Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Biện pháp phòng trừ nhện gié gây hại trên lúa

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện trở lại của nhện gié trên lúa đã gây hại ngày càng tăng về diện tích, làm giảm năng suất lúa ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Nhện gié có tên khoa học là Steneotarsonemus Spinki (họ Tarsomidae, bộ Acari), còn các nhà khoa học IRRI gọi là “panicle mite” có nghĩa là thiệt hại do chúng gây ra chủ yếu là trên gié lúa.

Đặc điểm hình thái và sinh học của nhện gié

Nhện gié có kích thước rất nhỏ, thành trùng cái dài khoảng 0,3 mm, con đực có kích thước nhỏ bằng 1/3 con cái. Tuy nhiên chúng thật sự là “lực sĩ”, khi bắt cặp con đực cõng con cái trên lưng và di chuyển lên xuống trong bẹ lá đi tìm nơi hạnh phúc. Nhện cái đẻ trung bình 50 trứng, trứng không thụ tinh nở thành con đực, trứng thụ tinh nở thành con cái. Nhện đẻ bao nhiêu trứng thì nở bao nhiêu con nên chúng nhân mật số rất nhanh, nhất là khi thời tiết có nhiệt độ cao như trong vụ hè thu vào khoảng tháng 5 - 6. Trứng nở 1 - 2 ngày, ấu trùng 2 - 3 ngày, thành trùng sống khoảng 5 -10 ngày tùy theo điều kiện thức ăn và nhiệt độ.

Đặc điểm lây lan và gây hại

Sau khi thu hoạch lúa, nhện gié lưu tồn trên lúa chét hoặc gốc rạ cặp theo bờ ruộng. Từ đây chúng lây lan vào ruộng lúa, ruộng nào sạ dầy thì chúng lây lan và phát triển mật số nhanh hơn. Nhện cũng được tìm thấy lưu tồn trong các bụi lúa rày mọc ven đường lộ hoặc các bờ đê, bởi nhện gié nhỏ hơn hạt bụi nên gió mang chúng đến và có thể mang chúng trở lại ruộng lúa.

Nhện gié gây hại trên hầu hết các bộ phận cây lúa. Nhưng nơi sinh sống và nhân mật số nhiều nhất là ở bẹ lá lúa. Chúng tấn công lần lượt từ bẹ lá ngoài lúc lúa còn nhỏ đến bẹ lá cờ khi lúa đã trổ. Thể hiện bên ngoài là triệu chứng nám bẹ màu nâu như vết cạo gió và cuối cùng là gié lúa non. Hậu quả là gié lúa thường bị trổ nghẹn, nhánh gié cong queo, hạt lúa biến dạng. Nếu mật số cao chúng vào bông lúa vừa trổ gây hại nhụy hoa làm hạt lúa bị lép hoàn toàn.

Biện pháp phòng trừ tổng hợp
-
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân nên rải rơm đều trên mặt ruộng rồi đốt, cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn nhện ban đầu, chú ý tiêu diệt hết các cây lúa gốc, lúa rày cặp theo bờ đê.
- Gieo sạ thưa, sạ hàng vừa hạn chế nhện lây lan và một số loài dịch hại khác. Quản lý mực nước ruộng luôn đầy đủ, tránh để khô hạn.
- Khi phát hiện nhện gié nên phun các loại thuốc hóa học như Kinalux 25 EC, Virtako 40 WG, Padan 95 SP để phòng trừ. Có thể phun 2 lần cách nhau 10 ngày. Vì nhện sống trong bẹ lá lúa nên cần phải phun lượng nước tối thiểu 3 bình 16 lít/công

Khi phun thuốc cần chú ý:
-
Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát vì tập quán di chuyển của nhện gié thường bò ra khỏi bẹ lá lên phiến lá vào ban đêm, cơ hội nhện trúng phải thuốc trên lá lúa nhiều hơn
-
Không nên phun thuốc khi lúa đã trổ rồi vì nhện không thể gây hại gié lúa đang vào chắc.
-
Trước khi phun thuốc phải cho nước vào ngập ruộng càng cao càng tốt để nhện di chuyển lên trên dễ bị trúng thuốc hơn

ThS. Trần Khắc Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét