Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria, vi khuẩn này không thể nuôi cấy trong môi trường nhân tạo, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên đọt non, hoa.
- Bệnh chổi rồng cây nhãn tại DBSCL
Bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung (Eryophyes dimocapi). Khi nhện xâm nhập đẻ trứng vào mặt dưới lá búp, chúng tiết ra chất có tác dụng làm biểu bì lá phát triển thành nhiều lông nhỏ mịn như nhung, nên gọi là “nhện lông nhung”. Mặc dù nhện lông nhung xâm nhập, gây hại ngay từ khi đọt non mới nhú ở các đầu cành, nhưng dấu vết bị hại chỉ lộ rõ để mắt thường có thể nhận biết lúc lá non hình thành. Lá, hoa, trái non có một lớp lông mịn bao phủ, nhện sống trong lớp lông. Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ nên nông dân không thể thấy, nếu không có kính lúp. Khi không có đọt non chúng chích hút trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng. Một trong những nguyên nhân phát tán bệnh là do các bộ phận bệnh sau khi chặt bỏ không được gom tiêu hủy và vệ sinh vườn.
Đối với bệnh chổi rồng cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp, trong đó quan trọng nhất là biện pháp vệ sinh vườn.
- Không lấy mắt ghép, vật liệu nhân giống từ những cây có triệu chứng bệnh. Ở những vùng nhãn tiêu quế bị nhiễm chổi rồng nặng có thể áp dụng ghép thay giống nhãn xuồng cơm vàng.
- Phải xử lý dụng cụ nhân giống, dụng cụ cắt tỉa sau khi thu hoạch, khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh hiện tượng lây lan.
- Khi phát hiện trong vườn có bệnh chổi rồng, nên cắt tỉa bỏ tất cả các chồi hoặc chùm bông bị bệnh (tùy theo tuổi của cây nhãn mà cắt dưới vị trí bị bệnh từ 20-50cm), gom lại và tiêu hủy (đốt bỏ hoặc chất thành đống phun thuốc trừ nhện rồi phủ nylong), đây là khâu rất quan trọng. Sau khi cắt phải phun thuốc trừ nhện lên tán lá ngay. Tránh để cành, lá, trái tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây.
- Nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón bổ sung cho nhãn hàng năm vào giai đoạn sau khi cắt tỉa cành. Bón đầy đủ dinh dưỡng, cân đối để cây phát triển khỏe cũng hạn chế bệnh phát triển. Nên xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, khỏe để dễ quản lý nhện.
- Có thể sử dụng một số loại phân qua lá để chồi non hay phát hoa phát triển nhanh và mạnh tạo sức chống chịu tốt đối với bệnh.
- Phun nước bằng vòi phun áp lực cao lên tán cây cũng hạn chế mật số nhện lông nhung.
- Việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ nhện cũng rất cần thiết. Sau khi cắt tỉa bỏ các phần bệnh, cây vừa nhú đọt non, phun thuốc trừ nhện như: Kumulus 80DF, Pegasus 500ND, Ortus 5SC,… phun lại lần 2 nếu nhãn ra đọt không đều. Giai đoạn nhãn ra hoa, phun lại thuốc trừ nhện. Có thể sử dụng một số loại phân bón lá để chồi non hay phát hoa phát triển nhanh và mạnh tạo sức chống chịu tốt đối với bệnh. Khi quản lý được nhện càng triệt để thì biện pháp phòng trừ càng có hiệu quả.
Chú ý: Phải sử dụng thuốc luân phiên, vì nhện có tính kháng thuốc rất cao. Các biện pháp trên cần được thực hiện theo phương châm “cộng đồng và đồng loạt” thì việc phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn mới đạt hiệu quả cao.
Nguyệt Anh - http://www.dost-bentre.gov.vn/cay-trai-ben-tre/cay-nhan/2524-benh-cho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét