Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Kế hoạch sản xuất lúa Đông Xuân 2011-2012

GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Nhận định – đánh giá vụ lúa Đông Xuân 2011 – 2012:
+ Thuận lợi:
- Nhiều chủ trương đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang đi vào đời sống.
- Tình hình sản xuất lúa và xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, tạo đà cho việc đầu tư canh tác lúa Đông Xuân 2011 – 2012.
- Lợi nhuận trong sản xuất lúa đang đạt mức cao, nông dân có tích lũy và tái sản xuất được tốt.
- Cơ cấu giống lúa đang dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, năng suất bình quân gia tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở cả trong và ngoài nước.
- Các chương trình ”Cánh đồng mẫu lớn”, ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP đang dần phát huy tác dụng, kích thích nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tham gia.
+ Khó khăn:
- Rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lávẫn còn là mốinguy cơ trong sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2011 – 2012.
- Nước lũ năm 2011 vẫn còn là mối lo ngại cho việc tổ chức sản xuất lúa Đông Xuân 2011 – 2012 tại một số vùng sản xuất của các huyện đầu nguồn bị ngập lũ.
- Tình hình vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thường biến động vào cuối năm, nhất là đầu vụ xuống giống lúa Đông Xuân.
2. Thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân 2011-2012:
- Xây dựng lịch xuống giống né rầy dựa vào thời gian rầy di trú kết hợp với điều kiện khí tượng thủy văn, dự kiến lịch thời vụ xuống giống 2 đợt lúa chính vụ lúa Đông Xuân 2011-2012 như sau:
+ Đợt I: 17/11-23/11/2011 (22/10-28/10 âm lịch).
+ Đợt II: 16/12-22/12/2011 (22/11-28/11 âm lịch).
Hiện nay, do lũ kéo dài, nước rút chậm nên nhiều diện tích, nhất là địa bàn trũng ngập sâu nếu không chủ động bơm tát, rút nước thì khó đảm bảo gieo sạ lúa theo đúng lịch vụ. Gieo sạ vụ lúa Đông Xuân trễ, sẽ bị hạn vào cuối vụ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Các địa phương cần khẩn trương tu bổ hệ thống bơm, theo dõi tốc độ nước rút, huy động nguồn lực để tích cực bơm tát rút nước, nơi có điều kiện bơm tát, nên gieo sạ trong tháng 11 theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích gieo sạ trễ sau 30/12/2011.
3. Cơ cấu giống:
- Bố trí cơ cấu giống Đông Xuân 2011 - 2012 hợp lý, diện tích sử dụng giống xác nhận lên trên 80%. Chú ý khuyến cáo nông dân không sử dụng lãng phí lượng lúa giống gieo sạ, thực hiện phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua của Bộ Nông nghiệp và PTNT là mỗi địa phương cần xác định cơ cấu giống gồm 3 - 5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 3-4 giống triển vọng mới:
+ Giống chủ lực: Jasmine 85, OM 2517, OM 4218, OM 4900.
+ Giống bổ sung: IR 64, VD 20; OM 6561, OM 1490.
+ Giống triển vọng: OM 6073, OM 5472; OM 6162.
4. Tăng cường công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp:
- Củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa các cấp, tăng cường công tác chỉ đạo, nhất là về lịch thời vụ và phân công cán bộ bám sát địa bàn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ.
- Theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn, cơ cấu giống, lịch thời vụ, điều tra dự báo phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống, dự kiến tình hình phát sinh dịch hại trên lúa và có biện pháp hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời không để dịch hại phát triển, gây hại trên diện rộng, đồng thời tiến hành điều tra diễn biến tình hình phát sinh phát triển của các đối tượng sâu hại chính trên rau màu, cây ăn trái.
- Nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình dịch bệnh. Ngoài rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần chú ý đến các đối tượng dịch hại khác như: ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, chuột, hiện tượng ngộ độc hữu cơ, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn, bệnh cháy bìa lá,... Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng trừ theo hướng an toàn sinh thái.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa tình trạng buôn bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Kiểm tra định kỳ trung bình 1-2 đợt/vụ lúa.
5. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho nông dân, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 04 đúng.
- Mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, áp dụng sổ tay ghi chép sản xuất lúa VietGAP tại các huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, huyện Vĩnh Thạnh (qui mô 300 – 500 ha) và quận Thốt Nốt (qui mô 50 - 150 ha/mô hình), mỗi quận, huyện có ít nhất 1 mô hình ngay trong vụ Đông xuân 2011- 2012, và 2 mô hình trong vụ Hè Thu 2012 nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với giá thành hạ, quy mô lớn gắn kết với tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường tập huấn kiến thức thị trường để người sản xuất có định hướng đúng đắn khi xác định giống lúa cần trồng, tuân thủ quy luật cung cầu và an toàn dịch bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, công ty sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ban ngành đoàn thể địa phương để khuyến cáo các tiến bộ kỹ thuật về phân hữu cơ, phân (thuốc) vi sinh, biện pháp phòng trừ sinh học, chất kích kháng giúp nông dân áp dụng vào sản xuất nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Tiếp tục triển khai “Xây dựng và triển khai mô hình sản xuất chế phẩm sinh học MA trong quản lý rầy nâu tại nông hộ” tại huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt.
- Ứng dụng “Công nghệ sinh thái” – trồng cây có hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch, ong ký sinh phòng trừ rầy nâu, sâu cuốn lá…; không hoặc ít phun thuốc trừ sâu giảm chi phí trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
6. Triển khai các đề tài, dự án giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất cây trồng:
- Tiếp tục triển khaiDự án Chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh (Metarhizium anisopliae) tại nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa tại thành phố Cần Thơ”tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, quận Ô Môn để quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lúa tại thành phố Cần Thơ một cách hiệu quả và theo hướng sinh thái bền vững.
- Triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ và sử dụng phân hữu cơ phân sinh học phục vụ sản xuất lúa theo hướng bền vững tại thành phố Cần Thơ” tại huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt.
- Triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP” tại ấp Thầy Ký - thị trấn Thạnh An - huyện Vĩnh Thạnh - thành phố Cần Thơ.
nguồn:http://www.sonongnghiepcantho.gov.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét