Năm 2011, sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá có nhiều thuận lợi, tạo tiền đề cho việc đầu tư canh tác vụ lúa đông xuân 2011-2012. Tuy nhiên, mực nước lũ dâng cao, tình hình sâu bệnh, khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp... là những nguy cơ đe dọa vụ lúa đông xuân 2011-2012. Mới đây, tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2011-2012 tại các tỉnh Nam Bộ”, tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, các chuyên gia đầu ngành đã sớm đưa ra những biện pháp chỉ đạo sát sao, kịp thời cho vụ lúa đông xuân 2011-2012... * Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Rà soát cơ cấu giống, thời vụ và mùa vụ trên toàn vùng” Trong vụ đông xuân 2011-2012, để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá (VL&LXL) cho sản xuất lúa ở Nam Bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động xây dựng và hướng dẫn cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sinh thái theo phương châm: tinh giản số giống, mỗi tiểu vùng chỉ xây dựng 5-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 3-4 giống triển vọng mới. Thực tiễn sản xuất cho thấy, trong năm 2011, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa nhiễm nhẹ rầy nâu và chống chịu khá với bệnh VL&LXL đã mang lại hiệu quả thiết thực trong từng mùa vụ ở các địa phương. Song song đó, các địa phương cần xác định vụ thu đông là vụ lúa chính trong cơ cấu những vùng sản xuất lúa 3 vụ ở ĐBSCL.Từ đó, từng bước sắp xếp lại thời vụ và mùa vụ của lúa hè thu và thu đông theo hướng chuyển dần diện tích sản xuất lúa hè thu không hiệu quả, năng suất thấp sang canh tác lúa thu đông hoặc giảm diện tích xuống giống lúa hè thu sớm trong tháng 2, 3 chủ động xuống giống lúa hè thu trong tháng 3, 4 trên nguyên tắc đảm bảo tổng diện tích sản xuất lúa trong năm không giảm... * Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Không để rầy nâu có điều kiện tích lũy mật số gây hại đến các trà lúa đông xuân 2011-2012” Nhìn chung, trong cả 3 vụ lúa năm 2011, công tác phòng chống dịch hại lúa ở các tỉnh phía Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, so với giai đoạn 2006-2010 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đến vụ hè thu năm 2011 dịch bệnh VL&LXL bùng phát (tháng 5 và 6-2011) trở lại và tỷ lệ nhiễm tăng cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân tái bùng phát dịch là do xuống giống lúa xuân hè quá sớm (trong tháng 2) và xuống giống liên tục (trong tháng 3) nên toàn bộ diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi trùng khớp với đợt rầy di trú rộ cuối vụ đông xuân. Do vậy, trong vụ lúa đông xuân 2011-2012, ngay từ đầu vụ, các tỉnh, thành cần liên tục theo dõi bẫy đèn kết hợp điều tra giai đoạn phát dục của rầy nâu trên các trà lúa và hướng gió để dự báo thời điểm rầy di trú, từ đó thông báo đến các địa phương lịch xuống giống tập trung, né rầy. Đối với diện tích lúa thu đông-mùa 2011 còn lại chưa thu hoạch, ngành nông nghiệp các địa phương cần nắm chặt diễn biến của rầy nâu ngoài đồng, vận động nông dân trừ rầy tại các nơi có mật số rầy nâu cao, không để cho rầy nâu có điều kiện tích lũy mật số gây hại và lan truyền bệnh VL&LXL sang các trà lúa đông xuân 2011-2012. * Ông Trần Gia Khảm, Trưởng phòng phía Nam Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Theo dõi tình hình lũ rút, củng cố bờ bao để xuống giống kịp thời nhằm né hạn và xâm nhập mặn”. Nước lũ tại ĐBSCL dâng cao, rút chậm, thời gian ngập lũ kéo dài, lượng nước trữ trên lưu vực nhiều, do vậy, mùa khô năm nay lưu lượng nước thượng nguồn các dòng chính về sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu mùa khô xảy ra thời tiết bất lợi như: nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất vụ lúa đông xuân 2011-2012. Do đó, để chủ động và đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, các địa phương vùng ĐBSCL cần theo dõi sát tình hình lũ rút, củng cố bờ bao, tiến hành bơm tác... để xuống giống kịp thời nhằm né hạn và xâm nhập mặn. Ngoài ra, mỗi tỉnh, thành thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đồng thời xây dựng phương án phòng chống hạn và xâm nhập mặn. Song song đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến thời tiết, nguồn nước để chính quyền và nhân dân địa phương chủ động phối hợp trong công tác chống hạn và xâm nhập mặn. * Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: “Nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào thâm canh cây lúa”. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là một trong những chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được phát động trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải được tổ chức, sắp xếp phù hợp với thực trạng, yêu cầu từ thị trường; phương thức tổ chức vừa giải quyết tốt vấn đề về an ninh lương thực trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu... Thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là một bước ngoặt quan trong việc tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng ổn định, đồng nhất thông qua mối liên kết “4 nhà”. Vì thế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam luôn vận động, khuyến khích các thành viên tích cực tham gia mô hình này qua việc hỗ trợ, cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phơi sấy, tạm trữ... cho nông dân. Song song đó, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào thâm canh cây lúa sẽ góp phần rút ngắn sự chênh lệch về năng suất giữa các thửa ruộng, các vùng sản xuất, từ đó nâng cao năng suất bình quân toàn vùng... MỸ THANH (lược ghi) |
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét