Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CÂY LÚA VIỆT NAM LỜI GIỚI THIỆU

PGS.TS. Bùi Bá Bổng
Thứ trường Bộ Nông nghiệp và PTNT


Lúa là cây trồng cổ truyền của Việt Nam và là cây trồng quan trọng nhất hiện nay vì diện tích gieo trồng lúa chiếm đến 61% diện tích trồng trọt cả nước và 80% nông dân Viêt Nam là nông dân trồng lúa. Gạo là lương thực thiết yếu hàng đầu của người Việt Nam vì 100% của dân số 87 triệu người không ai không ăn gạo hàng ngày từ người thu nhập thấp đến người thu nhập cao, từ nông thôn đến thành thị.

Chính vì tầm quan trọng của lúa gạo, thời gian qua Chính phủ Việt Nam luôn luôn đặt phát triển lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp và đã có những đầu tư thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, nhờ vậy chỉ trong vòng 30 năm đã biến nhiều vùng đất khó khăn trở thành những vùng đất trồng lúa trù phú cho đất nước, mà điển hình nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ và khuyến nông đối với cây lúa và các chính sách hỗ trợ nông dân. Nhìn lại 20 năm qua, sản xuất lúa ở Việt Nam đã có những tựu đặc biệt ấn tượng, mà dấu mốc lịch sử là năm 1989, khi Việt Nam, một nước thiếu lương thực lần đầu xuất hiện là nước xuất khẩu gạo với số lượng lến đến 1 triệu tấn và sau đó, từ 1990 đến 2010 sản lượng lúa từ 19 triệu tấn tăng lên 40 triệu tấn, xuất khẩu gạo từ 1,6 triệu tấn tăng lên 6,7 triệu tấn, trong bối cảnh diện tích đất lúa năm 2010 đã giảm 380.000 ha nếu so với năm 2000. Năng suất lúa bình quân toàn quốc đã tăng từ 3,18 tấn/ha năm 1990 lên 5,3 tấn/ha năm 2010. Từ năm 2002 đến nay, năng suất lúa bình quân của Việt Nam luôn dẫn đầu các nước ASEAN và ít nhất trên nửa triệu ha năng suất lúa Việt Nam đạt trên 7 tấn/ha trong vụ Đông Xuân là mức năng suất lúa tiên tiến của thế giới hiện nay.

Những thành tích nêu trên là có thật, nhưng chúng ta không thể không day dứt vì những lẽ nông dân trồng lúa chưa có thu nhập tương xứng do những hạn chế trong phát triển sự liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu của ngành lúa gạo nước ta và trong chuỗi giá trị lúa gạo người nông dân ở thế thiệt thòi nhất, do cơ sở hạ tầng phục vụ sau thu hoạch, tồn trữ, chế biến lúa gạo còn nhiều yếu kém dẫn đến chất lượng gạo thấp, giá gạo xuất khẩu thấp.

Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo nước ta đang bước vào thời kỳ có nhiều thử thách mới, trong đó có các thử thách nội sinh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các thử thách mang tính thời đại như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Những năm gần đây, diện tích đất lúa nước ta giảm rất nhanh do nhu cầu sử dụng làm khu công nghiệp, giao thông, nhà ở, v.v. hoặc chuyển sang làm vuờn cây, nuôi trồng thủy sản. Trong vòng 10 năm từ 2000 đến 2009 diện tích đất lúa đã giảm 380 nghìn ha. Diện tích lúa còn tiếp tục giảm theo tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp, an ninh lương thực lâu dài của đất nước sẽ bị đe dọa khi dân số nước ta mỗi năm tăng trên 1 triệu người. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu các vùng sinh thái vùng trồng lúa sẽ mất cân bằng nghiêm trọng khi nguồn nước cho canh tác trở nên ít hơn, hạn hán, lũ lụt nhiều hơn, xâm nhập mặn sâu hơn, mật độ bộc phát dịch sâu bệnh hại lúa cao hơn, v.v.

Trước các thử thách nêu trên, ngành lúa gạo Việt Nam phải có những đổi thay lớn để tạo ra bước phát triển mới cho giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Trong bối cảnh này, cuốn sách Cây Lúa Việt Nam - tập III do GS. TS. AHLĐ Nguyễn Văn Luật chủ biên được phát hành tiếp theo tập I và tập II; đây là một bộ sách cung cấp các tư liệu và thông tin rất bổ ích về lúa gạo Việt Nam được biên tập rất công phu và nghiêm túc. Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến quý độc giả.

Hà Nội, tháng 8 năm 2011
PGS.TS. Bùi Bá Bổng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét