Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Vĩnh Long: Tập huấn phòng trừ “sâu lạ” hại khoai lang

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có kế hoạch tập huấn nông dân về biện pháp phòng trừ sâu đục củ khoai lang.
Người trồng khoai điêu đứng vì “sâu lạ” tấn công. Theo đó, một số biện pháp nhằm quản lý “sâu lạ” được ngành chuyên môn khuyến cáo là không trồng nhiều vụ khoai liên tiếp để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu hại, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, cho đất nghỉ và ngâm đất ít nhất 20 ngày để diệt ấu trùng và một số sâu bệnh hại khác lưu tồn trong đất. Khi có sâu xuất hiện, cần đưa nước vô ruộng ngập chân giồng khoai trước khi phun thuốc lưu dẫn để tiêu diệt,… Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và PTNT, hiện có đến hàng ngàn hecta khoai lang bị sâu đục củ, gây thiệt hại từ 15 - 20% sản lượng. Theo THÀNH LONG báo Vĩnh Long

Đau đầu với sâu lạ hại khoai lang

Không chỉ chịu cảnh rớt giá, hàng ngàn hộ nông dân trồng khoai tại vùng chuyên canh khoai lang huyện Bình Tân, Vĩnh Long đang đau đầu với một loại sâu lạ tấn công. Với những củ khoai to, đạt tiêu chuẩn xếp vào loại 1 (loại xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc) nhưng khi bị loại sâu này đục vào đều bị xếp vào loại dạt, bán với giá rất thấp. Nông dân vùng chuyên canh khoai lang huyện Bình Tân đang đau đầu với một loại sâu lạ tấn công. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch khoai (ảnh minh họa) - Ảnh: Trung Chánh 60 kg khoai = 15.000 đồng Chưa kịp mừng vì giá khoai lang tím Nhật tăng trở lại, lên mức 380.000 – 400.000 đồng/tạ (tạ tính 60 kg) so với 180.000 – 200.000 đồng/tạ so với trước thì hiện bà con nông dân trồng khoai lại một phen đau dầu vì bị một loại sâu lạ gây hại. Trong những ngày này, đâu đâu ở vùng chuyên canh khoai lang của huyện Bình Tân, Vĩnh Long cũng nghe bà con nông dân bàn tán, than phiền ruộng khoai bị thiệt hại nặng do sâu lạ gây ra. Ông Nguyễn Văn Chín, ấp Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long ngao ngán nói: “Sâu lạ không biết ở đâu ra mà nhiều như vậy, nó đục vào củ khoai làm củ khoai lẽ ra được xếp loại 1 bị thương lái dạt xuống loại chót”. Hiện khoai lang bị loại sâu lạ này tấn công được thương lái mua với giá rất thấp, khoảng 15.000 đồng/tạ đối với những ruộng khoai ở gần đường giao thông và 10.000 – 12.000 đồng/tạ đối với những ruộng khoai nằm sâu trong đồng. Trong khi đó, nếu không bị sâu lạ đục vào loại khoai này được thương lái mua với giá đến 380.000 – 400.000 đồng/tạ. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp huyện Bình Tân, Vĩnh Long, chỉ riêng xã Tân Thành đã có trên 200 héc ta diện tích trồng khoai bị loại sâu lạ này gây hại trên tổng số 1.800 héc ta diện tích đất trồng khoai của xã. Tuy nhiên, nếu tính toàn huyện thì có cả ngàn héc ta đất trồng khoai bị thiệt hại bởi loại sâu này. Tỉ lệ thiệt hại khác nhau, ít hay nhiều là tùy thuộc vào từng ruộng và điều kiện canh tác của từng hộ nông dân nhưng theo thống kê ban đầu của ngành nông nghiệp huyện Bình Tân thì dao động từ 40 – 60% so với tổng sản lượng khoai thu hoạch được. Ông Phan Ngọc Sáng, cán bộ bảo vệ thực vật của xã Tân Thành xác nhận: “Thật ra loại sâu lạ này xuất hiện cách đây vài năm rồi nhưng tỉ lệ thiệt hại lúc đó rất thấp, chỉ 1- 2% thôi, tuy nhiên năm nay lại bùng phát mạnh”. Chưa xác định được đây là sâu gì Theo mô tả của nông dân trồng khoai tại huyện Bình Tân, sâu lạ này có kích thước chừng 2 cm, to bằng cây tăm nhang, có màu xám đen, trên thân có lông tơ nhỏ. Loại sâu này thường tấn công vào củ khoai tạo trên bề mặt củ khoai có nhiều lỗ thủng sâu, làm giảm giá trị khi bán. Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam nói: “Trước giờ tôi vẫn chưa thấy con sâu này, chỉ mới nghe tiến sĩ Vàng (Tiến sĩ Lê Văn Vàng, khoa Nông nghiệp Sinh học Ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ) nói đây là con thuộc họ bọ đuôi kìm mà nông nông gọi là con sùng đinh. Nông dân gọi là con sùng đinh bởi vì củ khoai lang thiệt hại giống như khi họ đội rổ khoai lang té trong thùng đinh gây nên vậy”. Theo tiến sĩ Chiến, bây giờ ông vẫn chưa biết loại sâu lạ này ra làm sao nên chưa có kinh nghiệm phòng trừ vì vậy chưa biết được thuốc nào có thể phòng trị. “Trước giờ tôi cũng chưa thấy, chưa gặp mặt nó nữa chỉ mới thấy hiện tượng là củ khoai lang bị đục lỗ vậy thôi. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu loại dịch hại này để xác định chính xác đây là loại dịch hại gì rồi mới đưa ra biện pháp phòng trừ ra sao”, tiến sĩ Chiến khẳng định.