Có thể dùng bơm hai bép cho dòi đục lá để trừ ruồi, dòi và trứng trong lá.

Dùng thuốc BT xử lý nồng độ 0,1% để phun không pha đặc hơn.

Phải thực hiện phun phòng ngay từ khi trồng hoặc phát hiện thấy sâu xuất hiện.

Ðối với mỗi loài sâu tuy thực hiện kỹ thuật khác nhau nhưng phải phun ướt đẫm vào vị trí cần phun.

b. Ðối với bệnh phải thực hiện kỹ thuật cụ thể cho từng loại bệnh

Nhóm bệnh xâm nhập và gây bệnh trên thân, lá, hoa, quả mà các bộ phận này nằm ở phía trên của cây. Nhóm bệnh này lan truyền và gây bệnh nằm ở các vị trí thuốc dễ tiếp xúc nên có thể phun bép nhỏ.

Nhóm bệnh xâm nhập và gây bệnh trong các khe, kẽ, bẹ lá, lá có nhiều nếp nhăn, lá có nhiều lông và các loại cây có mô biểu bì, thụ bì dày che khuất các vết bệnh bên trong và dễ đọng nước là điều kiện cho bệnh phát triển. Phải phun bằng bép bơm có hạt to, liều lượng lớn để cho thuốc có thể thấm vào các khe kẽ lá.

- Nhóm bệnh gây trên các loại cây có thân thẳng đứng, khi phun thuốc dễ bị rửa trôi thì phải phun bằng bép bơm có hạt nhỏ để cho thuốc bám lâu trên cây không bị trôi và phải phun trên chu kỳ dày hơn.

- Nhóm bệnh phát triển ở dưới đất thì khi phun phải kết hợp phun với xới xáo, vun đất cho kín phần cổ rễ, rễ mà bệnh có thể xâm nhập.

- Nhóm bệnh phát sinh và phát triển bên trong các bộ phận của cây, thì phải phun phòng thường xuyên để ngăn không cho bệnh thâm nhập.

Trên đây là kỹ thuật phun nói chung cho tất cả các loại thuốc, nhưng đối với thuốc vi sinh hoạt hóa do chúng có khả năng thấm vào trong cây và hình thành như là các chất tự kháng bệnh nên kỹ thuật phun không cần phải thật khắt khe như phun thuốc hóa học, mà hiện nay đang dùng.

Ngoài ra có thể phân nhóm bệnh theo sự phát triển của bệnh theo thời tiết và tốc độ phát triển của bệnh thì phải phun theo dự đoán thời tiết, theo chu kỳ gió mùa (chu kỳ hòan lưu)).

Dùng thuốc BVTV vi sinh hoạt hóa nồng độ 20 ppm không phun đặc hơn. Phải thực hiện phun phòng ngay từ đầu hoặc khi phát hiện có vết bệnh hoặc trước khi thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh và phát triển (xem và phun theo lịch ngày bắt đầu thay đổi thời tiết).

Trên đây là quy trình kỹ thuật sản xuất "rau an toàn" đầu tiên được xây dựng theo quy định dự thảo về sản xuất rau "vệ sinh an toàn thực phẩm". Quy trình căn cứ vào các cơ sở khoa học và thực tiễn áp dụng kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn và hiện nay đã đạt được những kết quả tốt. Trong quá trình áp dụng mở rộng trong sản xuất, quy trình kỹ thuật sản xuất "rau an toàn" sẽ tiếp tục được bổ sung để ngày càng hoàn chỉnh hơn.


DOANH CHÍNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét