Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Trồng lúa "1 phải 5 giảm", lợi nhuận cao

“1 phải 5 giảm” Tức là phải sử dụng giống xác nhận để SX lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận.

[http://agriviet.com]

Nông dân tham quan mô hình 1 phải 5 giảm do Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư Trà Vinh thực hiện trong vụ lúa hè thu 2011

Đã đến lúc người trồng lúa cần xác định phương châm “1 phải 5 giảm”. Tức là phải sử dụng giống xác nhận để SX lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thanh Long, Tổ trưởng tổ SX lúa ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cù (Trà Vinh) cùng với 19 nông dân trong ấp đang ứng dụng phương pháp trồng lúa “1 phải 5 giảm”, cho biết: Từ phương pháp “3 giảm, 3 tăng” nâng lên “1 phải 5 giảm” rất thuận lợi cho nông dân. Theo đó, khâu giảm nước, giảm công thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch đã góp phần cho nhà nông thu lợi rất lớn mà từ lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước kia, cứ thấy mặt ruộng vừa khô là bơm nước vào, còn bây giờ áp dụng phương pháp đặt ống nước để theo dõi, khi nào thấy nước xuống thấp hơn mặt ruộng 20 cm thì mới bơm nước. Nhờ kỹ thuật mới này giúp nhà nông giảm khoảng 300.000 đồng/ha chi phí bơm nước. Đối với công lao động, khi áp dụng biện pháp giảm nước thì mặt ruộng đảm bảo khô ráo cho máy gặt đập liên hợp hoạt động trong vụ hè thu. Thu hoạch 1.000 m2 bằng máy gặt đập chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, còn thu hoạch thủ công thì tăng rất cao. Công đoạn nào giảm được chi phí thì đó là lợi nhuận tăng thêm.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà Vinh cho biết: Với mục tiêu nâng cao tiến bộ KHKT từ 3 giảm 3 tăng lên 1 phải 5 giảm. Tức là phải sử dụng giống xác nhận hoặc nguyên chủng; còn giảm giống, phân đạm, thuốc BVTV, giảm nước hợp lý, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sấy để giảm thất thoát. Trong vụ hè thu năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng mô hình ứng dụng 1 phải 5 giảm trong SX lúa tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú. Tổng kinh phí thực hiện 295.400.000 đồng, trong đó dân đóng góp 225.400.000 đồng. Khuyến nông, khuyến ngư hỗ trợ 70.000.000 đồng kinh phí giống, phân bón, thuốc BVTV, tập huấn, hội thảo...

Sau 100 ngày ứng dụng 1 phải 5 giảm vào SX 20 ha lúa tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn đã cho kết quả làm hài lòng nông dân: chi phí phân bón giảm 294.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 1.000.000 đồng/ha, bơm tát giảm 300.000 đồng/ha, chi phí thu hoạch giảm 1.700.000 đồng/ha thất thoát trong thu hoạch giảm 7% (từ 10% xuống còn 3%). Năng suất ước đạt từ 6,8 đến 7,3 tấn/ha cao hơn năng suất trong vùng là 5,3 tấn/ha.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện chương trình, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn các hộ ghi chép đầy đủ nhật ký SX lúa vào sổ tay giống theo hướng VietGAP. Mục tiêu của khuyến nông Trà Vinh từng bước giúp nông dân làm quen với qui trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn theo VietGAP. Trên cơ sở ghi chép này, 20 nông dân ấp Bến Thế, xã Tân Sơn đã tính được giá thành sản xuất lúa ứng dụng 1 phải 5 giảm là 2.276 đồng/kg, giảm 1.008 đồng/kg (giảm 30%) so với sản xuất đại trà trong vùng là 3.284 đồng/kg.

Trong đó, việc giảm giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, chi phí thu hoạch đã góp phần rất lớn trong việc hạ giá thành sản phẩm. Lợi nhuận trong mô hình đạt 40.064.000 đồng/ha cao hơn 21.964.000 đồng/ha so với sản xuất đại trà tại địa phương là 18.100.000 đồng/ha. Mặt khác, hiệu quả về xã hội là đẩy nhanh tiến độ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đặc biệt là sau thu hoạch, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thu hoạch lúa, tiến tới hợp tác sản xuất hàng hoá cung ứng cho thị trường. Xã hội hoá công tác giống ở địa phương và cung cấp cho thị trường trên 140 tấn giống đạt cấp xác nhận.

Tác động với môi trường: chương trình áp dụng 1 phải 5 giảm sẽ hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng. Việc ứng dụng quy trình 1 phải 5 giảm vào SX lúa chất lượng ngay từ bây giờ là rất thiết thực. Hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường là hướng phát triển bền vững cho cây lúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét