Hỏi-Đáp


10. Hành tôi trồng sắp đến giai đoạn thu hoạch, phần gốc lá hoặc trên thân xuất hiện những đốm trắng, kéo dài ra sau đó cây gãy gục. Đó là bệnh gì, cách phòng trị?

Bệnh đó là bệnh thán thư trên hành do nấm Colletotrichum spp. gây ra. Bệnh gây hại nặng trong mùa mưa. Bệnh còn gây hại nặng trên lá hành làm lá bị cháy và gãy ngang chỗ bị bệnh. Bệnh gâ hại cả trên hành củ.
Vết bệnh xuất hiện bất cứ vị trí nào trên hành (lá hoặc thân), lúc đầu vết bệnh có hình tròn màu trắng xám, sau đó vết bệnh kéo dài ra, có màu vàng nhạt, vết bệnh khô, hơi lõm xuống. Trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm, trên các vòng đồng tâm có những chấm nhỏ màu đen bóng.
- Trồng với mật độ vừa phải, lên liếp cao và thoát nước tốt cho ruộng hành trong lúc mưa.
- Bón phân đầy đủ và cân đối, cần tăng cường bón lót phân hữu cơ hoai mục.
- Thu gom những cây hành bị bệnh đem tiêu hủy.
- Phun thuốc khi bệnh gây hại cho hành bằng một trong những loại thuốc sau: Copper B 75 WP, Benlate 50 WP, Antracol 75 WP, Daconil 75 WP, Ridomil MZ 72 WP với liều lượng 15-30g/8 lít, phun 7-10 ngày/lần.

9. Chăm sóc trái dưa hấu như thế nào để cho trái phát triển đều và có màu sắc đẹp? 

Để trái dưa hấu tốt về hình dáng bên ngoài, tăng giá trị thương phẩm cân chú ý chăm sóc trong giai đoạn mang trái. Khi trái lớn băng trái cam, nếu giống dưa trái tròn, trái phát triển trong giai đoạn nắng nên sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều, còn giai đoạn mưa nên để trái nằm ngang tránh đít trái tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt dễ bị nấm bệnh tấn công, chỉ nên để trái đứng khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch.
Lót kê trái để hạn chế thối đít trái và giúp trái phát triển thuận lợi. Trong quá trình trái phát triển thỉnh thoảng trở bề để trái tròn đẹp và màu vỏ trái xanh đều, tránh bị sâu bệnh tấn công dưới dít trái.

8. Cách trồng cây dưa hấu?

Nếu trồng từ bầu đất thì cây con được 6-10 ngày tuổi vừa lú một lá thật (lá nhám) đem trồng ngay, tưới đẩm nước trước khi đem cây con ra đồng, mạnh dạn loại bỏ cây con yếu, phát triển không bình thường. Đào hốc sâu 5-7 cm, rộng 10 cm, bón phân lót, xong rãi một lớp đất mịn, rồi rãi một lớp tro trấu. Pha Copper B nồng độ 4% hoặc Kitazin 2% tưới lên hố để phòng ngừa bệnh trước khi đặt cây con hoặc gieo hột thẳng; để ngừa dế, sâu cắn phá cây con cần rãi Basudin 10H hoặc Regent 3G từ 1-2 kg/1.000m2 xung quanh gốc khi đã trồng cây. Nếu trồng dưa sớm khi còn mưa nên đặt bầu cạn "bầu nổi" giữ nguyên lá chuối, chèn đất xung quanh, khi cây lớn vun đất xung quanh gốc giúp cây con ít bị ngẹt rễ.

7. Tại sao trồng dưa hấu cần úp nụ mà dưa leo thì không?

Hoa dưa hấu và dưa leo giống nhau là hoa đơn tính, nằm đơn độc ở nách lá, hoa đực và hoa cái trên cùng một cây, khoảng 25 ngày hoa bắt đầu nở và nở liên tục trên thân chính và nhánh, số lượng trái trên cây có thể đến 10 trái. Hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng như ong, bướm.
- Trồng dưa hấu thì phải úp nụ bởi vì mỗi cây dưa hấu chỉ giữ một trái, trái ăn chín, trái càng to thì càng có giá trị, nên người trồng dưa phải chủ động úp nụ, lấy trái đúng vị trí trên thân thì trái phát triển đúng mong muốn mới cho hiệu quả cao.
- Trồng dưa leo không cần úp nụ bởi vì dưa leo ăn trái non, không cần trái thật to nhưng càng nhiều trái càng tốt, trái mọc bất kỳ vị trí nào trên cây nên chỉ cần để tự nhiên cho ong, bướm đến thụ phấn là đủ đạt hiệu quả cao ngay trong mùa mưa.

6. Các giống dưa hấu trồng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay?

Các giống có năng suất và phẩm chất cao, được ưa chuộng trong sản xuất ĐBSCL như:
Sugarbaby: Giống thụ phấn tự do nhập Mỹ, Thái Lan, Nhật, Đan Mạch, ... đã được trồng từ lâu đời có trái tròn, nặng từ 3-7kg, vỏ màu xanh đen, mỏng, cứng, thuận tiện chuyên chở đi xa, ruột đỏ thắm, ngọt, dễ bọng ruột, hột nhỏ và ít, chu kỳ sinh trưởng 65-70 ngày, năng suất bình quân 1,8-2,5t/1.000m2.
An Tiêm: Là dưa hấu lai F1, sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng với thời tiết, chống bệnh tốt, dễ ra hoa, đậu trái, trái to 6-9kg năng suất cao và phẩm chất ngon. Gồm các giống ruột đỏ, năng suất cao 3,0-4,5 t/1.000m2, thời gian sinh trưởng ngắn 70-75 ngày như An Tiêm 94: trái có sọc xanh đậm; An Tiêm 95: vỏ đen có sọc mờ; An Tiêm 98: sọc xanh và giống ruột vàng như An Tiêm 100, trái tròn, nặng 2-3 kg, năng suất 2,5-3,0 t/1.000m2 .
Giống Hồng Lương: Giống lai F1, vỏ màu xanh nhạt, có sọc xanh đậm, trái nặng trung bình 5-6 kg, năng suất 3,0-4,5 t/1.000m2, ruột đỏ, nhiều nước, vỏ quả mỏng nhưng cứng, thuận tiện chuyên chở, kháng bệnh tốt, thích hợp cho một số vùng trong vụ hè thu, chu kỳ sinh trưởng 65-70 ngày.
Giống Xuân Lan: Giống lai F1, vỏ màu xanh nhạt, có sọc xanh đậm, trái trung bình 2-3 kg, ruột vàng, rất ngọt, trồng mật độ dầy gấp đôi dưa Sugar baby, vòng đời 65-70 ngày.
Giống An Tiêm: Giống lai F1, vỏ xanh có sọc thưa màu xanh đậm trung bình, vỏ dày trung bình, ruột trái màu đỏ đẹp, chắc thịt, chất lượng ngon thích hợp thị hiếu người tiêu dùng, có sức phát triển mạnh, trái nặng trung bình 2-3 kg, thời gian sinh trưởng 60-65 ngày.

5. Trong mùa mưa giá ớt rất cao nhưng khó trồng. Vậy trồng như thế nào để đạt hiệu quả? 

Ớt có thể trồng quanh năm nhưng mùa nắng cho năng suất cao nhưng giá thấp, còn mùa mưa cho lợi tức rất cao nhất là trong những tháng nước ngập mặc dù sâu bệnh nhiều và năng suất thấp. Để đạt hiệu quả cao trong mùa mưa bà con trồng ớt cần chú ý:
- Chọn giống giống trái nhỏ, chỉ thiên ít bị bệnh thán thư (thối trái) hơn ớt sừng hướng địa.
- Không nên trồng quá dầy vì tạo độ ẩm cao, bệnh dễ phát sinh.
- Chọn đất cao ráo, thoát nước tốt, cần lên liếp cao.
- Nên phun thuốc phòng ngừa bệnh thối trái trong thời gian mưa nhiều.

4. Cho biết đặc tính của một số giống ớt trồng phổ biến hiện nay?

Hiện nay thị trường có rất nhiều giống, mỗi giống thích hợp với vùng sinh thái và mùa vụ khác nhau. Một số giống ớt cay trồng phổ biến ở ĐBSCL hiện nay:
* Nhóm chỉ thiên (trái hướng lên trời): Trái nhỏ, được dùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, trồng nhiều trong mùa mưa vì trái nằm khơi trên mặt lá; khô ráo và thông thoáng nên ít bị sâu ẩn núp tấn công cũng như ít bị bệnh, nhất là bệnh thối trái trong mùa mưa vì vi sinh vật gây bệnh không có điều kiện thuận lợi để phát triển..
- Ơt cay (F1) TN 16 của công ty Trang Nông: Gieo đến thu lần đầu 90 ngày, trái chín đỏ tươi, rất cay, trái dài 6-7 cm, đường kính 0,5-0,6 cm, trọng lượng trái trung bình 2-3 g/trái, cây cao 70-75 cm, đậu trái nhiều, kháng bệnh thúi trái, sinh trưởng mạnh.
- Ớt hiểm lai (F1) 207 của công ty Hai Mũi Tên Đỏ: trái chín màu đỏ tươi, rất cay và thơm, trái thẳng dài 2-3 cm, năng suất cao 2-3 kg trái/cây, chống chịu khá với bệnh thán thư. Hiện được bà con huyện Châu Thành, Chợ Mới tỉnh An Giang trồng nhiều.
- Ớt hiểm địa phương: trái rất cay, chiều dài trái 2-3 cm, cây sinh trưởng khỏe, kháng bệnh thán thư rất tốt, trồng thuận lợi nhất trong mùa mưa, năng suất không cao nhưng nông dân tự để giống dễ dàng.
* Nhóm chỉ địa (trái hướng xuống đất): Đa số trái to, cay ít đến cay trung bình, được dùng nhiều trong các quán ăn, sử dụng dạng xắt lát mỏng ăn tươi hoặc làm tương ớt dạng bầm nhỏ hay xay. Trái hướng xuống đất, nằm dưới bộ lá rậm rạp, thường dễ bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt trong mùa mưa đuôi trái bị đọng nước nên thiệt hại do bệnh thối trái (thán thư) rất cao, mưa nhiều, nước trong đất thừa, cây hút nước nhiều, trái dễ bị nứt.
- Ớt cay Chilli (F1) của công ty Trang Nông: giống lai F1, trái suông dài 12-15 cm, đường kính 1,2-1,4 cm, thịt dầy, trái chín màu đỏ tươi, nặng trung bình 15-16 g/trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ít bị thối trái, cây cao 75-85 cm. Hiện trồng nhiều ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long và Cần Thơ.
- Ớt cay (F1) Hot Chilli của công ty Hungnong (Hàn Quốc): trái to, dài 13-15 cm, nặng 18-20 g/trái, thịt dầy, cây phát triển mạnh, ít bị bệnh héo rũ, cháy lá, thán thư, trái suông, chín tập trung.
- Ớt cay lai F1 số 20 của công tay Giống Cây Trồng Miền Nam: Trái to dài, chín tập trung, sinh trưởng mạnh, ít bị bệnh xoăn đọt do siêu vi khuẩn.
- Ớt sừng trâu địa phương: trái hơi cong ở đầu, dài 10-15 cm, cho năng suất thấp 8-10 t/ha, chỉ bằng phân nửa so với giống lai F1, dễ bị bệnh thán thư và xoăn đọt do siêu vi khuẩn.
- Ớt hiểm địa phương (chỉ địa): trái hướng xuống, thẳng, thon dài 3-4 cm, chót đuôi trái nhọn, cay nhiều.

3. Trên trái ớt vào giai đoạn già đến chín, trong mùa mưa thường có những vết đen trên trái, làm trái bị thối và rụng. Đó là bệnh gì, cách phòng trị ?

Bệnh thường gây hại nặng trong muà mưa và có nhiệt độ cao, mùa nắng bệnh ít gây hại hơn.
Bệnh thường gây hại trên trái từ già đến chín, nếu giống mẫn cảm bệnh gây hại cả trên trái non.
Vết bệnh lúc đầu là những đốm tròn có màu xanh đậm, sau đó vết bệnh lớn dần có hình tròn hoặc bầu dục, vết bệnh lõm xuống có màu vàng nhạt đến trắng xám hoặc đen.
Nếu vết bệnh có màu trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosporioides; C. capsici; C. acutatum; C. cocodes).
Nếu vết bệnh có màu đen không có vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.
- Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái và thu lượm tất cả các trái bị bệnh đem tiêu huỷ. Nếu không bệnh lây lan ngày càng nặng thêm và phun thuốc trị sẽ không hiệu qủa.
- Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 - 3 năm.
- Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.
- Tránh trồng ớt trong mùa mưa và nên trồng ớt chỉ thiên để hạn chế được bệnh.
- Phun một trong các loại thuốc sau Copper B 75 WP, Benlate 50 WP, Mancozeb 80 WP, Antracol 70 WP, Daconil 75 WP với nồng độ 0,2 - 0,5% khi bệnh gây hại. Phun 7-10 ngày/lần, trong mùa mưa nên pha thêm chất bám dính vào thuốc khi phun xịt.

2. Cải tôi trồng (cải xanh, cải xà lách) thường phần gốc bị úng nước, sau đó nhũn ra làm cây gãy gục, và chết. Đó là bệnh gì, cách phòng trị?

Bệnh đó được gọi là bệnh thối gốc có hạch, do nấm Rhizoctonia solani gây ra Bệnh thường tấn công vào giai đoạn cây tăng trưởng mạnh, ở những nơi cây phát triển mạnh, tươi tốt trong liếp.
Bệnh thường gây hại trên những liếp dùng rơm lúa để tủ liếp. Vết bệnh xuất phát từ gốc cây cải, có màu xanh đậm, sau đó lan dần lên trên vùng bị bệnh có màu xám đen, phần trên của cây cải vẫn còn xanh tươi nhưng gãy gục. Vào những ngày có nhiều sương hoặc sáng sớm, ta có thể thấy lớp tơ màu trắng bám nơi vết bệnh, vết bệnh bị nhũn ra. Vài ngày sau quan sát vùng đất nơi cải bị bệnh, hoặc trên thân cây cải có những hạch màu vàng nâu bám xung quanh đó.
- Không dùng rơm lúa bị bệnh đốm vằn để tủ liếp.
- Không tưới nước vào lúc chiều mát, không dùng nguồn nước từ mương lục bình để tưới cho ruộng cải.
Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện, bằng một trong các loại thuốc sau: Copper B 75 WP, Benlate 50 WP, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP, Bonanza 100 SL với liều lượng10-30cc(g)/8 lít phun 7-10ngày/lần.

1. Trên lá cải thường bị cháy ở rìa lá, vùng cháy thường có màu đen và khô giòn khi trời nắng, hoặc bị thối nhũn khi có mưa. Đôi khi vùng bệnh lan vào đến nửa lá. Đó là bệnh gì, cách phòng trị?

Bệnh trên tạm gọi là bệnh thối bìa lá cải do nấm Choanephora sp. gây ra, thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc vào những ngày có ẩm độ cao, bệnh lan nhanh làm nhũn lá. Những ngày khô ráo, có nắng vùng bị bệnh khô giòn, bệnh lan chậm hoặc không lan ra. Trong những ngày có ẩm độ cao ta thấy phần thối có tơ màu trắng mọc thẳng ra ở phần cuối có phần phìn ra màu đen.
- Không trồng dày, lên liếp cao, thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Hạn chế hoặc không tưới nước vào buổi chiều mát khi có bệnh xuất hiện.
Phun một trong các loại thuốc sau Champion 77 WP, Ridomil 72 WP, Macozeb 80 WP, Curzate M8 72 WP, Score 250 EC với nồng độ 0,2-0,5% khi bệnh xuất hiện, phun 7-10 ngày/lần.