Tuy nhiên, vì khả năng gây hại không lớn do chỉ tấn công trên lá lúa non trong vòng 20 ngày đầu sau khi sạ, rồi trưởng thành và bay đi tìm nguồn lúa non khác, nên đã không cần phải chú ý để phòng trừ trong việc áp dụng biện pháp IPM hiện nay. Gần đây thì hiện tượng giòi đục lá nầy lại gia tăng và các kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy có triệu chứng lá lúa bị tấn công theo cách khác hơn của loài giòi đục lá thông thường: không phải lá chỉ bị cháy vàng từ ngoài bìa vào mà còn có thêm nhiều đường đục màu trắng ở ngay giữa phiến lá, nếu nhìn kỹ sẽ thấy có con giòi màu vàng lợt hay con nhộng màu nâu đậm đang sống ở bên trong đường đục.
Sau khi đi kiểm tra đồng ruộng và khảo sát kỹ trong phòng thí nghiệm chúng tôi đã phát hiện đây là một loài giòi đục lá mới tên Hydrellia griseola, cũng cùng họ và chi với giòi đục lá thông thường nhưng khác loài và cùng tấn công trên lúa non ở một số địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang.
Gọi là mới vì chúng chỉ mới xuất hiện gần đây (sau H. philippina) chứ thật ra chúng đã được ghi nhận gây hại trên nhiều loại cây trồng từ rất lâu ở nhiều nước khác trên thế giới, kể cả lúa trồng ở Mỹ và Úc. Nhưng trong các nước ở Á châu, từ khi có lúa cao sản ngắn ngày như IR8 trở đi thì loài H. philippina chiếm ưu thế trên ruộng lúa cấy vì con ruồi của loài này có đặc tính là dễ phát hiện cây lúa non khi có ánh sáng phản chiếu từ mặt nước ruộng.
Hai loài này rất tương cận nhau về hình dạng nên rất khó phân biệt như:
1. Trứng rất nhỏ, màu trắng đẻ trên mặt lá lúa non, nở trong vòng 2-3 ngày.
2. Giòi màu trắng hơi ngã vàng, dài 3-6 mm, đầu nhỏ, đuôi lớn hơn có mang hai gai nhọn ở cuối bụng xuôi về phía sau. Chỉ khác là sau khi nở thì giòi của H. philippina bò xuống và chui vào trong đọt lúa để ăn lá non còn cuốn lại rồi làm nhộng ở ngay trong nách lá, còn giòi của loài H. griseola thì đục vào trong phiến lá để ăn thành những đường hầm ngoằn ngoèo màu trắng trên mặt lá, rồi khi lớn đủ thì làm nhộng có dạng một đốm đen dài nằm ngay bên trong đường hầm. Thời gian giòi phát triển và tấn công cây lúa kéo dài độ 7-10 ngày thì hóa nhộng.
3. Cũng giống như giòi, nhộng dài 5-7 mm và cũng có hai đuôi nhọn ở cuối bụng. Thời gian nhộng lâu độ 5-7 ngày thì trưởng thành ra con ruồi nhỏ độ chừng 1/3 kích thước của con ruồi nhà, màu nâu xám, hai cánh xếp dọc trên lưng chớ không hơi giang rộng như ruồi nhà, thường thấy đậu ở trên lá lúa hay ngay trên mặt nước của ruộng mạ. Ruồi sống độ 7-10 ngày và đẻ khoảng 100 trứng rải rác trên mặt lá lúa non.
Cách tấn công và gây hại cây lúa của cả hai loài giòi đều không đáng phải diệt trừ bằng thuốc hóa học vì lá của cây lúa non có khả năng phục hồi rất tốt. Tuy nhiên cũng cần nên theo dõi chặt chẽ để có biện pháp khống chế kịp thời vì hiện nay cả hai loài lại xuất hiện và gây hại cùng lúc trên một ruộng lúa, nhất là trong điều kiện lúa sạ thưa. Ngoài ra, loài nầy thường xuất hiện và gây hại trên ruộng mạ có nước ngập sâu nên lá lúa có thể chết nếu không kịp tháo bớt nước cho bẹ lúa kịp hồi phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét